Vạ tuyệt thông là gì?

Vạ tuyệt thông là gì?

Sau những vụ truyền chức giám mục bất hợp pháp tại Trung Quốc, Toà Thánh công bố những người chịu chức giám mục như vậy đã mắc vạ tuyệt thông. Nhiều người hỏi vạ tuyệt thông là gì.

Để trả lời, phải tìm hiểu hai điều: 1. Các thánh thông công. 2. Vạ tuyệt thông.

1. Các Thánh cùng thông công.

Trên nguyên tắc, tất cả những ai được rửa tội, đều là thánh, vì đã được sạch tội tổ tông và tội riêng. Các thánh là tất cả những người Công Giáo, vì thế ân huệ có thể thông truyền cho nhau. Nên:

Tất cả các tín hữu còn sống hay đã qua đời - đã được lên thiên đàng (paradis) hay còn đang ở luyện tội (purgatoire) - đều có liên lạc mật thiết. Đó là tín điều (dogme) các Thánh cùng thông công.

- Các tín hữu còn sống làm thành Giáo Hội chiến đấu.

- Các Thánh trên thiên đàng làm thành Giáo Hội khải hoàn.

- Các linh hồn trong luyện tội làm thành Giáo Hội đau khổ.

Các tín hữu tôn kính, cầu xin các Thánh. Còn các Thánh cầu bầu cho các tín hữu trước mặt Thiên Chúa.

Các tín hữu làm việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn. Còn các linh hồn cầu bầu cùng Chúa cho các tín hữu còn đang sống.

Các tín hữu đều thông công với nhau: mỗi người đều có quyền hưởng nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của tất cả những người khác.

2. Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) nghĩa là không còn được hưởng những ân huệ của “các thánh thông công” nữa, nhưng chỉ là một hình phạt của Giáo hội Công giáo Rôma dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người ấy bị tách rời ra khỏi sự "hiệp thông" với những tín hữu khác trong Giáo hội, về hình thức là bị khai trừ khỏi tổ chức Giáo hội. Tuy nhiên, vạ tuyệt thông không phải là Thiên Luật (luật của Chúa) mà là Nhân Luật (giáo luật của Giáo hội), nên vạ tuyệt thông không ảnh hưởng đến mối liên hệ riêng rẽ giữa cá nhân người bị vạ với Thiên Chúa. Hình thức Có hai hình thức vạ tuyệt thông:

• Vạ tuyệt thông tiền kết: được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ, không cần Giáo hội phải ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn bảy loại vi phạm bị chế tài Vạ tiền kết.

1. Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết.

2. Ai ném bỏ Bánh Thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.

3. Người nào hành hung Đức Thánh Cha sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.

4. Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết.

5. Tư tế hành động ngược lại các quy định ở điều 977, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.

6. Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh.

7. Giám mục nào không có ủy nhiệm thư giáo hoàng mà phong chức giám mục cho người khác, cũng như người nào được thụ phong do giám mục ấy sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh. Trong bảy qui định vạ trên đây, năm loại vạ chỉ được hoá giải bởi chính Tòa Thánh (2, 3, 5, 6 và 7), còn hai loại vạ kia (1 và 4) có thể được giải do giám mục giáo phận hay những linh mục được các giám mục ấy ủy thác.

• Vạ tuyệt thông hậu kết: được ấn định cho một số tội. Sau khi phạm, đương sự chưa lập tức bị vạ. Đương sự chỉ bị vạ sau khi Giáo hội ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay chỉ còn hai loại vi phạm bị chế tài vạ hậu kết.

Hầu hết những trường hợp bị vạ tuyệt thông đều là vạ tuyệt thông tiền kết và người mắc vạ tuyệt thông bị cấm:

1. Không được tham phần bằng bất cứ cách nào như thừa tác viên vào việc cử hành Hy tế Thánh Thể, hay vào các lễ nghi phụng tự nào khác

2. Không được cử hành các Bí tích hay Á Bí tích và lãnh nhận các Bí tích

3. Không được hành sử các chức vụ, tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào, hay thi hành các hành vi cai trị sau khi vạ tuyệt thông đã bị tuyên kết hay tuyên bố, người bị vạ tuyệt thông thi hành cách vô hiệu những hành vi cai trị nếu trước đó đã được chỉ định; cũng không được lãnh nhận cách hữu hiệu một chức vụ hay nhiệm vụ nào khác trong Giáo hội; cũng không được chiếm hữu cho mình các lợi lộc của bất cứ chức vị, chức vụ hay nhiệm vụ, hưu bổng nào mà đương sự đã có trong Giáo hội.

Top