Thứ Sáu tuần Bát nhật Phục sinh - Hiện ra (Ga 21,1-14)

Thứ Sáu tuần Bát nhật Phục sinh - Hiện ra (Ga 21,1-14)

Thứ Sáu tuần Bát nhật Phục sinh - Hiện ra (Ga 21,1-14)

Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi,
thì sẽ bắt được cá.” (Ga 21,6)

 

Bài đọc 1: Cv 4,1-12

1 Hai ông còn đang nói với dân, thì có các tư tế, viên lãnh binh Đền Thờ, và các người thuộc nhóm Xa-đốc kéo đến. 2 Họ bực tức vì các ông giảng dạy cho dân và dựa vào trường hợp Đức Giê-su mà loan báo kẻ chết sẽ sống lại. 3 Họ bắt hai ông và tống ngục cho đến ngày hôm sau, vì trời đã về chiều. 4 Nhưng trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn.

5 Hôm sau, các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Giê-ru-sa-lem. 6 Có cả thượng tế Kha-nan, các ông Cai-pha, Gio-an, A-lê-xan-đê và mọi người trong dòng họ thượng tế. 7 Họ cho điệu hai Tông Đồ ra giữa hội đồng và tra hỏi: “Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy ?” 8 Bấy giờ, ông Phê-rô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ: “Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, 9 hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. 10 Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. 11 Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. 12 Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.”

 

Tin mừng: Ga 21,1-14

1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.

3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời: “Thưa không.”

6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.

7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.

8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”

11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.

12 Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.

14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu Phục Sinh đang hiện trong Giáo Hội và trong cuộc sống mỗi người. Khi ta tin tưởng làm theo lời Chúa dạy, Chúa sẽ làm cho mọi việc được thành công ngoài sức tưởng tượng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, bao lần trong cơn gian nan thử thách, con mong ước có Chúa hiện diện bên con để nâng đỡ chở che. Những lúc thất bại hoặc cô đơn giữa đám đông cuộc đời, con mong gặp được Chúa để Chúa hướng dẫn ủi an. Con mong chờ Chúa nhưng không gặp được Chúa. Thật ra Chúa vẫn đến và hiện diện bên con mà con chẳng nhận ra Chúa, nên con vẫn còn sợ hãi, có khi thất vọng chán chường. Chúa như vắng mặt trong cuộc đời con.

Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, xin cho con biết nhận ra Chúa vẫn có mặt sống động trong Giáo Hội và trong cuộc sống con mọi nơi mọi lúc, như xưa Chúa đã tỏ mình cho các tông đồ bên biển hồ Tibêria. Xin cho con hiểu rằng Chúa hiện diện để mong con đến gặp Chúa và lắng nghe Lời Chúa, để Chúa bày tỏ tình yêu quan tâm dẫn dắt và ban ơn giúp con đạt tới ơn cứu độ.

Xin cho con luôn biết lắng nghe và can trường phó thác sống theo Lời Chúa, trong lúc gặp may mắn cũng như lúc gian nan trong đêm tối của cuộc đời. Chúa vẫn lên tiếng mời gọi con, hướng dẫn dạy bảo con. Xin đừng để những nỗi đau, những day dứt, những hoang mang, những thất bại làm át đi tiếng nói yêu thương của Chúa. Xin đừng để con vì chạy theo những đam mê hoặc những lôi cuốn của cuộc đời, mà lòng trí trở nên tối tăm không còn nhận ra sự hiện diện của Chúa.

Lạy Chúa là Đấng yêu thương và quyền năng, xin Chúa nâng đỡ Giáo Hội trong mọi nghịch cảnh và giúp cho Giáo Hội thành công trong sứ mạng truyền giáo. Amen.

Ghi nhớ: “Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Phần cuối của đoạn Tin Mừng Gioan (có lẽ không do Gioan viết, mà do các đồ đệ của Gioan) tường thuật cuộc hiện ra cho các tông đồ trên biển hồ Tibêria.

1. Theo gợi ý của ông Phêrô, số tông đồ khác trở lại nghề cũ là đi đánh cá.

2. Khi đó xảy ra lại một tình huống giống y lần đầu tiên Phêrô gặp Chúa Giêsu và được Ngài gọi: các ông không đánh được cá, nhưng nhờ Chúa Giêsu sau đó đánh được rất nhiều cá (x. Lc 5,4-11).

3. Các tông đồ nhận ra Chúa Giêsu: đầu tiên là Gioan, kế đến là các ông khác.

4. Bữa ăn thân mật bên bờ hồ sau khi Thầy trò nhận ra nhau.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Trong những lần hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại, Chúa Giêsu không bao giờ nói nửa lời trách móc tội các ông đã bỏ Ngài hay chối Ngài, cũng không nói nửa lời ám chỉ, mà toàn những lời dịu dàng, an ủi, khích lệ. Các ông cũng không một lời xin lỗi Chúa, thế mà Chúa vẫn tha. Tha thứ đâu cần phải nói ra bằng lời, ăn năn đâu cần phải thốt ra bằng tiếng. Chúa đến với ta, ta ở bên cạnh Chúa thế là đủ.

2. Sự tha thứ của Chúa không diễn tả bằng lời, nhưng bằng thái độ: “Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ. Ngài cũng cho các như thế”.

3. ““Người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến liền nói với Phêrô: “chính Chúa đó”: Gioan là người đầu tiên nhận ra Chúa. Ông nhận ra Chúa nhờ một kỉ niệm mà mẻ các lạ giúp ông nhớ lại. Khi đã yêu thì từng chi tiết, từng biến cố, đếu nhắc ta nhớ đến người mình yêu. Xin cho con yêu Chúa đủ để mỗi sự lành trong ngày đều khơi lên kỉ niệm của con về Chúa.

4a. Trong lòng Phêrô ngổn ngang nhiều tình cảm: Mặc cảm phạm tội, hối hận, nhớ Chúa và mong gặp lại Ngài. Nhưng mạnh nhất là tình cảm mong nhớ Chúa. Bởi khi vừa nghe Gioan nói “Chúa đó”, bao nhiêu tình cảm khác biến đâu hết, chỉ còn mỗi tình cảm muốn gặp lại Chúa. Vì thế ông “liền khoác áo vào rồi nhảy xuống biển” bơi tới Chúa. Dù con có thế nào đi nữa, nhưng xin cho con luôn nhớ Chúa và quên đi tất cả khi gặp lại Chúa.

4b. Trong toán học, chúng ta biết tầm quan trọng của vị trí con số “không” trong tương quan với dấu chấm thập phân: số “một” càng bị nhiều số “không” ngăn cách nó xa với dấu chấm thập phân thì giá trị của nó càng thấp. Thí dụ: 0,000.001.

Tuy nhiên nếu số “một” đứng đầu thì sau nó càng nhiều số “không” chừng nào thì giá trị của nó càng cao chừng ấy. Thí dụ: 1.000.000.

Chính Chúa là số một. Khi ta đặt Chúa hàng đầu trước những công việc của ta. Thì càng làm nhiều chừng nào thì giá trị của chúng càng cao chừng đó. Ngược lại Chúa càng xa tâm trí chừng nào thì công việc ta làm càng ít chùng ấy. (Frank Mihalic).

5. “Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Chúa Giêsu”.

Mỗi ngày tôi học và làm việc theo một thời khóa biểu kín mít mà tôi tự đặt ra cho mình, tối về mệt mỏi tôi lại lăn ra ngủ. Tôi thường thấy mình rơi vào những khoảng trống, cảm thấy mình lạc lõng cô đơn và đâm ra chán nản. Thế rồi tôi được một vị “Kĩ sư tâm hồn” khuyên mỗi ngày nên dành cho Chúa một vài phút.

Từ đó mỗi tối trước khi ngủ, tôi đã dành ra ít phút để nhìn lại những ơn Chúa ban của một ngày sống và nhìn lại chính mình. Tôi thấy còn nhiều bóng tối phủ lấp tâm hồn tôi.

Thật hạnh phúc mỗi khi trên giường ngủ mà có thể mỉm cười với chính mình. Những giây phút tĩnh nguyện cuối ngày đã giúp tôi khám phá ra màu nhiệm của Chúa hiện diện và đồng hành với tôi trên khắp các nẻo đường.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, những bóng tối trong tâm hồn và những bận tâm khác đã thoả lấp làm con không nhận ra được sự hiện diện của Chúa. Một vài phút dành cho Chúa chẳng là gì so với 24 giờ mà Chúa dành cho con, thế mà con không biết! Cảm ơn Chúa, cảm ơn người “kĩ sư tâm hồn” đã mở mắt con. (Epphata)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa hiện ra ở bờ biển hồ Tibêria (Ga 21, 1-14)

  1. Bài Tin mừng hôm nay là phần cuối của Tin mừng Gioan. Gioan viết để tường thuật về việc Chúa hiện ra với các Tông đồ trên bờ biển hồ Tibêria. Nhờ mẻ cá lạ mà các Tông đồ nhận ra Chúa. Người đầu tiên nhận ra Chúa là Gioan, và kế đến là các Tông đồ khác. Cuối cùng, là một bữa ăn thân mật bên bờ hồ sau khi Thầy trò đã nhận ra nhau.
  2. Tin mừng cho biết, lúc đó ông Phêrô cùng 6 ông khác là Tôma, Nathanael, Giacôbê, Gioan và hai môn đệ khác không kể rõ tên, tất cả là bảy người. Đêm hôm đó các ông cùng nhau đi thả lưới bắt cá, nhưng vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào. Đến gần sáng, các ông chèo thuyền vào gần bờ thì có một người lạ đứng trên bờ hỏi các ông có bắt được gì không và bảo các ông thả lưới bên phải thuyền, các ông làm theo đề nghị đó, và thật lạ lùng, cá đâu nhiều đến nỗi không sao kéo thuyền vào được.
  3. Tin mừng còn cho biết, các môn đệ bắt được 153 con cá lớn mà lười không bị rách. Các nhà chú giải Thánh kinh vẫn xem con số 153 là tượng trưng cho 153 loài cá dưới biển. Cũng cần phải nói thêm rằng: chi tiết “lưới nhiều cá mà không bị rách, thuyền chở nặng gần chìm” cũng là một ý nghĩa biểu tượng mà tác giả Tin mừng muốn chuyển tải. Giáo hội quy tụ muôn dân nhưng vẫn đủ chỗ, không bao giờ thiếu chỗ cho các công dân gia nhập Nước trời, và ân sủng của Thiên Chúa mà các chứng nhân mang đến cho mọi người không bao giờ bị vơi.
  4. Đức Giêsu đã chọn các Tông đồ để họ tiếp tục sứ mệnh của Ngài. Nhưng rồi trong cuộc sống theo Chúa, cũng có những lúc thăng trầm, nhất là các ông đã bị thử thách nặng nề với cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá. Đó là mầu nhiệm mà lúc đầu các ông không hiểu, mặc dầu nhiều lần Đức Giêsu đã loan báo và giải thích về cái chết có giá trị cứu rỗi của Ngài.

          Trong lúc các ông trở về với nghề cũ tại biển hồ Tibêria và tâm hồn chờ đợi một dấu lạ gì đó từ Chúa Giêsu Phục sinh. Chính lúc đó, Đức Giêsu hiện ra, và một lần nữa, Ngài thực hiện phép lạ mẻ cá lạ lùng, để qua đó Ngài tái xác nhận rằng Thiên Chúa không thay đổi chương trình cứu rỗi của Ngài; Ngài vẫn trung thành với lời mời gọi và sứ mệnh đã trao cho các môn đệ. Con số 153 con cá ở đây tượng trưng cho mọi dân tộc trên thế giới, đã đến lúc các Tông đồ phải làm chứng cho Chúa nơi mọi dân tộc (Mỗi ngày một tin vui).

  1. Qua phép lạ mẻ lưới lạ lùng, Đức Giêsu muốn bảo cho các Tông đồ biết trước Giáo hội của Ngài sẽ được phổ biến khắp nơi dưới quyền lãnh đạo của Phêrô và không quyền lực nào có thể làm cho tan rã, vì Giáo hội của Ngài được xây trên nền tảng vững chắc. Vì danh Chúa, các ông phải mạnh dạn tuyên xưng đức tin và bảo vệ Giáo hội: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29).

Bài học mà Chúa dạy các môn đệ hôm nay là các ông phải tùy thuộc vào ơn Chúa và quyền năng của Ngài, chứ không dựa vào khả năng chuyên môn của mình. Trong việc thi hành chương trình cứu độ, Chúa dùng các ông như những dụng cụ tầm thường, nhưng dụng cụ ấy lại hữu hiệu khi biết vâng theo ý Chúa và nhiệt tình cộng tác dưới sự hướng dẫn của Ngài.

  1. Đức Giêsu Phục sinh tuy không còn hiện diện một cách xác thể để các môn đệ có thể chạm đến Ngài, nhưng Ngài vẫn hiện diện với họ một cách vô hình: “Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”, và chắc chắn sẽ xuất hiện đúng lúc, để giúp cho công việc đã trao cho họ được trổ sinh hoa trái. Điều cần thiết là họ phải tuân theo mệnh lệnh của Ngài, bởi vì “Không có Thầy, các con không thể làm gì được”.
  2. Chúng ta đã từng cảm thấy vô vọng trước những hoàn cảnh đau khổ, thiếu thốn, lo lắng, gian nan... trong cuộc sống, trong hành trình ra khơi với trách nhiệm, với sứ vụ. Hãy tin vào sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa, Ngài sẽ thay đổi được tất cả, dù với chỉ hạt bụi: trở nên người sống động theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 2, 7) hòn đá có thể trở nên con cái Abraham (x. Mt 3, 9).
  3. Truyện: Ngài đi đâu đó?

Câu chuyện “Quo vadis” được kể như sau: Phêrô đến Rôma giữa lúc hoàng đế Nêrông đang bắt bớ đạo. Nhiều người đã chịu tử đạo. Tình thế nguy kịch, các tín hữu khuyên Phêrô chạy trốn ra khỏi thành, để còn người duy trì và giữ vững đạo thánh.

Khi ra khỏi cổng, Phêrô gặp Chúa vác thập giá đi vào thành Rôma. Ông lên tiếng hỏi: “Quo vadis”, nghĩa là Ngài đi đâu đó? Chúa trả lời: “Thầy đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”. Ông chợt hiểu và quay lại Rôma. Ông an ủi và giúp đỡ các tín hữu sắp chịu cực hình giữ vững niềm tin.

Sau khi chứng kiến các tín hữu bị làm mồi cho thú dữ ăn thịt, bị hoả thiêu trên một rừng thập giá, thì chính ông cũng bị đóng đinh ngược, đầu quay xuống đất, theo lời ông xin, vì ông nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh như Thầy.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top