Ukraina: Ngày 25 tháng Mười Hai là ngày lễ nghỉ chính thức
WHĐ (20.11.2017) – Quyết định ngày 25 tháng Mười Hai là ngày lễ nghỉ chính thức được Quốc hội Ukraina biểu quyết thông qua hôm thứ Năm 16-11-2017, cho thấy Ukraina đang xích lại gần châu Âu dưới ảnh hưởng của Kitô giáo.
Đây là điều chưa từng xảy ra kể từ khi nước Cộng hòa xô viết cũ này được độc lập, sau khi Liên Xô tan rã năm 1991! Giờ đây, ngày 25 tháng Mười Hai, ngày lễ Giáng sinh của Công giáo, sẽ là ngày lễ nghỉ chính thức ở Ukraina. Quyết định này được thực hiện trong khuôn khổ tu chính Bộ luật Lao động, được Quốc hội Ukraina biểu quyết thông qua hôm thứ Năm 16-11-2017 tại thủ đô Kiev, huỷ bỏ truyền thống của Xô viết mừng lễ Lao động hai ngày: ngày 1 và 2 tháng Năm (không như nhiều nước ở châu Âu chỉ mừng vào ngày 1 tháng Năm).
Đúng như thế, theo văn bản do Tổng thống Petro Poroshenko ký ban hành, ngày 2 tháng Năm sẽ không còn là ngày lễ nghỉ ở Ukraina và thay thế là ngày 25 tháng Mười Hai.
Tại quốc gia có đa số tín hữu Chính thống giáo này, lễ Giáng sinh được cử hành vào ngày 7 tháng Giêng, cho đến nay là ngày lễ nghỉ. Và vẫn sẽ như vậy. Nhưng những người muốn mừng lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng Mười Hai, như những người Công giáo vẫn cử hành, cũng sẽ có thể làm như vậy, trong những điều kiện tương tự. Ngay lập tức, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraina Oleksander Turchynov, ra tuyên bố hoan nghênh: “Đây là một quyết định lịch sử, cho phép chúng ta tách ra khỏi lịch của Moskva và các tiêu chuẩn của hoàng gia Nga”. Và Chủ tịch Quốc hội Andriï Paroubi cũng viết trên blog: “Chúng ta hãy tự giải thoát mình khỏi sự ràng buộc của Moskva về mặt tinh thần và trở về với gia đình của những dân tộc tự do”.
Cần phải bảo vệ quyền của một phần lớn dân số
Một thông cáo kèm theo luật mới cho biết, hơn 23.000 cộng đồng Kitô giáo, nhất là các cộng đồng Chính thống giáo và Công giáo Hy Lạp ở Ukraina mừng lễ Giáng sinh vào tháng Giêng theo lịch Giulianô cũ, và khoảng 11.000 cộng đồng Công giáo và Tin Lành mừng lễ này vào tháng Mười Hai theo lịch Grêgôrianô. Thông cáo giải thích: Trong bối cảnh này, “cần bảo vệ quyền của một phần lớn dân số để họ mừng lễ Giáng sinh vào ngày phù hợp với niềm tin tôn giáo của họ”.
Rõ ràng, quyết định này phản ánh ý muốn của chính quyền thân phương Tây của Ukraina, một chính phủ được thành lập sau cuộc nổi dậy ở Maidan, ủng hộ việc thoát Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chưa từng có với Moskva; dẫn đến việc sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina vào Nga hồi năm 2014. Moskva bị cáo buộc trợ giúp các nhà hoạt động ly khai thân Nga trong cuộc xung đột vũ trang ở miền đông Ukraina, đã gây ra cái chết cho hơn 10.000 người trong vòng ba năm rưỡi.
Antoine Arjakovsky, nhà sử học Pháp, chuyên gia về Chính thống giáo và đại kết tại Viện nghiên cứu lịch sử Collège des Bernardins, khẳng định: “Đó là một dấu hiệu tích cực. Sự thay đổi này cho thấy Ukraina muốn xích lại gần hơn với châu Âu và với thế giới hiện đại khi hiệp thông với những người anh em châu Âu của mình”. Theo ông, “người Ukraina càng ngày càng thấy không thoải mái khi không mừng lễ Giáng sinh cùng ngày với mọi người”. Dưới mắt họ, nếu không thay đổi ngày lễ Giáng sinh có nghĩa là quay trở lại “thời quá khứ Trung Cổ, trung thành với một quan niệm về lịch của đế quốc”. Thật vậy, vào thế kỷ XVI, Nga hoàng đã từ chối thay đổi ngày Giáng sinh đã được ấn định vào ngày 7 tháng Giêng từ thế kỷ IV.
Ngày 7 tháng Giêng là ngày lễ Giáng sinh trong lịch Giulianô
Ông Antoine Arjakovsky nhắc lại: “Ngày 7 tháng Giêng là ngày Giáng sinh trong lịch Giulianô. Ngày này chênh lệch 13 ngày so với ngày lễ Giáng sinh được Đức giáo hoàng Grêgôriô ấn định vào ngày 25 tháng Mười Hai, hồi thế kỷ XVI. Ngày này càng hợp lý hơn vì đó là một thời khắc của vũ trụ: chính vào ngày này mà ngày mạnh hơn đêm, ngày bắt đầu dài hơn”. Theo Antoine Arjakovsky, “vì thế mừng lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng Mười Hai là bình thường hơn, theo kiến thức thiên văn mà chúng ta biết được ngày nay”.
Và cuộc cải cách này đã được đón nhận trên toàn châu Âu nhưng dừng lại ở... Ba Lan. Thật vậy, vào lúc ấy, Giáo hội Chính thống giáo, chiếm đa số trong lãnh thổ Ukraina hiện nay – khi ấy dưới sự thống trị của Ba Lan – không chấp nhận cải cách. Cả Giáo hội Công giáo Hy Lạp trung thành với Roma cũng theo lịch Giulianô, vì lý do gần gũi với Chính thống giáo.
Antoine Arjakovsky nói tiếp, ngày nay, ở chính Ukraina, không chỉ người Công giáo Hy Lạp muốn mừng lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng Mười Hai. “Từ hai năm nay, một giáo xứ Chính thống giáo ở Kiev cũng làm tương tự, với sự đồng ý không chính thức của giám mục của họ là Đức cha Alexander Drabinko”. Và, ông nhắc lại rằng, 80% tín hữu Chính thống giáo sống tại Pháp cũng mừng lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng Mười Hai.
(Nguồn: WHĐ - Theo La Croix)
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé
-
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô