Bổn phận làm con
Cha mẹ còn sống cũng như đã mất vẫn cần được hiếu thảo. Trong cuộc sống, có những khi vì miếng cơm manh áo, vì nhu cầu cuộc sống mà đôi lúc chúng ta “quên” đi nguồn gốc của mình phải “ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây” hay “uống nước nhớ nguồn”… là những câu ca dao tục ngữ mà chúng ta đã từng được nghe, hoặc câu “vì ai mà có ta?” trong ca khúc Ơn Nghĩa Sinh Thành nổi tiếng của cố Ns Dương Thiệu Tước. Mọi người đều phải sống như thế nào cho xứng đáng trong bổn phận làm con cái.
Kinh Thánh dạy: “Phải thảo kính Cha Mẹ”. Còn Kinh Phật dạy: “Tột cùng của THIỆN, không gì hơn HIẾU. Tột cùng của ÁC, không gì hơn BẤT HIẾU”. Vật gì thì cũng phải có xuất xứ, có chủ. Chim có tổ, người có tông. Cha mẹ có gì cũng là người sinh thành, dù cho không dưỡng. Vì thế, đã là ĐẠO con người thì phải biết ĐẠO làm con, đừng bao giờ để các ngài phiền muộn, và phải biết tạo niềm vui khi các ngài ở tuổi xế bóng, vì người già thường cảm thấy cô độc. Chúng ta có thể tóm gọn trong 3 điểm:
Quan tâm – An ủi
Biết quan tâm cha mẹ là một phương diện của “hiếu thảo”. Quan tâm bằng cách hỏi han, quà cáp, chăm sóc, dù chỉ là những động thái rất đơn giản. Có quan tâm, con cái mới biết được cha mẹ đang vui hay buồn, nếu có uẩn khúc thì cũng tìm hướng giải quyết. Thời điểm thuận tiện là lúc cha mẹ đang ngồi một mình, hãy đến gần để “thủ thỉ”. Nên nhớ, dù đã trưởng thành, con vẫn là con, vẫn là đứa trẻ trước mặt cha mẹ. Vả lại, khi gần gũi, cha mẹ rất hạnh phúc vì được con cái quan tâm, không cảm thấy bị lạc lỏng.
Chịu đựng
Cuộc sống nhiêu khê và vất vả nên dễ làm con người bực tức. Có thể bị la mắng dù chúng ta không “quá đáng” khiến cha mẹ buồn lòng. Đừng vội “phản ứng” mà hãy giữ thái độ đúng đắn của cương vị làm con. Tuyệt đối tránh thái độ bất kính, vẫn ngoan ngoãn làm việc để chứng tỏ “đạo làm con”. Đợi khi thuận tiện, nhẹ nhàng phân tích để cha mẹ hiểu. Tốt nhất là nói vào lúc cha mẹ vui vẻ để tránh sự hiểu lầm. Tục ngữ đã có luật tuyệt vời: “Im lặng là vàng”.
Trọng tài
Ai cũng có lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Cha mẹ chúng ta cũng không ngoài quy luật thường tình đó. Khi “chiến tranh” xảy ra giữa cha mẹ, con cái có trách nhiệm quan yếu là làm “nhịp cầu”, làm “trọng tài” để giải hòa. Đã làm trọng tài thì không được thiên vị. Có thể mua một món quà cho mẹ dịp sinh nhật nhưng nói của cha tặng và ngược lại, hoặc tổ chức một bữa tiệc để thiết lập bình thường hóa quan hệ sau những ngày “cấm vận tình cảm”.
Công lao cha mẹ rất cao dầy, không gì sánh kịp và đền đáp, dù con cái có làm đủ “nhị thập tứ hiếu”… Như vậy, tùy theo tuổi và điều kiện mà tích cực sống sao cho cha mẹ vui lòng. Nếu lỡ sai lỗi, hãy xin lỗi càng sớm càng tốt, vì lời xin lỗi muộn màng thì không còn giá trị cao bằng lời xin lỗi đúng hoặc kịp lúc.
Cha mẹ nào cũng luôn yêu thương và hãnh diện về con cái. Dù bạn đã từng sai trái với các ngài, thậm chí là hắt hủi, nhưng chỉ cần bạn biết nhận lỗi thì cha mẹ tha thứ ngay. Tuyệt vời làm sao tình cha nghĩa mẹ! Anh chị em với nhau mà không biết nhường nhịn, đó là làm khổ chính các đấng sinh thành. Các ngài không cần con cái đáp đền công lao-gọi là báo hiếu-mà chỉ cần con cái thành nhân, trước khi thành tài. Nếu còn nhỏ, con cái hãy đáp đền chữ hiếu bằng cách học tập chăm chỉ. Nếu đã trưởng thành, hãy phụng dưỡng cha mẹ cho phải đạo, đừng ỷ lại vào đồng tiền mình làm ra mà gây phiền lòng cha mẹ.
Có người dùng từ FAMILY để diễn tả câu nói con cái dành cho cha mẹ là: “Father And Mother, I Love You!” (Thưa cha mẹ, con yêu cha mẹ). Thật là ý nghĩa! Tưởng cũng rất cần thiết để những ai đã, đang và sẽ làm con cái suy ngẫm về câu nói:
"Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng.
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày"
Cố gắng trân quý những gì mình đang có! Thiếu cha, vắng mẹ thì khổ lắm! Không ít người đã phải hối hận vì lỡ cư xử bất hiếu với cha mẹ nhưng đã quá muộn. Vì “cha mẹ đâu dễ ở đời với ta”. Cha mẹ chỉ có một trên đời!
bài liên quan mới nhất
- Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
-
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ bế mạc -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên làm việc thứ hai -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình -
Hội nghị Thường niên năm 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên họp thứ nhất -
Ủy ban Gia đình: Thư mời tham dự Hội nghị thường niên năm 2024 -
Đồng tính luyến ái và Hôn nhân đồng tính -
Khóa học “Sơ lược về Giáo Luật Hôn Nhân & Tiêu Hôn” -
Lấn át hoặc đối thoại -
6 lời khuyên của Đức Giáo Hoàng giúp giao tiếp trong gia đình bạn
bài liên quan đọc nhiều
- Hôn nhân khác đạo
-
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông -
Sự kiện Mục vụ Gia đình 2023 với chủ đề "Ước Mơ Của Mẹ" -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Cha mẹ là những nhà giáo dục Đức Tin đầu tiên của con cái -
Câu chuyện gia đình cảm động -
Đặc ân Thánh Phêrô và đặc ân Thánh Phaolô -
Chăm sóc cha mẹ già -
10 điều con cái mong chờ ở cha mẹ