Tìm hiểu Sách GLHTCG - Bài 11. Thiên Chúa là Cha chúng ta

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Bài 11. Thiên Chúa là Cha chúng ta

TÌM HIỂU SÁCH GL HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 11. THIÊN CHÚA LÀ CHA CHÚNG TA

“Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha... ” - Đó là những lời khởi đầu trong kinh Tin kính của các tông đồ. Chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa là Cha chính là trọng tâm mạc khải của Chúa Giêsu. Khi nói về Thiên Chúa, Chúa Giêsu gọi bằng một danh xưng rất riêng biệt và mang tính ngôi vị, đó là ‘Cha’.

Chính vì thế, Hội Thánh sơ khai vẫn giữ lại cách xưng hô từ nguyên ngữ tiếng Aram mà Chúa Giêsu dùng khi nói về Thiên Chúa trong kinh nguyện của Hội Thánh, đó là ‘Abba’ (Rm 8,15; Gl 4,6). Hội Thánh làm như thế vì Chúa Giêsu đã cầu nguyện và nói với Thiên Chúa trong cách đó, cũng như chính Ngài đã dạy các môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa là “Lạy Cha chúng con”.

Hình thức cầu nguyện gọi Thiên Chúa là Cha có nghĩa là gì? Phải chăng chỉ là hình ảnh giữa những hình ảnh khác? Chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Mẹ chúng ta được không? Như thỉnh thoảng ta thấy đâu đó sử dụng? Theo Đức hồng y Christoph Schönborn, một khẳng định Thiên Chúa là Mẹ là không chính đáng.

Nghĩa chính xác khi gọi Thiên Chúa là Cha được Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta. Qua thuật ngữ này, Chúa Giêsu không chỉ diễn tả mối liên hệ sâu xa nhất của Ngài với Thiên Chúa nhưng còn mạc khải mức độ tương quan với Thiên Chúa mà chúng ta gọi là Cha, đó là chúng ta được nhận làm con. “Abba” là tiếng trẻ thơ gọi Cha nó, như “bố ơi”. Nó diễn tả một tương quan thân tình. Tuy nhiên nó mang một hàm ý diễn tả sự tôn kính. Chúng ta nhận ra điều này trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu tại vườn Giệtsimani (GLHTCG số 612): “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà là điều Cha muốn” (Mc 14,36). Suốt cuộc sống trần thế cho đến lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa Giêsu trên thánh giá, Thiên Chúa vẫn là Cha đối với Ngài: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ bởi vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34); “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Những lời tại đền thờ khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi (số 534) gợi lên một đời sống được sống từ trong mối liên hệ với Chúa Cha, và chính mối liên hệ đó quyết định mọi điều: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).

Chính Chúa Giêsu đã xác định nền tảng của mối liên hệ này: “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,27). Điều này có nghĩa là không một ai, không thụ tạo nào đã từng có mối liên hệ thân tình với Thiên Chúa như Chúa Giêsu (số 240). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, và Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu trong một cách duy nhất: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30).

Do đó, cách Chúa Giêsu nói với Thiên Chúa là Cha diễn tả điều gì đó vượt xa hơn tất cả những gì người ta hiểu về vai trò làm cha trần thế. Từ vĩnh cửu, Thiên Chúa là Cha của người con duy nhất được sinh ra, Đấng cùng bản thể với Chúa Cha, và là Thiên Chúa thật từ Thiên Chúa thật (số 242). Khi nói về Cha Ngài, Chúa Giêsu không chỉ là một con người đang nói về Thiên Chúa, nhưng là người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa nói về người Cha vĩnh cửu của mình. Cùng với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, Ngài là Thiên Chúa duy nhất.

Đề cập đến mối liên hệ yêu thương của Thiên Chúa với thụ tạo của Ngài, Thiên Chúa có thể được tỏ lộ qua vai trò làm cha cũng như những thuộc tính của vai trò làm mẹ (số 239). Nếu Chúa Giêsu dạy chúng ta thờ phượng Cha Ngài cũng là Cha chúng ta, thì mạc khải danh xưng này không thể được thay đổi bằng bất cứ ‘thuật ngữ’ nào khác, bởi vì danh xưng ‘cha’ bao hàm một điều gì đó nhiệm mầu vượt xa hơn tất cả những hiểu biết của con người: nhờ Thánh Thần chúng ta tiếp nhận, như Thánh Phaolô nói: “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Rm 8,15). Điều này biểu thị không theo nghĩa phái tính (là nam hoặc nữ), nhưng hơn thế nữa, chúng ta được tham dự vào mối liên hệ vĩnh cửu của Người Con với Chúa Cha (số 2780): Qua Chúa Giêsu, chúng ta được ân ban tham dự vào mối liên hệ sâu xa nhất của Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

ĐHY Christoph Schönborn

Top