Tình yêu là Truyền thông: Học tập sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2016
Dưới đây là tài liệu học tập về Sứ điệp Truyền Thông của Đức Giáo hoàng Phanxicô, chuẩn bị cho Ngày Thế Giới Truyền Thông xã hội thứ 50 được cử hành vào Chúa nhật Chúa Thăng Thiên 8-5-2016.
- Nét đặc trưng của Giáo hội là gì?
Nét đặc trưng của Giáo hội là Lòng Thương Xót. Trong sự hiệp thông với Chúa Kitô là hiện thân sống động Lòng Thương Xót của Chúa Cha, Giáo Hội được kêu gọi thực thi lòng thương xót như là nét đặc trưng của tất cả những gì mình là và mình làm. Từng lời nói và cử chỉ của các thành viên Giáo Hội phải diễn tả được lòng thương xót, nhân từ và tha thứ của Thiên Chúa đối với mọi người.
- Tại sao Đức Giáo hoàng Phanxicô lại nói: Tự bản chất, tình yêu chính là truyền thông?
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: Tự bản chất, tình yêu chính là truyền thông vì tình yêu luôn dẫn đến mở ra và chia sẻ. Chúng ta được kêu gọi truyền thông với mọi người, không trừ ai. Đồng thời, cần phải truyền thông với lòng thương xót để có thể chạm đến trái tim con người và nâng đỡ họ trên con đường tiến về cuộc sống sung mãn mà Chúa Giêsu mang đến cho tất cả mọi người. Mọi Kitô hữu phải có hơi ấm và ánh lửa của lòng thương xót trong lời nói và cách sống của mình. Và khi truyền thông gắn liền với lòng thương xót thì sẽ có được sức mạnh của chính Thiên Chúa.
- Khi truyền thông, ta phải cẩn thận lựa lời và cử chỉ như thế nào?
Ta cần phải cẩn thận chọn lựa lời nói và cử chỉ để có thể vượt qua những hiểu lầm, chữa lành những ký ức đau thương, xây dựng hoà bình và hoà hợp. Lời nói và hành động của ta phải thoát khỏi vòng lẩn quẩn của sự lên án, phải làm cho tình hiệp thông được lớn lên. Và cả khi phải mạnh mẽ lên án điều ác, những lời nói ấy cũng không hề tìm cách phá vỡ các mối tương quan và sự truyền thông.
- Lòng thương xót có sức mạnh như thế nào?
Lòng thương xót có sức chữa lành các mối tương quan đã đổ vỡ, khôi phục hòa bình hoà hợp giữa các gia đình và các cộng đồng, chữa lành các vết thương xưa cũ và những mối bất hoà dai dẳng đang gài bẫy các cá nhân và các dân tộc. Tất cả là vì lòng thương xót luôn có thể tạo ra những phương cách đối thoại mới mẻ và hữu hiệu.
- Những lãnh vực nào cần lấy cảm hứng từ lòng thương xót cách đặc biệt?
Đó là lãnh vực chính trị, ngoại giao và truyền thông. Đức Giáo Hoàng nói: “Mong sao ngôn ngữ chính trị và ngoại giao của chúng ta sẽ lấy cảm hứng từ lòng thương xót, vốn chẳng bao giờ mất đi niềm hy vọng”. Ngài kêu gọi những ai có trách nhiệm trong lĩnh vực chính trị và hướng dẫn công luận: hãy luôn để ý đến cách nói của mình về những người có suy nghĩ hay hành động khác với mình và về những người có thể đã mắc sai lầm. Thay vì thổi bùng lên ngọn lửa hồ nghi, sợ hãi và hận thù, hãy can đảm hướng mọi người vào tiến trình hòa giải. Chính sự táo bạo tích cực và đầy sáng tạo ấy sẽ đem lại các giải pháp thực sự cho các cuộc xung đột trước đây và tạo cơ hội xây dựng hòa bình lâu dài.
- Thế nào là cung cách truyền thông với lòng thương xót?
Cung cách truyền thông với lòng thương xót là không bao giờ tự cao tự đại, đắc thắng trước đối phương. Không khinh rẻ những người bị thế giới coi như vất đi và loại bỏ. Phải vượt qua não trạng phân cách rạch ròi người tội lỗi với những người công chính. Tất nhiên là phải phán xét những hoản cảnh của tội phạm –như bạo lực, tham nhũng và bóc lột– nhưng không được phán xét những con người, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể nhìn thấu tâm hồn của họ. Phải bảo ban những ai lầm lạc, tố cáo tội ác và bất công của một số lối ứng xử, để giải thoát các nạn nhân và nâng dậy những ai té ngã.
- Lòng thương xót đòi ta phải trình bày sự thật như thế nào?
Ta phải trình bày sự thật với lòng bác ái (x. Ep 4,5). Chỉ những lời nói ra bằng tình yêu cùng với sự hiền lành và lòng thương xót mới có thể chạm đến được trái tim của những người yếu đuối và tội lỗi. Những lời nói và cử chỉ khắc nghiệt hay những răn đe đạo đức có nguy cơ đẩy họ ra xa hơn, khiến họ càng gia tăng phòng vệ và khước từ. Khi Tin Mừng Gioan nói “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32), thì Sự thật tối thượng chính là Chúa Kitô. Lòng thương xót dịu dàng của Người là thước đo cách thức chúng ta loan báo sự thật và lên án bất công.
- Phải chăng một quan điểm xã hội bắt nguồn nơi lòng thương xót sẽ chỉ mang tính lý tưởng vô vọng hoặc khoan dung thái quá?
Để trả lời câu hỏi này, hãy nhớ lại tình thương của cha mẹ. Luôn muốn con cái mình tốt lành, nhưng cha mẹ vẫn hằng yêu thương, quý trọng, tha thứ và mở rộng cửa đón nhận con cái của mình, cho dù chúng có hư hỏng đến đâu đi nữa. Đấy là điều tuyệt diệu của gia đình. Điều này cho thấy một xã hội bắt nguồn nơi lòng thương xót sẽ không chỉ mang tính lý tưởng vô vọng hoặc khoan dung thái quá. Hãy nhìn xã hội không phải như một nơi chỉ để ganh đua và thống trị nhau, nhưng là một mái ấm gia đình, nơi cánh cửa luôn mở rộng và ai cũng cảm thấy mình hằng được đón nhận luôn mãi.
- Điều thiết yếu nhất của lòng thương xót là gì?
Điều thiết yếu nhất của lòng thương xót là phải lắng nghe. Lắng nghe nghĩa là chú tâm, muốn hiểu biết, để lượng giá, tôn trọng và suy nghĩ về những gì người khác nói và làm. Lắng nghe sẽ tạo ra sự gần gũi, chia sẻ và đồng hành. Biết cách lắng nghe là một ân huệ lớn lao mà chúng ta cần cầu xin để nhận được và rồi phải nỗ lực hết sức để thực thi.
- Phải dùng phương tiện truyền thông để thể hiện lòng thương xót như thế nào?
Những phương tiện truyền thông sẽ mang tính nhân văn khi con người biết dùng trái tim và khả năng của mình mà sử dụng chúng một cách khôn ngoan. Thế giới kỹ thuật số là một quảng trường, nơi người ta gặp gỡ để yêu thương hay gây đau thương, tham gia những cuộc thảo luận bổ ích hay ném đá nhau tàn nhẫn. Vì thế, việc tham gia các mạng kỹ thuật số đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm đối xử với người khác như là thân cận của mình. Dù ta không nhìn thấy họ nhưng họ vẫn có thật và có một phẩm giá phải được tôn trọng, nên phải có trách nhiệm thể hiện lòng thương xót, biết cởi mở đối thoại, hiểu biết và cảm thông.
- Tại sao sự gần gũi lại chính là sức mạnh của truyền thông?
Truyền thông với lòng thương xót sẽ đòi hỏi sự chú tâm lắng nghe nhau, khiến người ta gần gũi nhau. Và sự gần gũi này chính là sức mạnh của truyền thông vì thúc đẩy người ta chăm sóc, an ủi, chữa lành, đồng hành và chung vui với nhau. Truyền thông với lòng thương xót giúp kiến tạo sự gần gũi lành mạnh, tự do và huynh đệ trong một gia đình nhân loại duy nhất.
bài liên quan mới nhất
- Hy vọng trong thời đại kỹ thuật số: Những đề xuất mục vụ cho giới trẻ
-
Tông thư Miranda Prorsus - Điều kỳ diệu được mặc khải của Đức Thánh Cha Piô XII -
Vatican ra mắt bảng giới thiệu trực tuyến về Hồng y đoàn -
Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio - Hiệp thông và Tiến bộ -
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng -
Truyền thông và những giấc mơ đẹp -
Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định hình công tác mục vụ như thế nào? -
Các nhà truyền giáo kỹ thuật số Công giáo được mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng trực tuyến -
Liên nhóm Mục vụ Truyền Thông Tân Chí Thọ mừng Bổn mạng 19.10.2024 -
Hiệp hội Truyền thông Công giáo Á châu tổ chức Đại hội 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo