Thứ Sáu tuần 6 Thường niên năm II (Mc 8,34–9,1)
“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng,
thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. (Mc 8,35)
BÀI ÐỌC I: (Năm II) Gc 2, 14-24. 26
“Cũng như xác không hồn là xác chết, thì đây đức tin không việc làm là đức tin chết”.
Trích sách của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, nếu có ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: “Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm”, mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì? Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ.
Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi. Anh tin Thiên Chúa là Ðấng duy nhất ư? Như thế là đúng. Ma quỷ cũng tin như thế và chúng run sợ. Hỡi người khờ dại, anh có muốn biết rằng đức tin không việc làm là đức tin chết không? Abraham, tổ phụ chúng ta, đã chẳng nhờ việc làm mà được công chính hoá khi hiến dâng con mình là Isaac trên bàn thờ đó sao? Anh có thấy rằng: đức tin hợp tác với việc làm, và nhờ việc làm mà đức tin được hoàn hảo đó không? Như vậy đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: “Abraham đã tin vào Thiên Chúa và việc ấy được kể là điều công chính cho người, và người đã được gọi là bạn thiết nghĩa của Thiên Chúa”.
Do đó anh em có thấy rằng: người ta nhờ việc làm mà được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi không? Quả vậy, cũng như xác không hồn là xác chết, thì đức tin không việc làm là đức tin chết.
Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 111, 1-2. 3-4. 5-6
Ðáp: Phúc đức thay người ham mộ luật pháp của Chúa (c. 1b).
Xướng: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Ðất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân.
Xướng: Trong nhà người có tài sản phú quý, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối người xuất hiện như ánh sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính.
Xướng: Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời.
Tin Mừng: Mc 8,34–9,1
8:34 Khi ấy, Chúa Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.
35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
36 Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì ?
37 Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình ?
38 Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người”.
9:1 Chúa Giêsu còn nói với họ: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực”.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Tất cả những ai muốn theo Chúa Giêsu đều phải bước lại cùng một con đường của Chúa, đó là đường thập tự, chất chứa sự từ bỏ và khổ đau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, vì vâng theo ý Chúa Cha mà Chúa đã tự bỏ mình, chấp nhận thân phận tôi tớ, chịu mọi sự khổ đau cùng cực nhất, bị phỉ nhổ, khinh chê, bạc đãi và chết trên thập giá, hầu mang lại sự sống cho con. Và Chúa cũng đã mời gọi con bước theo Chúa. Sống với Chúa, để trở nên môn đệ của Chúa, nghĩa là cùng với Chúa vác thánh giá, cùng với Chúa đi vào con đường đau thương đang trải dài khắp các nẻo đường trần gian.
Lạy Chúa, hành trình theo Chúa nhiều khi đã trở thành gánh nặng đè lên đời con. Lắm lúc con mệt mỏi, chán nản, buồn phiền, so đo tính toán. Một đàng con biết rằng theo Chúa là phải hy sinh, phải dấn thân dứt khoát. Nhưng đàng khác con lại không chịu từ bỏ chính bản thân mình, con ham thú vui, thích thoải mái, hưởng thụ, thích của cải vật chất hơn là sống như Chúa đòi hỏi.
Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim luôn hướng về Chúa, bởi vì con cảm nhận được rằng, con không thể sống với Chúa, nếu con không yêu mến Chúa. Xin dạy con biết hy sinh, biết từ bỏ những quyến rũ lệch lạc của trần gian, vì chúng ngăn cản con đến với Chúa.
Xin cho con biết quảng đại cho đi tất cả, nhất là cho đi chính mình. Lạy Chúa, con đi tìm sự sống chứ không đi tìm cái chết. Nhưng để cứu mạng sống con, xin cho con luôn biết nhìn lên thánh giá Chúa để học biết thế nào là yêu thương, là hy sinh, thế nào là sự sống đích thực. Amen.
Ghi nhớ: “Ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm thì sẽ cứu được mạng sống mình”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống...)
Sau khi khiển trách Phêrô đã ngăn Ngài đi vào con đường Thập giá, Chúa Giêsu dạy các môn đệ:
Làm môn đệ Ngài thì cũng phải đi theo con đường Thập giá như Ngài: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ mình đi vác Thập giá mình hằng ngày mà theo Tôi”.
Xem ra, từ bỏ và vác Thập giá là đi vào con đường chết, nhưng thật ra đó là con đường dẫn đến sự sống thật: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, cón ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Ta hãy nghe lại lời của Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thập giá mình mà theo Ta”.
Có lẽ từ trước tới nay tôi theo Chúa là để “được” (Được an ủi, được che chở, được đời này, rồi lại được đời sau). nhưng Chúa Giêsu dạy: muốn “được” thì trước hết hãy “bỏ” (bỏ tất cả những gì cản trở việc đi theo Ngài, bỏ ý riêng, bỏ chính bản thân mình). Có “bỏ” thì mới “được”.
2. Có một thuyền trưởng ghé tàu qua đảo hoang, bắt gặp một khối lượng nam châm rất lớn. Ông đem hết lên tàu để về làm giàu. Nhưng tàu bi lạc giữa biển không sao định hướng được, kim nam châm hải bàn lúc nào cũng chỉ về phí khoang tàu chứa khối nam châm. Cuối cùng lương thực thiếu, nhiên liệu cạn dần. Người thuyền trưởng quyết định phải vất bỏ khối nam châm để hải bàn có thể định hướng đúng mà cứu sống con tàu. (Trích “Phúc”)
3. “Được lợi cả thế gian mà thiệt mất mạng sống thì người ta nào có ích lợi gì ?” Câu này đã khiến Phanxicô Xaviê bỏ mọi sự mà theo Chúa, thành một nhà truyền giáo nhiệt thành.
Mỗi người chúng ta thử duyệt lại xem mình đang tìm kiếm gì ở đời này (quyền lợi thú vui, danh vọng…). Rồi nghĩ tới ngày mình nhắm mắt ra đi. Lúc đó mình sẽ mang theo được những gì ?
Người kia có 3 người bạn, hai người trước là bạn rất thân, người thứ ba thường thường vậy thôi. Ngày kia ông bị tòa bắt xử liền xin ba người bạn đi theo để biện hộ. Người bạn thứ nhất từ chối ngay, viện cớ bận việc quá không đi được. Người thứ hai bằng lòng đi đến cửa quan nhưng không giám vào. Còn người thứ ba tuy không được ông ưa thích nhưng tỏ vẻ trung thành vào tận tòa án biện hộ cho ông ta không những trắng án mà còn được thưởng nữa.
Người bạn thứ nhất là tiền bạc. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta, chỉ để lại cho một chiếc chiếu và một cái hòm. Người bạn thứ hai là bà con bạn hữu, họ khóc lóc đưa ta tới huyệt rồi về. Người bạn thứ ba là các việc lành. Chúng đưa ta tới toà phán xét và đưa ta vào thiên đàng. (Trích “Phúc”)
“Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác Thập giá mình mà theo Ta”.
Những khổ sở mà đời chúng ta chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai một khúc thôi. Hôm sau, một khúc nữa, và hôm sau lại tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế. Chẳng những họ chất lên vai khúc củi của ngày hôm nay mà còn chất lên vai khúc củi của ngày hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi!” (Jonh Newton)
4. “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và Tin Mừng thì sẽ giữ được mạng sống ấy”. (Máccô 8,35)
“Chúng tôi muốn lựa chọn một giai cấp thống trị mới, xa lạ với thứ đạo đức thương người. Một giai cấp ý thức rằng, dựa trên cơ sở là giống nòi ưu việt nhất, nó có quyền đô hộ. Một giai cấp biết thiết lập và duy trì không một chút do dự quyền thống trị của nó đối với quảng đại quần chúng”. (Những bí mật của Chiến tranh thế giới thứ hai – Grigôri Đêbôrin)
Dựa trên thuyết phân biệt chủng tộc, Hítle đã xây dựng một bộ máy chính quyền tôn thờ chiến tranh. Họ coi chiến tranh là “một hoạt động cao quý nhất của con người thuộc giống nòi ưu việt”. Một đất nước của trại lính và nhà giam đã lôi kéo cả thế giới rơi vào lửa đạn.
50 năm đã trôi qua, chủ nghĩa phát xít đã bị chôn vùi. Nhưng trên thế giới vẫn còn biết bao ý tưởng điên rồ của con người, khiến nhân loại điêu đứng vì chiến tranh, đói nghèo và lạc hậu.
Lạy Chúa, Chúa đã dạy “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu”. Xin giúp con biết hy sinh vì tình yêu đồng loại. (Epphata)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Điều kiện để theo Chúa (Mc 8,34–9,1)
- Sau khi khiển trách Phêrô đã ngăn Ngài đi vào con đường Thập giá, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ muốn làm môn đệ Ngài thì cũng phải đi theo con đường Thập giá của Ngài: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Tôi” (Mc, 8,34). Xem ra từ bỏ và vác thập giá là đi vào con đường chết, nhưng thật ra đó là con đường dẫn đến sự sống thật: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và Tin mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).
- Sau khi các môn đệ đã tuyên xưng cách rõ ràng Ngài là Đấng Thiên Sai: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16,16), Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các ông biết: “Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và luật sĩ, rồi ngày thứ ba sẽ sống lại”. Ở đây có nghĩa là Đức Giêsu mở ra một giai đoạn mới, trong giai đoạn mới này Ngài muốn mạc khải về cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Vì thế, Đức Giêsu đã tuyên bố rõ ràng cho các môn đệ và những người đang theo Ngài giảng: “Ai muốn đi theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).
- THEO ở đây không có nghĩa là chỉ chấp nhận giáo lý của Ngài, không phải là chỉ mang tên môn đệ của Ngài, mà có nghĩa là bước theo chân Ngài, gắn kết với Ngài, lấy Ngài làm lẽ sống “sự sống của tôi là Đức Kitô”, giống như cô gái theo một chàng trai. Cô nàng phó thác con người mình cho chàng, cùng chung số phận với chàng, sống chết với chàng, không khó khăn nào có thể làm cho họ lìa bỏ nhau:
Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
Trong lời mời gọi của Đức Giêsu, chúng ta nên để ý đến hai chữ “NẾU” và “THÌ”. Khi dùng chữ
“nếu” thì luôn giả thiết lời mời gọi ấy hoàn toàn có tính cách tự do, tự nguyện, muốn theo cũng được, không theo cũng được. Nếu không theo thì thôi, còn nếu đã theo là phải bắt buộc dùng chữ “thì”, vì đây là điều kiện bắt buộc, “điều kiện sine qua non”, không có không được. Như vậy, muốn theo Chúa thì phải thực hiện hai điều kiện ấy.
- Từ bỏ chính mình
Quả vậy, muốn theo Chúa thì phải khước từ tất cả những cản trở bên ngoài như tha nhân, xã hội, tạo vật... và do bên trong như chính bản thân mình là các khuyết điểm, thói hư tật xấu, tội lỗi...
Đức Thánh Cha Phaolô VI trong buổi triều yết chung cho giáo dân ngày 11/03/1970 đã nói: “Đối với chúng ta những người thời nay, một trong những khía cạnh ít được hiểu biết nhất và cũng có thể nói ít được thiện cảm nhất trong đời sống Công giáo: đó là sự từ bỏ”.
Từ bỏ mình tức là từ bỏ ý riêng mình mà chấp nhận thánh ý Chúa. Người ta nói: 3 với 4 là 7, có đúng không? Chưa đúng. Muốn thực hiện 3 với 4 là 7 thì phải làm sao cho tan rã hai con số 3 và 4, rồi đúc nó lại thành con số 7 mới được. Chớ cứ để 3 và 4 kề nhau mãi thì làm gì thành 7 được, mà vẫn là 3,4. Cũng thế, muốn từ bỏ chính mình là phải làm tan ý riêng của ta cho hoà vào ý Chúa, lúc đó chúng ta mới thực sự là từ bỏ chính mình.
- Vác thập giá mình
Theo Chúa là phải nỗ lực, cố gắng trong việc chấp nhận những đòi hỏi của Tin mừng trong sự chịu đựng và kiên trì trong việc vác thập giá hằng ngày. Thập giá là những gian nan thử thách, những đau khổ cả tinh thần lẫn thể chất... trong cuộc sống hằng ngày mà mỗi người phải chịu.
Trong đời sống Kitô hữu, ai cũng phải vác thập giá, vì không ai có thể trốn tránh được đau khổ. Đau khổ chính là thập giá chúng ta phải vác hằng ngày. Công việc của chúng ta là phải vác như thế nào: tự nguyện hay miễn cưỡng? Theo kinh nghiệm của chúng ta và cũng là của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng, nếu ai vác bổng thánh giá lên thì sẽ thấy nó nhẹ, còn ai vác uể oải hay kéo lê thì thánh giá sẽ trở nên nặng nề. Tuy nhiên, Chúa biết sức chịu đựng của từng người, có người Chúa trao cho thánh giá nặng, có người Chúa trao cho thánh giá nhẹ, nhưng thánh giá nào cũng vừa sức cho mỗi người.
- Truyện: Thánh giá vừa sức mình
Câu truyện ngụ ngôn dưới đây chứng minh điều đó: có một người luôn than van những nỗi khổ cực của mình. Một tối kia, thiên thần hiện đến phán bảo:
- Con hãy theo ta ra nghĩa địa, nơi đó người ta để lại thánh giá của mình. Con hãy mang thánh giá của con ra để đó và hãy lựa thánh giá vừa sức con.
Ông ta mang thánh giá của mình ra quăng nơi nghĩa địa, ông bắt đầu chọn cái khác nhẹ hơn, ông tìm kiếm mãi mà không được: có cây quá là dài, cây quá ngắn, có cây thì nhẹ nhưng sù sì, khó vác, có cây thì trơn tru nhưng nặng quá, và sau cùng ông nói với thiên thần:
- Thưa thiên thần, cây nào cũng khó vác quá, chỉ có cây con định vứt đi là vừa với con thôi.
Thiên thần yên ủi:
- Phải, Chúa đã trao cho con một cây thánh giá vừa sức, con hãy vui lòng vác đi, đừng than van nữa.
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn, SCJ.)
Câu chuyện
Có một người kia được Chúa cho vác một cây thập giá. Nhưng anh ta không chịu nổi, anh đến xin Chúa cho đổi cây thập giá khác. Chúa bằng lòng: “Ngoài nghĩa địa có vô số thập giá đủ loại. Con cứ ra đó muốn chọn cây nào tùy thích”.
Dưới ánh trăng mờ trên nghĩa địa, anh ta đã thở phào nhẹ nhõm vứt cây thập giá của mình và loay hoay chọn cây khác. Nhưng anh tìm mãi vẫn không được: Cây thì quá dài, cây thì quá ngắn, có cây nhẹ nhàng nhưng xù xì khó vác, có cây trơn tru nhưng nặng quá...
Và rồi đêm nào cũng thế, cho đến một lần kia anh tìm được cây thập giá vừa ý nhất, nhẹ nhàng và êm ái nhất, vác về nhà. Nhưng ôi khi nhìn kỹ lại thì ra đó chính là cây thập giá đầu tiên mà Chúa đã trao cho anh ngày nào! (Trích “Phúc”).
Suy niệm
Người môn đệ Chúa Kitô tham dự vào mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô, với tâm tư con người đó là nghịch lý: Ngài đã chỉ đạt được vinh quang thiên sai nhờ đi qua khổ nạn và cái chết, theo chương trình của Thiên Chúa như ngôn sứ Isaia loan báo về tư thế của người tôi tớ đau khổ (Is 50,5-9a).
Cho nên, ai tự nhận mang danh môn đệ của Chúa Kitô, là “Kitô hữu”, được mời gọi bước vào sống mầu nhiệm nghịch lý thập giá của Đức Kitô, chấp nhận đau khổ vì Đức Kitô. Như tông đồ Phaolô đã trải nghiệm và gợi mở sống mầu nhiệm vác thập giá của người môn đệ Chúa Kitô: “Hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Ðức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ” (Cl 1,24-25).
Khi hiểu được ý nghĩa cao quý của thập giá, chúng ta bước theo Thầy với thập giá hằng ngày và hãnh diện như thánh Phaolô nói với tín hữu Galata: “Tôi chẳng hãnh diện điều gì ngoài thập giá Đức Kitô” (Gl 6,14).
Lạy Chúa Giêsu, trên bước đường thập giá Ngài đi, trong tư cách là môn đệ của Chúa:
“Xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang”.
Ý lực sống
“Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2Tm 2,11).
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37)
-
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên năm II - Hoán cải đích thực (Lc 19,1-10) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên năm II - Con mắt đức tin (Lc 18,35-43) -
Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Ngày hạnh phúc hay đau khổ (Mc 13,24-32) -
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên năm II - Tín thác (Lc 18,1-8)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy