Thứ Sáu tuần 2 mùa Vọng - Biết điều (Mt 11,16-19)

Thứ Sáu tuần 2 mùa Vọng - Biết điều (Mt 11,16-19)

Thứ Sáu tuần 2 mùa Vọng - Biết điều (Mt 11,16-19)

Họ không nghe lời ông Gio-an,
cũng chẳng nghe Con Người.

Bài đọc 1: Is 48, 17-19

Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

17Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi,
Đức Thánh của Ít-ra-en, phán thế này:
Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
Đấng dạy ngươi những điều bổ ích,
Đấng hướng dẫn ngươi trên đường ngươi đi.

18Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta,
thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông,
sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển.

19Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát,
con cái ngươi sinh ra sẽ hằng hà sa số;
tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt,
chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt Ta.

 

Đáp ca: Tv 1, 1-2.3.4 và 6 (Đ. x. Ga 8, 12)

Đ.Lạy Chúa, ai theo Ngài
sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống.

1Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,
chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,
2nhưng vui thú với lề luật Chúa,
nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.

Đ.Lạy Chúa, ai theo Ngài
sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống.

3Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,
cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,
cành lá chẳng khi nào tàn tạ.
Người như thế làm chi cũng sẽ thành.

Đ.Lạy Chúa, ai theo Ngài
sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống.

4Ác nhân đâu được vậy:
chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay.
6Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính,
còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong.

Đ.Lạy Chúa, ai theo Ngài
sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống.

 

Tin mừng: Mt 11, 16-19

16 Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông rằng: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, 17 và nói:

‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa;
tụi tôi hát bài đưa đám,
mà các anh không đấm ngực khóc than.’

18 Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’

19 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Những người DoThái tự đắc cho mình là khôn ngoan, nên cứng lòng không tin theo Chúa Giêsu. Họ tìm cách chống chế để chối bỏ đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúa dạy ta đừng bắt chước họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, sau hai ngàn năm rao giảng Tin mừng mà vẫn còn quá ít người tin theo Chúa.

Con cầu xin Chúa cho những người chưa được nghe Tin mừng. Xin Chúa sai nhiều thợ lành nghề đến với cánh đồng trần gian để mọi người được nghe rao giảng Tin mừng.

Nhưng Chúa ơi, con phải cầu nguyện cho chính con nhiều hơn, vì với cái nhìn của Chúa, con là đứa trẻ ngỗ nghịch luôn đòi mọi người làm theo ý con, mà con thì từ chối ngay cả lời mời gọi của Chúa. Con thường áp đặt quan điểm của con trên tư tưởng người khác và đánh giá người khác theo tiêu chuẩn của riêng con. Thậm chí đôi khi con còn nghi ngờ cả đường lối của Chúa và đòi Chúa thực hiện theo suy nghĩ của con. Con thường viện ra nhiều lý do để thoái thác, để bào chữa cho những lỗi lầm sai trái của con, để khước từ những lời mời gọi của Chúa. Có nhiều lúc con đã cứng lòng, không muốn sám hối và tin vào Chúa.

Lạy Chúa, xin ban cho con một tâm hồn thiện chí, xin mở lòng trí con, xin giúp con khiêm tốn nhận ra thân phận nhỏ bé của mình để con dễ dàng đón nhận sự khôn ngoan của Tin mừng. Xin ban cho con ơn can đảm để con thực thi tiếng Chúa mời gọi và dấn thân đi trên đường lối Chúa. Con xin trao phó bản thân con, gia đình con cho tình yêu thương và sự khôn ngoan vô cùng của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Họ không nghe lời Gioan và lời Con Người”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Chúa Giêsu so sánh thế hệ của Ngài với lũ trẻ trái tính trái nết: khi chúng chơi trò đám cưới (có “thổi sáo”) thì đòi người ta cũng chơi theo trò đó (“sao các anh không nhảy múa”); khi chúng chơi trò đám ma (có “bài hát đưa đám”) thì cũng thế. Nghĩa là chúng chỉ muốn bắt người ta theo ý riêng của chúng, ai không theo thì chúng phê phán, trách móc.

Cả Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu đều đến để dạy dân do thái con đường cứu độ. Nhưng vì điều đó không hợp với sở thích của họ nên họ luôn khước từ và còn phê phán, hai ngài làm gì cũng bị họ chê: Gioan sống khắc khổ thì họ chê là “bị quỷ ám”; Chúa Giêsu sống hoà mình ăn uống với mọi người thì họ chê là “tay ăn nhậu”.

“Nhưng đức Khôn ngoan được biện minh bằng hành động”: giá trị thật của một người không tuỳ vào lời phê phán của người khác về người đó, nhưng tuỳ vào chính hành động, vào lối sống của người đó. Người ta nói Gioan tẩy giả “bị quỷ ám”, nói Chúa Giêsu là “tay ăn nhậu”. Không sao, hành động và lối sống của hai Ngài sẽ biện minh cho hai Ngài. Dân do thái tự xưng là khôn ngoan ư ? Chúa chắc, hãy coi họ sống và hành động ra sao.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Ý hướng của bài đọc Cựu Ước: “Đấng dẫn dắt ngươi trong con đường phải đi”. Câu đáp trong bài Đáp ca: “Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng sự sống”. 

Sang bài Tin mừng, dân Chúa đã thực hiện những ý hướng đó ra sao ? Lời than phiền của Chúa Giêsu (được ghi thành câu tóm tắt ở đầu đoạn Tin mừng) nói lên tình trạng thật đáng buồn: “Họ không nghe lời Gioan và lời Con Người”. 

2. Nhiều người có lối sống đạo ngược đường: chỉ muốn Chúa theo ý họ chứ không bao giờ để ý tìm hiểu ý Chúa để mà theo.

3. Cách sống đạo càng ngày càng thịnh hành trong thời đại văn minh hưởng thụ này là: chuyện gì trái với ý thích của mình thì đòi Giáo Hội phải xét lại. Thí dụ hôn nhân bất khả phân ly, phá thai, luật ăn chay kiêng thịt v.v. Có lẽ ta cần nhớ lời Chúa: “Ai muốn vào Nước Trời hãy qua cửa hẹp mà vào... Con đường rộng thênh thang dẫn đến hư mất” (Mt 7,13).

4. Nhiều khi trong đời sống đạo tôi quen đi theo con đường của ý riêng khi đánh giá con người và sự việc. Tôi cứ cầm sẵn một cái khung tiền chế sắc bén, như cầm cái khuôn để nhấn xuống cắt bánh lễ. Tôi sẵn sàng nhấn xuống để cắt thật gọn trên mọi người anh chị em. Bất cứ ai sống ra ngoài cái khuôn lập trường của tôi, tôi sẵn sàng cắt bỏ họ. Dầu là sở thích, dầu là tay chân đầu cẳng của họ… tôi đều sẵn sàng cắt bỏ cho vừa đúng cái khuôn của tôi. (Lời trong Kinh Hoà Bình cảnh tỉnh chúng ta: “Lạy Chúa xin hãy dạy con, tìm hiểu biết người…”).

5. “Ông Gioan đến, không ăn không uống thì thiên hạ bảo: Ông ấy bị quỷ ám. Con Người đến, cũng ăn cũng uống thì thiên hạ nói: Đấy là kẻ mê ăn, chè chén” (Mt 11,18-19)

Tôi thường tự ái, và tự ái thường làm cho tôi xa cách mọi người. Những lần như thế, tôi rất sợ đối diện với sự thật, đặc biệt khi sự thật chống lại với mình. Biết mình sai, tôi vẫn cố chấp, vẫn quyết hơn thua, thay vì khiêm tốn đón nhận sự thật. Tôi đã cư xử y hệt như cách thiên hạ đối xử với Gioan và Đức Giêsu, để rồi xa dần Đấng “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm tốn lắng nghe và đáp lại lời Chân Lý của Ngài, để luôn sống trung thực trước mặt Chúa và mọi người. (Epphata)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa trách những kẻ cứng lòng (Mt 11,16-19)

  1. Bài Tin mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giêsu mượn trò chơi của trẻ em Do thái, để khiển trách những kẻ kém lòng tin. Ngài so sánh dân chúng thời đó như đám trẻ em khó tính, khó nết, nay rầy mai khác, không sao làm vừa lòng họ được. Khi thấy thánh Gioan Tẩy giả không ăn không uống, thì họ cho là bị quỷ ám. Còn Đức Giêsu ăn uống như mọi người, thì họ bảo là mê ăn ham uống, là bạn với kẻ tội lỗi! Nhưng không vì thế mà Thiên Chúa bỏ chương trình cứu độ của Người. Người vẫn tiếp tục hoạt động cách khôn ngoan trên thế giới.
  2. Chúa lấy trò chơi của trẻ em Do thái để nói lên ý của Ngài: Các em thường được chia làm hai phe, một bên xướng câu tiểu khúc điệu vui hoặc điệu buồn, rồi bên kia đáp lại: Nếu xướng điệu ca buồn giả làm đám ma, thì bè bên kia than khóc, đấm ngực rên xiết. Nếu bè bên này xướng ca vui giả vờ làm đám cưới thì phe bên kia vui hát nhảy múa hòa nhịp. Nếu hai bên xướng đáp hoà hợp như vậy thì trò chơi rất vui. Nhưng nhiều khi gặp những kẻ khó nết lì lợm, hay theo ý riêng, không hoà hợp thì làm cho trò chơi mất vui: vì “chúng tôi thổi sáo mà các anh không nhảy múa”...!
  3. Qua dụ ngôn trò chơi của trẻ em Do thái này, chúng ta thấy người Do thái khước từ Gioan Tẩy giả, cũng như khước từ Đức Giêsu vì những lý do trái ngược nhau. Sự thật là vì họ không muốn nghe lời Chúa cũng như thánh Gioan Tẩy giả, mà ăn năn thống hối tội lỗi, trở về tin tưởng Chúa, cả hai vị đều đưa ra hai đường lối để giúp họ hoán cải: thánh Gioan chỉ vạch con đường khắc khổ hy sinh, còn Đức Giêsu lại nêu lên cách sống giản dị đơn sơ. Do đó, mỗi người chúng ta đều có thể dùng hai phương cách đó mà cải thiện đời sống, đón nhận ơn cứu độ của Chúa.
  4. Người Do thái cố chấp và chủ quan, họ bắt mọi người phải có cái nhìn và lối suy luận của họ. Họ là những người thiếu thiện chí, chỉ tìm cách bắt bẻ, lên án người khác. Cái xấu không phải là ở nơi người khác, nhưng là ở chính họ. Vì con mắt họ xấu, vì lòng họ không ngay chính, nên họ đoán xét mọi việc cách sai lạc.

Ngày nay, nhiều người có lối sống đạo ngược đường: họ chỉ muốn Chúa theo ý họ chứ không bao giờ để ý tìm hiểu ý Chúa để mà theo.

Cách sống ngày nay là cách sống hưởng thụ, người ta chỉ ưa những gì hợp với ý mình còn cái gì không hợp với mình thì chống đối, ví dụ họ chống đối Giáo hội về hôn nhân bất khả phân ly, phá thai, luật ăn chay kiêng thịt v.v. họ đòi Giáo hội phải xét lại, phải sửa đổi.

  1. Trong một lá thư gửi các chủng sinh, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết như sau: “Đời sống tập thể không chỉ cần thái độ quảng đại, bao dung và chịu đựng lẫn nhau, nhưng điều quan trọng là làm cho nhau được thêm phong phú, đến độ mỗi người có thể đóng góp năng khiếu riêng của mình cho tập thể, trong khi tất cả đều phục vụ cùng một Giáo hội, cùng một Chúa”.

Hôm nay, Đức Giêsu phê phán những người Do thái vì thái độ tự cho mình là chuẩn mực và bắt người khác phải làm theo ý mình, lấy mình làm khuôn vàng thước ngọc bắt người khác noi theo. Khi dựng nên con người, Thiên Chúa trao cho mỗi chúng ta những “nén bạc” khác nhau (x. Lc 19,13). Chắc chắn rằng, mỗi người sẽ đáp lại hồng ân ấy theo những cách thức khác nhau, tùy theo khả năng Chúa ban.

  1. Nhưng đức Khôn ngoan được chứng minh bằng hành động”

Câu này khó hiểu. Đức Giêsu muốn nói rằng: giá trị thật của một người không tuỳ thuộc vào lời phê phán của người khác về người đó, nhưng tuỳ vào chính hành động, vào lối sống của người đó.

Vì vậy Đức Giêsu quả quyết là cả hai người (là Gioan và chính Người) với hai nếp sống khác nhau, đều phục vụ một chính nghĩa của Thiên Chúa. Bằng chứng là cả hai đều thực hiện những công việc của Thiên Chúa đầy khôn ngoan, là công việc của Gioan trong sứ vụ tiền hô và công việc của Đức Giêsu trong sứ vụ cứu thế đều thể hiện thánh ý của Thiên Chúa.

Vì vậy người ta nói Gioan Tẩy giả “bị quỷ ám”, nói Đức Giêsu là “tay ăn nhậu” thì cũng không sao. Chính hành động và lối sống của hai Ngài sẽ biện minh cho hai Ngài.

  1. Truyện: Phải biết đánh giá trị

Một hôm, hoàng tử gọi vào đền vua một người lái buôn chuyên nghề bán ngựa. Ông ta dẫn đến trước mặt hoàng tử hai con ngựa bạch đã được huấn luyện rất kỹ để hoàng tử kén chọn. Bề ngoài, hai con ngựa trông giống hệt nhau, nhưng con này gấp đôi giá con kia. Hoàng tử liền gọi các quan cận thần đến mà bảo:

- Ta có thể tặng hai con ngựa này cho ai giải thích cho ta biết: tại sao con ngựa này giá gấp đôi giá con ngựa kia ?

Các quan cận thần đến gần hai con ngựa và quan sát thật kỹ, nhưng không một ai nhận ra có điều gì khác biệt. Thấy vậy, hoàng tử cho gọi hai người lính hầu đến và sai họ cưỡi lên hai con ngựa, hy vọng rằng: các quan cận thần sẽ nhận ra giá trị của mỗi con. Sau mấy vòng phóng ngựa chung quanh sân, không ai trong các quan nhận ra sự khác biệt về giá trị của hai con ngựa. Cuối cùng, hoàng tử phải lên tiếng giải thích cho họ:

- Chắc các ngươi đã nhận ra rằng: trong khi ngựa chạy quanh sân, con ngựa thứ nhất không để lại dấu vết gì đằng sau, nó chạy cách nhẹ nhàng như bay. Trái lại, con ngựa thứ hai để lại lớp bụi bay ngợp trời, chính vì lý do đó mà con ngựa thứ nhất có giá trị gấp đôi con ngựa thứ hai.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top