Từ một người rối Hôn phối trở thành hội viên Legio Mariae
TGPSG - “Trong sự mất mát đau thương vì sự ra đi của anh, nhưng lại là sự giải thoát cho chị khỏi kỷ luật của Giáo Hội dù đã trải qua gần 30 năm chung sống”.
Chị Maria Ngọc đã tâm sự như trên nhân ngày giỗ giáp năm chồng của chị, anh Gioan Baotixita. Khi các hội viên Legio Mariae thuộc Praesidium Nữ Vương Hồn Xác Lên Trời - giáo xứ Hà Đông cùng tham dự giờ kinh cầu nguyện tại nhà chị lúc 19g30 thứ Bảy ngày 31-10-2022. Chị Maria Ngọc cũng là học viên lớp giáo lý Dự tòng do tôi hướng dẫn từ tháng 11-2021 đến tháng 3-2022
Gần 30 năm chịu kỷ luật của Giáo hội
Theo lời kể của chị Ngọc: ‘Chị là người ngoại đạo chung sống với anh Gioan Baotixita là người Công giáo, nhưng cuộc Hôn nhân này chỉ hợp pháp dân sự mà thôi. Còn theo Giáo luật Hôn nhân Công giáo thì cuộc hôn nhân này không thể thành sự được, vì anh Gioan Baotixita đã kết hôn và lãnh bí tích Hôn phối với người vợ trước đó và hiện tại vợ trước của anh vẫn còn sống. Vì thế vợ chồng chị Ngọc bao nhiêu năm chung sống quen gọi là rối Hôn phối, là bấy nhiêu năm chịu kỷ luật của Giáo Hội: ‘Dù chồng chị có tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật và lễ trọng nhưng không được rước lễ, còn chị muốn xin học giáo lý Dự tòng để Rửa tội cũng không được vì phạm điều răn thứ 9 trong 10 Điều răn: ‘Chớ muốn vợ chồng người’
Sự ra đi là sự giải thoát
Từ năm 2012 chồng chị đã phát bệnh tiểu đường giai đoạn cuối, 5 năm nuôi chồng trong bệnh viện và 5 năm tiếp theo chồng chị phải chạy thận, cho đến khi anh di căn qua ung thư tất cả là 10 năm. Chị phải bán cả tài sản lớn để trang trải chi phí điều trị. Ròng rã mười năm trời đó, chị theo chồng từ bệnh viện này qua bệnh viện khác vẫn không một lời than van. Chỉ khi trong cơn bế tắc và mệt mỏi chị ngẩng đầu lên kêu than với Chúa: ‘Chúa ơi! Thánh giá Ngài giao con vác, con xin Ngài cho nó mỗi ngày trở nên nhẹ nhàng hơn”. Sau 10 năm chăm sóc chồng bệnh nặng, anh đã không qua khỏi và đã trút hơi thở cuối cùng ngày 31-10-2021. Do vậy, sự mất mát đau thương vì sự ra đi của anh lại là sự giải thoát cho chị khỏi kỷ luật của Giáo Hội dù đã trải qua gần 30 năm chung sống.
Đến với lớp giáo lý Dự tòng
Sau khi chồng của chị qua đời, khoảng giữa tháng 11 năm 2021 chị đã đến lớp xin học giáo lý Dự tòng. Chị là người lớn tuổi nhất so với các học viên trong lớp (U60). Trong một buổi học khi tôi hướng dẫn đến bài số 25 ‘Đức Maria trong Mầu Nhiệm Giáo Hội’, sau khi tôi chia sẻ về 4 đặc ân Chúa ban cho Đức Mẹ và những ơn lành Chúa ban cho mỗi người nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ, thì bất ngờ chị Ngọc giơ tay xin được chia sẻ cảm nhận: ‘Vợ chồng chị chung sống với nhau từ năm 1992-2021 thì 5 năm đầu chị vô sinh, không thể có con dù đã chạy chữa khắp nơi, tiêu tốn rất nhiều tiền nhưng không có kết quả. Bên họ hàng nhà chồng còn độc miệng và chế giễu: ‘Cây độc không trái, gái độc không con’. Chị đã đau khổ nhiều về lời xúc xiểm này. Trong cơn tuyệt vọng Chị đã tâm sự với chồng: ‘Bên anh nơi nào thiêng nhất anh đưa em đi’ và cơ duyên chị đến với Đức Mẹ Fatima (nhà thờ Fatima Bình Triệu) từ lần đầu tiên chị tìm gặp Mẹ, khóc ngất dưới chân Mẹ, chị trút hết những khổ đau chị đang gánh chịu, và ơn riêng của Chúa đã ban cho chị một người con gái nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ. Con gái của chị sau 9 tháng 10 ngày chị cưu mang đã chào đời cũng được mang tên thánh Maria, chị đã dâng vào nhà thờ từ khi cháu vừa đầy tháng, và đến nay cháu vẫn là người sống tốt với đức tin trong niềm tin yêu Thiên Chúa và Đức Mẹ.
Trở thành hội viên Legio Mariae
Sau hơn 3 tháng học giáo lý Dự tòng, chị Ngọc đã được lãnh nhận các Bí tích khai tâm ngày 12-03-2022 tại nhà thờ Hà Đông. Với chị Ngọc đây là ngày vui nhất trong đời, niềm vui dâng trào nước mắt vì lần đầu tiên chị được rước Chúa Thánh Thể sau gần 30 năm chờ đợi, những bạn bè đồng nghiệp cũng chúc mừng chị. Sau khi được rửa tội, nhận thấy chị có lòng tôn sùng kính mến Đức Mẹ, tôi đã mời chị tham gia tập sự Legio Mariae thuộc Praesidium Nữ Vương Hồn Xác Lên Trời - giáo xứ Hà Đông. Sau 3 tháng tập sự, chị đã được tuyên hứa và chính thức trở thành hội viên Legio Mariae, công tác hằng tuần của chị là trực phòng máy hai thánh lễ ngày Chúa nhật lúc 17g và 19g hằng tuần. Tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa ban qua sự chuyển cầu của Đức Mẹ, dù đã có lúc tưởng chừng như bế tắc. “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định”.(Rm 8, 28)
Kết
Bài viết này cũng là lời nhắn nhủ đến các học viên lớp giáo lý Dự tòng và Hôn nhân: ‘Hãy suy nghĩ tìm hiểu thật kỹ lưỡng trước khi kết hôn, vì một khi đôi bạn tay trong tay bước vào nhà thờ để cử hành Bí tích Hôn phối thành sự rồi, thì không có một quyền lực nào có thể giải gỡ được dây Hôn phối. Hãy tôn trọng luật của Chúa và kỷ luật của Giáo Hội vì 'Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly' (Mt 19, 6)"
Thành Tài (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024
-
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma -
Linh mục cử hành phụng vụ thánh hoá dân Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024