Bản Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Liên Đức Tin về Biến đổi Khí hậu

Bản Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Liên Đức Tin về Biến đổi Khí hậu

KHÍ HẬU, ĐỨC TIN VÀ HY VỌNG

Những truyền thống tôn giáo
đồng lòng xây đắp một tương lai chung

------

Tuyên bố nhân danh
các truyền thống đức tin và tôn giáo toàn cầu

gửi đến Đoàn Bộ Trưởng trong Phiên họp cấp cao của

Hội nghị lần thứ 20 các Bên tham gia Công ước khung
của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP20)

Hội nghị lần thứ 10 các Bên tham gia
Nghị định thư Kyoto (CMP10)

------

Lima, Peru
Thứ năm, 11 tháng 12 năm 2014

Kính thưa Ông Chủ tịch Manuel Pulgar-Vidal,

Kính thưa Quý vị tham dự viên,

Anh chị em thân mến,

Năm nay, thông điệp của chúng tôi nhân danh các Truyền thống Tôn giáo và Đức tin toàn cầu là Bản Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Liên đức tin về Biến đổi Khí hậu – một tài liệu được ký kết bởi 30 lãnh đạo đức tin đại diện cho 9 tôn giáo và 21 quốc gia – được diễn ra tại New York, Hoa Kỳ, ngày 21 tháng 9 năm 2014:

"Chúng tôi, đại diện cho các truyền thống tôn giáo và đức tin khác nhau, hợp lại để cùng bày tỏ quan ngại sâu xa của chúng tôi về những hậu quả của sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu và dân cư trên đó, như đức tin mạc khải cho chúng tôi biết, tất cả đều được trao phó cho chúng ta cùng chăm sóc. Quả thật, sự biến đổi khí hậu là một hiểm họa cho sự sống, mà sự sống lại là một ơn quý giá chúng ta đã được lãnh nhận và phải chăm sóc.

Chúng tôi nhìn nhận những bằng chứng khoa học chứng minh rằng sự biến đổi khí hậu là do con người gây nên và, nếu không có một hành động giảm bớt trên quy mô toàn cầu và một cách đồng bộ, và nếu không tấn công trực tiếp vào những nguyên nhân tận gốc của vấn đề, thì tác hại của nó sẽ tiếp tục gia tăng cường độ và nhịp độ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẵn sàng đối thoại với những người vẫn tỏ ra hoài nghi.

Trong cộng đồng của chúng tôi và nhờ vào các phương tiện truyền thông, chúng tôi thấy được các biểu hiện của sự biến đổi khí hậu ở khắp nơi. Chúng tôi được nghe các anh chị em trên toàn thế giới kể lại những tác hại của nó trên con người và thiên nhiên. Chúng tôi nhìn nhận rằng các tác hại này ảnh hưởng không đồng đều đến cuộc sống, phương tiện sinh nhai và quyền của các người nghèo nhất, các người bị gạt ra ngoài lề xã hội, và vì thế họ là những người dễ bị tác hại nhất, trong đó có cả các thổ dân. Khi những người góp phần ít nhất vào việc làm biến đổi khí hậu lại là những người phải gánh chịu hậu quả của nó nhiều nhất, thì lúc đó phải nói đến bất công. Vì thế, cần phải gấp rút có được những giải pháp công bằng.

Chúng tôi nhìn nhận rằng sự biến đổi khí hậu ngày nay là một trở ngại cho việc diệt trừ nghèo đói. Những biến cố thời tiết nghiêm trọng làm nạn đói thêm trầm trọng, gây ra bất an kinh tế, buộc người dân phải di cư và cản trở sự phát triển bền vững. Khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng đến sự sống còn của nhân loại trên trái đấ́t, và hành động phải phản ảnh khẩn cấp các sự kiện này.

Vì vậy, trên danh nghĩa lãnh đạo đức tin, chúng tôi cam kết sẽ thúc đẩy việc làm giảm nguy cơ, thích nghi, phát triển các-bon thấp, giáo dục về vấn đề biến đổi khí hậu, sẽ kiểm soát các mô hình tiêu dùng và giảm việc sử dụng năng lượng hóa thạch. Dựa trên các tín ngưỡng tâm linh và niềm hy vọng của chúng tôi vào tương lai, chúng tôi cam kết đẩy mạnh nhận thức và khuyến khích những người đồng đạo và những cộng đồng của chúng tôi xem xét gấp rút những biện pháp như thế.

Chúng tôi chia sẻ niềm xác tín rằng một quốc gia đơn phương không thể kiềm chế được một cách hữu hiệu các hiểm họa của sự biến đổi khí hậu, nhưng cần tăng cường hợp tác trong cộng đồng các quốc gia, dựa trên nguyên tắc tin tưởng lẫn nhau, công minh và công bằng, thận trọng, công bằng giữa các thế hệ, trách nhiệm chung nhưng khác biệt và khả năng riêng. Chúng tôi đốc thúc người giàu hỗ trợ người nghèo và người dễ bị tác hại một cách có ý nghĩa và ở khắp nơi, đặc biệt là tại các nước chậm tiến nhất, các quốc gia hải đảo và Châu Phi dưới Sahara. Một hỗ trợ có ý nghĩa phải bao gồm: tài chánh dồi dào, tăng cường khả năng, chuyển giao công nghệ và các hình thức hợp tác khác.

Chúng tôi khuyến khích các nguyên thủ quốc gia và bộ trưởng tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu tuyên bố những cam kết cụ thể đối với Quỹ Xanh cho Khí hậu, kể cả cam kết sẽ đẩy mạnh sau đó các điều đã cam kết, thiết lập những quan hệ đối tác mới hầu làm cho kết quả đạt được trong việc cải thiện sự biến đổi khí hậu được bền vững và hầu phát triển cácbon thấp, và bảo đảm cho mọi người quyền được dùng các năng lượng tái tạo.

Với tư cách là những người có đức tin, chúng tôi kêu gọi các chính phủ hãy bày tỏ cam kết kiềm chế sự nóng lên toàn cầu xa dưới mức 2 độ C. Chúng tôi xin được nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia đều chia sẻ trách nhiệm là đề ra và thực hiện những chiến lược phát triển cácbon thấp dẫn đến việc giảm phát thải cácbon và bỏ hoàn toàn việc dùng các năng lượng hóa thạch từ đây cho đến giữa thế kỷ này.

Vì vậy, chúng tôi khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế trên thế giới hãy thi hành quyền lãnh đạo của mình trong Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu bằng cách tuyên bố những hành động chung như cắt giảm khí thải với khối lượng lớn trong ngắn hạn, bỏ trợ cấp cho năng lượng hóa thạch, ấn định mức trần cho than hoặc giảm đầu tư cho than, bảo vệ rừng xanh, gia tăng hiệu quả năng lượng trong xây dựng và vận tải, cùng nhiều bước cụ thể khác. Ngoài ra, chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tìm cách xác định các nhu cầu thích nghi của mình trong trung và dài hạn, và phát triển những chiến lược đáp ứng, dựa trên các phương pháp tiếp cận có tính đến trách nhiệm của quốc gia, chú trọng đến vấn đề giới, và lôi kéo được sự tham gia của mọi người, hầu kiểm soát được tốt hơn những tổn thất và thiệt hại tồn đọng gây ra bởi các tác động tiêu cực của khí hậu.

Cuối cùng, chúng tôi yêu cầu tất cả các quốc gia góp phần xây dựng một thỏa thuận toàn cầu đầy tham vọng tại Paris vào năm 2015, dựa trên tính trong sáng, thỏa đáng và trách nhiệm. Thỏa thuận mới phải:

- có khá nhiều tham vọng để giữ mức gia tăng nhiệt độ xa dưới 2 độ C;

- khá công minh để chia gánh nặng một cách công bằng;

- ràng buộc về tính pháp lý để bảo đảm rằng các chính sách quốc gia về khí hậu nhằm giảm khí thải được tài trợ và áp dụng đầy đủ.

Trên danh nghĩa là người đại diện tôn giáo và công dân trong quốc gia mình, qua bản tuyên bố này, chúng tôi xin cam kết sẽ ứng phó với mối đe dọa của sự biến đổi khí hậu. Chúng tôi tiếp tục tin rằng quý vị sẽ phát huy tối đa quyền lãnh đạo của mình và chúng tôi khích lệ quý vị đi đến những quyết định đúng đắn, đó là điều chúng tôi mong chờ ở quý vị. Khi quý vị cần phải lấy những quyết định khó, vì sự bền vững của toàn cầu và dân cư trên đó, chúng tôi luôn sẵn sàng chung vai sát cánh cùng quý vị. Chúng tôi cầu nguyện cho quý vị và cho toàn thể nhân loại trong việc gìn giữ trái đất.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top