Tuyên ngôn “Fiducia Supplicans” của Đức Thánh Cha Phanxicô là một bước tiến lớn đối với người Công Giáo LGBTQ

Tuyên ngôn “Fiducia Supplicans” của Đức Thánh Cha Phanxicô là một bước tiến lớn đối với người Công Giáo LGBTQ

Tuyên ngôn “Fiducia Supplicans” của Đức Thánh Cha Phanxicô là một bước tiến lớn đối với người Công Giáo LGBTQ

AMERICA MAGAZINE – Bộ Giáo lý Đức tin, do Đức Hồng y Víctor Fernández đứng đầu, đã đưa ra một tuyên ngôn mà những người LGBTQ (cộng đồng những người thuộc các thiên hướng tình dục và bản dạng giới thiểu số trong xã hội) sẽ ghi nhớ rất lâu. Với tựa đề “Fiducia Supplicans” (trong tiếng Latinh, có nghĩa là “Cầu xin sự tin tưởng”), tuyên ngôn lần đầu tiên mở ra cánh cửa cho các chúc lành chính thức của các cặp đồng giới do các thừa tác viên có chức thánh thực hiện, một điều mà từ lâu người Công Giáo LGBTQ cũng như gia đình và bạn bè của họ mong muốn.

Tuyên ngôn cũng bao gồm suy tư sâu hơn về các chúc lành trong truyền thống Công Giáo và cảnh báo rằng các chúc lành cho các cặp đồng giới và những đôi khác trong các cuộc kết hợp “bất thường” phải được thực hiện theo cách thức không gây nhầm lẫn các chúc lành này với bí tích hôn phối hoặc gợi ý một nghi thức phụng vụ. Nhưng ngay cả với những điều khoản đó, đây vẫn là một bước tiến lớn đối với những người Công Giáo LGBTQ.

“Chính trong bối cảnh này mà người ta có thể hiểu được khả năng chúc lành cho các cặp đôi trong hoàn cảnh trái quy tắc và các cặp đồng giới mà không cần chính thức xác nhận tình trạng của họ hoặc thay đổi giáo huấn lâu đời của Giáo hội về hôn nhân theo bất kỳ cách nào,” Đức Hồng y Fernández viết trong tuyên ngôn đã được sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tại sao đây là một bước quan trọng? Đầu tiên, đây là lần đầu tiên một tài liệu của Vatican đối xử với các cặp đồng giới bằng sự chăm sóc mục vụ như vậy. Nó đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với “phản hồi” của Bộ Giáo lý Đức tin hai năm trước, vốn nói rằng các linh mục và phó tế trong mọi trường hợp không thể chúc lành cho các cặp đồng giới vì “Thiên Chúa không thể và không chúc lành cho tội lỗi”. Ngoài ra, một bản “tuyên ngôn” có ý nghĩa quan trọng hơn, có thẩm quyền hơn một “phản hồi”, và do đó thường trả lời cho một câu hỏi cụ thể hơn (được gọi là “dubium”) và có phạm vi hẹp hơn. (Đối với một số bối cảnh, “Dominus Iesus”, một tài liệu mang tính bước ngoặt về các giáo phái Kitô giáo và các tôn giáo khác, được ban hành năm 2000, cũng là một tuyên ngôn.)

Đã có phản ứng rộng rãi đối với “phản hồi” trước đây, như tuyên ngôn mới đề cập trong phần mở đầu. Đặc biệt, những người LGBTQ cũng như bạn bè và gia đình của họ cảm thấy rằng việc tập trung vào những mối quan hệ tội lỗi như vậy đã bỏ qua hoặc bác bỏ trải nghiệm của họ về các mối quan hệ đồng giới đầy yêu thương, cam kết và hy sinh. Các tin tức vào thời điểm đó cũng cho rằng bản thân Đức Thánh Cha Phanxicô không hài lòng với phản hồi đó, và cuối cùng người chịu trách nhiệm ban hành nó cũng đã rời khỏi văn phòng của Bộ Giáo lý Đức tin. Vì vậy, cách tiếp cận mục vụ của Vatican đối với các cặp đồng giới (cũng như các cặp vợ chồng khác không kết hôn theo bí tích) đã thay đổi rõ ràng trong hai năm qua.

Tuyên ngôn này cũng phù hợp với bức thư mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết cho Đức Hồng y Fernández khi ngài được bổ nhiệm làm tổng trưởng mới của Bộ Giáo lý Đức tin, trong đó Đức Thánh Cha khuyến khích ngài ủng hộ “sự phát triển hài hòa” trong thần học, trích dẫn từ “Evangelii Gaudium”, và lưu ý rằng bản thân Hội Thánh “phát triển việc giải thích lời mặc khải và sự hiểu biết của mình về chân lý”. Nhiều nhà quan sát coi đó là một cách hiểu mới về vai trò của Bộ Giáo lý Đức tin, vốn trong những thập kỷ gần đây quan tâm nhiều hơn đến việc ứng phó với sai sót.

Thứ hai, chúng ta có thể nghe từ một số người nói rằng “không có gì thay đổi cả”. Nó làm tôi nhớ đến giáo sư lịch sử giáo hội của tôi, linh mục John W. O’Malley, SJ, người đã nói rằng khi việc giảng dạy của giáo hội thay đổi, lời giới thiệu phổ biến nhất là “Như giáo hội đã luôn dạy…”

Ở đây, cái nhìn sâu sắc của cha O’Malley được thể hiện theo một cách hơi khác. Một số người Công Giáo phản đối bất kỳ bước đi nào hướng tới sự hòa nhập nhiều hơn của người LGBTQ vào đời sống của giáo hội. Chúng tôi đã thấy điều này trong Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành, nơi tôi là thành viên có quyền bỏ phiếu, với sự phản đối đáng kể từ một số khu vực nhất định đối với việc sử dụng thuật ngữ LGBTQ. Vì vậy, đối với một số người, tuyên ngôn này (mặc dù nó nói rõ rằng các chúc lành không được phép làm theo bất kỳ cách nào có vẻ giống như một nghi thức hôn phối) sẽ mang tính đe dọa và do đó sẽ có xu hướng nói rằng: “Không có gì thay đổi cả”.

Nhưng thực tế đã có rất nhiều thay đổi. Trước khi tuyên ngôn này được ban hành, không có điều nào cho phép các giám mục, linh mục và phó tế chúc lành cho các cặp đôi đồng giới trong bất kỳ trường hợp nào. Và tuyên ngôn này thiết lập rằng họ có thể làm điều đó với một số hạn chế nhất định.

Tất nhiên, một số người có thể nói còn nhiều hạn chế (như đã lưu ý ở trên), trong khi những người khác sẽ lưu ý rằng ở một số nơi (đáng chú ý nhất là ở giáo hội Đức) những chúc lành này đã phổ biến rộng rãi. (Một giám mục người Đức đã nói với tôi trong Thượng Hội đồng rằng chính ngài đã chúc lành cho các cặp đôi bên ngoài nhà thờ chính tòa của mình.) Sự thay đổi ở đây chính là những chúc lành này hiện đã được Vatican chính thức phê chuẩn. Mà ngày nay, với một số hạn chế, tôi có thể thực hiện chúc lành công khai cho một cặp đồng tính. Điều mà hôm qua tôi không làm được.

Thứ ba, đây là một bước quan trọng vì nó tiếp tục việc Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên tiếp cận những người LGBTQ.

Lấy một ví dụ, trong tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các đại diện LGBTQ ba lần. Một vài ngày trước khi Thượng Hội đồng bắt đầu, ngài đã gặp riêng tôi tại nhà Santa Marta; giữa lúc Thượng Hội đồng, ngài đã gặp Sơ Jeannine Gramick, SL, cùng với nhóm New Ways Ministry của sơ; cuối cùng, vào cuối tháng, trong buổi tiếp kiến chung, ngài đã gặp bà Marianne Duddy-Burke và các đại diện khác của Global Network of Rainbow Catholics, một nhóm bảo trợ cho các nhóm Công Giáo LGBTQ trên toàn thế giới.

Một số người LGBTQ có thể thất vọng vì tuyên ngôn này không đi xa như họ mong đợi –  tức là cho phép các cặp đồng giới kết hôn theo bí tích. Những người khác, đặc biệt là ở các quốc gia (và giáo phận) nơi toàn bộ chủ đề này bị hạn chế, sẽ cho rằng nó đi quá xa. Tuy nhiên, cả hai nhóm đều có thể đồng ý rằng đây là một sự thay đổi đáng kể. Về phần tôi, tôi hoan nghênh tuyên ngôn mới này và coi đây là một phản ứng mục vụ rất cần thiết cho các cặp đồng giới Công Giáo trong các mối quan hệ yêu thương, cam kết và hy sinh, mong muốn sự hiện diện và giúp đỡ của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ. Và với tư cách là một linh mục, tôi mong được chúc lành cho các cặp đồng giới, chia sẻ với họ những ân sủng mà Thiên Chúa mong muốn cho mọi người, điều mà tôi đã chờ đợi nhiều năm để được thực hiện.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top