Toàn văn Việt ngữ Thông tư “Lưu ý về Chúa Nhật Lời Chúa”
WGPHN (23.12.2020) - Ngày 19/12/2020, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã đưa ra một thông tư liên quan đến Chúa Nhật Lời Chúa, nhắc lại một số “nguyên tắc thần học, cử hành và mục vụ liên quan đến Lời Chúa được công bố trong Thánh lễ.” Sau đây là bản dịch Việt ngữ của Thông tư này.
—–000—–
BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT BÍ TÍCH
Prot. N. 602/20
LƯU Ý VỀ CHÚA NHẬT LỜI CHÚA
Đức Giáo Hoàng Phanxicô mong muốn, Chúa nhật Lời Chúa được cử hành hằng năm vào Chúa nhật III Thường niên[1]. Chúa nhật này nhắc nhớ mọi thành phần dân Chúa, các Mục tử và các tín hữu, tầm quan trọng và giá trị của Kinh Thánh đối với đời sống Kitô hữu, cũng như mối liên hệ giữa Lời Chúa và Phụng vụ: “Chúng ta là Kitô hữu, như một dân đang lữ hành trong lịch sử, được nâng đỡ nhờ sự diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta, Đấng đang nói với chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta. Ngày dành riêng cho Kinh Thánh không phải là ‘mỗi năm một lần’, nhưng là một lần cho cả năm, vì chúng ta rất khẩn thiết cần phải trở nên gần gũi, mật thiết với Sách Thánh và với Chúa Giêsu phục sinh, Đấng không ngừng bẻ bánh Lời Chúa và bánh Thánh Thể giữa cộng đoàn tín hữu. Vì vậy, chúng ta cần phải gắn bó mật thiết với Kinh Thánh, nếu không, trái tim chúng ta sẽ băng giá, đôi mắt sẽ khép lại, và vô số hình thức đui mù sẽ tấn công chúng ta”[2].
Do đó, Chúa nhật này là dịp thuận tiện để đọc lại một số tài liệu của Giáo hội[3], trước hết là Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma, trình bày tổng hợp các nguyên tắc thần học, cử hành và mục vụ liên quan đến Lời Chúa được công bố trong Thánh lễ, nhưng cũng có giá trị với mọi cử hành phụng vụ (Các Bí tích, các Á Bí tích và Các Giờ kinh phụng vụ).
1. Qua các bài Sách Thánh được công bố trong phụng vụ, Thiên Chúa nói với dân Người, và chính Chúa Kitô công bố Tin Mừng của Ngài[4]. Chúa Kitô là trung tâm và là sự viên mãn của tất cả Kinh Thánh, Cựu ước cũng như Tân ước[5]. Lắng nghe Tin Mừng, cao điểm của Phụng vụ Lời Chúa[6], được diễn tả qua một sự tôn kính đặc biệt[7], được thể hiện không chỉ bằng những cử chỉ và lời tung hô, mà bằng chính sách Tin Mừng[8]. Một trong những nghi thức thích hợp cho Chúa nhật này là cuộc rước sách Tin Mừng[9], hoặc, nếu không có, thì sách Tin Mừng được đặt trên bàn thờ[10].
2. Các bài đọc Kinh Thánh được Giáo hội sắp xếp trong Sách bài đọc mở ra cho chúng ta sự hiểu biết về toàn bộ Lời Chúa[11]. Vì vậy, cần phải tôn trọng các Bài đọc được chỉ định, không được thay thế hoặc loại bỏ các Bài đọc này, và sử dụng các ấn bản Kinh Thánh được chấp thuận sử dụng trong phụng vụ[12]. Việc công bố các bài đọc Kinh Thánh trong Sách Bài đọc tạo thành mối dây hiệp nhất giữa các tín hữu khi họ nghe các bài Sách Thánh này. Hiểu được cấu trúc và mục đích Phụng vụ Lời Chúa giúp cộng đoàn tín hữu đón nhận lời cứu độ của Thiên Chúa[13].
3. Nên hát Thánh vịnh Đáp ca, vì đây là lời đáp của Giáo hội cầu nguyện[14]. Do đó, việc phục vụ của người hát Thánh vịnh Đáp ca cần phải được gia tăng trong mỗi cộng đoàn[15].
4. Trong suốt năm phụng vụ, khởi đi từ các bài Sách Thánh, các mầu nhiệm đức tin và các chuẩn mực của đời sống Kitô hữu được trình bày trong các bài giảng[16]. “Các Mục tử, trước hết có trách nhiệm rất lớn lao là giải thích và giúp mọi người hiểu Kinh Thánh. Vì Kinh Thánh là sách của dân Chúa, nên những người có ơn gọi là thừa tác viên của Lời Chúa có sứ mạng làm cho Lời Chúa đến được với cộng đoàn”[17]. Các Giám mục, các Linh mục và các Phó tế cần phải nhận ra bổn phận của mình là phải thực hiện sứ mạng này một cách đặc biệt bằng cách tận dụng những phương tiện do Giáo hội đề xuất[18].
5. Sự thinh lặng có tầm quan trọng đặc biệt, phù hợp cho việc suy gẫm và giúp người nghe đón nhận Lời Chúa trong nội tâm của họ[19].
6. Giáo hội luôn đặc biệt quan tâm đến những người công bố Lời Chúa trong cộng đoàn: Linh mục, Phó tế, và Thừa tác viên đọc sách. Thừa tác vụ này đòi hỏi việc chuẩn bị bề trong và bề ngoài, xem trước bài đọc và tập luyện trước, tránh tùy cơ ứng biến[20]. Có thể nói vài lời ngắn gọn và thích hợp trước các bài đọc[21].
7. Vì giá trị của Lời Chúa, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy lưu tâm đến tòa giảng, nơi Lời Chúa được công bố[22]. Tòa giảng không phải là đồ trang trí, nhưng là vị trí xứng hợp với phẩm giá của Lời Chúa, trong sự tương xứng với bàn thờ: chúng ta vẫn nói, bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Thánh Chúa Kitô, liên quan đến tòa giảng và nhất là bàn thờ[23]. Tòa giảng được dành riêng cho việc đọc các bài Sách Thánh, Thánh vịnh Đáp ca, các bài hát đối đáp, Tin Mừng phục sinh (Exsultet), giảng, lời nguyện tín hữu. Tòa giảng là nơi không phù hợp cho việc thông báo, điều khiển hát[24].
8. Các cuốn sách chứa đựng những đoạn Sách Thánh, mà những đoạn sách này khơi dậy nơi tâm hồn những người nghe lòng tôn kính Thiên Chúa, Đấng nói với dân của Ngài[25]. Vì lý do này, cần phải lưu tâm đến sách phụng vụ và sử dụng sách phụng vụ cách tốt nhất. Không được sử dụng tờ rơi, bản sao chụp để thay thế sách phụng vụ[26].
9. Gần hoặc trong những ngày tiếp theo Chúa nhật Lời Chúa, là thời gian thuận tiện cho việc quy tụ các nhóm với mục đích giúp cho họ nhận ra giá trị của Kinh Thánh trong các cử hành phụng vụ[27].
10. Chúa nhật Lời Chúa cũng là dịp thuận tiện để đào sâu mối liên hệ giữa Kinh Thánh và Các Giờ kinh phụng vụ, cầu nguyện với các Thánh vịnh và các Thánh ca trong giờ Kinh sách, các bài đọc Kinh Thánh, cổ võ cử hành cộng đoàn giờ Kinh sáng và Kinh chiều[28].
Giữa vô số các vị Thánh nam nữ, là chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa Giêsu, có thể coi thánh Giêrônimô như là tấm gương cho tình yêu tuyệt vời mà ngài dành cho Lời Chúa. Như Đức Giáo hoàng Phanxicô mới nhắc lại gần đây, thánh Giêrônimô là một “học giả, dịch giả, nhà chú giải không mệt mỏi, hiểu biết sâu sắc và đam mê phổ biến Kinh Thánh […] Bằng cách lắng nghe Lời Chúa, thánh Giêrônimô tìm thấy chính mình, tìm thấy dung mạo của Thiên Chúa và của anh chị em, đồng thời thay đổi đời sống cho phù hợp với đời sống của cộng đoàn[29].
Dưới ánh sáng Chúa nhật Lời Chúa, Thông tư ý này nhằm làm cho chúng ta ý thức tầm quan trọng của Kinh Thánh đối với đời sống Kitô hữu, khởi đi từ các bài Kinh Thánh được đọc trong phụng vụ, Lời Chúa đặt chúng ta vào cuộc đối thoại sống động và liên lỉ với Ngài[30].
Làm tại Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, ngày 17 tháng 12 năm 2020.
(đã ký)
Đức Hồng Y Robert Sarah
Tổng Trưởng
(đã ký)
Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche
Tổng thư ký
File PDF – Thông tư Lưu ý về Chúa nhật Lời Chúa: Tải về.
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông thư dưới hình thức Tự sắc “Người mở trí cho các ông” (Aperuit illis), ngày 30 tháng 9 năm 2019.
[2] Người mở trí cho các ông (Aperuit illis), số 8; Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lời Chúa (Dei Verbum), số 25: “Vì thế, tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận phục vụ lời Chúa, như các phó tế và những người dạy giáo lý, phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la của lời Chúa, nhất là trong phụng vụ thánh, cho các giáo hữu được ủy thác cho họ, không ai trong họ sẽ trở thành “kẻ huênh hoang rao giảng lời Thiên Chúa ngoài môi miệng bởi không lắng nghe lời Thiên Chúa trong lòng”. Thánh Công Ðồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ hay năng đọc Thánh Kinh để học biết “khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô” (Ph 3,8). “Vì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô””.
[3] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lời Chúa (Dei Verbum); Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini.
[4] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Phụng vụ, số 7 và 33; Quy chế tổng quát sách lễ Rôma (Institutio generalis Missalis Romani [IGMR]), số 29; Mục lục các bài đọc trong Thánh lễ (Ordo lectionum Missae), số 12.
[5] Mục lục các bài đọc trong Thánh lễ (Ordo lectionum Missae [OLM]), số 5.
[6] IGMR, số 60; OLM, số 13.
[7] OLM, số 17; Nghi thức Giám mục, số 74.
[8] OLM, số 36 và 113.
[9] IGMR, số 120 và 133.
[10] IGMR, số 117.
[11] IGMR, số 57; OLM, số 60.
[12] OLM, số 12,14,37,111.
[13] OLM, số 45.
[14] IGMR, số 61; OLM, số 19-20.
[15] OLM, số 56.
[16] OLM, số 24; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Quy tắc giảng lễ, số 16.
[17] Người mở trí cho các ông” (Aperuit illis), số 5; Quy tắc giảng lễ, số 26.
[18] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 135-144; Quy tắc giảng lễ.
[19] IGMR, số 56; OLM, số 28.
[20] OLM, số 14 và 49.
[21] OLM, số 15 và 42.
[22] IGMR, số 309; OLM, số 16.
[23] OLM, số 32.
[24] OLM, số 33.
[25] OLM, số 35; Nghi thức Giám mục, số 115.
[26] OLM, số 37.
[27] OLM, số 58-110; Quy tắc giảng lễ, số 37-156.
[28] Văn Kiện Trình Bày và Quy Định về Các Giờ kinh phụng vụ, số 140.
[29] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông thư Scripturae sacrae affectus, nhân dịp 1600 năm, ngày qua đời của thánh Giêrônimô, 30 tháng 10 năm 2020.
[30] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 174.
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha
-
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô