Thứ Sáu tuần 30 Thường niên năm II - Lề luật và bác ái (Lc 14,1-6)

Thứ Sáu tuần 30 Thường niên năm II - Lề luật và bác ái (Lc 14,1-6)

Thứ Sáu tuần 30 Thường niên năm II - Lề luật và bác ái (Lc 14,1-6)

Một ngày sa-bát kia,
Đức Giê-su đến nhà một ông
thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa:
họ cố dò xét Người
.
(Lc 14,1)

BÀI ĐỌC I (năm II): Pl 1, 1-11

“Ðấng đã khởi sự trong anh em công việc tốt lành, sẽ làm hoàn tất cho đến ngày của Ðức Kitô”.

Khởi đầu bức thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Phaolô và Timôthêu, tôi tớ của Ðức Giêsu Kitô, kính gửi tất cả các thánh trong Ðức Giêsu Kitô ở thành Philípphê, cùng với các chủ tịch giáo đoàn và các phụ tá. Nguyện chúc ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô, ở cùng anh em!

Tôi luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa của tôi mỗi khi nhớ tới anh em, trong mọi kinh nguyện mà tôi hân hoan cầu xin cho anh em, vì anh em đã góp phần rao giảng Tin Mừng ngay từ ngày đầu tiên cho tới bây giờ.

Tôi tin tưởng điều này là Ðấng đã khởi sự trong anh em công việc tốt lành đó, sẽ làm hoàn tất cho đến ngày của Ðức Giêsu Kitô. Mà tôi tưởng nghĩ về mọi người anh em như thế thì chính đáng: vì tôi tích để anh em trong lòng tôi, dù khi tôi mang xiềng xích, dù lúc tôi biện hộ hay củng cố Tin Mừng, mọi người anh em đều thông phần vào sự vui mừng của tôi. Thực, có Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: Tôi trìu mến tất cả anh em trong lòng Ðức Giêsu Kitô là dường nào. Ðiều tôi khẩn nguyện là lòng yêu mến của anh em mỗi ngày một thêm chan chứa hơn, trong sự thông biết và mọi sự suy hiểu, để anh em biết xác định những điều tốt lành hơn, hầu giữ mình trong sạch và không gì đáng trách trong ngày của Ðức Kitô, dư đầy hoa quả công chính, nhờ Ðức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 110, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Vĩ đại thay công cuộc của Chúa (c. 2a).

Xướng: Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi! 

Xướng: Công cuộc của Chúa là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Người muôn đời tồn tại. Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Ðấng nhân hậu từ bi.

Xướng: Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Ngài, cho tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước. Chúa tỏ cho dân Ngài thấy công cuộc quyền năng của Ngài, hầu ban cho họ được phần sản nghiệp của chư dân.

 

Tin mừng: Lc 14, 1-6

1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 2 Và kìa trước mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng.

3 Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: “Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không ?” 4 Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. 5 Rồi Người nói với họ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát ?” 6 Và họ không thể đáp lại những lời đó.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Luật lệ được đặt ra là để phục vụ lợi ích của con người. Vì thế, giá trị nhân bản phải được đặt lên trên. Tình yêu phải là trọng tâm của đời sống chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con rất ngạc nhiên trước thái độ của các người luật sĩ và biệt phái: họ không đành lòng để con bò của mình dưới đáy giếng sâu trong ngày Sabát, nhưng họ lại dửng dưng nhìn nỗi đau khổ của người mắc bệnh thủy thũng, và họ phản đối vì Chúa chữa bệnh cho người ấy trong ngày Sabát. Họ coi trọng việc giữ luật ngày Sabát nhưng lại coi nhẹ một con người.

Lạy Chúa, ngày Sabát là ngày nghỉ ngơi, nhưng ngày ấy cũng là ngày Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu yêu thương, là ngày cứu độ. Ngày đó hơn những ngày khác, cần phải làm phúc và chữa lành. Đó là ngày Thiên Chúa tỏ lòng thương xót những ai nghèo khổ bất hạnh và tha thứ cho các tội nhân.

Cuộc sống của con hôm nay đan kết bằng những ngày làm việc và những ngày lễ nghỉ. Nhưng dù là ngày nào, con cũng vẫn phải yêu thương con người và làm việc bác ái. Bởi vì từ ngày Chúa sống trong trần thế, Chúa đã mặc cho thời gian một ý nghĩa mới, và từ ngày Chúa phục sinh, Chúa đã thánh hóa thời gian của các tín hữu. Xin Chúa giúp con luôn biết quan tâm đến mọi anh chị em, đặc biệt luôn biết chia sẻ nỗi đau của người khác, để mỗi ngày con biết thực hiện việc yêu thương cụ thể, hầu giảm bớt nỗi khổ cho những người bất hạnh và làm vơi đi u sầu của kẻ buồn đau. Xin Chúa giúp con làm cho những ngày sống của con mang đầy ý nghĩa bằng cách luôn sống tình thương yêu. Amen.

Ghi nhớ: “Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không kéo nó lên sao ?”

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Thêm một trường hợp Chúa Giêsu chữa bệnh ngày sabát và bị các người biệt phái kết án. Nhưng các ông không trả lời được khi Ngài hỏi “Trong ngày sabát có được phép chữa bệnh không ?”.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Vị thủ lãnh biệt phái này giữ luật đạo rất kỹ nhưng hoàn toàn thiếu tình người: mời Chúa Giêsu dùng bữa nhưng cố ý dòm xét để bắt lỗi Ngài ; thấy người bị bệnh thuỷ thủng mà hoàn toàn dửng dưng, lại còn coi đây là cơ hội để bắt bẻ Chúa Giêsu. Một người giữ luật chín chắn như thế mà có thể trở thành phi nhân như thế sao! Luật mà không có tình thì sẽ như thế đấy. Đây là một lời cảnh cáo cho chính tôi.

2. Đây không phải là lần đầu Chúa Giêsu và các người biệt phái bất đồng ý kiến với nhau về việc giữ luật ngày sabát. Và đây cũng không phải lần đầu Chúa Giêsu đưa ra lời giải thích về luật một cách rất hợp lý khiến họ không thể nào cãi lại được. Thế nhưng họ vẫn chứng nào tật ấy, vẫn tiếp tục rình mò và bắt bẻ Chúa. Những người tưởng mình biết, tưởng mình đạo đức có thể mù quáng đến ngoan ố như vậy đó.

3. Việc Chúa Giêsu thách thức những người biệt phái để chữa lành cho người thuỷ thũng trong ngày sabát cho thấy rằng đối với Ngài, con người là ưu tiên tối thượng. Luật lệ, ngay cả luật hưu lễ, cũng sẽ thành vô nghĩa nếu không vì lợi ích của con người. Đối với Ngài, chỉ có một luật lệ gồm tóm và là nền tảng của mọi luật lệ, đó là yêu thương. Nhưng để có yêu thương, trước tiên phải có sự nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá mỗi người (“Mỗi ngày một tin vui”)

4. Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại thủ tướng Do thái, ông Y. Rabin, khi bị toà án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ cử chỉ hối hận nào, mà còn tuyên bố: “Tất cả những gì tôi làm là cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tội Israel”. Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai màu trắng đen mà thôi ; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay. (“Mỗi ngày một tin vui”)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa chữa người bị bệnh phù thũng (Lc 14,1-6)

  1. Giữa Đức Giêsu và người luật sĩ cũng như biệt phái luôn có sự căng thẳng khẩn trương, họ chỉ tìm cách soi mói, bắt bẻ để kết án Ngài. Đức Giêsu đã chữa bệnh trong ngày Sabat. Họ không biết cảm thông với người xấu số. Họ dựa vào luật Thiên Chúa để lên án trách móc người khác. Nhưng Đức Giêsu cho họ thấy rằng: luật lệ được đặt ra là để phục vụ lợi ích của con người. Khi Đức Giêsu hỏi họ ngày Sabbat có được phép chữa bệnh không thì họ không trả lời được.
  2. Tin mừng cho biết, có 7 lần Đức Giêsu chữa bệnh ngày Sabát, riêng Luca kể lại 4 lần và bị các người biệt phái kết án. Hôm nay Đức Giêsu chữa cho người bị bệnh phù thũng, và Ngài khởi đầu bằng câu hỏi: “Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không ?” tiếp theo sau đó, Ngài lại đặt ra một tình huống và yêu cầu họ trả lời: “Trong ngày Sabat ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao ?” Tuy nhiên, họ đã cứng họng và không thể trả lời được bất cứ câu hỏi nào của Đức Giêsu. Lý do những luật sĩ không thể trả lời được các câu hỏi của Đức Giêsu chỉ vì họ sống vụ luật, hình thức, giả tạo. Nên gặp phải Đấng là nguồn gốc của chân lý, tình thương thì đương nhiên họ phải câm miệng, bởi vì họ thuộc hạng người: luôn chất những gánh nặng không thể vác nổi lên vai người ta, còn họ, họ không đụng một ngón tay mà lay thử.
  3. Một lần nữa, trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta bắt gặp cử chỉ quen thuộc của Đức Giêsu. Ngài vượt qua mọi rào cản trong cuộc sống để tìm đến với những người tàn tật và bất cứ ai đang gặp đau khổ trong thể xác hay tâm hồn. Những người biệt phái và luật sĩ đưa ra không biết bao nhiêu là hàng rào, để đẩy con người khốn khổ ra bên lề xã hội. Đức Giêsu đến quy tụ mọi người không trừ một ai. Ngài đạp đổ mọi thứ rào cản của cuộc sống. Có mặt trong những bữa tiệc linh đình của những người biệt phái giàu sang, Ngài cũng không ngần ngại ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những người bị xã hội gán cho nhãn hiệu là hạng người bất chính, ngay cả những cô gái điếm (Mỗi ngày một tin vui).
  4. Các luật sĩ và biệt phái là những người có thể hiểu được hành động của Chúa, nhưng vì nô lệ cho những luật lệ do chính họ đặt ra, nên họ không thể trả lời câu hỏi của Chúa: “Có được phép chữa bệnh trong ngày hưu lễ hay không ?” Trong Tin mừng Mátthêu, Đức Giêsu đã quả quyết giáo lý của Ngài: “Con người được phép làm điều thiện trong ngày hưu lễ, đó là định luật của yêu thương. Thực hiện tình yêu thương, phục vụ tha nhân không bao giờ là điều nghịch lại luật Chúa. Các luật sĩ và biệt phái đã bận tâm lo lắng đến lề luật được tuân giữ, nhưng họ lại quên tinh thần của lề luật là tình yêu thương.
  5. Hai chú gấu con thấy một miếng pho mát lớn, nhưng không biết cách chia thành hai phần đều nhau. Một con cáo già đi tới và tự nguyện làm trong tài để chia. Nó có ý bẻ miếng phó mát thành hai phần không đều nhau, rồi cắn miếng to một cái, miếng to thành miếng nhỏ. Nó liên cắn miếng kia một cái, miếng nhỏ lại thành miếng to. Hai miếng pho mát vẫn không bằng nhau. Cứ thế, nó hết cắn miếng này rồi miếng kia cho tới lúc hai miếng phó mát chỉ còn là hai mẩu bé xíu. Lúc ấy, nó mới chia thành hai phần bằng nhau và đưa cho hai chú gấu.

Con cáo già đã ngụy trang hành động xấu xa của mình bằng một nghĩa cử cao đẹp. Nhóm biệt phái cũng vậy. Họ có lối sống thiếu bác ái và giả hình, nhưng lại che đậy bằng việc giữ luật ngày Sabat hết sức nghiêm ngặt.

Theo luật ngày Sabat, Đức Giêsu không được chữa bệnh trong ngày đó. Thế nhưng, vì tình thương, Ngài đã chữa lành bệnh cho một người mắc bệnh phù thũng. Qua đó, Ngài muốn dạy những kẻ giữ luật hình thức rằng: nếu không có bác ái, thì mọi việc làm, kể cả việc tuân giữ lề luật, sẽ trở thành sự giả hình và gian dối (Học viện Đa Minh).

  1. Chúng ta cần có một trái tim biết yêu thương, để biết rung động trước khổ đau của người khác. Khi chúng ta không có một trái tim, thì chúng ta sẽ mù quáng: mù quáng vì không những không còn nhạy cảm trước nỗi khổ đau của người khác, mà nhất là không còn biết hối hận vì đã xúc phạm đến người khác.
  2. Truyện: Một cái nhìn khô cứng

Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại thủ tướng Do thái, ông Y. Rabin, khi bị toà án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ một cử chỉ hối hận nào, mà hắn còn tuyên bố: - Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel.

Chính thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan toà đưa ra nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai màu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho con người hiện nay.

 

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Cha Murray đang đi trên một phố vắng vào lúc đêm khuya để mang Mình Chúa cho một bệnh nhân sắp chết. Khi đi tới một góc phố vắng, bỗng một tên cướp nhảy xổ ra chĩa súng về phía cha ra lệnh: “Đứng lại! Mau nộp tiền ra đây, nếu không tao bắn chết!”.

Cha Murray sợ hãi vội vàng mở nút chiếc áo khoác đang mặc và lấy ra một chiếc ví. Tên cướp trông thấy chiếc áo đen của giáo sĩ bên trong áo khoác, trên cổ có “côn” màu trắng, thì biết là linh mục. Hắn lập tức dịu dọng và ấp úng nói: “Thưa cha, con rất tiếc vì con không biết là cha. Con thành thật xin lỗi cha. Xin cha vui lòng cất tiền đi”.

Bây giờ cha Murray mới hoàn hồn trở lại. Ngài móc trong túi ra một gói thuốc lá và mời hắn một điếu! Nhưng thật bất ngờ! Tên cướp xua tay từ chối với lời giải thích như sau: “Xin cám ơn cha, con đã dốc lòng chừa bỏ thói hút thuốc lá trong Mùa Chay này.

Ăn chay nhưng lại đi ăn cướp...

Suy niệm

Người biệt phái dù giữ nghiêm ngặt luật ngày Sabát: Không được làm việc gì, nhưng họ vẫn cho phép cứu thoát con vật bị sa xuống giếng trong ngày Sabát (x. Lc 14,5) hay dẫn bò, lừa đi uống nước...

Như thế, trong ngày Sabát họ tự cho phép cứu, nuôi dưỡng con vật, trong lúc họ lại soi mói, công kích Ðức Giêsu vì đã chữa bệnh cho một người bị mắc bệnh phù thũng trong nhà một người biệt phái vào ngày Sabát.

Người biệt phái và luật sĩ đã đưa ra không biết bao nhiêu là hàng rào để đẩy những con người khốn khổ ra bên lề xã hội. Trong lúc Chúa Giêsu đến để quy tụ mọi người không trừ một ai. Ngài đạp phá mọi thứ rào cản của cuộc sống.

Qua hành động chữa lành người phụ nữ trong ngày Sabát, Chúa Giêsu vượt qua mọi rào cản, biểu lộ tâm hồn tràn đầy yêu thương đối với con người, đặc biệt là người khốn khổ. Qua đó, Ngài thổi tình yêu vào Lề Luật: Ngày Sabát được làm việc lành để thể hiện tình thương. Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ các biệt phái rằng chỉ có một luật duy nhất tóm kết mọi thứ Lề Luật, luật ấy chính là luật yêu thương.

Xin cho chúng ta giữ luật Chúa và nó phải được mang trong một trái tim ngập tình yêu thương như Chúa Giêsu thể hiện tình yêu với tất cả mọi người trong xã hội, đặc biệt là những người tàn tật, đau khổ trong thể xác và tâm hồn...

Ý lực sống

“Giá như tôi có đem hết gia tài mà bố thí hay nộp cả thân xác tôi để bị thiêu đốt mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top