Buổi sinh hoạt chuyên đề "Thi ca trong đời sống cầu nguyện" tại Trung tâm Mục vụ TGP. Sài Gòn
WGPSG -- Buổi sinh hoạt Chuyên đề “Thi ca trong đời sống cầu nguyện” của Học viện Mục vụ TGP TP.HCM đã diễn ra từ 9g đến 11g ngày 6-4-2019 tại Hội trường PX. Nguyễn Văn Thuận. Đây cũng được coi là buổi sinh hoạt chính thức đầu tiên của một Nhóm Văn Thơ Công Giáo tại Trung tâm Mục vụ (TTMV).
Thật ra Nhóm Văn Thơ này có tên rất quen thuộc là “Đồng Xanh Thơ Sài Gòn” hội tụ những văn, thi sĩ của Trang Dũng Lạc. Từ lời mời của Cố LM Dũng Lạc, anh chị em văn, thi sĩ có buổi gặp gỡ, giao lưu tại Tòa Giám mục Phan Thiết vào năm 2005, do LM Trăng Thập Tự (Võ Tá Khánh) thay mặt Cha Dũng Lạc (đang ở nước ngoài) điều hành.
Trong ngày hội này có mặt các văn, thi sĩ 3 miền Bắc, Trung, Nam, nên Cha TTT đặt cho mỗi vùng một Đồng Xanh Thơ. Vùng Sài Gòn có tên là Đồng Xanh Thơ Sài Gòn từ ngày ấy.
Vùng Sài Gòn vẫn duy trì và lưu giữ tên này, từ khi thành lập cho đến hôm nay, qua mấy đời cha linh hướng. Cha Giám học PX Bảo Lộc chính thức nhận làm linh hướng tứ tháng 9 năm 2015.
Nay Cha Giám học PX. muốn Đồng Xanh Thơ Sài Gòn cũng là một trong các hoạt động của TTMV. Và hôm nay xem như là buổi sinh hoạt đầu tiên của Đồng Xanh Thơ Sài Gòn thuộc TTMV.
Từ nay, cứ 2 tháng lại có một buổi thuyết trình theo chủ đề (năm 2019) như sau:
1. Thi ca trong đời sống cầu nguyện (6/4: Dzuy Sơn Tuyền, Thy Hoa, Sr. Mai Ân Thông)
2. Thi ca trong việc thực hành nhân đức (1/6: Cao Thái, Thùy Linh, Cha Hiền Lâm)
3. Thi ca trong việc sống các giá trị Tin Mừng (5/10: Tri Ân, C. Xuyến, Kim Hải Phạm Thị)
4. Thi ca trong niềm vui ân sủng (5/10: Tiếng Vọng, Ngọc Tuyết, Mặc Trầm Cung)
5. Thi ca trong việc sống chứng nhân (7/12: Vũ Thủy, Hoàng Công Nga, Hòa).
Và như thế hôm nay ngày 6/4/2019 là buổi thuyết trình với chủ đề “Thi ca trong đời sống cầu nguyện” do 3 thi sĩ phụ trách là:
- Thi sĩ Dzuy Sơn Tuyền trong bài: “Thi ca và cầu nguyện”
- Thi sĩ Thy Hoa trong bài: “Như một giọt thương”
- Đan sĩ Mai Ân Thông trong bài: “Vút cao lòng mến”
Mở đầu chương trình Cha Giám học TTMV cũng là Cha Linh Hướng của Đồng Xanh Thơ Sài Gòn, dâng giờ học hỏi này lên cùng Chúa. Xin Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy Hồng Ân Chúa trên mọi người có mặt trong giờ học hỏi này. Xin cho Thi ca mỗi ngày một phát triển tốt, để mọi người giúp nhau, cùng nhau ca Ngợi Thiên Chúa bằng những lời Thơ của chính tâm hồn mình dâng lên Chúa.
Phần 1: “Thi ca và cầu nguyện” – Dzuy Sơn Tuyền
Thi sĩ Dzuy Sơn Tuyền nhắc lại lời Thánh Gioan Vianney đã nói: “Lời cầu nguyện cần cho hồn ta như mưa cần cho mặt đất” và Thánh Augustino: “Cầu nguyện như là một nhu cầu cần thiết của con Tim…”.
Cầu nguyện là một sự liên lạc sống động giữa mỗi người với Thiên Chúa.
Cầu nguyện xuất phát từ trái tim vì thế cầu nguyện là một tâm tình của Trái Tim… Mỗi nhịp rung đều là những nhịp kỳ lạ đầy sáng tạo trong hơi thở Thần Khí, vì chính Thần Khí sẽ dạy cho ta cách rung nhịp để hòa điệu trong Tình Yêu Vĩnh Hằng. (Rm 8, 26-27).
Cứ thế nhịp rung trong Thần Khí sẽ tràn ra đầy ý thơ thanh khiết, những cung bậc diễm tuyệt để chúc tụng, thờ lạy, để cầu xin, chuyển cầu, để cảm tạ và ngợi khen….
Trong Kinh Thánh, những bài hát bằng Thơ Kinh lóng lánh màu ân sũng, nhất là Thánh Vịnh và Thánh ca Tin mừng như:
Suốt đời con hát tụng ca
Giơ tay cầu khấn danh Cha muôn đời. (Tv 6)
Chúa ơi chỉ lối con đi
Hồn con thao thức trăm bề ngổn ngang (Tv25-4)
Chúa là ánh sáng đời con
Là ơn cứu độ con còn sợ ai (Tv27-1)
Ai người gánh nặng sầu lo
Trút vào tay Chúa như tơ, nhẹ lòng (Tv71-9)
Chúa hằng che chở thiện nhân
Kẻ gian ác, Chúa cho phần diệt vong (Tv11-6)
Hoặc trong bài: “Bài Ca Ngợi Khen” (Magnificat):
Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi
Đã đóai nhìn phận hèn tỳ nữ…
Nhà Thơ Dzuy Sơn Tuyền còn trích dẫn những định nghĩa Thơ của các Nhà Thơ Ngoại quốc như: “Thơ đối với tôi là một phần thưởng hết sức to lớn; Thơ đã xoa dịu những nỗi sầu não; Thơ đã làm tăng gấp bội và thanh lọc những niềm vui của tôi; Thơ đã nâng niu nỗi cô đơn của tôi, và Thơ đã cho tôi thói quen ao ước khám phá ra Thiện và Mỹ trong mọi điều hội ngộ ở xung quanh tôi…" (Samuel Taylor Coleridge 1772-1834)
Như vậy, tác động Thơ rất mãnh liệt và sâu xa, có thề tạo những chuyển biến toàn diện trong con người.
Thơ ra đời vì nhu cầu của tâm linh con người muốn vươn tới Chân-Thiện-Mỹ và vì thế Thơ được coi là tiếng nói của Tâm linh. Khi nhịp rung của chúng ta cảm nhận được sự hòa điệu trong Thần Khí, cả con người chúng ta sẽ bật lên những âm vang tha thiết và dịu nhẹ của cõi lòng dang chiêm ngưỡng cung bậc của Vô Biên.
Và khi thật sự mở lòng ra với Vô Biên, chúng ta sẽ thấy mình quá nhỏ bé chỉ như hạt bụi giữa mênh mông… như bài thơ của chính tác gỉa:
Tôi
Hạt bụi nhỏ
Không tên
Vẫn là tuyệt tác vượt trên muôn loài
Cám ơn Người đã cho tôi
Thăng trầm một cõi
Buồn vui tháng ngày
Hạt bụi nhỏ vẫn bay… bay… (DST)
Thi sĩ Dzuy Sơn Tuyền kết thúc bài thuyết trình “Thi Ca và Cầu Nguyện” với bài thơ của nhà thơ Đinh Văn Tiến Hùng:
Lòng con đây giờ không còn do dự
Đất trời Thơ với muôn vật ngàn hoa
Đêm huyền diệu nhìn tinh tú ngợi ca
Ôi! Thượng Đế, Đại Thi Nhân Sáng Tạo!
Tôi không phải là Thi Nhân Công Giáo
Mà chỉ là người Công Giáo làm Thơ
Cuộc đời tôi cho đến tận bây giờ
Chỉ dâng thơ thay cho Kinh Cầu Nguyện.
Sau đó, nhà thơ Tiếng Vọng đã ngâm thơ bài “Hạt Bụi Nhỏ” của tác giã Dzuy Sơn Tuyền.
Phần 2: “Như một giọt thương” – Thy Hoa
Nhà thơ Thy Hoa chia sẻ:
“Trong cảm nhận cá nhân của con qua đời sống hằng ngày, việc CẦU NGUYỆN không chỉ là thói quen của người con cái Chúa, nhưng là một NHU CẦU TÂM LINH, phản ánh hình ảnh đích thực của một Kitô hữu trong môi trường sống của mình với các tương quan cần thiết trong đời .
Chính trong suy nghĩ ấy, người thi sĩ Công giáo cần phải có một NIỀM TIN vào Thiên Chúa, Đấng đã ban tặng cho ta cả vũ hoàn bao la này, và Người trao quyền quản cai vũ hoàn đó cho ta, để sự sống của thế giới nhờ ta mà tốt đẹp lên một cách tuần hoàn và đều đặn mỗi ngày.
Hiểu như thế, con khẽ nhủ thầm với Người :
Niềm tin con đặt trên môi
Dâng lên cho Chúa giữa đời sầu thương
Bước đi còn lắm đoạn trường
Không ngơi ca hát lòng Thương Xót Người
Dìu con tín thác Chúa ơi!
Dâng cao hy vọng nơi lời hằng sinh
Tin mừng phủ kín đời mình
Con đâu lo sợ mất tình Con – Cha.
Vực sâu đèo cả vượt qua
Nhờ Lòng Thương Xót bao la ngàn trùng
Dẫu đi trong gió bão giông
Kiên tâm con tựa nơi Lòng Xót Thương!
Việc cầu nguyện của người Kitô hữu phải được diễn tả đều đặn như một nhu cầu và một ước muốn, để những lời cầu nguyện của chúng ta như một LỜI KINH CUỘC ĐỜI dâng lên Thiên Chúa, thân thưa với Người, tỏ bày với Người, và để được lắng nghe tiếng thì thầm trong yêu thương của Người và của tình Cha_con âu yếm, chuyện trò.
Cứ thế, niềm tin yêu của người Kitô hữu sẽ luôn rực cháy, đan xen với những khát vọng được yêu thương; không chỉ cho riêng mình, nhưng là cho tất cả tha nhân, nhất là nơi những con người nhỏ bé khiêm nhu, còn thiếu thốn niềm tin vào cuộc sống hôm nay _ một cuộc sống đầy bất công, tham vọng, bạo tàn; mà họ chính là những nạn nhân đầu tiên bị bỏ quên giữa giòng đời vạn ngả đi về:
Nghiêng mình đi giữa chiều trôi
Người anh em nhỏ gánh đời trên vai
Liêu xiêu chân bước miệt mài
Miếng cơm manh áo mãi hoài trở trăn
Ghé vai xin được góp phần
Sẻ chia sức sống tương thân thắm tình
Long lanh Thiên ý đẹp xinh
Nước Cha trị đến thái bình trần gian.”
Và thi sĩ Thy Hoa kết thúc bài thuyết trình với tâm tình tha thiết:
“Vâng! LỜI KINH CUỘC ĐỜI của mỗi người chúng ta cứ như thế dâng lên ngai uy linh Cha cao sang, để hòa quyện với chân tình mến thương nơi những con tim giàu cảm xúc, góp thành chuỗi Kinh trầm lắng, ngân nga NHƯ MỘT GIỌT THƯƠNG dịu dàng và thánh thoát, âm vang khắp vũ hoàn, mà tán tụng, chúc khen vinh quang của Thiên Chúa vang rền…"
Phần 3: "Vút cao lòng mến" - Đan sĩ Mai Ân Thông
Đan sĩ Mai Ân Thông chia sẻ:
“Chiều sâu trong Thi ca nguyện cầu là sự tuôn chảy của tình yêu, là linh hồn, là sự đồng hình đồng dạng với Đấng Kitô…. Thật vậy, Thi ca là một nghệ thuật đầy sáng tạo, đề nâng cao tâm trí, để nâng cao cõi lòng đang trĩu nặng, bao âu lo với những thách đố đời thường của chúng ta.
Chiều sâu của Thi ca đó là sự gặp gỡ Đấng Tình Quân. Chính Ngài đã đến hôn lên từng nỗi đau, xóa nhòa, hàn gắn mọi tổn thương và nâng chúng ta lên trong lòng thương xót. Đó là nơi gặp gỡ để đón nhận muôn phúc lành trong thân phận làm người….”
Thi ca cũng còn gọi là Hát thơ. Đan sĩ vừa làm thơ vừa phổ nhạc, như bài “Xin Ban Cho Con” do chính Đan sĩ hát lên bài hát của mình sáng tác:
“Xin ban cho con hiệp nhất yêu thương, của Thánh Tâm Giêsu từ ái. Xin ban cho con giòng máu tinh tuyền, Một trái tim tình yêu Mẹ hiền….”
Đan sĩ nói về cuộc đời của người đan sĩ chỉ biết HÁT CA CẦU NGUYỆN. Một ngày Các Đan sĩ có 7g Hát Ca Cầu Nguyện. Hát rất tốn sức, còn mệt hơn là đi làm lao động, có người còn muốn trốn đi làm lao đông hơn là phài Hát Ca Cầu Nguyện. Vì thế cuộc đời người Đan sĩ cứ mãi vút cao với lời ca tiếng hát của mình như những cánh dìu trong gió bay lên, bay lên, bay lên mãi….
Đan sĩ Ân Thông thật sự cảm thấy hạnh phúc, lúc nào cũng cảm thấy mình đang bay, bay cao, bay vào Lòng Thương xót của Chúa:
“Hôm nay con đến đây, cùng nhau chia sẽ những trải nghiệm của chúng ta và cùng cầu nguyện cho nhau, để chúng ta cùng chấp cánh cho nhau bay và bay lên mãi…”
Thay lời kết, Đan sĩ hát bài Ca “Cánh Diều Bay” để kết thúc tâm tình “Vút Cao Lòng Mến”
Cuộc sống ở Đan viện của Đan sĩ Ân Thông cũng thu hút được một người thanh niên trẻ cùng học lớp Anh văn. Đan sĩ có mời anh thanh niên đến trong buổi diễn thuyết của mình, và mời anh lên có đôi lời nhận xét:
“Con là người ngoại đạo nhưng qua cuộc đời của các Đan sĩ, con cũng ao ước có những thay đổi trong đời con…”
Phần 4: Nhận xét
Đến phần Nhận xét góp ý của các thành phần tham dự qua một tờ góp ý nhỏ nhỏ được trao cho từng người:
- Viện Mẫu Xitô: Hôm nay tôi đến đây lần đầu tiên. Khi nghe các thi sĩ nói chuyện về “Thi Ca trong đời sống Cầu nguyện” tôi thấy cuộc sống ta lúc nào cũng ca cũng hát thật là lãng mạn. Xin chúc cho các thi sĩ mỗi ngày mỗi gần bên Chúa hơn qua thi ca các vị làm hằng ngày.
- Cha Phêrô Hoàng Đình Thành: Tôi thấy rất hay, rất xúc động. Hôm nay tôi thấy hơi ít người, ước mong lần sau tổ chức sẽ đông người hơn, tốt đẹp hơn...
- Mặc Trầm Cung hứa sẽ trở lại với Đồng Xanh Thơ góp một tý tài năng Chúa ban với các anh chị ĐXT.
- Hoàng Công Nga: Hướng theo Chúa Thánh Thần dìu dắt, làm việc tốt hơn và quên đi thật nhiều cái “tôi” của mình đẻ lời ca ngợi được Chúa thương nhậm lời….
- Một phóng viên Báo Công Giáo & Dân tộc: Con không biết nói gì hơn xin đọc lại bài thơ con đã làm và được đăng trong “Vườn Thơ Đạo” của Cha Trăng Thập Tự:
Kính Mừng… Lạy Chúa râm ran
Câu kinh Xuân nở cầu an lòng người
Một, hai trầm bổng đầy vơi
Hương kinh ẩn hiện đất trời thênh thang
Lắng lòng nghe một tiếng vang
Ơn thiêng rụng giữa mênh mang phận người!
(Kinh Xuân - Phan Thị Liên Giang)
Đa số ghi nhận xét là buổi diễn thuyết rất hay, là một sân chơi mới có phần hấp dẫn. Mọi người tán thành chương trình Diễn Thơ này và mong tiếp tục như chương trình đã lên lịch.
Một nhạc sĩ lên hát bài mình sáng tác qua những giòng thơ của nhà thơ Kim Hải
Cuối cùng, mọi người lên lễ đài chụp hình lưu niệm trong ngày đầu ra mắt với các thành viên, học viên trong Học viện Mục Vụ TGP. Sài Gòn.
bài liên quan mới nhất
- Thánh lễ tạ ơn mừng Ngân khánh linh mục Giuse Trần Văn Hiển SDB - 29-10-2024
-
Thánh lễ Tạ ơn mừng Bổn mạng và kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn -
Chúng ta đều cần đến nhau - Thông điệp từ phim “The Letter” -
Thông điệp phim "The Letter" được chiếu tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Ảnh hưởng niềm tin Kitô Giáo trên đời sống người Công Giáo -
Trung Tâm Mục vụ TGPSG: Tọa đàm “Đào tạo giáo dân và kinh nghiệm truyền giáo” -
Thánh lễ khai giảng - Học để hiểu hơn Mầu Nhiệm của Chúa -
Học viện Mục vụ TGPSG: Họp Tổng kết và Thánh lễ Bế giảng năm học 2023-2024 -
Đêm Thánh nhạc: Đấng Mêsia - Tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa -
Khai giảng khóa đào tạo Giáo lý viên và Huynh trưởng đặc cách
bài liên quan đọc nhiều
- Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn: Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2019
-
Tân linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, S.J. dâng lễ Tạ ơn -
Học viện Mục vụ: thông báo chiêu sinh các khóa học mới (Niên học 2022-2023) -
Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn: Thăm Mái ấm 'Tình Mẹ' -
Thông báo về các lớp nhạc và Thánh nhạc HKI năm học 2020-2021 -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn sinh hoạt trở lại từ 4-5-2020 -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn: Thông báo Tuyển sinh Học kỳ I nk. 2023-2024 -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn: Bế giảng năm học 2018-2019 -
Thông báo: Học viện Mục vụ tạm ngừng sinh hoạt từ ngày 2.2.2021 -
Học viện Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn tạm ngưng hoạt động đến hết ngày 1-3-2020