Từ vựng Công Giáo: ĐỨC
Trong bài Đức Mẹ Sầu Bi, tôi đã giải nghĩa chữ đức, nhưng chỉ tập trung vào nghĩa Nôm. Gần đây, Tiểu Ban Từ Vựng thuộc Uỷ Bản Giáo Lý Đức Tin nhờ tôi viết ra các nghĩa của chữ đức, lại có độc giả hỏi về cách dùng chữ đức, cũng như cách dùng chữ đức trong nghĩa Nôm có quy định nào không?
Nay tôi viết mục từ riêng về chữ Đức, vừa ghi lại những chi tiết đã có về nghĩa Nôm, vừa bổ sung thêm về nghĩa Hán cho hoàn chỉnh trong một bài viết, hy vọng đáp ứng được sự quan tâm của mọi giới.
I. Nghĩa Nôm: Đức là từ đi trước những danh xưng chức vị hay tước hiệu để tỏ lòng kính trọng dành cho những đấng, những vị đáng được tôn kính.
Ví dụ: Đức Chúa Trời, Đức Mẹ, Đức Phật Thích Ca, Đức Thái Thượng Lão Quân, Đức vua, Đức thánh Trần...
II. Nghĩa Hán:
1. Nghĩa chung của chữ đức
Đức có duy nhất một chữ Hán 德(tuy có nhiều cách viết, như: 徳, 悳, 惪).
Nguyên nghĩa: (đt.) Nhìn rõ phương hướng, đi thẳng vào đạo lộ →(tt.) Hợp đạo trời, tự nhiên tự đắc (chỉ dùng trong cổ văn) →(dt.) Tư tưởng, phương pháp hợp đạo trời (dt.) Phẩm chất tư tưởng phù hợp với tiêu chuẩn phải trái→(dt.) Việc thiện, ân huệ,Cảm ân đới đức.
Vậy, đức có các nghĩa: (dt.) (1) Ân huệ: Dĩ đức báo oán. (2) Đạo đức, lấy đạo để lập thân: Đức hạnh. (3) Hạnh kiểm, tác phong. (4) Cái khí tốt (thịnh vượng) trong bốn mùa: mùa xuân gọi là thịnh đức tại mộc. (5) Ý chí, niềm tin, lòng: nhất tâm nhất đức (một lòng một dạ) (6) Tên quốc gia: Nước Đức. (7) Ơn: Đức tin.(8)Họ Đức [1]. (đt.). (9) Tạ ơn: Vương viết: “Nhiên tắc đức ngã hồ” (Vua nói: “vậy thì cám ơn tôi không?”). (10) Giáo dục: đức hoá (lấy đức mà dạy bảo). (tt.) (11) Mỹ thiện: Đức chính (chính sách tốt đẹp).
2. Các quan niệm về đức.
2.1. Nghĩa theo Lão Tử.
Khi bàn về chữ đức, không thể không nói đến Lão Tử [2]. Đức trong tư tưởng luận của Lão Tử có một ý nghĩa đặc biệt: “道生之,德畜之- Đạo sinh chi, đức súc chi” (x.Đạo Đức Kinh, chương 51), nghĩa là vạn sự vạn vật đều do đạo sinh thành, đức nuôi dưỡng những sự vật đó từ siêu hình trở thành cụ thể. “Đạo” bao hàm hai nghĩa: Một là căn nguyên tạo thành vạn vật, hai là quy luật phát triển vận hành của vạn vật. Khi đạo được cụ thể hoá trên vạn vật, thể hiện đến đời sống con người, gọi là “đức”. Nên đạo là bản thể của đức - đức là cụ thể hoá của đạo. Lão Tử muốn con người trở về căn nguyên của đức. Quan hệ giữa đạo và đức rất mật thiết, không thể tách ra được. Bản tính của vạn vật do trời sinh thành, không ai can thiệp vào, những gì thể hiện ra là tính tự nhiên, Lão Tử gọi là đức. Nếu đạo là thứ nhất, thì đức là thứ hai. Đạo là trục trung tâm của vòng tròn, đức là chu vi của vòng tròn đó.
Lão Tử nói: “Vật đắc dĩ sinh chi vị đức” (Thiên Địa Thiên), nghĩa là: vật được sinh ra gọi là đức.Đức là cụ thể hoá của đạo, nên đức thể hiện trong vũ trụ, là sự chiếu sáng của nhật nguyệt, mưa móc thấm nhuần, sự thay đổi của bốn mùa, âm dương bổ túc nhau, tất cả đều do tác động củađức, nên vạn vật được sinh trưởng không ngừng cách hài hoà.
Lão Tử lại chia đức thành hai loại: thượng đức và hạ đức. Lão Tử nói: “Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức. Hạ đức bất thất đức, thị dĩ vô đức. Thượng đức vô vi nhĩ bất vi, hạ đức vi chi nhĩ hữu bất vi” (chương 38). Nghĩa là những người làm việc đức mà không nhằm mục đích gì, làm không phải vì đức, làm cách tự nhiên, không vì tư lợi, chỉ biết làm hết mình vì lợi ích cho tha nhân thì cóđức. Ngược lại, có một số người, làm việc đức có chủ đích, nhắm đến cái gọi là “đức” vì bản thân mình, chứ không nhằm giúp ích tha nhân, nên là “vôđức”. Làm như thế thì nghịch với đạo, gọi là hạđức.
2.2. Nghĩa theo Khổng Tử.
Khổng Tử coi nhân [3] (仁): lòng thương yêu, yêu người không vì lợi riêng mình là nguyên tắc đạo đức tối cao. Nhân cũng là “toàn đức” của mọi hoạt động con người. Điều quan trọng nhất của đời người là tri đức(biết đức), hiếu đức(yêu thích đức), hành đức(làm việc đức). Mục đích của con người là trở về với chính mình, hoàn thành “toàn đức”. Trong sách “Luận Ngữ”, Khổng Tử chú trọng hoàn thành đứccho chính mình. Từ đó, Khổng Tử lại đề ra “bát đức”, gồm: hiếu, trung, đễ, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ.
- Hiếu: là thảo kính cha mẹ, kính trọng người lớn. Khổng Tử nói: “Hiếu, đức chi thuỷ dã” (Hiếu thảo là khởi đầu của đức).
- Trung: là tận tâm hoàn thành mệnh lệnh của bề trên, chân thành đối xử với bằng hữu. Trong Luận Ngữ có câu: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung” (Bát Dật Thiên), nghĩa là: Vua dùng lễ sai khiến, bề tôi trung thành làm việc cho vua).
- Đễ: Gồm ba nghĩa, một là cách đối xử với anh em, hai là cách sống vợ chồng, ba là tình bằng hữu.
- Tín: lời đã nói ra thì phải giữ và làm cho chu đáo, không lừa dối người khác. “Ngôn tất trung tín” (Khổng Tử Gia Ngữ-Nho Hành Giải).
- Lễ: là cách sống chung với người khác, mọi người phân biệt rõ địa vị của mình mà xử sự phải lẽ. “Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín” (Mạnh Tử-Đằng Văn Công Thượng), nghĩa là: cha con phải thương nhau, vua tôi phải có nghĩa, vợ chồng biết kính trọng nhau, anh em có thứ tự, bạn bè có lòng tin,
- Nghĩa: đòi buộc tư tưởng, hành vi phải tuân thủ nguyên tắc đạo đức, phải suy nghĩ kỹ việc gì nên làm, việc gì không nên làm. Mạnh Tử nói: “Tu ác chi tâm, nghĩa chi đoan dã” (Tử-Cáo Tử Thượng), nghĩa là: biết xấu hổ về sự ác, là khởi đầu của nghĩa.
- Liêm: xua đuổi những gì không ngay thẳng mà theo những gì chính đáng. Người có liêm thì hành động tự nhiên đứng đắn, lương tâm dám nhìn nhận việc xấu mình làm.
- Sỉ: là lòng tự trọng. Khổng Tử nói: “Tri sỉ cận hồ dũng” (Lễ Ký-Trung Dung), nghĩa là: biết xấu hổ thì gần với dũng cảm, là phẩm chất đạo đức cơ bản của con người. Nếu một người không biết xấu hổ thì sẽ mất nhân tính, việc gì cũng có thể làm, mất lý trí.
Tóm lại, Đức đối với khổng Tử rất quan trọng, Bát đức là tiêu chuẩn làm người, thiếu bát đức hay quên bát đức thì không còn là con người nữa. Ngoài ra, Khổng Tử cũng nói: “Vi chính dĩ đức” (Luận Ngữ-Vi Chính), nghĩa là: phải dùng đức để trị dân, gọi là đức trị.
2.3.Nghĩa theo Công Giáo.
Đối với Kitô hữu, đức có hai nghĩa khác biệt: lòng đạo đức và ơn Chúa.
- Lòng đạo đức: Sống đời Kitô hữu tốt đẹp theo gương Chúa, tuân giữ những điều Chúa và Hội Thánh truyền dạy, tham dự các buổi cầu nguyện và phụng vụ, kính mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người, như Thánh Giacôbê đã nói: “Lòng đạo đức tinh tuyền trước mặt Thiên Chúa là thăm viếng cô nhi, quả phụ gặp bước gian truân và giữ lòng cho khỏi mọi vết nhơ của trần gian.” (Gc 1, 27).Đức theo nghĩa này là cách sống đạo thánh thiện như đòi hỏi của Chúa: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trới là Đấng hoàn thiện”(Mt 5,48).
- Ơn Chúa: Kitô hữu thờ phượng Thiên Chúa nhờ những nhân đức đối thần là đức tin, đức cậy và đức mến, những nhân đức này đều là do ơn Chúa ban cho.
Đức tin vừa là ơn ban của Thiên Chúa, vừa là hành động siêu nhiên. Một mặt con người tìm kiếm Thiên Chúa, “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7); một mặt Thiên Chúa soi sáng cho con người qua Thánh Kinh và Thánh Truyền, để nhận biết về Ngài. Từ đó mà xác tín vào sự hiện hữu của Thiên Chúa và ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu. Cho nên đức tin có được, không phải do tài giỏi nhưng là do ơn Chúa. Như Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10,21).
Đức cậy cũng là ơn ban của Thiên Chúa, để con người có thể hoàn toàn trông cậy vào Chúa, nhờ ân sủng của Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, luôn ban ơn cho con người, con người không còn phải lo lắng về phần rỗi nữa. “Anh chị em hãy trút bỏ mọi thứ lo âu cho Chúa, vì Chúa luôn săn sóc anh chị em.” (1Pr 5,7). Chính đức cậy biểu lộ ân sủng, con người không thể tự mình có được, mà hoàn toàn là do ơn ban.
Đức mến “Là nhân đức giúp tôi kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và vì Chúa tôi cũng sẽ yêu thương mọi người như chính mình tôi” (Toát yếu GLCG, câu 388). Chính Thiên Chúa là Tình Yêu, chỉ có Chúa mới có Tình Yêu vẹn toàn, con người có khả năng yêu thương hoàn toàn phải nhờ ơn Chúa. Nên đức mến cũng là ơn Chúa, và là nhân đức quan trọng nhất. “Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ: phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy.” (1Ga 3,10). Đức mến giúp con người kính mến Thiên Chúa và vì kính mến Thiên Chúa mà yêu hết mọi người, kể cả kẻ thù. “Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,44). Khi mọi thứ qua đi, đức mến sẽ tồn tại mãi “Đức mến không bao giờ mất được” (1Cr 13,2).
Tuy đức đối với người Công Giáo có nhiều nghĩa, nhưng dùng cho nghĩa ơn Chúa nhiều hơn.
III. Cách dùng trong Nôm.
Tôi chợt nhớ lời của cụ Phan Khôi ngày xưa: “Ở nước ta, chữ quốc ngữ mới gây dựng lên, cho nên văn quốc ngữ không lấy đâu làm mực thước cả..., phải chờ đến bao giờ tiếng ta và văn ta được thành thục rồi, những cái nguyên tắc của tiếng và văn đã tìm thấy đủ hết và được nhứt định, thì bấy giờ hai thứ sách đó [4]mới thành được”... “Kêu bằng sách văn pháp, chẳng phải có ông thánh nào đặt ra được sách ấy đâu, chỉ là do những người hay chú ý tìm ra được những luật tự nhiên của một thứ ngôn ngữ văn tự mà thôi. Luật tự nhiên ấy cũng gọi là những nguyên tắc. Những nguyên tắc ấy khi được công nhận rồi, thành ra sách văn pháp” [5].Việt Nam chưa có hàn lâm viện, nên không thể có quy định về cách dùng chữ, những gì trình bày dưới đây là dựa vào các từ điển, cách nhìn của các học giả và tập tục.
Về chữ “Đức” dùng theo nghĩa Nôm, chúng tôi có mấy ghi nhận như sau:
(1) Các soạn giả không thống nhất về từ loại của chữ này, ví dụ: Ban Tu Thư Khai Trí (1971) [6] ghi là đại danh từ; Giáo sư Lê Ngọc Trụ - Lê Văn Đức (1970) [7] và Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam (1999) [8] ghi là danh từ; LM. Antôn Trần Văn Kiệm (2004) [9] và Tiểu Ban Từ Vựng của UB Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN (2011) [10] ghi là mạo từ (hay quán từ);. Cũng có người gọi đó là thể hiện từ, từ biệt loại, danh từ khuyết nghĩa hay phó danh từ (noun adjunct)[11].
(2). Theo cha Nguyễn Kim Bính [12]; “Đức” chỉ kết hợp với các danh từ chỉ người hay danh từ trừu tượng và không bao giờ kết hợp với danh từ chỉ vật hay đồ vật.
(3). “Đức” là thuật từ có tính cách tôn trọng nhất để nói về những bậc thần thánh, luôn được viết hoa, ví dụ: Đức Chúa Trời, Đức Chí Tôn, Đức Cao Đài, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đức Bà, Đức Mẹ, Đức Phật, Đức Phật Mẫu...
(4). Trong ngôn ngữ hàng ngày, “đức” được sử dụng để trực tiếp xưng hô với những nhân vật rất được tôn kính như: đức tăng thống, đức hộ pháp, đức dalai lama [13], đức giáo chủ, đức giáo hoàng, đức thượng phụ, đức hồng y, đức tổng giám mục, đức giám mục, đức giám quản, đức sứ thần, đức khâm sứ, đức cha, đức thầy, đức ông...
(5) Theo Cha Giuse Cao Phương Kỷ: “Chữ đức, không có ý nghĩa thần tính, chỉ là danh hiệu tỏ lòng tôn kính dành cho nhiều người như: đức vua, đức bà, đức ông, đức thầy... Ngoài ra, theo thói quen, chữ đức thường ghép vào một chức vị, hay danh hiệu của một người như đức giám mục, đức cha... không ai gọi kèm theo tên riêng, tên tục người ta, chẳng hạn, ta quen gọi: Đức Hồng y Khuê, mà không nói: “Đức Khuê” (vì chữ Khuê là tên riêng)” [14].
Chúng tôi đồng ý với Cha Giuse, vì Đức (nghĩa Nôm) là:
- “Từ đặt trước những danh từ chỉ những thần thánh hoặc những người đáng tôn kính” [15]“... hoặc người có địa vị cao quý trong xã hội phong kiến để tỏ ý tôn kính khi nói đến” [16].
- “Tiếng tôn gọi các bậc vua chúa, thần thánh” [17].
- “(Thường viết hoa) từ dùng để gọi thánh thần với ý tôn kính” [18].
- “Tước hiệu danh giá tột đỉnh” [19] dùng để “xưng tặng các đấng cao sang, tài trí...” như Paulus Huỳnh Tịnh Của viết: “Đức: tiếng xưng tặng các đấng cao sang, tài trí; tiếng chỉ việc nhơn lành, lòng lành: Đức Chúa Trời [20]. Để tiếng đức cho trọng đấng bậc, không dám xưng ngay là Chúa Trời, về các tiếng sau này cũng vậy: chúa, vua, thánh, giáo tông, giám mục, cha, thầy, phu tử, ông, mụ, bà (dùng tiếng đức cũng về một ý)” [21].
Theo lễ phép “xưng khiêm, hô tôn”, khi nói với (hoặc nói về) người trên thì người ta dùng chức vụ, vị trí công tác hay danh hiệu học vị học hàm; khi nói với (hoặc nói về) người ngang hàng hoặc dưới mình, nhưng vẫn tỏ ra lịch sự, người ta có thể dùng tên tự hay gọi theo chức vị. Có thể thêm tên hay họ tên sau chức vị khi có người khác cùng chức vị đó hiện diện. Thiết nghĩ, đối với các bậc tôn quý “danh giá tột đỉnh” được gọi là “Đức...” mà chúng ta chỉ xưng hô vỏn vẹn là “Đức + tên riêng” thì không phải phép. Thí dụ: Người ta không nói “Đức Khổng Khâu”, nhưng là “Đức Khổng Tử” [22]; không nói “Đức Tất Đạt Đa Cồ Đàm”, nhưng nói là “Đức Phật Thích Ca” [23]. Chúng ta không nên nói “Đức Maria”, mà nên nói là “Đức Mẹ Maria”, “Đức Bà Maria” hay “Đức Nữ Đồng Trinh Maria”... Tuy nhiên, khi nói về Đức Phật Thích Ca trong giai đoạn trước khi thành Phật, người ta có thể gọi ngài là “Hoàng tử Tất Đạt Đa” hay “Đức Cồ Đàm”..., cũng như có người dùng cách gọi “Đức Giêsu” để nhấn mạnh đến nhân tính, còn từ “Chúa Giêsu” để nói về thiên tính của Ngôi Hai Thiên Chúa [24]. Nhưng khi nhấn mạnh như thế, liệu chúng ta có đi lệch với mầu nhiệm ngôi hiệpkhông? Đây, không phải chỉ là cách dùng từ, mà còn liên quan đến phạm trù giáo lý đức tin.
Nếu dùng từ “Đức Giêsu” để nhấn mạnh nhân tính của Chúa; từ “Chúa Giêsu” để nhấn mạnh thần tính của Chúa, thì sẽ liên quan đến vấn đề thần học, làm sao giải thích mầu nhiệm ngôi hiệp? Trong nhiều bản dịch Cựu Ước, đều thấy tôn xưng Thiên Chúa là Đức Chúa, như “Đức Chúa là Chúa thượng” (Is 50,4,5), vậy Đức ở đây chỉ nhân tính hay thiên tính?
Khi ghép chữ “đức” vào hai chữ “lang quân” và “ông chồng”: Từ “đức ông chồng” thì có nghĩa không được tốt đẹp lắm, tức là “chồng (cách gọi có ý đùa hoặc mỉa mai)” [25]. Còn từ đức lang quân, nay không nghe người ta nói nữa, chỉ thấy dùng trong văn viết với ý nghĩa như đức ông chồng vậy. Riêng Giáo Hội Công Giáo vẫn dùng để chỉ Đức Phu Quân là Chúa Kitô... Đức Lang Quân của Hội Thánh!
(6) Sự tương xứng giữa những chữ Đức, Đấng và Ngài.
Sử dụng | Trực tiếp | Gián tiếp |
Rất kính trọng | Đức | Đấng |
Kính trọng | Ngài | Vị |
Những chữ này đều có tính tôn kính, như: ngài thủ tướng; Đức Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng cách dùng lại hơi khác. Người ta có thể nói: “Ngài Tổng Thống”, “Ngài Barak Obama”, nhưng không nói: “Đức Tổng Thống”, “Đức Barak Obama”.
(7) Lướt qua một số trang mạng, thấy có nhiều bài viết dùng chữ “Đức” đặt trước họ và tên riêng của một nhân vật, như : “Phật Giáo Hòa Hảo ra đời gắn liền với tên tuổi của Đức Huỳnh Phú Sổ”[26], “Kỷ niệm 5 năm Đức Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo Hoàng” [27]. Cách dùng như thế làm cho người tangộ nhận chữ “Đức” có thể đặt trước họ hay tên riêng. Thật ra đó là cách nói “bình dân” mà thôi. Tất cả cách dùng như thế, đều không dựa trên những cứ liệu có uy tín về văn học hay ngôn ngữ học.
Kết luận:
Như vậy, chữ Đức theo nghĩa Hán thì tuỳ theo tư tưởng triết học mà có nghĩa khác nhau, nhưng đa số mang tính xã hội, chỉ riêng Công Giáo mới mang nghĩa đối thần, tức là ơn Chúa. Còn trong nghĩa Nôm, Đức là từ tôn kính và chỉ đứng trước danh xưng chức vị hay tước hiệu (nên xưng Đức Giêsu, Đức Maria, Đức Bênêđíctô… là cách dùng không chuẩn).
Ghi chú:
[1] Nhân là phạm vi đạo đức rất rộng của Trung Quốc thời xưa, vốn ý nói về tương thân tương ái giữa người với người.
[2] Đức được trình bày trong cuốn Lão Tử. “Lão Tử” còn gọi là “Đạo Đức Kinh”. Sách chia ra hai phần, phần một bàn về đạo, phần hai bàn về đức.
[3] Nhân là phạm vị đạo đức rất rộng của Trung Quốc thời xưa, vốn ý nói về tương thân tương ái giữa người với người.
[4] Văn pháp (Grammaire) và Tu từ học (Rhétorique).
[5] Phan Khôi, PHÉP LÀM VĂN, Bài đăng trên báo Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 71, ngày 25/09/1930.
[6] Ban Tu Thư Khai Trí, TỰ ĐIỂN VIỆT NAM , nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1971.
[7] Giáo sư Lê Ngọc Trụ, Lê Văn Đức, TỰ ĐIỂN VIỆT NAM, nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1970.
[8] Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb. Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 1999.
[9] Lm. Antôn Trần Văn Kiệm, GIÚP ĐỌC NÔM VÀ HÁN VIỆT, nxb. Đà Nẵng, 2004.
[10] Tiểu ban Từ vựng UB GLĐT, TỪ ĐIỂN CÔNG GIÁO - 500 MỤC TỪ, nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2011. Mục từ Đức Giám Mục, Đức Giáo Hoàng, tr. 124, 130.
[11] xem : Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quỳnh, NGỮ PHÁP TIẾNG VIỆT, nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2007, tr. 120.
[12] Nguyễn Kim Bính, BÀN VỀ TỪ “ ĐỨC” TRONG BIỆT NGỮ CÔNG GIÁO, http://gpnt.net/diendan/showthread.php?t=17374
[13] Ở đây dùng theo nghĩa danh từ chung nên không viết hoa.
[14] Cao Phương Kỷ, Lạm bàn về phiên dịch Kinh - Sách sang Việt ngữ (http://www.gpnt.net/diendan/archive/index.php/t-795.html), các chữ in đậm do chúng tôi.
[15] Nguyễn Lân, Từ Điển Từ và Ngữ Việt Nam, NXB. TP.HCM, 2000.
[16] Hoàng Phê (chủ biên), Từ Điển Tiếng Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, Đà Nẵng, 2005.
[17] Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam Từ Điển, NXB. Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội. Gs. Lê Ngọc Trụ, Việt Ngữ Chính Tả Tự Vị, in lần ll, NXB. Khai Trí, Sài Gòn, 1972.
[18] Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại Từ Điển Tiếng Việt, NXB. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999.
[19] Alexandre de Rhodes, Từ Điển Annam - Lusitan - Latinh (Từ Điển Việt - Bồ - La), Rôma, 1651. Phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, NXB. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991
[20] “Trong Lịch Sử Đàng Ngoài, ở bài giảng đầu tiên trên bến Cửa Bạng ngày 19/3/1627, chính ngày lễ kính Thánh Giuse, Đắc Lộ đã cho biết ông rất trịnh trọng nói đến tên Thiên Chúa một cách vô cùng long trọng. Ông không dùng ‘Thiên Chúa’, cũng không dùng ‘Chúa Trời’ mà nói ‘đức Chúa trời đất’, vì chữ đức này làm tôn giá trị tuyệt đối của ‘Chúa trời đất’, vì trong cung điện, trong phủ, người ta vẫn phải nói đức vua, đức chúa, đức ông, đức bà... Cho nên Phép giảng là phép giảng cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà bvào đạo thánh đức Chúa blời. Đắc Lộ còn viết rõ rệt: viết chữ nhỏ ở đức và blời, và chỉ viết chữ lớn, chữ hoa ở Chúa mà thôi, vì chúng ta không thờ trời, không thờ đất mà thờ đức Chúa blời đết”. (Nguyễn Khắc Xuyên, Giáo Sĩ Đắc Lộ và Giáo Hội Công Giáo Nguyên Thuỷ Việt Nam: http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=44&ict=841)
[21] Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Rey, Curiol & Cie, Sài Gòn, 1895. NXB. Khai Trí, Sài Gòn, 1974.
[22] Đức Khổng Phu Tử (551-479 BC): Tên thật là Khổng Khâu (孔丘), tên hiệu là Trọng Ni (仲尼). Khổng là một họ phổ biến ở Trung Quốc; Phu Tử có nghĩa là thầy giáo, theo văn hoá Trung Quốc việc gọi thầy bằng tên là bất kính, nên ông chỉ được gọi là “Thầy Khổng”, thậm chí cho tới tận ngày nay. Từ “Phu” không bắt buộc, vì thế ông cũng thường được gọi là Khổng Tử.
[23] Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhārtha Gautama) là tên riêng của vị Phật lịch sử đã từng sống trên trái đất này, người sáng lập Phật Giáo. Thích Ca Mâu Ni (śākyamuni là danh hiệu có nghĩa là: Trí giả trầm lặng (muni) của dòng Thích Ca).
[24] xem bài của Pt. Giuse Trần Văn Nhật, Về Danh xưng “Đức Giêsu” hay “Chúa Giêsu” trong www.nguoitinhuu.com.
[25] Hoàng Phê (chủ biên), Từ Điển Tiếng Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, Đà Nẵng, 2005.
[26] http://giaohatcamau.net/vi/news/Cac-Ton-Giao/PHAT-GIAO-HOA-HAO-204/
[27] http://vietcatholic.com/News/Html/97446.htm
bài liên quan mới nhất
- Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria
-
Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi