Tổng thống Irắc gặp Đức Giáo hoàng Phanxicô

Tổng thống Irắc gặp Đức Giáo hoàng Phanxicô

Tổng thống Irắc gặp Đức Giáo hoàng Phanxicô

WGPSG / CNA -- Vào thứ Bảy 25-1-2020, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gặp Tổng thống Iraq Barham Salih, và thảo luận về sự cần thiết phải bảo đảm tương lai của dân số Kitô giáo kỳ cựu tại Irắc

Tổng thống Irắc và Đức Giáo hoàng đã nói chuyện riêng trong khoảng 30 phút trước khi Tổng thống gặp Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Quốc vụ viện Quan hệ các Quốc gia.

Một thông cáo của Vatican vào ngày 25-1 cho biết các cuộc đàm đạo tập trung vào những thách đố mà đất nước Irắc hiện đang đối mặt và tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự ổn định và quá trình tái thiết.

“Sau đó cuộc đàm đạo chú ý đến tầm quan trọng của việc giữ gìn sự hiện diện mang tính lịch sử của các Kitô hữu trong một quốc gia mà họ là một phần không thể thiếu; đồng thời cuộc đàm đạo cũng ghi nhận sự đóng góp quan trọng của các Kitô hữu trong việc tái thiết kết cấu của xã hội Irắc.”

Trong các cuộc đàm đạo này, Vatican đã nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm cho các Kitô hữu “một sự an ninh và một vị trí trong tương lai của Irắc.”

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence khi đến thăm Đức Giáo hoàng vào ngày hôm trước (24-1-2020) đã nói với EWTN News rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng rất quan tâm đến các Kitô hữu đang bị đàn áp tại Irắc.

Kitô giáo đã có mặt tại vùng châu thổ sông Ninivê ở Irắc - giữa Mosul và Kurdistan - từ thế kỷ thứ nhất. Tuy nhiên, kể từ khi cựu lãnh đạo Irắc Saddam Hussein bị lật đổ, các Kitô hữu đã phải chạy trốn khỏi khu vực.

Năm năm sau khi Nhà nước Hồi giáo chiếm các cộng đồng Kitô giáo ở đồng bằng sông Ninivê, khu vực dân cư Công giáo vẫn đang trong quá trình xây dựng lại nhà cửa và nhà thờ.

Căng thẳng gần đây giữa Hoa Kỳ và Iran đã khiến các giám mục Irắc thêm lo lắng cho các cộng đồng Kitô giáo mong manh ở Irắc.

Đức Tổng Giám mục Bashar Warda nói với CNA sau một cuộc tấn công của Iran vào căn cứ không quân ở Erbil vào ngày 8-1-2020: “Các Kitô hữu Irắc cần sự chắc chắn, yên tâm, hy vọng và niềm tin rằng Irắc có thể là một quốc gia hòa bình để sống chứ không phải là nạn nhân với những thiệt hại vô lường vô tận.”

Trong các cuộc hội kiến với Tổng thống Irắc Salih, Tòa Thánh nói Vatican cổ võ con đường đối thoại cùng với các giải pháp có lợi cho người dân Irắc “với sự tôn trọng chủ quyền quốc gia”.

Hàng trăm ngàn người Irắc bắt đầu phản đối sự tham nhũng của chính phủ và ảnh hưởng của Iran vào tháng 10-2019 trong các cuộc biểu tình lớn nhất ở Irắc kể từ khi Saddam Hussein bị lật đổ.

Cuộc hội kiến ở Vatican diễn ra một ngày sau khi khoảng 200.000 người đã biểu tình ở Baghdad trong một cuộc biểu tình chống lại sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Irắc do các nhóm Shiite có quan hệ với Iran tổ chức.

Giữa những căng thẳng này, Đức Hồng y Louis Raphael I Sako, Giáo phụ của Chaldean ở Babylon, đã kêu gọi đối thoại.

Đức Hồng y Sako nói với EWTN News vào ngày 6-1-2020: “Các cộng đồng quốc tế có trách nhiệm đối với những gì đang xảy ra trong khu vực ở Irắc, Lebanon, Syria và Iran. Họ cần giúp mọi người ngồi lại với nhau và đối thoại một cách văn minh để tìm kiếm một giải pháp chính trị.”

Courtney Mares (CNA) / Mạnh Hữu chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top