Bài giảng Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C

Bài giảng Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
Gs 5,9a.10-12 ; 2 Cr 5,17-21
Lc 15,1-3.11-32

1. Anh chị em rất thân mến, hôm nay chúng ta cùng nhau cử hành Thánh lễ Chúa Nhật IV Mùa Chay, hãy để cho Lời Chúa chiếu giải ánh sáng vào trong tâm hồn mỗi một người chúng ta. Quan trọng nhất là Lời Chúa được trích trong Phúc Âm Thánh Luca (Lc 15,1-3.11-32) hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “Người Cha Nhân Lành” để dạy cho những người đến nghe Người giảng, một bài học hết sức sâu sắc về Lòng Thương Xót của Chúa Cha trên trời. Lòng thương xót của Thiên Chúa là lòng thương xót của một người cha hết sức đặc biệt, và người cha đó, chính là Chúa Cha. Lòng thương xót đã làm cho đứa con mình đã chết mà nay sống lại. Người con đó, chính là đứa con út rất cưng, đã hư hỏng, trở nên hoang đàng, đã bỏ nhà ra đi, sau khi nhận lãnh phần gia tài của mình.

2. Sau khi đã tiêu hết tiền của, thì đói rách, lang thang, chỉ ước ao lấy thức ăn của heo mà nhét cho đầy bụng, mà cũng chẳng ai cho (x. Lc 15,14-16). Bấy giờ anh ta mới hồi tâm, muốn trở về nhà cha và phục vụ như đầy tớ trong nhà (x. Lc 15,17-19). Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha (x. Lc 15,20). Người cha, không ngày nào mà không thương nhớ anh; ngày nào cũng nhìn ra sân, nên đã phát hiện ra anh từ ở đằng xa, liền chạy ôm cổ anh ta, người con trai út của mình và hôn lấy hôn để (x. Lc 15,20). Người con hoang đàng mới bập bẹ một vài lời xin lỗi, đã được người cha không những tha thứ, mà còn cho đãi tiệc, đã cho giết bê béo ăn mừng con trở về (x. Lc 15,21-23). Lòng thương xót của người cha, thật quá lớn, quá kỳ diệu, vượt qua sự mong đợi của mọi người; lòng thương xót này, không ai hiểu thấu được, nên bị người con cả trong nhà phản đối.

3. Anh chị em có phản đối Thiên Chúa, khi thấy Người tỏ ra quá nhân hậu với con người hư hỏng không? Cứ sự thường thì không, nhưng khi thấy những con người quá hư, mà cứ gặp những sự may lành, cứ thành công, cứ giàu có, thì anh chị em sẽ không chịu được và sẽ lên tiếng phàn nàn như người con cả trong dụ ngôn. Tất cả chúng ta đều như thế, đều là những con người hay ganh tị với nhau, biết làm sao, chúng ta hãy xin Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta. Như người cha trong dụ ngôn, tuy có tỏ ra buồn phiền và không chấp nhận thái độ của người con cả, đã dạy anh ta một bài học thấm thía: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (x. Lc 15,31-32)

4. Hãy vui mừng như phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta: “Mừng vui lên Giêrusalem hỡi!” Hãy hớn hở reo mừng và hân hoan tận hưởng nguồn an ủi chứa chan (x. Ca Nhập Lễ, Chúa Nhật IV Mùa Chay). Chúng ta được gặp gỡ Chúa, được vào “Đất Hứa” như Dân Israel, theo như bài tường thuật của sách Giôsuê, đã được giải thoát khỏi ách nô lệ người Ai Cập, đã được dùng hoa màu của Đất Canaan (x. Gs 5,9a.10-12). Chúng ta hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy (x. Tv 33,9a). Thiên Chúa đã cho chúng ta trở thành thọ tạo mới trong Chúa Kitô (x. 2 Cr 5,17). Mọi sự đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô, mà cho chúng ta được hòa giải với Người (x. 2 Cr 5,18). Trong thư 2 Côrintô, thánh Phaolô bảo rằng Thiên Chúa đã trao cho các tông đồ chức vụ hòa giải (x. 2 Cr 5,18). Hôm nay, noi gương thánh Phaolô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa (x. 2 Cr 5,20), nhờ Máu châu báu của Đức Giêsu Kitô đã đổ ra để chuộc tội chúng ta.

Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, Chúa Nhật ngày 06.03.2016
Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm Thánh Lòng Thương Xót

+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn

Top