Thứ Năm tuần 13 Thường niên năm I - Vững tin vào Chúa (Mt 9,1-8)
“Hỡi con, con hãy vững tin,
tội con được tha rồi.” (Mt 9, 1-8)
BÀI ĐỌC I (năm I): St 22, 1-19
“Lễ hiến tế của Abraham Tổ phụ chúng ta”.
Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông đáp lại: “Dạ, con đây”. Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Vì vậy ban đêm Abraham chỗi dậy, thắng lừa, dẫn theo hai đầy tớ và Isaac, con của ông; khi đã chặt củi dành để đốt của lễ toàn thiêu, ông đi đến nơi Chúa đã truyền dạy. Ðến ngày thứ ba, ngước mắt lên, ông thấy nơi còn xa xa; ông bảo các đầy tớ rằng: “Các ngươi và con lừa hãy đợi tại đây. Ta và con trẻ đi đến nơi kia, sau khi cử hành việc thờ phượng xong, chúng tôi sẽ trở lại đây với các ngươi”. Ông lấy củi dành để đốt của lễ toàn thiêu mà đặt trên vai Isaac, con ông, còn ông thì cầm lửa và gươm. Khi cha con cùng đi trên đường, Isaac hỏi cha mình rằng: “Thưa cha”. Ông Abraham trả lời: “Hỡi con, con muốn gì?” Isaac nói: “Củi và lửa có đây rồi, còn của lễ toàn thiêu ở đâu?” Ông Abraham đáp: “Hỡi con, Thiên Chúa sẽ dự liệu của lễ toàn thiêu”. Vậy hai cha con tiếp tục cùng đi.
Khi hai người đến nơi Chúa đã chỉ, Abraham làm một bàn thờ và chất củi lên, rồi trói Isaac lại, đặt lên đống củi trên bàn thờ. Abraham giơ tay lấy dao để sát tế con mình. Bấy giờ thiên thần Chúa từ trời gọi ông rằng: “Abraham! Abraham!” Ông thưa lại: “Dạ, con đây”. Người nói: “Ðừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây, Ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta”. Abraham ngước mắt lên, thấy sau lưng mình có con cừu đực đang mắc sừng trong bụi cây, Abraham liền bắt nó và tế lễ thay cho con mình. Ông gọi tên nơi này là “Chúa trông thấy”. Bởi vậy, mãi cho đến ngày nay, người ta quen nói rằng “Trên núi Chúa sẽ trông thấy”.
Thiên thần Chúa gọi Abraham lần thứ hai và nói rằng: “Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta”.
Ông Abraham trở về cùng các đầy tớ, và họ cùng nhau đi về Bersabê, và lập cư tại đó.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9
Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước Thiên nhan Chúa, trong miền đất của nhân sinh (c. 9).
Xướng: Tôi mến yêu Chúa, vì Chúa đã nghe, đã nghe tiếng tôi cầu khẩn; vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi trong ngày tôi kêu cầu Chúa.
Xướng: Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con”.
Xướng: Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng tôi rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác, tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi.
Xướng: Bởi Người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.
Tin mừng: Mt 9, 1-8
1 Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, vượt biển mà về thành của Người. 2 Bấy giờ người ta đem đến cho Người một kẻ bất toại nằm trên giường.
3 Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi”. 4 Bấy giờ mấy luật sĩ nghĩ thầm rằng: “Ông này nói phạm thượng”.
5 Chúa Giêsu biết ý nghĩ của họ liền nói: “Tại sao các ngươi suy tưởng những sự xấu trong lòng? Bảo rằng ‘Tội con được tha rồi’, hay nói ‘Hãy chỗi dậy mà đi’, đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ngươi biết rằng trên đời này Con Người có quyền tha tội”.
6 Bấy giờ Người nói với người bất toại: “Con hãy chỗi dậy, vác giường mà về nhà con”. 7 Người ấy chỗi dậy và đi về nhà.
8 Thấy vậy dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chữa lành thân xác con người là việc rất cần thiết. Nhưng chữa lành linh hồn còn quan trọng hơn bội phần. Chúa muốn chúng ta hãy trân trọng tâm hồn mình và mọi tâm hồn khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi người bất toại đến với Chúa, chắc chắn anh chỉ muốn Chúa chữa lành thân xác, và chỉ một mục đích duy nhất ấy mà thôi. Nhưng đối với Chúa thì khác. Chúa nhìn thấy tâm hồn anh đáng quý hơn thân xác bội phần. Vì thế, trước hết Chúa đã nói với anh lời tha thứ. Chúa đã cứu chữa tâm hồn anh trước. Chúa ban lại cho anh sự sống cả trong tâm hồn lẫn nơi thân xác.
Vâng, Chúa ơi, con cũng cần Chúa ban ơn tha thứ, vì con đã coi rẻ tâm hồn mình. Con dùng thật nhiều thời giờ cho công việc làm ăn, nhưng lại tiếc với Chúa ít phút cầu nguyện. Con tiêu nhiều tiền bạc trong cuộc vui giải trí, mà không biết sử dụng tiền bạc để làm phúc hoặc giúp việc công ích. Con miệt mài học hành trau dồi kiến thức, nhưng lại so đo tính toán hơn thiệt khi cần bồi dưỡng đời sống tâm linh. Xin Chúa tha thứ và cho con biết quý trọng linh hồn mà Chúa đã cứu chuộc bằng giá máu của Chúa.
Lạy Chúa, người bất toại đã nhiều năm tháng yên ổn trên giường. Nhưng khi được Chúa chữa lành, chính chiếc giường ấy lại đè nặng vai anh trên đường về nhà. Mặc dù thế, anh vẫn hân hoan vì đã được tha thứ và được chữa lành. Lạy Chúa, khi chữa lành linh hồn con, Chúa cũng muốn con chấp nhận những hy sinh nào đó để con được lớn lên, được Chúa giải thoát. Xin Chúa thương giúp con. Amen.
Ghi nhớ: “Họ tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Câu chuyện mặc khải Chúa Giêsu là Đấng có quyền tha tội:
Quyền này thuộc về một mình Thiên Chúa. Bởi thế khi Chúa Giêsu nói tha tội thì các luật sĩ bảo Ngài là phạm thượng. Muốn được Chúa tha tội thì điều kiện phải có là đức tin: “Thấy họ có đức tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi”.
Đáng chú ý, đức tin trong câu chuyện này là đức tin của tập thể, thân nhân người bất toại: “Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói”.
Điểm thứ hai đáng chú ý nữa là Chúa Giêsu tha tội trước khi chữa bệnh. Nghĩa là Ngài coi tội còn hơn bệnh tật phần xác.
B. Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Quyền tha tội thuộc về một mình Thiên Chúa, vì bất cứ tội nào, dù hại đến thân nhân hay hại chính đến tội nhân, xét cho cùng cũng xúc phạm đến Chúa, bởi vì những người đó là con của Chúa. Khi tôi lười biếng không chu toàn bổn phận, tôi cũng xúc phạm tới Chúa, Đấng đã ban cho tôi những khả năng đế phục vụ.
2. Trong bài Phúc Âm này, hình như người bất toại không làm gì cả. Những kẻ có công chính là thân nhân của anh. Đức tin khiến Chúa tha tội và chữa lành cho anh cũng chính là đức tin của các thân nhân anh. Vì thế phép lạ này là kết quả của đức tin tập thể. Khi cá nhân không làm nổi thì tập thể có thể giúp sức, trong lĩnh vực tự nhiên cũng như trong lĩnh vực siêu nhiên.
3. Tội tác hại hơn bệnh. Khi tôi mắc bệnh, tôi lo chữa trị. Vậy khi tôi mắc tội, tôi có mau mắn chữa trị không ?
4. Đức tin là điều kiện để được tha tội. Tôi lãnh nhận bí tích giải tội như thế nào: như một thủ tục, như một thói quen, hay với đức tin ? Đức tin của tôi khi xưng tội là như thế nào ?
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa chữa người bất toại (Mt 9, 1-8)
- Thánh Mátthêu thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bất toại. Qua câu chuyện này, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài chính là vị Thẩm phán tối cao sẽ nắm quyền xét xử nhân loại. Người dùng quyền đó để tha tội cho người ta. Bất cứ ai tin vào Chúa đều được hưởng nhờ lòng nhân hậu và tình yêu của Người. Như anh bất toại hôm nay, cũng như những người đã khiêng anh, vì đã tin vào Chúa Giêsu, không những được Người chữa lành bệnh phần xác mà cả tâm hồn anh cũng được trong sạch. Điều đó cho chúng ta thấy, tin vào Chúa Giêsu làm cho con người được lành mạnh và biến đổi.
- Qua câu chuyện Chúa chữa người bất toại này, chúng ta thấy Chúa Giêsu là Đấng có quyền tha tội:
- Quyền này thuộc về một mình Thiên Chúa, người đời không ai có quyền tha tội. Bởi thế khi Chúa Giêsu nói tha tội thì các luật sĩ bảo Ngài là phạm thượng.
- Muốn được tha tội thì điều kiện là phải có lòng tin: Thấy họ có đức tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi”.
- Không những đức tin là của cá nhân, nhưng cũng có đức tin tập thể như trong trường hợp này (của những người khiêng người bất toại): “Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói...”.
- Còn một điều đáng lưu ý nữa là Chúa Giêsu tha tội trước khi chữa bệnh. Nghĩa là Ngài coi tội còn nguy hại hơn bệnh tật phần xác.
- Bệnh tật bởi đâu mà ra? Trong trường hợp người bất toại này, có lẽ đã có sự liên hệ giữa tội lỗi và bệnh tật của anh ta, nên trước khi làm phép lạ chữa bệnh cho anh, Chúa đã tuyên bố tha tội cho anh. Bởi vì người Do thái cho bệnh tật là do tội lỗi, là hình phạt của tội lỗi, thì nếu muốn khỏi bệnh, trước hết phải khỏi tội đã. Vậy Chúa tha tội cho người bất toại là Chúa cất căn cớ đi, thì bệnh tật là hình phạt cũng sẽ hết. Chúa Giêsu hành động như vậy là rất hợp lý.
Người Do thái tuy cũng nghĩ như thế và công nhận như thế, nhưng họ lại cho là Chúa nói phạm thượng. Theo họ, tội phạm đến Chúa, thì ngoài Chúa ra, không ai có quyền tha tội. Họ suy luận đúng, nhưng họ không công nhận Chúa có quyền tha tội, vì nếu công nhận như thế tức là công nhận Ngài là Thiên Chúa rồi. Bởi đó, đối với họ, không bao giờ có thể chấp nhận được.
Vì thế, để minh chứng cho biết Ngài có quyền tha tội, Chúa Giêsu đã chữa lành cho người bất toại. Như vậy, Chúa đã dùng việc làm để trả lời cho họ biết: Ngài đã làm cho người bất toại tức khắc khỏi bệnh, điều đó chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, mà nếu là Thiên Chúa, thì Ngài có quyền tha tội.
- Qua bài Tin mừng hôm nay ta thấy một phép lạ xảy ra nhờ ảnh hưởng của tập thể. Một người bất toại được khiêng đến cho Chúa Giêsu. Tất cả sự việc diễn ra không kèm theo một câu nói hay một lời van xin nào, thế nhưng, hành vi của họ đã đủ diễn đạt tấm lòng của họ. Chúa Giêsu thấy lòng tin của họ, tức lòng tin của những người khiêng người bất toại, Ngài đã chữa lành bệnh nhân.
Hình ảnh những người thân khiêng người bất toại đến với Chúa, mong được Chúa chú ý đến sự khốn khổ của họ, cho thấy niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu và lòng yêu thương dành cho người anh em đang phải khốn khổ vì bệnh tật. Lòng tin của họ đã được Chúa Giêsu không chỉ thấy sự đau khổ của người bất toại, mà còn thấy lòng tin của những người khiêng anh ta đến. Tin mừng nói rõ ràng, thấy lòng tin của “họ” như vậy, Người đã chữa lành... Đó là một sự khích lệ lớn cho chúng ta cầu xin cho một ai đó, khi chúng ta trở thành trung gian nối dài tính trung gian của Đức Kitô đem Chúa đến cho họ.
- Con người là con vật xã hội. Xã hội không dành riêng phần đất cho những người tự đóng kín vào mình. Vừa mở mắt chào đời, con người đã phải đón nhận sự nâng đỡ của người khác, rồi trong suốt cuộc đời, không ai có thể tự hào mình không cần nhờ vả đến ai. Sống là một luân lưu của những trao đổi và cảm thông. Tôi phải nhờ đến người khác, và cũng có bổn phận để người khác nhờ đến tôi.
- Truyện: Biết chia sẻ cho nhau
Tại một thị trấn nọ có một gia đình nghèo. Cha mẹ làm việc vất vả cả ngày ở nhà máy, các con còn nhỏ ở nhà một mình.
Một hôm, có một người hành khất đến xin bố thí. Một em bé ra mở cửa đăm đăm nhìn người ăn xin rồi chạy vào nhà. Một lúc sau, em trở ra nhỏ nhẹ thưa:
- Chú ơi, chúng cháu rất muốn tặng chú cái gì đó, thế nhưng nhà cháu cũng chẳng có gì để ăn hôm nay, chúng cháu đang đói lắm chú ạ! Chúng cháu rất áy náy phải từ chối chú vậy, chú đừng buồn nhé.
Người hành khất lặng lẽ bỏ đi. Đến sập tối thì ông ta quay lại gõ cửa. Em bé lại ái ngại từ chối như ban sáng. Người ăn xin lúc đó mới nói:
- Các cháu dễ thương của chú, chú không xin các cháu bố thí nữa đâu, nhưng chú lại có cái này để tặng các cháu.
Nói đoạn, người ấy mở chiếc bị đeo bên hông ra, đưa cho mấy đứa bé một vài khúc bánh mì nhỏ và một vài đồng bạc. Ông ta dặn dò:
- Các cháu hãy lấy bánh chia nhau ăn đi kẻo đói lắm rồi, còn tiền thì đợi ba mẹ về, bảo là chú biếu. Chú chỉ là một người ăn xin tàn tật, nhưng chú sẵn sàng chia sẻ với gia đình các cháu, bởi vì các cháu dễ thương và tốt bụng quá.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37)
-
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên năm II - Hoán cải đích thực (Lc 19,1-10) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên năm II - Con mắt đức tin (Lc 18,35-43) -
Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Ngày hạnh phúc hay đau khổ (Mc 13,24-32) -
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên năm II - Tín thác (Lc 18,1-8)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy