Tiếp đón Đức Thánh Cha tại Bồ Đào Nha
LISBOA. ĐTC Biển Đức 16 đã đến thủ đô Lisboa của Bồ đào nha, sáng ngày 11-5-2010, để thực hiện cuộc viếng thăm của nước này trong vòng 4 ngày, cho đến hết thứ sáu 14-5-2010.
Đây là chuyến viếng thăm mục vụ thứ hai tại nước ngoài ngài thực hiện trong năm nay, sau cuộc viếng thăm tại Malta từ ngày 17 đến 19-4 vừa qua. Đây cũng là chuyến tông du thứ 15 của ĐTC Biển Đức tại nước ngoài.
Cơ hội chính của cuộc viếng thăm này là dịp mừng kỷ niệm đúng 10 năm Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 tôn phong 2 thiếu nhi, Phanxicô và Giaxinta lên bậc chân phước, trong thánh lễ trọng thể ngày 13-5 năm thánh 2000 trước 1 triệu tín hữu tại Fatima.
Tình hình xã hội Bồ đào nha ngày nay khác nhiều so với tình trạng cách đây 10 năm khi Đức Gioan Phaolô 2 viếng thăm nước này lần chót. Trào lưu tục hóa tại Bồ gia tăng. Sau khi ban hành luật cho phép phá thai, ly dị, nay quốc hội Bồ đã thông qua luật công nhận hôn nhân đồng phái và luật này đang chờ Tổng thống phê chuẩn. Trong bối cảnh đó, các vị lãnh đạo Giáo Hội tại Bồ cũng hy vọng cuộc viếng thăm của ĐTC sẽ giúp ngăn chặn sự hao mòn các giá trị luân lý truyền thống, nhất là nơi giới trẻ Bồ đào nha.
Họp báo
Trên máy bay Airbus 320 mới tinh của hãng Alitalia, ĐTC đã dành cho 60 ký giả tháp tùng một cuộc họp báo ngắn. Ngài trả lời 3 câu hỏi:
làm thế nào rao giảng Tin Mừng trong môi trường đố kỵ và thù nghịch với Giáo Hội như ngày nay? ĐTC cổ võ sự đối thoại giữa những người theo trào lưu tục hóa và các tín hữu, giữa lý trí và đức tin. Ngài ghi nhận ”Bồ đào nha đã từng sống trong thứ biện chứng giữa đức tin và tục hóa, tình trạng này ngày nay trở nên sâu đậm hơn, và chúng ta thấy tất cả các dấu hiệu ấy trong tinh thần Âu Châu ngày nay. Tôi thấy đây là một thách đố và cũng là một cơ may. Trong những thế kỷ này, trong tình trạng biện chứng giữa chủ thuyết duy lý, tục hóa và đức tin, không bao giờ thiếu những người muốn kiến tạo những nhịp cầu, đối thoại. Nhưng tiếc là xu hướng thịnh hành vẫn là sự đố kỵ và loại trừ lẫn nhau.”
Ngài cũng nhận xét rằng: ”Trong tình trạng đa văn hóa chúng ta đang sống, ta thấy rằng một nền văn hóa Âu Châu duy lý mà thôi thì không có chiều kích tôn giáo siêu việt và không có khả năng đối với các nền văn hóa lớn của nhân loại, là những nền văn hóa có chiều kích tôn giáo siêu việt, và cũng là một chiều kích của con người. Vì thế nếu nghĩ rằng có một lý trí thuần tuý, phản lịch sử và tự mình hiện hữu, thì đó là một sai lầm. Càng ngày chúng ta càng thấy rằng nó chỉ chạm đến một phần của con người, diễn tả một tình trạng nào đó của lịch sử, chứ không phải là lý trí đúng nghĩa. Lý trí đúng nghĩ thì cởi mở đối với siêu việt, chỉ trong cuộc gặp gỡ với thực tại siêu việt, đức tin và lý trí, con người mới tìm thấy chính mình. Vì vậy tôi nghĩ rằng nhiệm vụ và sứ mạng của Âu Châu trong tình trạng này là tìm ra cuộc đối thoại ấy, hội nhập đức tin và lý trí hiện đại trong một cái nhìn duy nhất, bổ túc cho con người, và làm cho các nền văn hóa của nhân loại có thể đả thông được.”
”Tôi muốn nói rằng sự hiện diện của trào lưu tục hóa là một điều bình thường, nhưng điều bất bình thường là tách biệt, đối nghịch giữa đức tin và tục hóa. Thách đố lớn trong lúc này là 2 thực tại ấy gặp gỡ nhau, và nhờ đó tìm được căn tính đích thực của chúng. Đó là một sứ mạng của Âu Châu, là điều mà nhân loại đang cần trong lịch sử chúng ta ngày nay”.
Trả lời một câu hỏi khác về tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay, ĐTC phê bình chủ trương duy kinh tế, nghĩ rằng có thể làm kinh tế mà không cần một yếu tố luân lý đạo đức nào, chủ trương để cho thị trường tự nó điều khiển, hoặc theo những sức mạnh kinh tế thuần túy. ĐTC nói ”chủ trương thực dụng thuần túy về kinh tế, tách rời khỏi thực tại con người vốn là một hữu thể có luân lý đạo đức, không đưa đến kết quả tích cực, nhưng gây ra những vấn đề không thể giải quyết được”.
ĐTC cũng phê bình quan niệm duy cá nhân chủ nghĩa về đức tin Kitô, bỏ mặc những điều cụ thể, kinh tế, cho thế giới và chỉ nghĩ đến phần rỗi riêng của mình, đến khía cạnh tôn giáo, mà không thấy rằng tôn giáo bao hàm một trách nhiệm hoàn vũ, trách nhiệm đối với thế giới.
Một ký giả khác hỏi ĐTC xem có thể hiểu bí mật thứ 3 một cách rộng hơn, ngoài cuộc mưu sát Đức Gioan Phaolô 2, còn nói về những đau khổ của các giáo Hoàng, chẳng hạn những đau khổ của Giáo Hội ngày nay vì tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
ĐTC đồng ý về việc hiểu đau khổ mà bí mật thứ ba nói đến, không phải chỉ nói về bản thân của Đức Gioan Phaolô 2, nhưng cả về ĐGH, nghĩa là về Giáo Hội. ”Chúa nói với chúng ta rằng Giáo Hội luôn luôn chịu đau khổ, cách này hay cách khác, cho đến tận thế. Điều quan trọng là sứ điệp, câu trả lời của Fatima không chỉ đưa tới lòng sùng mộ cá nhân, nhưng là câu trả lời cơ bản, tức là sự liên tục hoán cải, thống hối, cầu nguyện, ba nhân đức trụ: tin, cậy mến. Vì thế, ở đâu chúng ta thấy câu trả lời cơ bản đích thực mà Giáo hội phải đưa ra, và mỗi người chúng ta phải đưa ra trong tình trạng này. Còn về những điều mới mẻ mà ngày nay chúng ta có thể khám phá trong sứ điệp Fatima, đó là những cuộc tấn công ĐGH và Giáo Hội không chỉ đến từ bên ngoài, những đau khổ của Giáo Hội đến từ chính bên trong Giáo Hội, từ tội lỗi hiện diện trong Giáo Hội.. Cuộc bách hại lớn nhất đối với Giáo Hội không đến từ những kẻ thù bên ngoài, nhưng từ tội trong Giáo Hội và Giáo Hội đang rất cần phải tái học thống hối, chấp nhận thanh tẩy, học tha thứ và cũng cần công lý”.
Đón tiếp
Máy bay chở ĐTC đáp xuống phi trường Lisboa lúc 11 giờ. Ngài được Tổng thống, phu nhân, thủ tướng và các HY, GM đón tiếp.
Trong diễn văn đáp từ, sau khi cám ơn Tổng Thống và chào thăm toàn dân Bồ đào nha, ĐTC nhắc đến biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Fatima:
”Đức Trinh Nữ Maria từ trời cao đến để nhắc nhở chúng ta về chân lý Phúc Âm, là nguồn mạch hy vọng đối với nhân loại đang nguội lạnh về tình yêu và không còn hy vọng nơi ơn cứu độ. Dĩ nhiên, niềm hy vọng ấy có chiều kích đầu tiên và nòng cốt nhất không phải là một quan hệ chiều ngang, nhưng là quan hệ chiều dọc và siêu việt. Quan hệ với Thiên Chúa là điều nòng cốt cấu thành con người: con người được tạo dựng và qui hướng về Thiên Chúa, tìm kiếm chân lý trong cơ cấu tri thức của mình, hướng về sự thiện trong lãnh vực ý chí, và bị thu hút vì vẻ đẹp trong chiều kích thẩm mỹ. Lương tâm có tính chất Kitô giáo tùy theo mức độ nó cởi mở đối với sự sung mãn của sự sống và sự khôn ngoan mà chúng ta có được trong Chúa Giêsu Kitô. Cuộc viếng thăm mà tôi bắt đầu trong dấu chỉ hy vọng, muốn là một đề nghị khôn ngoan và sứ mạng.”
Phần hai lễ nghi đón tiếp ĐTC đã diễn ra tại Đan viện Jerónimos, một Đan viện cổ kính có từ 5 thế kỷ, ngày nay nơi này được dùng làm nơi diễn ra các cuộc tiếp đón các vị quốc trưởng đến thăm nước Bồ. Tại đây vào lúc 12 giờ 45 đã diễn ra nghi thức tiếp đón chính thức ĐTC, với sự hiện diện của Tổng thống, Phu nhân và các quan khách. Quốc thiều Vatican và Bồ được trổi lên, và 21 phát súng đại bác được một chiến hạm ở ngoài khơi bắn lên để chào mừng vị quốc khách. Tiếp đến các đoàn quân danh dự đã diễu hành.
Sau đó, ĐTC được Đức HY Thượng Phụ tháp tùng tiến vào bên trong nhà thờ cổ kính và được 300 em học sinh các lớp giáo lý và các trường Công Giáo tại địa phương chào mừng. ĐTC cũng viếng thăm khu nội vi của Ngài cầu nguyện trong thinh lặng trước Mình Thánh Chúa được đặt trên bàn thờ.
Rời đan viện, ĐTC đi trên xe bọc kính đã được đoàn kỵ mã danh dự tháp tùng đến Phủ Tổng thống Bồ đào nha để viếng thăm.
Tại đây, ĐTC đã ký sổ vàng lưu niệm rồi gặp và chào thăm, chúc lành cho gia đình, thân nhân của tổng thống, trước khi hội kiến với ông.
Cũng nên nói thêm rằng trên những lộ trình ĐTC đi qua, từ Phi trường tới tòa sứ thần, đan viện Jeronimos và phủ tổng thống đều có đông đảo các tín hữu và dân chúng đứng bên đường để chào mừng ngài.
Lúc 5 giờ rưỡi chiều hôm qua, 11-5, ĐTC đã cử hành thánh lễ đầu tiên trên đất Bồ, trước sự hiện diện của hàng trăm ngàn tín hữu.
Thứ tư 12-5, ĐTC sẽ gặp gỡ lối 1.400 người thuộc giới văn hóa ở thủ đô Lisboa tại trung tâm Văn hóa Belem, rồi trở về tòa sứ thần để tiếp thủ tướng Bồ José Socrates.
Sau đó, lúc quá 4 giờ rưỡi chiều, ngài đáp trực thăng bay đến trung tâm Thánh Mẫu Fatima cách đó 100 cây số. Tại đây ngài sẽ kính viếng Nhà nguyện Đức Mẹ hiện ra, trước khi đến nhà thờ Chúa Ba Ngôi để hát kinh chiều vào lúc 6 giờ với các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh.
Sau bữa tối, ĐTC sẽ trở lại Nhà nguyện Đức Mẹ hiện ra, để làm phép buổi rước nến và đọc kinh mân côi với các tín hữu.
bài liên quan mới nhất
- Cuộc Gặp mặt Giới trẻ Châu Âu lần thứ 47 tại Tallinn
-
Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi các bạn trẻ Taizé nhân dịp Cuộc Gặp mặt Châu Âu lần thứ 47 -
Chúa nhật, thứ Bảy và lễ Vọng: Sự khác biệt giữa thánh lễ chiều hôm trước và lễ Vọng -
12 sự kiện đánh dấu năm 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Huấn dụ Lễ Thánh Stêphanô tử đạo (26/12/2024) - Tử đạo và tha thứ -
Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha -
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô