Các nhóm Kitô hữu đồng ý với nhau về những điều luật cho công việc truyền giáo

Các nhóm Kitô hữu đồng ý với nhau về những điều luật cho công việc truyền giáo

Bản hướng dẫn nói đến việc lợi dụng cảnh nghèo và thừa tác vụ trị liệu

WGPSG/ZENIT -- GENEVE, Thụy sĩ, 30-6-2011 -- Hội đồng Tòa thánh Vatican về đối thoại liên tôn và hai tổ chức khác, cùng đại diện cho khoảng 90% người Kitô hữu trên hành tinh, đã đạt được đỉnh cao của cuộc nghiên cứu 5 năm với một văn kiện chung về cách hành xử truyền giáo phù hợp.

Thông cáo báo chí hôm nay từ Hội đồng Giáo hội Thế giới đã công bố việc ban hành “Chứng tá Kitô hữu trong một thế giới đa tôn giáo: những đề nghị về cách hành xử”.

Văn kiện 5 trang này là thành quả của 5 năm đối thoại giữa Hội đồng Giáo hội Thế giới (WCC), Hội đồng Giáo Hoàng về đối thoại liên tôn (PCID) và Liên hiệp Tin Mừng Thế giới (WEA). Tài liệu bắt đầu bằng việc xác định “Sứ vụ truyền giáo nằm trong chính sự hiện hữu của Giáo Hội”. “Công bố Lời Chúa và làm chứng nhân cho cả thế giới là việc thiết yếu của mọi Kitô hữu. Đồng thời, thật cần thiết phải làm theo những nguyên tắc Phúc âm, với lòng tôn trọng và tình bác ái đối với mọi người.”

Bản tuyên ngôn nói tiếp về 12 nguyên tắc, ghi rõ những điểm như là: “Những hành động phục vụ, chẳng hạn như giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, nâng đỡ ủi an, các hoạt động cho công lý và bênh vực biện hộ là phần thiết yếu của việc làm chứng cho Tin Mừng. Không được phép lợi dụng những hoàn cảnh nghèo khổ thiếu thốn để phát triển Kitô giáo. Các Kitô hữu phải lên án và chận đứng mọi hình thức lôi cuốn, bao gồm những tưởng thưởng và động cơ tiền bạc, trong những hoạt động phục vụ của họ”.

Một nguyên tắc khác liên quan đến thừa tác vụ trị liệu: “Các Kitô hữu cần thực hiện các thừa tác vụ trị liệu của mình như là phần thiết yếu của việc làm chứng cho Tin Mừng. Họ được mời gọi để thi hành những thừa tác vụ này cách sáng suốt, khi tôn trọng đầy đủ phẩm giá con người và bảo đảm là việc dễ bị tổn thương của dân chúng và nhu cầu điều trị của họ không bị lợi dụng”.

Không phủ nhận bất cứ điều gì chân thật và thánh thiện

Văn kiện đã đưa ra năm đề nghị cụ thể, dưới nhan đề là nghiên cứu, xây dựng, khuyến khích, hợp tác, mời gọi và cầu nguyện.

“Khuyến khích” được giải thích với lời mời gọi các Kitô hữu “tăng cường căn tính tôn giáo và đức tin của họ trong khi đào sâu kiến thức và hiểu biết về các tôn giáo khác, và làm như thế cũng có nghĩa là phải quan tâm đến quan điểm của những người tha thiết trung thành với các tôn giáo đó. Các Kitô hữu nên tránh trình bày sai lạc (bóp méo) niềm tin và cách sống đạo của những người thuộc tôn giáo khác”.

Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về đối thoại liên tôn đã nói đến bổn phận của các nhà lãnh đạo Kitô giáo là “đề nghị một cái nhìn đối thoại lớn hơn”.

Ngài nhắc nhở rằng nguyên tắc của Công giáo là “không phủ nhận bất cứ điều gì chân thực và thánh thiện trong mọi tôn giáo”.

Những cuộc họp của WCC, PCID và WEA đã đưa tới việc hình thành “Chứng nhân Kitô trong một thế giới đa tôn giáo” được tổ chức ở Lariano, Ý vào năm 2006, ở Toulouse, Pháp vào năm 2007 và ở Bangkok, Thái Lan vào tháng Giêng này.
 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top