Thư ngỏ của Đức Giáo Hoàng về lời mời của chân lý

Thư ngỏ của Đức Giáo Hoàng về lời mời của chân lý

WGPSG / Vatican Radio -- Một bức thư ngỏ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết để trả lời một loạt các câu hỏi mà Eugenio Scalfari - phóng viên của nhật báo La Repubblica - đặt ra cho ngài, đã liên tục trở thành tiêu đề cho báo giới.

Một trong những vấn đề được Đức Thánh Cha đào sâu đó là chân lý: Có sự thật tuyệt đối không? Và nếu có, làm thế nào chúng ta có thể biết được sự thật này? Đâu là hậu quả của việc trả lời cách này hay cách khác?

Các câu trả lời, hoặc cách dẫn đến câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô đã gây ngạc nhiên và tạo thách đố cho nhiều độc giả.

Cha Philipp Renczes, S.J., một giáo sư thần học tại Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Roma, nói với Đài phát thanh Vatican rằng: cho dù báo chí có chạy tít giật gân thế này thế kia, thì điều Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự quan tâm đó là lôi kéo sự chú ý của chúng ta vào việc hiểu rằng: chân lý cốt yếu phải có tính tương quan.

Cha Renczes giải thích: Lẽ phải của con người luôn có tính tương quan theo nghĩa: hoạt động của lý trí luôn bao gồm khả năng tạo mối tương quan, tương quan giữa sự thật với ý nghĩa, với sự hiện hữu cá nhân.

Cha Renczes nói tiếp rằng: sau nhiều thế kỷ tranh luận “bất phân thắng bại” về sự hiện hữu của chân lý và bản chất của nó, hiện đang có sự tìm kiếm một mặt bằng chung dựa trên trực giác này: chân lý cần phải được nghĩ đến, không phải như một thực tại cá nhân, nhưng như một thực tại có khả năng nối kết các quốc gia, các xã hội, các dân tộc lại với nhau.

Cha Renczes cho rằng, mặc dù có một số khác biệt về phong cách, giữa Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô có một sự liên tục sâu sắc trong cách tiếp cận vấn đề. Điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang cố gắng làm: đó là đưa mọi người lại với nhau; nó giống như một lời mời được ngài gửi đi. Còn Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thì đã gần như cảnh báo chúng ta rằng, nếu lời mời không được hoan nghênh, thì chúng ta phải đối mặt với vấn đề lớn - và như vậy, sứ điệp của hai đấng rất giống nhau".
 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top