Thứ Sáu tuần 7 Thường niên năm II (Mc 10,1-12)
BÀI ĐỌC I: (Năm II) Gc 5, 9-12
“Kìa quan toà đã đứng trước cửa”.
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em đừng kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị lên án. Kìa quan toà đã đứng trước cửa. Anh em hãy học gương kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ của các tiên tri, là những người đã nói nhân danh Chúa. Ðây chúng ta gọi những người đã kiên nhẫn đau khổ là có phúc. Anh em đã nghe nói đến sự kiên nhẫn của Gióp và đã thấy kết cuộc Chúa dành để cho ông, vì Chúa đầy lòng thương xót và lân mẫn.
Anh em thân mến, trước hết, anh em đừng (có) thề, dầu viện trời, dầu viện đất hay viện một hình (vật gì) khác. Lời nói anh em phải là: Có rằng có, không rằng không, để anh em khỏi bị toà án luận phạt.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 8-9. 11-12.
Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).
Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Xướng: Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.
Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn.
Xướng: Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng ta.
Tin mừng: Mc 10, 1-12
1 Đức Giêsu bỏ nơi đó, đi tới miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ.
2 Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người.
3 Người đáp: “Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?”
4 Họ trả lời: “Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.”
5 Đức Giêsu nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông.
6Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; 7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.
9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”
10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy.
11 Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; 12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Hôn nhân là một giao ước tình yêu. Đây không phải chỉ là một giao ước đơn thuần của con người, nhưng chính là sự kết hiệp bất khả phân ly do Thiên Chúa thiết lập.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, hơn bao giờ hết, nền tảng gia đình đang lung lay đến tận gốc rễ. Hằng ngày, qua các phương tiện truyền thông, con được biết có rất nhiều gia đình đang trong tình trạng tan vỡ: nào là vợ chồng ngoại tình không còn chung thủy với nhau, nào là con cái bỏ nhà ra đi, để rồi giờ này tâm hồn người cha đang đau khổ, trái tim nhiều người mẹ tan nát, và những đứa con không cửa không nhà, bơ vơ, lạc lõng giữa chợ đời. Chúng trở thành những thiếu niên phạm pháp, làm tệ nạn xã hội càng ngày càng tăng.
Lạy Chúa, tất cả chỉ vì thiếu bóng tình thương. Bởi không yêu thương nên vợ chồng mới hằn học, lạnh lùng với nhau, chửi rủa, đánh đập, xua đuổi nhau. Bởi không yêu thương nên con cái bất mãn và đi tìm tình thương nơi chốn giang hồ. Vậy xin tình yêu Chúa ngự trị trên tất cả mọi gia đình chúng con.
Xin Chúa giúp sức và nâng đỡ các vợ chồng biết trung thành với lời cam kết ban đầu, là yêu thương nhau trọn đời. Xin cho các bậc cha mẹ biết nêu gương sáng để giáo dục con cái. Xin cho sự hòa thuận luôn hiện diện trong mọi gia đình. Lạy Chúa, nhất là các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào ơn gọi hôn nhân, xin cho họ biết ý thức, sáng suốt, để khi đặt viên đá đầu tiên xây dựng gia đình, họ kiến tạo được một mái ấm tình thương.
Lạy Chúa, con là một thành viên trong gia đình, xin cho con luôn là sợi dây tình thương nối kết để cuộc sống gia đình luôn bình an và hạnh phúc. Amen.
Ghi nhớ: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Những người biệt phái phỏng vấn Chúa Giêsu về vấn đề ly dị.
Ngay trong giới biệt phái cũng có hai lật trường ngược nhau về vấn đề này: Lập trường dễ dãi (đứng đầu là Rabi Hillel) cho phép li dị vì những cớ tầm thường; lập trường khắc khe (đứng dầu là Rabbi Shammai) chỉ ly dị trong những trường hợp ngoại tình. Tuy khác nhau nhưng hai lập trường này có điểm chung là cho phép ly dị.
Còn lập trường của Chúa Giêsu là tuyệt đối không được ly dị: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân chia”.
Nhân dịp này Chúa Giêsu còn dạy cách sống đời hôn nhân: phải yêu thương nhau (luyến ái) và đồng tâm nhất trí (nên một huyết nhục) với nhau.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Tình trạng ly dị ngày càng gia tăng là biểu hiện của những tật xấu căn bản hơn của con người thời nay, đó là không trung thành và hay thay đổi, sống theo sở thích hơn là theo trách nhiệm. Tình trạng ly dị cũng cho chúng ta hiểu rằng sống chung thủy với một tình yêu là điều rất khó.
Lạy Chúa, mới ngày nào con cảm thấy rấy yêu mến Chúa, sao hôn nay lòng con đã bới nồng nàn, và không biết ngày mai sẽ ra thế nào nữa! Phần Chúa thì muôn đời vẫn một mực yêu thương con. Xin gìn giữ con mãi mãi trong tình yêu thương của Chúa.
2. Đời sống độc thân của những người dâng mình cho Chúa là một dấu chỉ, một bằng chứng và một sự khích lệ cho những kẻ sống đời hôn nhân:
Dấu chỉ về một tình yêu hoàn toàn không vị kỷ.
Bằng chứng rằng trung thành với tình yêu đã cam kết là một điếu có thể.
Vì là dấu chỉ và là bằng chứng nên nó là một sự khích lệ.
Xin cho các Linh mục, Tu sĩ sống đời tận hiến của mình một cách vui vẻ và trung thành.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Có được phép ly dị không? (Mc 10,1-12)
- Hôm nay thánh Marcô cho chúng ta biết: Đức Giêsu đến Galilê, dân chúng tấp nập kéo đến nghe Ngài giảng. Và nhóm biệt phái đến hỏi thử Ngài: chồng có được phép rẫy vợ không? Chúa lại quay ra hỏi họ: Ông Maisen dạy họ làm sao? Họ thưa: Maisen cho phép họ ly dị vợ. Chúa liền bảo cho họ biết: tại vì lòng chai dạ đá của các ông mà ông Maisen phải buộc lòng cho phép họ làm như thế, chứ thực ra ngay từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên người nam, người nữ và kết hợp họ nên một. Đó là điều Thiên Chúa đã phối hợp thì loài người không được phân ly.
- Ngay trong giới biệt phái cũng có hai lập trường đối ngược nhau về vấn đề ly dị này.
- Lập trường dễ dãi do rabbi Hillel đứng đầu chủ trương cho phép ly dị vì những lý do rất tầm thường.
- Lập trường khắt khe do rabbi Shammai đứng đầu chủ trương chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình.
Hôm nay khi người biệt phái đến hỏi Đức Giêsu xem họ có được phép ly dị không? Thay vì trả lời “Có” hay ”Không” – vì Đức Giêsu biết họ có ý gài bẫy Ngài sẽ phạm một trong hai tội: vi phạm Lề Luật hoặc đối đầu với Hêrôđê – thì Đức Giêsu lại nhắc cho họ điều căn bản là từ thuở ban đầu Thiên Chúa sáng tạo loài người có nam có nữ, chúc phúc cho họ để nên một với nhau và Ngài nhắc lại câu: “Điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly”.
- “Thuở ban đầu” – có nghĩa là từ ngàn đời trong ý định của Thiên Chúa đã muốn người nam và nữ kết hợp với nhau trong việc cộng tác sáng tạo và bất khả phân ly. Thế nhưng, vì ích kỷ mà con người phản bội dối gian nhau, thiếu tình thương và tha thứ cho nhau... dẫn đến đổ vỡ. Chính vì thế mà Maisen cho phép ly dị như một chọn lựa ngoài ý muốn để giải gỡ cho họ. Chúng ta cần dừng lại ở lời này của Đức Giêsu: Ông Maisen cho phép chứ không phải Thiên Chúa đã ban bố điều đó, và ông Maisen cho phép là vì lòng chai dạ đá của họ.
Như vậy, Đức Giêsu xác định rõ ràng về ý định của Thiên Chúa và nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Ngài khẳng định khi hôn nhân thành sự là cả hai đã nên một xương một thịt và do Thiên Chúa kết hợp nên loài người không ai có quyền phân ly. Và hôn nhân là sự bình đẳng, bổ trợ cho nhau để cùng hướng tới sự cộng tác sáng tạo của Thiên Chúa.
- Sự kỳ thị nam nữ trong luật Do thái
Sách Đệ nhị luật chương 24,1-3 có ghi: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, và sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà, hoặc nếu người chồng sau đã lấy nàng làm vợ và chết, thì người chồng đầu tiên đã đuổi nàng đi không thể lấy nàng làm vợ một lần nữa, sau khi nàng đã ra ô uế”.
Chúng ta thấy ngay có sự kỳ thị nam nữ trong luật ấy. Người Do thái coi người nữ đứng hàng thứ sáu trong nhà, xếp sau cả vật nuôi của họ. Họ xem người nữ như một món đồ để thỏa mãn và lưu truyền nòi giống, thích thì giữ và chán thì bỏ.
- Như vậy, ý định của Thiên Chúa là sáng tạo một người nam và một người nữ để thành một huyết nhục là khế ước tình yêu giữa người nam và người nữ. Hiệu quả của khế ước này là sự trở nên làm một với nhau. Điều này chứng tỏ việc ly dị là phủ nhận khế ước tình yêu giữa nam và nữ, đồng thời cũng nói lên sự bất phục tùng ý định của Thiên Chúa. Tình yêu vợ chồng phải là tình yêu duy nhất và chung thuỷ: “Sự gì Thiên Chúa phối hợp, loài người không được phân ly”.
Ngày nay, Giáo hội vẫn trung thành với giáo lý của Đức Giêsu và luôn khẳng định đặc tính “vĩnh viễn” của hôn nhân Công giáo. Không ai có quyền huỷ bỏ giao ước hôn nhân hợp pháp vì đây là luật của Chúa. Luật ly dị xem ra là một luật khắt khe và khó khả thi, nhưng với ơn Chúa trợ giúp, chúng ta có thể thực hiện được, và nhờ đó Giáo hội cũng như xã hội càng thêm vững chắc, gia đình dễ tìm được hạnh phúc.
- Truyện: Án Tử trung thành với vợ
Án Tử, người nước Tề, là một người nổi tiếng thanh liêm và thuỷ chung. Xuất thân từ gia đình nghèo, Án Tử được vợ hy sinh tảo tần buôn bán để nuôi ăn học. Đỗ đạt làm quan, không bao giờ Án Tử quên ơn ấy của vợ.
Dù cuộc sống có đầy cạm bẫy, ông vẫn trung thành. Một hôm vua Cảnh Công đến thăm và ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà vừa già vừa xấu xuất hiện trong bữa tiệc. Án Tử liền giới thiệu đó là vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt, ông mới đề nghị với Án Tử: “Ôi, vợ khanh sao vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu khanh. Khanh nghĩ sao?”
Án Tử liền trả lời một cách dứt khoát không chút do dự: “Nhà tôi nay tuy đã già và xấu, nhưng chúng tôi đã lấy nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc trẻ cốt để nhờ lúc già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy khi xấu. Nhà tôi thường nhờ cậy tôi như tôi đã từng nhờ cậy sự giúp đỡ của nhà tôi. Nay bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi mang tiếng là ăn ở bội bạc với nhà tôi.
Nói xong, Án Tử lạy hai lạy từ chối không nhận lấy con gái của vua.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Ba tuần 34 Thường niên năm II - Giá trị trần gian không tồn tại (Lc 21,5-11)
-
Thứ Hai tuần 34 Thường niên năm II - Cho đi (Lc 21,1-4) -
Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37) -
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên năm II - Hoán cải đích thực (Lc 19,1-10) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên năm II - Con mắt đức tin (Lc 18,35-43)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy