Từ thánh nhạc đến nhạc phụng vụ

Từ thánh nhạc đến nhạc phụng vụ

Trong Kinh Thánh, tên gọi của một người thường gắn liền với sứ mạng của người đó. Có những người đã phải đổi tên khi được trao cho một sứ vụ mới, như trường hợp Abraham trong Cựu Ước (St 17,5) hay Phêrô trong Tân Ước (Mt 16,18). Người Việt Nam có câu “nhìn mặt đặt tên” cũng cho thấy phần nào mối liên hệ giữa người với việc.

Câu chuyện buổi chiều ngày Chúa Nhật Phục Sinh là một minh họa khác về tầm quan trọng của tên gọi đối với sứ vụ. Maria Mađalena đã trực tiếp gặp Chúa Phục Sinh, nhưng bà vẫn không nhận ra Người cho đến khi Chúa gọi đích danh bà: “Maria!” Ngay sau đó bà lãnh nhận và ra sức chu toàn sứ vụ của Đấng Phục Sinh trao phó.

Gọi tên chính xác một chủ thể sẽ đưa đến những đáp ứng tích cực trong các hoạt động liên quan đến chủ thể đó. Mục đích của bài viết này không đặt nặng về chuyên môn mà chỉ nhắm đến một chuyện rất nhỏ là gọi tên trong lãnh vực thánh nhạc.

1. Thay đổi trong cách gọi tên (thuật ngữ)

Tra cứu cuốn Từ Điển Tiếng Việt của Nhà Xuất Bản Từ Điển Bách Khoa năm 2003, người ta chỉ thấy một mục từ duy nhất liên quan đến thánh nhạc là “thánh ca.” Dù không có điều kiện tiếp cận các nguồn tham khảo khác, nhưng người viết có thể hình dung ở đó một sự nghèo nàn về các mục từ liên quan đến tôn giáo. Vì thế, xin được khởi đầu đề tài “gọi tên” này bằng việc tra cứu các mục từ tương đương trong các từ điển chuyên môn bằng tiếng Anh.

Các bộ từ điển chuyên môn như The New Grove Dictionary of Music and Musicians – Tân Từ Điển Grove về Âm Nhạc và Nhạc Sĩ (1980), và The New Harvard Dictionary of Music – Tân Từ Điển Harvard về Âm Nhạc (1986)­ đều không có các mục từ “sacred music” (thánh nhạc) hay “liturgical music” (nhạc phụng vụ) riêng rẽ. Trong khi đó, người ta có thể dễ dàng tìm thấy mục từ “liturgical music” trong cuốn The New Dictionary of Sacramental Worship – Tân Từ Điển Phụng Tự Bí Tích (1990). Điều này không có nghĩa là hai bộ từ điển đầu cùng các nguồn tham khảo khác không đả động gì đến bản chất của thánh nhạc hay nhạc phụng vụ, vì chưng nội dung này được bao gồm trong các mục từ khác, phổ biến nhất là mục từ “church music” (nhạc giáo đường). Hơn nữa, các từ điển này là những nguồn tham khảo về âm nhạc học thuần túy, trong khi cuốn tự điển sau The New Dictionary of Sacramental Worship là nguồn tham khảo về các vấn đề thần học liên quan đến đời sống phụng vụ của Giáo Hội. Một điểm cần lưu ý nữa là ở đây người ta đưa vào mục từ “liturgical music” chứ không phải là “sacred music.”

Những ghi nhận ở trên phản ánh một thực tế là sự thúc bách cần thay đổi về mặt thuật ngữ đã xuất hiện chủ yếu từ những ai có mối liên hệ trực tiếp với những cộng đoàn phụng vụ và quan tâm đặc biệt đến việc cử hành phụng tự, cả trong lịch sử lẫn hiện tại. Thuật ngữ phản ánh sự thay đổi biến hóa đã và đang diễn ra, mà trong đó những vấn nạn về chức năng, hình thể, và ý nghĩa phụng vụ được đề cập trước cả những câu hỏi liên quan đến hiện tượng học, triết học, lịch sử, và âm nhạc học.

Theo dòng lịch sử, tên gọi lâu đời và phổ biến cho nhạc thờ phượng là “church music” (nhạc giáo đường), nhưng nó đang mất dần sự thịnh hành chung vì nhiều người cho rằng cách gọi này quá hạn chế và riêng biệt để có thể bao quát tất cả những cách biểu hiện khác nhau rất phong phú của âm nhạc dùng trong thờ phượng. Vì vậy, nhiều tên gọi thay thế khác đã được áp dụng như: “religious music” (nhạc tôn giáo), “sacred music” (thánh nhạc), và “liturgical music” (nhạc phụng vụ). Nhạc tôn giáo là tên gọi chung cho bất kỳ loại nhạc nào có chủ đề về tôn giáo. Thánh nhạc là thuật ngữ được dùng phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt trong các văn kiện của Giáo Hội Công Giáo ở thế kỷ trước. Tên gọi này tránh được nghĩa rộng của “nhạc tôn giáo” và sự hạn chế của “nhạc giáo đường.” Tuy nhiên, “thánh nhạc” thường bị giới hạn để chỉ hoặc nhạc phụng vụ hoặc âm nhạc khai thác những chủ đề thánh trong truyền thống Kitô-Dothái giáo nói chung. Vì thế nhiều sáng tác của các tên tuổi lớn phải được xếp loại như thánh nhạc mặc dù chúng không hề được dự định để dùng trong phụng vụ. Một điều đáng chú ý là nhiều tác phẩm của thánh nhạc không dùng cho phụng vụ nhưng lại có nguồn gốc từ phụng vụ. Ví dụ, “Passion music” (bài thương khó) mà hiện nay thường được nghe trong các buổi hòa nhạc, có nguồn gốc từ các trình thuật phúc âm được hát trong suốt tuần thánh; “Oratorio” (giáo trường ca) phát triển từ những buổi diễn nguyện; và “Mass” (bộ lễ) tất nhiên xuất phát trực tiếp từ các bản văn phụng vụ.

“Liturgical music” (nhạc phụng vụ) là thuật ngữ thay thế đang ngày càng được sử dụng rộng rãi, nhằm bao trùm toàn bộ âm nhạc phụng tự theo truyền thống Kitô-Dothái giáo, âm nhạc có chức năng (functional music) của cộng đoàn được qui tụ (synagogue and ecclesia) trong các buổi thờ phượng. Một nhược điểm của tên gọi này là “phụng vụ” trong quá khứ được giải thích như các bản văn dùng trong phụng tự. Vì thế, nhạc phụng vụ có thể hiểu như là nhạc cho các bản văn phụng vụ, kể cả những bài thánh ca phụng vụ và các câu đối đáp. Tuy nhiên, cách dùng hiện thời của “phụng vụ” không giới hạn ở bản văn mà bao gồm tất cả những gì được chỉ định bởi nghi thức. Nếu được hiểu theo cách này thì “nhạc phụng vụ” là thuật ngữ thích hợp cho âm nhạc dùng trong phụng tự.

Trở lại với ngôn ngữ Việt Nam, ta thấy một số từ liên quan thường được dùng như “nhạc đạo” và “thánh ca” hay “thánh nhạc.” Nhạc đạo là từ dùng để phân biệt với nhạc đời, nên có nghĩa khá rộng chứ không chỉ giới hạn trong Kitô giáo. Ví dụ, các ca khúc của Phật giáo cũng được gọi là nhạc đạo. Còn lại, thuật ngữ “thánh ca” hay “thánh nhạc” từ lâu đã được dùng rộng rãi trong giới Công Giáo. Theo cách sử dụng thông thường, khi nói đến thánh nhạc thì người ta nghĩ ngay đến âm nhạc dùng trong phụng vụ. Ba Thông Cáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Thánh Nhạc do Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa ký ngày 24/9/1994, và gần đây là bài Mấy Nhận Định và Đề Nghị về Thánh Nhạc do Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên ký ngày 28/9/2004 đã cố gắng làm rõ vấn đề khi chọn cách gọi “thánh ca dùng trong phụng vụ.”

Thực ra, thuật ngữ “thánh nhạc” đề cao bản chất của âm nhạc và mang nghĩa rộng. Tính từ “thánh” không nói lên được chức năng của âm nhạc dùng trong phụng vụ, nên cần có sự thay thế cho phù hợp. Cách gọi “thánh nhạc trong phụng vụ” cũng đưa đến một cách hiểu không trọn vẹn như cha Gelineau lưu ý “nhạc phụng vụ là âm nhạc của phụng vụ chứ không chỉ đơn giản là âm nhạc xuất hiện hay được đặt vào trong phụng vụ.” Hơn nữa, sự phát triển của âm nhạc dùng trong phụng vụ những thập niên vừa qua, đặc biệt từ sau công đồng Vaticanô II, cho thấy có một sự chuyển dịch căn bản trong ý nghĩa và mục đích của âm nhạc trong phụng tự. Sự thay đổi này được cụ thể hóa trong việc hình thành sở thích đối với thuật ngữ “nhạc phụng vụ” hơn là “thánh nhạc” trong thời gian gần đây. Ví dụ, hơn mười năm trước cha Tiến Lộc đã dùng thuật ngữ “nhạc phụng vụ” để phân biệt với “ca sinh hoạt tôn giáo.”1 Gần đây hơn, cha Xuân Thảo đã dùng cách gọi tên này trong đề tài “Hội Nhập Văn Hóa Nhạc Phụng Vụ.”2

Tính từ “phụng vụ” trong thuật ngữ “nhạc phụng vụ” xác định rõ ràng chức năng căn bản của nhạc dùng trong thờ phượng, vốn chi phối đặc tính và thành phần của nó. Theo cha Edward Foley, nhạc phụng vụ là “âm nhạc hòa hợp với hành động phụng vụ, dùng để biểu lộ ý nghĩa trọn vẹn của nghi lễ, đồng thời âm nhạc cũng tìm thấy nghĩa đầy đủ của nó từ phụng vụ.” Từ định nghĩa trên, ta thấy cách đặt vấn đề “nhạc phụng vụ là gì?” đến sau câu hỏi cơ bản “nhạc phụng vụ nhắm đến điều gì?” Chức năng và khung cảnh sẽ xác định hình thể và thành phần, vì thế bản chất và thể loại của nhạc phụng vụ không thể được hiểu cách đầy đủ cho đến khi mục đích và cách sử dụng của nó được xác lập. Cũng vậy, khi nghe và nghiên cứu nhạc phụng vụ bên ngoài việc thờ phượng mà nó nhắm tới, người ta sẽ làm mất đi tính toàn vẹn, ý nghĩa, và bản chất của nhạc phụng vụ.

2. Thay đổi trong các văn kiện

Thuật ngữ chuyên dùng trong các văn kiện của Giáo Hội Công giáo Rôma liên quan đến thánh nhạc là “sacred music” (thánh nhạc). Tuy nhiên, người ta thấy có sự chuyển biến rõ ràng trong cách sử dụng thuật ngữ này. Vì giới hạn của bài viết, ở đây chỉ xin lược lại một vài điểm liên quan trong những văn kiện quan trọng từ đầu thế kỷ XX trở lại đây.

Tự sắc Tra le sollocitudini (TLS, 1903) của Đức Giáo Hoàng Piô X nhấn mạnh sự tham gia tích cực của cộng đoàn vào chính việc thờ phượng cũng như việc ca hát. TLS khẳng định rằng âm nhạc là “một phần thiết yếu và hoàn chỉnh của phụng vụ trọng thể” (số 1). Xác định rằng vai trò chủ yếu của âm nhạc là phục vụ cho bản văn phụng vụ, Đức Piô X đã phác họa ba tiêu chuẩn cho thánh nhạc: thánh thiện, nghệ thuật, và phổ quát (số 2). Văn kiện này chia âm nhạc dùng trong phụng vụ thành ba loại: bình ca Gregorian (Gregorian chant), nhạc đa âm cổ điển (classic polyphony), và thánh nhạc hiện đại (các số 3-5). Ở đây âm nhạc chủ yếu là đi kèm theo bản văn phụng vụ bằng tiếng Latinh. Theo thói quen, có thể được phép hát một bài motet suy tôn Thánh Thể sau Benedictus trong thánh lễ trọng thể. Cũng có thể hát một bài motet ngắn với lời đã được thẩm quyền phê duyệt sau khi hát Offertory (số 8).

Thông điệp Musicae sacrae disciplina (MSD, 1955) của Đức Giáo Hoàng Piô XII lập lại những nguyên tắc của Đức Piô X. Văn kiện này bắt đầu phân biệt giữa thánh nhạc (sacred music) là một phần của phụng vụ và nhạc tôn giáo (religious music) không nhất thiết là thành phần của phụng vụ thánh, nhưng rất hữu ích trong việc giáo dục đức tin (số 36-37). Ở đây, ta thấy những bài thánh ca bình dân được xem như một thể loại của thánh nhạc. Với việc cho phép hát những bài thánh ca bình dân bằng tiếng bản xứ trong các thánh lễ đọc missa lecta, MSD mở đường cho kiểu mẫu thánh lễ với bốn bài thánh ca (nhập lễ, dâng lễ, hiệp lễ, và kết lễ) như phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, văn kiện này không xem việc hát như thế chính xác là hát phụng vụ, nhưng như việc ca hát cầu nguyện bình dân được phối hợp với hành động phụng vụ (số 62-65). Điều này đưa đến hệ quả là những yếu tố tương đối ít quan trọng về thần học nghi thức được gán cho một sự nổi bật thái quá trong những bài hát cộng đoàn, trong khi những thành phần quan trọng của phụng vụ lại chỉ được đọc.

Sau đó Thánh bộ Lễ Nghi đã ấn hành một văn kiện bổ sung là huấn dụ De musica sacra (1958) làm rõ hơn bản chất của thánh nhạc bao gồm nhạc Gregorian, thánh ca đa âm, thánh ca hiện đại, thánh nhạc cho đại phong cầm, thánh ca bình dân, và nhạc tôn giáo (số 4). Trong số đó, có loại không được phép dùng trong cử hành phụng vụ, có loại chỉ được dùng một cách hạn chế (số 5-10).

Hiến Chế về Phụng Vụ Sacrosanctum concilium (SC, 1963) của Công Đồng Vaticanô II nhắc lại quan điểm của Đức Piô X rằng vai trò của âm nhạc là phục vụ cho việc thờ phượng và tạo nên “phần thiết yếu và hoàn chỉnh cho buổi cử hành phụng vụ trọng thể.” Lý do cơ bản cho vai trò thiết yếu của âm nhạc trong phụng vụ là âm nhạc có khả năng kết hợp và hỗ trợ cho bản văn phụng vụ. Hơn nữa, văn kiện này còn nhận ra thế mạnh của âm nhạc không chỉ hỗ trợ bản văn mà còn kết hợp với hành động phụng vụ (số 112). Khác với các văn kiện trước, thay vì phân biệt nhiều loại thánh nhạc, SC chỉ trình bày hai loại chính: bình ca và các thể loại khác bao gồm nhạc đa âm và thánh ca bình dân (số 116, 118).

Huấn Thị về Thánh Nhạc trong Phụng Vụ Thánh Musicam Sacram (1967) phân loại thánh nhạc gần như theo cách của huấn dụ 1958. Theo đó, thánh nhạc bao gồm nhạc Gregorian, thánh ca đa âm cổ điển, thánh nhạc hiện đại, nhạc cho đại phong cầm và các nhạc khí, thánh ca bình dân, ca khúc tôn giáo (số 4b). Ta thấy có một số thay đổi nhỏ là hệ quả của việc sử dụng ngôn ngữ bản xứ và các loại nhạc cụ khác trong cử hành phụng vụ được công đồng Vaticanô II cho phép.

Gần đây, thủ bút của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (2003) nhân kỷ niệm 100 năm tự sắc Tra le sollecitudini nhiều lần dùng thuật ngữ “nhạc phụng vụ” trong các số 3, 5, 7, 9, 12, và 13.

Từ những ghi nhận trên, ta nhận thấy khái niệm “thánh nhạc” được mở rộng dần theo thời gian cùng với những phong cách sáng tác mới và việc cho phép sử dụng ngôn ngữ bản xứ trong phụng vụ. Với nghĩa rộng như thế, thánh nhạc không còn giới hạn trong khuôn khổ phụng tự nữa mà bao gồm cả những tác phẩm âm nhạc sử dụng ngoài phụng vụ. Hơn nữa, việc nhấn mạnh đến tính từ “thánh” (sacred) trong tên gọi âm nhạc dùng trong phụng vụ trước đây còn có một lý do khác. Quan niệm về âm nhạc của triết học Hy Lạp (Pythagoras, Plato) và triết gia La Mã Boethius, cho rằng âm nhạc là một thực tại khách quan có thể bao gồm trong chính nó nhân đức hay sự xấu xa, đã tồn tại lâu đời trong Giáo Hội. Thêm vào đó, trong thực tế âm nhạc cũng được dùng rất rộng rãi trong các nghi thức ngoại giáo. Vì thế, Đức Piô X đòi hỏi rằng âm nhạc phải thánh và “loại trừ tất cả sự trần tục không chỉ tự thân âm nhạc mà còn trong cách thức nó được trình bày” (TLS, số 2). Từ quan niệm đó, âm nhạc thích hợp nhất cho phụng vụ được xem xét phải là “thánh” nhạc. Một sự ra đi đầy ý nghĩa khỏi quan niệm đó được thấy rõ ràng trong Hiến Chế về Phụng Vụ vốn không đặt nặng trên những chuẩn mực triết học và thần học trừu tượng trong việc lượng giá âm nhạc cho việc thờ phượng, nhưng nhấn mạnh chức năng của âm nhạc ấy. Vì thế SC ghi nhận rằng chính nhờ sự kết hợp của nhạc với lời mà âm nhạc tạo nên một phần thiết yếu của phụng vụ (số 112). Thậm chí, ý nghĩa hơn nữa khi hiến chế tuyên bố rằng thánh nhạc sẽ càng thánh thiện khi nó càng kết hợp mật thiết với nghi thức phụng vụ. Dù vẫn giữ ngôn ngữ “thánh thiện” của Đức Piô X, Vaticanô II rõ ràng đã chuyển tới một định nghĩa chú trọng đến chức năng của thánh nhạc, nhấn mạnh rằng sự thánh thiện của nó không chỉ là vấn đề thuộc bản thể học hay đạo đức nhưng còn liên quan đến khả năng của âm nhạc kết hợp chính nó với bản văn và nghi thức phụng vụ. Điều này mở đường cho việc sử dụng thuật ngữ “nhạc phụng vụ” trong các tài liệu về sau này.

3. Thay đổi trong thực hành mục vụ

Hoạt động thánh nhạc mở rộng ra ngoài lĩnh vực phụng vụ

Từ lâu, do hoàn cảnh khách quan chi phối, những hoạt động thánh nhạc thường phải giới hạn trong lĩnh vực cử hành phụng vụ. Lâu rồi thành nếp khiến người ta quên đi những hoạt động khác của thánh nhạc ngoài phụng vụ. Những cuộc hội thảo về thánh nhạc trước đây phần lớn đều xoay quanh các chủ đề liên quan đến nhạc phụng vụ như một bằng chứng cho nhận định này. Tuy nhiên, người ta cũng dễ dàng nhận thấy có một chuyển biến tích cực khi nhìn vào những nỗ lực cụ thể hướng đến Năm Thánh 2010 của ủy ban thánh nhạc.3

Ngoài ra, việc không xác định rõ tên gọi đưa đến sự đánh đồng thánh nhạc với nhạc phụng vụ cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề như: (a) Đưa tất cả những gì của thánh nhạc vào phụng vụ, thí dụ những bài thánh ca suy niệm hay có tâm tình cầu nguyện cá nhân, v.v. (b) Thiếu quan tâm phát triển những lãnh vực khác của thánh nhạc như thánh ca giáo lý, thánh ca vào đời, thánh ca hợp xướng cho các buổi hội diễn, v.v.

Nhạc phụng vụ là lời cầu nguyện của cộng đoàn phụng vụ

Ngay từ buổi đầu ra đời, các bài thánh ca Việt Nam được hát để giúp người giáo dân “chầu lễ” trong các thánh lễ cử hành bằng tiếng Latinh. Tới những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, khi thánh ca bình dân chính thức được phép hát trong các thánh lễ đọc, thì những bài thánh ca tiếng Việt cũng chỉ xem như cách cầu nguyện bình dân được phối hợp với hành động phụng vụ cử hành bằng “ngôn ngữ lạ.” Như thế, yếu tố phụng vụ của các bài thánh ca này ít được coi trọng mà chỉ chú ý đến tâm tình đạo đức. Sau Công Đồng Vaticanô II, mặc dù vai trò thừa tác của nhạc phụng vụ đã được nhấn mạnh, nhiều sáng tác mới vẫn đi theo lối xưa mà không nêu bật được tính cộng đoàn của nhạc phụng vụ. Thực tế, nhiều bài thánh ca có tâm tình cầu nguyện rất sâu sắc, nhưng lại thích hợp cho việc cầu nguyện cá nhân hơn là lời cầu nguyện của cộng đoàn phụng vụ.

Ở đây phát sinh vấn đề liên quan đến việc chuẩn nhận thánh ca. Xét về chức năng và mục đích của âm nhạc trong phụng vụ, thì tiêu chuẩn “khơi động những tâm tình của tín hữu” chưa đủ để một bài thánh ca được đưa vào phụng vụ. Mặt khác, khi đã thống nhất cách gọi tên và phân loại thì không phải chỉ có nhạc phụng vụ mới cần được chuẩn nhận. Thánh ca giáo lý là mảng liên quan trực tiếp đến đức tin nên càng phải tuân thủ qui luật này. Khi đó, không phải tất cả các bài hát đã được imprimatur (cho phép in) là có thể hát trong phụng vụ. Vấn đề chính vẫn là ở phía người sử dụng phải được trang bị khả năng phán đoán và lựa chọn. Chọn lựa âm nhạc thích hợp cho phụng vụ không chỉ đòi hỏi một hiểu biết về sự chính xác của bản văn và giá trị của bài hát. Việc lựa chọn còn đòi hỏi một hiểu biết về cấu trúc vĩ mô và vi mô của cử hành phụng vụ để phân biệt đâu là trọng tâm của nghi thức, rồi khám phá ra làm thế nào để âm nhạc có thể đóng góp cho sự trọn vẹn của buổi cử hành. Trong hướng dẫn thực hành, các tài liệu về thánh nhạc của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã cụ thể hóa ba tiêu chuẩn do Đức Giáo Hoàng Piô X đưa ra bằng đề nghị lượng giá nhạc phụng vụ dựa trên sự suy xét ba mặt: phụng vụ, mục vụ, và âm nhạc.4 Thiết nghĩ Ủy Ban Thánh Nhạc cũng cần có một bản hướng dẫn cụ thể tham chiếu những tiêu chuẩn đó.

Đào tạo người làm thánh nhạc như một thừa tác viên

Việc đào tạo thánh nhạc là một yếu tố căn bản cho việc thực hiện thành công đường hướng canh tân phụng vụ của Công Đồng Vaticanô II. Nhạc phụng vụ có vai trò thừa tác, nên những người liên quan đến nhạc phụng vụ (ca trưởng, ca viên, người đệm đàn, v.v.) cũng phải ý thức thừa tác vụ của mình. Họ không chỉ là những người tự nguyện phục vụ, mà chính là các thừa tác viên chia sẻ niềm tin, phục vụ cộng đoàn, cùng diễn tả tình yêu Thiên Chúa và tha nhân qua âm nhạc. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua Tông huấn Christifideles Laici (Kitô hữu Giáo dân, 1988) đã lưu ý việc đào tạo mục vụ cho người giáo dân cần hội đủ bốn lãnh vực: nhân bản, thiêng liêng, tri thức, và mục vụ.5 Những yếu tố này được thể hiện cách khác nhau trong một chương trình huấn luyện. Tài liệu về Âm Nhạc trong Phụng Vụ Thánh của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ có hướng dẫn cụ thể: “Người nhạc sĩ làm mục vụ cần phải được đào tạo thích hợp đặt nền tảng trên ơn gọi của họ qua bí tích Rửa tội để trở thành người môn đệ Chúa. Chương trình huấn luyện sẽ truyền đạt cho họ những kiến thức vững vàng và tình yêu đối với Thánh Kinh, những giáo huấn của Giáo Hội, hiểu biết về phụng vụ và âm nhạc. Đồng thời, họ cũng được trang bị những kỹ năng chuyên môn về âm nhạc, phụng vụ, và mục vụ để tận tình phục vụ việc cầu nguyện của Giáo Hội.”6

Hướng đến một bản hướng dẫn về thánh nhạc

Kể từ khi Công Đồng Vaticanô II có những quyết định và chỉ thị về cải cách phụng vụ cho tới nay có thể nói Giáo Hội Việt Nam vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể nào về nhạc phụng vụ, ngoại trừ ba Thông Báo về Thánh Nhạc vào năm 1994. Thiết nghĩ một trong những việc cần làm ngay của Hội đồng Giám mục Việt Nam vào thời điểm này là soạn thảo và ban hành một tài liệu chính thức về mục vụ thánh nhạc. Đây sẽ là nguồn tham khảo cung cấp những hướng dẫn căn bản giúp người tín hữu hiểu biết về vai trò và tác vụ của âm nhạc trong phụng vụ. Tài liệu này sẽ được sử dụng trong các chương trình huấn luyện thánh nhạc.

Kinh nghiệm về mục vụ thánh nhạc từ Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ cho thấy những tài liệu liên quan luôn được ban hành và cập nhật kịp thời cho phù hợp với hoàn cảnh của từng giai đoạn. Năm 1972, Ủy ban Phụng tự của Hội đồng Giám mục đã ấn hành bản tuyên bố Music in Catholic Worship (Âm Nhạc trong Phụng Tự Công Giáo) gồm 84 số. Mười năm sau, năm 1982 một tài liệu mới của cùng Ủy ban trên được ban hành là Liturgical Music Today (Nhạc Phụng Vụ Ngày Nay) gồm 74 số. Tài liệu mới nhất Sing to the Lord: Music in Divine Worship (Hát Mừng Chúa: Âm Nhạc trong Phụng Vụ Thánh) gồm 259 số do ủy ban Phụng Vụ Thánh soạn thảo và được chuẩn y bởi Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ ngày 14/11/2007. Tất cả những tài liệu trên đều nhằm xác định bản chất của âm nhạc trong phụng tự Công giáo, chỉ rõ mục đích và tiêu chuẩn của âm nhạc ấy, đồng thời lập lại ý muốn của Công Đồng về sự tham dự đầy đủ, tích cực và ý thức của cộng đoàn vào buổi cử hành phụng vụ qua việc ca hát. Các tài liệu này cũng nêu rõ những quan tâm về mục vụ như hội nhập văn hóa, sử dụng nhạc cụ, việc huấn luyện, lựa chọn bài hát… và cả việc sử dụng âm nhạc trong giảng dạy giáo lý cho trẻ em nữa. Nhìn chung, đây là những tài liệu hữu ích không chỉ cho người sử dụng mà cả người sáng tác âm nhạc.

Hình thức và nội dung cũng như cách thức thực hiện một bản hướng dẫn đầy đủ về thánh nhạc tại Việt Nam cần được chuẩn bị, bàn thảo kỹ lưỡng với sự cộng tác của nhiều thành phần liên quan. Một khi đã được hình thành, tài liệu này sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển thánh nhạc của Giáo Hội Việt Nam trong tương lai.

Kết luận

Như được ngỏ ngay từ đầu, nguyện vọng khi đưa đề tài về tên gọi ra thảo luận qua bài viết này không chỉ là để gọi tên cho chính xác mà là xác định lại chức năng, phạm vi và mục đích của từng lãnh vực liên quan đến thánh nhạc. Đây cũng là bước khởi đầu cho một viễn tượng trong tương lai của những hoạt động thánh nhạc từ cấp độ toàn quốc cho đến các giáo phận. Tắt một lời, tất cả vì sự phát triển vững mạnh và đúng hướng của nền thánh nhạc Việt Nam.

Sàigòn, Mùa Phục Sinh 2010

–––––––––––––––––––––––
1 Tiến Lộc, “Ca Sinh Hoạt Tôn Giáo,” Hương Trầm 4 (1997): 40-55.
2 Xuân Thảo, “Một Số Gợi Ý về Hội Nhập Văn Hóa Nhạc Phụng Vụ tại Việt Nam,” Hương Trầm 9 (2008): 5-28.
3 Xem bản sơ thảo “Thánh Nhạc và Đời Sống Đức Tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 Năm Qua (1960-2010)” của Ủy Ban Thánh Nhạc, trang 43-44.
4 Xem Music in Catholic Worship, các số 25-41; và Sing to the Lord, các số 126-136.
5 John Paul II, Christifideles Laici - Ơn Gọi của Người Giáo Dân (1988), số 60-61.
6 Sing to the Lord, số 50.

Tài liệu tham khảo:
Foley, Edward. “Liturgical Music” [Nhạc Phụng Vụ]. Trong The New Dictionary of Sacramental Worship [Tân Từ Điển Phụng Tự Bí Tích], biên tập Peter Fink, 854-70. Collegeville: The Liturgical Press, 1990.
Leaver, Robin A. “What Is Liturgical Music?” [Nhạc Phụng Vụ Là Gì?]. Trong Liturgy and Music [Phụng Vụ và Âm Nhạc], biên tập Robin A. Leaver và Joyce Ann Zimmerman, 211-19. Collegeville: The Liturgical Press, 1998.


Top