Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng
Vatican News (07/11/2024) - Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của Tổng giáo phận Công giáo Ucraina tại Philadelphia của Hoa Kỳ, nói về mục đích của truyền thông Công giáo; sự cần thiết phải nói lên sự thật giữa bối cảnh thông tin sai lệch; và tầm quan trọng của sự liên đới với những người phải chịu bất công.
Trong buổi tiếp kiến ngày 31/10 của Đức Thánh Cha dành cho các thành viên và nhân viên của Bộ Truyền thông nhân Đại hội toàn thể của Bộ, Đức Thánh Cha nói truyền thông xây cần phải hướng tới mục tiêu xây những cây cầu trong lúc những người khác xây những bức tường; thúc đẩy sự hiệp thông trong lúc nhiều người khác gây chia rẽ; tham gia vào những thảm kịch của thời đại trong lúc nhiều người ưa thích sự dửng dưng.
Sau buổi tiếp kiến, Vatican News đã trò chuyện với Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của Tổng giáo phận Công giáo Ucraina tại Philadelphia của Hoa Kỳ, cũng là thành viên của Bộ Truyền thông về những điểm được Đức Thánh Cha quan tâm đối với truyền thông của Toà Thánh.
Một trong những điều Đức Thánh Cha đã nói đến, và chúng con biết Đức tổng cũng quan tâm, là yêu cầu những người làm truyền thông trở thành người xây dựng cầu nối trong thời đại có rất nhiều người đang dựng lên những bức tường, và cũng là những người kiến tạo hòa bình. Vấn đề hòa bình và việc trở thành những người truyền thông xây dựng hòa bình là rất quan trọng trong thời đại ngày nay, đặc biệt là đối với Giáo hội và người dân của Đức tổng. Đức tổng có thể nói một chút về điều đó không?
- Trước hết, tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao của tôi đối với công việc của Bộ Truyền thông. Đây là Bộ lớn nhất tại Vatican. Hơn 500 người làm việc ở đây. Bộ có chương trình phát thanh bằng 53 ngôn ngữ, và cũng có ấn phẩm bằng nhiều ngôn ngữ. Báo Quan sát viên Roma xuất bản thường xuyên bằng bảy ngôn ngữ, như vậy đó là một sứ vụ vô cùng phức tạp trong hoạt động loan báo tin vui.
Và tôi nghĩ đó chính là điều Đức Thánh Cha mời gọi tất cả chúng ta trên thế giới, đặc biệt là Bộ Truyền thông, thực hiện để loan truyền Tin Mừng.
Có những chia rẽ. Ma quỷ – diabolos – là kẻ chia rẽ. Trong tiếng Hy Lạp Diabolo có nghĩa là chia rẽ. Chúng ta được kêu gọi để mang mọi người lại với nhau. Chúng ta được kêu gọi để sống cuộc sống của Chúa Ba Ngôi. Và đó là mô hình của chúng ta, và là điều Chúa gọi chúng ta: tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Chúng ta là những người thực sự được xác định bởi khả năng tương quan của mình. Chúng ta phát triển trong mối quan hệ và chúng ta héo mòn khi chúng ta bị cô lập và gạt ra bên lề. Và vì vậy, các phương tiện truyền thông của Giáo hội Công giáo phải là điều gì đó mang mọi người lại với nhau xung quanh sự thật, xung quanh số phận của họ, xung quanh tin tuyệt vời rằng chúng ta được Chúa yêu thương, Chúa đã ban Con Một của Người để cứu rỗi chúng ta, Chúa Kitô đã bước vào thế giới, tội lỗi và cái chết của chúng ta; và cái chết không thể nắm giữ nguồn sống. Nó đã bị khuất phục.
Và vì vậy, đó phải là nền tảng và thông điệp chính mà chúng ta chia sẻ theo nhiều cách khác nhau liên quan đến mọi chủ đề có thể có trong mọi ngôn ngữ trên thế giới. Sử dụng, hãy nói là, những khía cạnh đẹp đẽ của các nền văn hóa do Chúa ban tặng, thực sự có hàng ngàn nền văn hóa như vậy.
Và đó là một nhiệm vụ làm kinh ngạc, một ơn gọi không thể tin được. Ngạc nhiên về vẻ đẹp và sự cao quý của ơn gọi, nhưng cũng đáng kinh ngạc về thách đố và khó khăn của nó.
Và không còn tổ chức toàn cầu nào ngoài Giáo hội Công giáo, không có tổ chức nào giao tiếp trực tiếp với hàng triệu, hàng trăm triệu, thậm chí là một tỷ người như Giáo hội Công giáo.
Và vì thế, Bộ Truyền thông tìm cách tạo điều kiện cho việc lên tiếng này, việc làm chứng này của Giáo hội Công giáo là một tổ chức rất quan trọng. Và Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến đã chúc lành cho hoạt động của Bộ và mời gọi các thành viên thực sự trở thành người xây cầu nối, và tất cả chúng ta những người xây những cây cầu và người loan báo tin vui.
Và một phần trong số đó mà Đức tổng đã đề cập, Giáo hội có phạm vi rất rộng trên toàn thế giới. Theo một cách nào đó, Giáo hội cũng có thể đứng trên một số chia rẽ chính trị hoặc đảng phái và đồng thời có ơn gọi nói lên sự thật và thậm chí nói lên sự thật với quyền bính…
Đó luôn là một sự cân bằng tế nhị. Chúa Giêsu rất khoan dung. Người đến với những người tội lỗi. Người đến với những người, có thể nói là, ở bên lề xã hội. Nhưng Người cũng rất nghiêm khắc. Và trong bối cảnh toàn cầu của những cuộc chiến tranh tàn khốc, của nạn diệt chủng, bất bình đẳng xã hội, sự thống trị, thậm chí của chế độ nô lệ, chúng ta được kêu gọi là những Kitô hữu nói lên sự thật.
Tất nhiên, tôi biết rõ nỗi đau khổ của người dân Ucraina. Mỗi ngày có một trăm người bị giết, một trăm người mỗi ngày. Bệnh viện, trung tâm mua sắm, tòa nhà chung cư, nhà ga xe lửa bị tấn công. Có một nỗ lực tàn phá nhằm đánh bại người dân, và Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo hội cầu nguyện cho người dân Ucraina.
Chúng ta, các Kitô hữu, những người trao ban tình liên đới với các nạn nhân, có một vai trò rất quan trọng, bởi vì nhiều cuộc chiến tranh ngày nay đang ẩn chứa, và chúng là những cuộc chiến thông tin. Và những kẻ bách hại, giết chóc, phá hủy, muốn thực dân hóa, họ muốn làm cho hành động của mình được chấp nhận, và họ sử dụng thông tin, thông tin sai lệch, tin giả để thao túng toàn bộ khán giả. Và đó là lý do tại sao truyền thông và việc công bố Tin Mừng cũng thường phải nói sự thật về những tình huống cụ thể.
Chúng ta đã nói một chút về cuộc chiến ở Ucraina, cuộc chiến đang diễn ra, như Đức tổng đã đề cập, một cuộc chiến hỗn hợp không chỉ diễn ra trên chiến trường ở Ucraina, mà còn trong lĩnh vực thông tin. Cá nhân Đức tổng là một phần của cộng đồng người Ucraina lưu vong của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ucraina, người Ucraina đã lan rộng khắp thế giới, tại Hoa Kỳ. Và tất nhiên, về cuộc bầu tổng thống Hoa Kỳ, trên mặt trận đó, cũng có một câu hỏi về truyền thông và thông tin và nói lên sự thật. Đức tổng có thể nói về điều đó không?
Có rất nhiều mối quan tâm về việc duy trì tình liên đới toàn cầu của người thiện chí và các quốc gia thiện chí với nạn nhân trong cuộc chiến tranh thuộc địa này.
Các ứng cử viên khác nhau ở Hoa Kỳ đã bày tỏ các lập trường khác nhau. Điều quan trọng nhất là phần lớn người dân Hoa Kỳ, phần lớn người Công giáo Hoa Kỳ, tất cả các giám mục, không loại trừ ai, đều đứng về phía Ucraina không phải vì đó là vấn đề quốc gia, mà vì đó là vấn đề về sự thật, công lý và nhân phẩm, dân chủ. Và vì vậy, chúng tôi hy vọng tổng thống mới của Hoa Kỳ sẽ có lập trường ngôn sứ.
Nhưng ngay cả ở đó, sự tin tưởng của chúng ta không chỉ ở một người, mà là ở toàn thể dân chúng Hoa Kỳ, những cử tri đã bày tỏ ý kiến của mình với các thượng nghị sĩ, với các đại biểu quốc hội. Và chúng tôi biết, trên thực tế, phần lớn các đại diện tại Hạ viện và Thượng viện đều ủng hộ Ucraina.
Vì vậy, tôi không thể nói rằng tôi không lo lắng vì việc đổ máu vẫn tiếp diễn. Sự tàn phá đất nước vẫn tiếp diễn. 4.000 trường học đã bị hư hại hoặc phá hủy, gần 2.000 bệnh viện cũng chịu chung số phận tương tự, và đường xá bị phá huỷ. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng ở đất nước này sẽ dẫn đến một mùa đông rất khó khăn, vì họ không thể sửa chữa tất cả các hệ thống sưởi ấm và điện. Các ước tính ngày nay cho biết thiệt hại gây ra sẽ cần một ngàn tỷ đô la trong dự án tái thiết.
Trong lòng tôi rất lo lắng về điều này, nhưng cũng có một niềm tin thực sự vào Chúa, rằng chân lý của Người sẽ chiến thắng, những người đau khổ, những người bảo vệ phẩm giá mà Chúa ban cho chúng ta, sẽ được Chúa và các quốc gia, dân tộc thiện chí trên thế giới bảo vệ.
Cám ơn Đức tổng rất nhiều. Chúng con sẽ đưa Đức tổng trở lại một chút với cuộc tiếp kiến của Đức Thánh cha dành cho Bộ Truyền thông, và lời kêu gọi của ngài để chúng ta nói và chia sẻ tin vui, trở thành những người xây dựng cầu nối và xây dựng hòa bình. Đức tổng nhìn thấy gì, với tư cách là thành viên của Bộ như một tầm nhìn cho Bộ trong tương lai?
Đức Thánh Cha đã nói về việc sáng tạo trong việc hoàn thành sứ vụ của chúng ta trong những thời điểm có lẽ khó khăn tại Vatican. Đức tổng thấy tầm nhìn nào sẽ tiến về phía trước?
Tôi đã nói về hai điều, cả trong các nhóm nhỏ và trong phiên họp toàn thể. Truyền thông Công giáo, đặc biệt là những người đến từ Tòa Thánh, cần phải có chất lượng cao. Trước hết, chất lượng cao của chứng tá, của chứng tá tâm linh. Chúng ta cần thực sự loan báo Tin Mừng như Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta phải có chất lượng cao và công nghệ trong phương pháp thể hiện báo chí.
Và đề xuất thứ hai: Chúng ta có rất nhiều hệ thống truyền thông, phương tiện truyền thông xã hội và bây giờ là trí tuệ nhân tạo, có một số thuật toán nhất định được chuẩn bị, thiết kế bởi những người có một số mục tiêu nhất định - hoặc đôi khi những mục tiêu đó có thể không rõ ràng [ngay cả] với chính những người thiết kế. Chúng ta nên đưa thông điệp của Giáo hội Công giáo lên nền tảng để các thuật toán được tạo ra bởi Giáo hội và bởi những người truyền thông của chúng ta, do đó đảm bảo rằng người nghe, người xem, khán giả của chúng ta là những người tham gia vào mạng lưới truyền thông toàn cầu; có thể có được sự thật, có thể có được tin tốt, có thể giữ mình không bị thống trị bởi một loạt tin tức tiêu cực có thông điệp gây chia rẽ.
Và tôi tin rằng điều đó có thể thực hiện được, và đây là những gì tôi đã nói. Bạn biết đấy, chúng ta có 1,3 tỷ người Công giáo: hãy tìm 20 chuyên gia tài năng nhất về trí tuệ nhân tạo, lập trình máy tính, quản lý phương tiện truyền thông xã hội và truyền thông chung, và yêu cầu họ cùng nhau xây dựng một nền tảng Công giáo sẽ đưa mọi điều tốt đẹp vào Công giáo và kết nối tất cả những người Công giáo muốn được kết nối theo các thuật toán xuất phát từ căn tính của chúng ta chứ không phải là các thuật toán do người khác kiểm soát, những người đang tìm cách kiếm tiền hoặc thao túng, theo cách dân túy, các nhóm lớn của dân số toàn cầu.
Thật là tham vọng…
Vâng, bạn biết đấy, Giáo hội Công giáo là tổ chức toàn cầu thực sự đầu tiên. Giáo hội đã nói, diễn đạt thông điệp, ơn gọi của mình bằng nhiều ngôn ngữ và nhiều nền văn hóa hơn bất kỳ tổ chức nào khác. Đây là tổ chức lâu đời nhất còn tồn tại. Giáo hội có một thẩm quyền trung ương có thể khai thác và tập hợp các tài năng, những tài năng của một nhóm người theo dõi đáng kinh ngạc.
Và tôi nghĩ Giáo hội sẽ làm được điều đó.
Nguồn: vaticannews.va/vi
bài liên quan mới nhất
- Hy vọng trong thời đại kỹ thuật số: Những đề xuất mục vụ cho giới trẻ
-
Tông thư Miranda Prorsus - Điều kỳ diệu được mặc khải của Đức Thánh Cha Piô XII -
Vatican ra mắt bảng giới thiệu trực tuyến về Hồng y đoàn -
Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio - Hiệp thông và Tiến bộ -
Truyền thông và những giấc mơ đẹp -
Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định hình công tác mục vụ như thế nào? -
Các nhà truyền giáo kỹ thuật số Công giáo được mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng trực tuyến -
Liên nhóm Mục vụ Truyền Thông Tân Chí Thọ mừng Bổn mạng 19.10.2024 -
Hiệp hội Truyền thông Công giáo Á châu tổ chức Đại hội 2024 -
Thoáng nhìn Trí tuệ nhân tạo theo quan điểm Kitô giáo: Cơ hội và thách đố
bài liên quan đọc nhiều
- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo