Thứ Bảy tuần 33 Thường niên (+video)
Lc 20, 27-40
“Con cái đời này cưới vợ lấy chồng,
chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết,
thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng”. (Lc 20, 34-35)
1. Mặc dù nhóm Sađốc không tin vào cuộc sống đời sau, nhưng qua lời lẽ của họ, người ta thấy họ có một quan niệm hết sức vật chất về cuộc sống ấy: đời sau người ta cũng cưới vợ lấy chồng, sinh con và hưởng thụ tất cả những lạc thú như đời này.
Trong câu trả lời, Chúa Giêsu vừa xác nhận có cuộc sống đời sau, vừa cho biết ý nghĩa của cuộc sống ấy:
- Đời sau người ta sẽ bất tử, do đó không cần lưu truyền nòi giống, cho nên cũng không cần cưới vợ lấy chồng.
- Hạnh phúc duy nhất và cũng là quan tâm duy nhất của người sống đời sau là được ở gần Chúa để phụng thờ Chúa, như các thiên thần vậy.
Cuộc sống đời sau đối với Chúa không phải chỉ là sự tiếp nối đời này ở mức cao hơn. Con người sẽ vẫn là chính mình, có thể nhận biết nhau, nhưng sẽ không có sự chết nữa, vì vậy nên không cần có sự cưới gả hay sinh con. Kitô hữu chỉ giống các thiên thần chứ không trở thành các thiên thần. Trong Kinh Thánh các thiên sứ xuất hiện như con người, nhưng họ ở thể Thần Linh và không có bản năng giới tính. Về mặt này, chúng ta sẽ giống họ, không cưới gả và sinh con trong cuộc sống mai sau. Về vấn đề này, Thiên Chúa hoàn toàn có quyền làm như thế. Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không đủ quyền năng để khiến kẻ chết sống lại và ban cho họ một thân thể mới phù hợp với môi trường mới sao ? Nếu hôm nay Ngài có thể ban cho mọi tạo vật hình dạng khác nhau, vậy thì tại sao Ngài lại không thể ban cho con người thân thể mới khi họ sống lại ? (1Cr 15,35-44).
Chúa Giêsu còn vượt quá lý lẽ con người khi nhắc họ nhớ lại lời Thiên Chúa, đặc biệt là sự kiện xảy đến với Môisen (Xh 3,1-22). Môisen đã gọi Thiên Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp. Gọi như thế có nghĩa Môisen tin rằng, ba vị thánh tổ này đang sống. Nếu họ đang sống, thì hẳn họ phải ở thể phi vật chất vì họ đã chết trước đó. Và như thế rõ ràng là phải có một thế giới Thần Linh, nếu không thì Môisen, đã chẳng viết những lời như thế.
Thiên Chúa là Chúa của con người toàn vẹn - tâm thần, linh hồn và thân thể. Vì Ngài đã dựng nên con người như thế. Ngài không chỉ cứu linh hồn chúng ta rồi bỏ mặc phần còn lại muốn ra sao thì ra. Bản chất vốn có trong sự sáng tạo của Ngài là quan tâm đến mọi mặt của con người. Vì vậy, Ngài không để chúng ta phải “hồn lìa khỏi xác” mãi mãi, nhưng sẽ ban cho chúng ta một thân thể vinh hiển thích hợp với sự hoàn mỹ ở Thiên Đàng.
Một vấn đề khác, đó là mối liên hệ giữa Thiên Chúa với ba vị thánh tổ này. Ngài hứa ban cho họ và con cháu họ những phước hạnh trên đất, nhưng Ngài không thể làm trọn lời hứa nếu dân Ngài chỉ muốn sống đời đời như những linh hồn không có xác. Chúa Giêsu đã xác nhận những điều mà người Sađuxê chối bỏ: những điều đó là sự tồn tại của các thiên sứ, sự thực hữu của đời sống sau khi chết, sự sống lại ở đời sau. Ngài xác nhận điều này dựa trên sách của Môisen. Dĩ nhiên, Ngài có thể dẫn chứng nhiều đoạn Kinh Thánh khác nói về sự sống lại ở đời sau, nhưng Ngài đã giải đáp cho những kẻ chống nghịch Ngài dựa ngay trên chính những lý lẽ họ đã đưa ra.
2. Mấy năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ đã rất chú ý đến hiện tượng mà họ gọi là “kinh nghiệm cận tử” (near death experience): nhiều người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí như sau:
- Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.
- Sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Tóm bài của Willie Hoffsuemmer).
Xin được kết thúc bằng lời tâm sự của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII vể cuộc sống mai sau:
“Tám mươi tuổi đã qua nhắc nhủ tôi cũng như anh và bà con chúng ta nhớ: Điều quan hệ hơn hết là lúc nào cũng phải sẵn sàng để ra đi một cách bất ngờ, bởi vì việc tối hệ là bảo đảm đời sống vĩnh cửu trên Thiên Đàng, bằng cách phó thác mình nơi lòng nhân hậu Chúa. Tôi khiêm nhường van xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm và thiếu sót của tôi. Tôi dâng lên Người cái tài sản ít oi mà nhờ ơn Người tôi chiếm hữu, hầu van xin Người tiếp đón tôi như một người cha nhân lành hiền hậu, để tôi được kết đoàn với các thánh trong hạnh phúc trường sinh”.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 28 Thường niên năm B (+video)
-
Thứ Bảy tuần 27 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 27 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 27 Thường niên (+video) -
Thứ Tư tuần 27 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 27 Thường niên (+video) -
Thứ Hai mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi (+video) -
Chúa nhật 27 Thường niên năm B (+video) -
Thứ Bảy tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 26 Thường niên (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm Tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (+video) -
Thứ Bảy tuần 5 Phục sinh (+video) -
Ngày 29/06: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, tông đồ (+video) -
Thứ Bảy tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Sáu tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 7 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 5 Phục sinh (+video) -
Thứ Hai tuần 6 Phục sinh (+video)