Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 49. Đạo đức truyền thông

“Tôn trọng sự thật và truyền thông cách trung thực là những mệnh lệnh lớn nhất đối với báo chí”. Đây là nguyên tắc đầu tiên được xác định trong Luật báo chí của Đức quốc. Huấn thị mục vụ của Toà Thánh về các phương tiện truyền thông xã hội còn trình bày bao quát hơn: “Mọi việc truyền thông phải tuân theo những đòi hỏi thiết yếu, là chân thành, liêm chính, và trung thực” (Communio et progressio, viết tắt CP, số 17).
Thế nhưng những yêu cầu này về truyền thông đã được thực hiện ra sao? Giới giáo sĩ thường có cái nhìn tiêu cực về ngành truyền thông. Dân gian vẫn nói “Nhà báo nói láo ăn tiền”, câu nói đó cũng diễn tả kinh nghiệm tiêu cực nói chung của người dân với báo chí, và nhận xét này đã có từ lâu trước khi xuất hiện những phương tiện truyền thông hiện đại. Càng hiện đại về phương tiện, xem ra ngành truyền thông lại càng xa rời những chuẩn mực đạo đức, nhất là trình bày toàn những chuyện tiêu cực về Hội Thánh Công giáo, chẳng trách người ta có cái nhìn nghi ngại về truyền thông.
Dĩ nhiên, nếu đọc những tài liệu của Hội Thánh về truyền thông, người ta phải ngạc nhiên vì cung giọng hết sức tích cực. Với Đức Piô XII, Hội Thánh coi những phương tiện truyền thông là “quà tặng của Chúa” (CP 2) vì những phương tiện đó đem đến những điều thiết yếu cho con người, tức là sự hiệp thông và trao đổi: “Các phương tiện truyền thông xã hội làm gia tăng những tiếp xúc trong xã hội và đào sâu ý thức xã hội… Phương tiện truyền thông có thể góp phần rất lớn vào sự hiệp nhất nhân loại” (CP 8-9). Thế giới của chúng ta ngày càng trở thành một mạng truyền thông vĩ đại; các phương tiện truyền thông quy tụ mọi người khắp thế giới lại, như thể “ngồi quanh bàn tròn” (CP 19). “Do đó, các phương tiện truyền thông cung cấp một số phương thế hữu hiệu nhất để vun trồng tình bác ái giữa con người với nhau, vốn là nguyên do và cách diễn tả tình hiệp thông” (CP 12). Phải chăng bức tranh trên quá lạc quan, toàn mầu hồng?
Trên khắp thế giới, Hội Thánh sẵn sàng hợp tác với các ngành truyền thông ngoài đời cũng như sử dụng những phương tiện truyền thông để đến với mọi người. Vì thế cần có cái nhìn phê phán để nhận ra những mối nguy hiểm mới trong thời đại truyền thông hiện đại. Đó là mối nguy của cơn cám dỗ tìm cách “thu hút quần chúng” (CP 21); đang khi đó người tiêu thụ lại quá thụ động, “thiếu cảnh giác đối với những thông tin và hình ảnh được phổ biến” (GLHTCG 2496); tốc độ quá nhanh của truyền thông khiến người ta ít có thời giờ để suy gẫm và kiếm tìm sự thật; khuynh hướng giảm thiểu những sự thật phức tạp thành khẩu hiệu “mì ăn liền”; sự vội vã tung tin nóng để hút khách (CP 36-40).
Dù khó khăn đến đâu, các ngành truyền thông vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc đạo đức căn bản, là sự tôn trọng phẩm giá con người, quan tâm đến công ích, bảo vệ con người khỏi sự thao túng và lạm dụng quyền lực. Do đó Hội Thánh mời gọi người tiếp nhận thông tin nên “giữ điều độ và kỷ luật đối với các phương tiện truyền thông đại chúng, phải tạo cho mình một lương tâm sáng suốt và ngay thẳng, nhờ đó có thể chống lại những ảnh hưởng thiếu lương thiện cách dễ dàng hơn” (số 2496). Đối với những người phổ biến thông tin, phải ý thức về “nghĩa vụ phục vụ chân lý và không được xúc phạm đến đức ái. Họ phải cố gắng để vừa tôn trọng bản chất các sự kiện, vừa tôn trọng những giới hạn trong việc phê phán các nhân vị. Họ phải tránh phỉ báng” (số 2497).
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất

- Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 59
-
Văn kiện Antiqua et Nova – Lưu ý về mối tương quan giữa Trí tuệ nhân tạo và Trí khôn con người -
Lời nói phản ánh trạng thái tâm hồn -
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 59 năm 2025 -
Khiêm nhường khi trực tuyến cùng với Mẹ Têrêsa -
Tác động của con người lên con người trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo -
Những bài học từ bản hướng dẫn của Vatican về trí tuệ nhân tạo -
Đứng trước thách thức mới của trí tuệ nhân tạo, Đức Tổng Giám mục Paglia kêu gọi đánh thức chủ nghĩa nhân văn châu Âu -
Buổi họp mặt đầu Xuân Ất Tỵ của Ban Mục vụ Truyền thông TGP Sài Gòn -
Suy tư của các Giáo hoàng về trách nhiệm của giới truyền thông trong việc thông tin
bài liên quan đọc nhiều

- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo