Toàn văn Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi cuộc Gặp gỡ Quốc tế Cầu nguyện cho Hòa bình, 2023

Toàn văn Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi cuộc Gặp gỡ Quốc tế Cầu nguyện cho Hòa bình, 2023

Toàn văn Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi cuộc Gặp gỡ Quốc tế Cầu nguyện cho Hòa bình, 2023

WHĐ (15.09.2023) – Năm nay, cuộc Gặp gỡ Quốc tế Cầu nguyện cho Hòa bình do Cộng đoàn Thánh Egidio tổ chức từ ngày mồng 10 12. 09, tại thủ đô BerlinĐức quốc. Với chủ đề “Sự táo bạo của hoà bình” (The audacity of peace), các tham dự viên thuộc các tôn giáo và văn hóa đã cùng thảo luận và làm việc hướng tới một tương lai hoà bình và liên đới theo tinh thần Assisi. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi tới các Tham dự viên cuộc gặp gỡ một sứ điệp. Dưới đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:

 

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỬI CÁC THAM DỰ VIÊN CUỘC GẶP GỠ QUỐC TẾ CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH DO CỘNG ĐOÀN THÁNH EGIDIO TỔ CHỨC

 

Berlin, ngày 10-12. 092023

Anh chị em thân mến,

Với tư cách là các nhà lãnh đạo Kitô, các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới, và chính quyền dân sự, năm nay anh chị em quy tụ tại Berlin, gần Cổng Brandenburg, theo lời mời của Cộng đồng Sant'Egidio, một cộng đồng trung thành tiếp tục cuộc hành hương cầu nguyện và đối thoại do Thánh Gioan Phaolô II khởi xướng tại Assisi năm 1986. Địa điểm cuộc gặp gỡ của anh chị em đặc biệt gợi nhiều liên tưởng, vì một sự kiện lịch sử đã diễn ra ngay tại nơi anh chị em đang quy tụ: Sự sụp đổ của bức tường ngăn cách hai miền nước Đức. Bức tường này cũng chia cắt hai thế giới, Tây và Đông Âu. Sự sụp đổ xảy ra do nhiều yếu tố, trong đó có lòng dũng cảm và lời cầu nguyện của nhiều người. Do đó, đã mở ra những chân trời mới: tự do cho các dân tộc, và đoàn tụ các gia đình, nhưng cũng là niềm hy vọng về một nền hòa bình thế giới mới sau Chiến tranh Lạnh.

Nhưng thật không may, trong nhiều năm qua, lời hứa hẹn về một tương lai hoà bình không được xây dựng trên niềm hy vọng chung mà dựa trên những lợi ích riêng và sự ngờ vực lẫn nhau. Vì thếthay vì phá bỏ những bức tường, thì nhiều bức tường khác đã được dựng lên. Và điều đáng buồn là từ bức tường đến chiến hào chỉ cách nhau một bước ngắn. Ngày nay, chiến tranh vẫn còn tàn phá nhiều nơi trên thế giới. Tôi đang nghĩ đến một số khu vực ở Châu Phi và Trung Đông, cũng như đến nhiều khu vực khác trên hành tinh, kể cả Châu Âu, nơi đang diễn ra cuộc chiến ở Ukraine. Đó là một cuộc xung đột khủng khiếp không có hồi kết và đã gây ra chết chóc, thương tích, đau khổ, di cư, và hủy diệt.

Năm ngoái tôi đã cùng với anh chị em quy tụ tại Đấu trường Colosseum ở Rôma, để cầu nguyện cho hòa bình. Chúng ta đã nghe thấy tiếng kêu của nền hòa bình bị xâm phạm và chà đạp. Vào dịp đó, tôi đã nói: “Lời kêu gọi hòa bình không thể bị dập tắt: Lời kêu gọi được xuất phát từ trái tim của những người mẹ; được khắc sâu trên khuôn mặt của những người tị nạn, của những gia đình phải di tản, và của những người bị thương hoặc đang hấp hối. Và lời kêu gọi thầm lặng này thấu tận trời cao. Chẳng có công thức thần kỳ nào để chấm dứt xung đột, nhưng người ta có quyền bất khả xâm phạm để yêu cầu hòa bình nhân danh tất cả những người đau khổ, và yêu cầu này xứng đáng được lắng nghe. Lời kêu gọi này hướng đến tất cả mọi người, khởi đi từ các nguyên thủ quốc gia, hãy dành thời gian lắng nghe một cách nghiêm túc và tôn trọng. Lời kêu gọi hòa bình này thể hiện nỗi đau và nỗi kinh hoàng của chiến tranh, vốn là mẹ của nghèo đói” (Diễn văn tại Cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình, ngày 2510. 2022).

Chúng ta không thể cam chịu cảnh tượng này. Cần thêm một điều gì đó nữa. Chúng ta cần “sự táo bạo của hòa bình”, vốn là trọng tâm của cuộc gặp gỡ của anh chị em. Chủ nghĩa hiện thực thôi chưa đủ, những cân nhắc về chính trị thôi chưa đủ, những cách tiếp cận chiến lược được thực hiện cho đến nay vẫn chưa đủ. Cần nhiều hơn nữa vì chiến tranh vẫn tiếp diễn. Chúng ta cần sự táo bạo của hòa bình – ngay lúc này, bởi vì có nhiều xung đột đã kéo dài quá lâu, đến mức một số xung đột dường như không bao giờ kết thúc. Trong một thế giới mà mọi thứ đều tiến triển nhanh chóng, chỉ có sự kết thúc chiến tranh là có vẻ chậm chạp. Cần có lòng can đảm để biết cách chuyển sang một hướng khác, bất chấp những trở ngại và khó khăn thực tế. Sự táo bạo của hòa bình là lời ngôn sứ cần có nơi những ai nắm trong tay vận mệnh của các quốc gia đang có chiến tranh, của cộng đồng quốc tế, và của tất cả chúng ta. Đặc biệt là đối với những người nam nữ có đức tin, để họ lên tiếng trước tiếng kêu khóc của những người cha, người mẹ, trước nỗi đau của những người ngã xuống, trước sự hủy diệt vô ích, và tố cáo sự điên rồ của chiến tranh.

Đúng vậy, sự táo bạo của hòa bình thách thức các tín hữu một cách cụ thể để biến sự táo bạo thành lời cầu nguyện, cầu xin từ trời cao những điều dường như không thể có được trên trái đất. Kiên trì cầu nguyện là hình thức đầu tiên của sự táo bạo. Trong Tin Mừng, Đức Kitô khuyên phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 181), khi nói: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11, 9). Chúng ta đừng sợ trở thành những người ăn xin hòa bình, liên kết với các anh chị em thuộc các tôn giáo khác, và với tất cả những ai không cam chịu trước sự xung đột không thể tránh khỏi. Tôi tham gia cùng anh chị em trong lời cầu nguyện để chấm dứt chiến tranh, chân thành cảm ơn anh chị em vì những gì anh chị em thực hiện.

Quả thực, chúng ta cần phải tiến về phía trước để vượt qua bức tường của những điều không thể, được dựng lên dựa trên lý lẽ dường như không thể bác bỏ, dựa trên ký ức về vô số nỗi đau và biết bao vết thương nặng nề phải gánh chịu trong quá khứ. Điều này rất khó khăn, nhưng không phải là không khả thi. Thật vậy, điều này không phải là không khả thi đối với các tín hữu, những người cảm nghiệm được táo bạo trong lời cầu nguyện thấm đẫm niềm hy vọng. Nhưng điều này cũng không phải là không khả thi ngay cả đối với các chính trị gia, các nhà lãnh đạo hoặc các nhà ngoại giao. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình mà không ngã lòng, gõ cửa với tinh thần khiêm tốn và kiên trì trước cánh cửa luôn rộng mở của trái tim Thiên Chúa và trước cánh cửa của con người. Chúng ta hãy cầu xin những con đường dẫn tới hòa bình được mở ra, đặc biệt cho Ukraine thân yêu đang bị chiến tranh tàn phá. Chúng ta hãy tin tưởng rằng Chúa luôn nghe thấy tiếng kêu than đau khổ của con cái Người. Xin thương nghe lời chúng con, Ôi lạy Chúa!

 

Rôma, Đền Thánh Gioan Lateran, ngày mồng 05. 092023
PHANXICÔ

 

 

 

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (12. 09. 2023)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top