Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh (+video)
Lc 4,14-22a
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. (Lc 14,22)
1. Trong bầu khí của lễ Hiển Linh, phụng vụ Lời Chúa trong tuần lễ sau lễ Hiển Linh lần lượt cho chúng ta thấy những lần Chúa Giêsu tỏ mình ra.
Thực vậy, trong ngày thứ hai, qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã cho thấy chính con người của Ngài. Ngài là hiện thân cho Nước Trời. Bởi đó, khi rao giảng Ngài đã tuyên bố: “Hãy ăn năn thống hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2).
Bước qua ngày thứ ba, Chúa Giêsu tỏ mình ra là người mục tử nhân lành. Người mục tử nhân lành này đã quan tâm đến đời sống của đoàn chiên. Bởi đó, Ngài đã dạy dỗ họ nhiều điều và làm phép lạ bánh hoá nhiều để nuôi đoàn chiên.
Rồi qua ngày thứ tư, với bài Tin Mừng, Thánh sử Marcô đã tỏ cho chúng ta thấy, lối sống của Chúa Giêsu, một lối sống hoàn toàn quên mình. Chả thế mà, suốt ngày đã bận rộn với việc giảng dạy, thậm chí có những ngày không có thời giờ để ăn uống, nghỉ ngơi, vậy mà chiều đến, Chúa Giêsu vẫn tìm những nơi vắng vẻ để được kết hợp với Thiên Chúa Cha bằng sự cầu nguyện.
Và đến ngày thứ năm hôm nay, Chúa Giêsu đã tỏ mình ra là Đấng Thiên Sai. Thánh sử Luca thuật lại việc tỏ mình này ở hội đường Nazareth, nhằm ngày Sabat. Lần này, sau khi đọc một đoạn sách trích từ sách tiên tri Isaia, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe” (Lc 4,21). Nhưng lời Kinh Thánh đó nói gì?
Lời đó nói rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những ai sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho những ai bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát những ai bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18).
2. Với lời tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe”, Chúa Giêsu muốn nói rằng, Ngài chính là Đấng Thiên Sai. Lời quả quyết này đã trở thành một tiếng sét đánh bên tai những người nghe Ngài lúc đó. Vâng, Ngài đã đến để bắt đầu một thời kỳ mới, thời kỳ cứu rỗi.
Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến để cứu độ nhân loại. Thế nhưng, hiểu được Chúa Giêsu không phải là dễ dàng.
Một tu sĩ muốn vẽ chân dung Chúa Giêsu. Ông rảo khắp mọi nơi tìm người mẫu thích hợp. Nhưng càng tìm kiếm ông càng khám phá ra rằng, chẳng có người nào trên trần gian này hoàn toàn giống Chúa, và ông đi tới kết luận: khuôn mặt Chúa Giêsu phải là tổng hợp mọi nét của con người.
Bởi đó, thay vì chọn người mẫu, ông đã thu góp tất cả những nét đẹp của mọi khuôn mặt mà ông bắt gặp. Gặp trẻ em, ông góp được nét đơn sơ. Từ bé gái ca hát nô đùa, ông gặp nét vui tươi trong cuộc sống. Nơi một người đàn ông lực lưỡng đang gồng gánh, ông tìm ra được nét sức mạnh của con người. Nhưng chân dung Chúa Giêsu không chỉ có nét hùng, nét đẹp, mà còn phải có một nét gì khác nữa.
Nghĩ như thế, tu sĩ lại tiếp tục tìm kiếm. Gặp một cô gái lang bạt, ông nhìn thấy nét u buồn trong ánh mắt. Gặp một người hành khất, ông tìm thấy nét thành khẩn van xin. Trong đôi mắt nhà tu hành ông tìm ra sự nghiêm nghị. Và cuối cùng, trên gương mặt người mẹ đi chôn xác đứa con, ông hiểu được thế nào là đau khổ.
Mỗi người một vẻ, nhà họa sĩ cố gắng đưa hết vào chân dung Chúa Giêsu. Nhưng ông vẫn chưa hài lòng. Vì ông thấy trên khuôn mặt Chúa vẫn còn một nét nào đó mà ông chưa xác định được.
Ngày kia, vào một khu rừng ông chợt thấy một người che mặt bỏ chạy. Ông chạy theo và khám phá ra đấy là một người phong cùi. Ánh sáng bỗng lóe lên trong ông. Thì ra điều còn thiếu trên khuôn mặt Chúa Giêsu, đó là MẦU NHIỆM! Với ý nghĩ ấy, ông lấy cọ vẽ lên khung vải trắng khuôn mặt Chúa Giêsu.
Khi tác phẩm được hoàn thành, tất cả những ai đã cung cấp cho họa sĩ nét riêng của mình đều hớn hở đến để nhìn ngắm nét ấy trên gương mặt Chúa Giêsu. Thế nhưng, họ chỉ nhìn thấy một tấm vải trắng che phủ khuôn mặt.
Trước sự ngạc nhiên và thắc mắc của mọi người, họa sĩ điềm nhiên giải thích:
- Mãi mãi Chúa Giêsu vẫn là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm ấy luôn mời gọi con người tuyên xưng bằng tất cả niềm tin và cuộc sống của mình.
Vâng, cho đến hôm nay sau hơn 20 thế kỷ rồi mà chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu hết được con người của Chúa Giêsu. Chúa vẫn còn là một mầu nhiệm, mầu nhiệm được giấu kín từ muôn thuở. Tuy đã được bày tỏ cho con người qua thân phận của một con người, nhưng chúng ta cũng vẫn phải đón nhận mầu nhiệm ấy nhờ đức tin. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đón nhận rồi cất giấu kỹ ở trong lòng mình nhưng là để làm cho mầu nhiệm ấy được tỏ bày ra cho mọi người qua cách ăn nết ở và mọi sinh hoạt trong cuộc sống của chúng ta.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Năm tuần 32 Thường niên (+video)
-
Thứ Tư tuần 32 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 32 Thường niên (+video) -
Thứ Hai tuần 32 Thường niên (+video) -
Chúa nhật 32 Thường niên năm B (+video) -
Thứ Bảy tuần 31 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 31 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 31 Thường niên (+video) -
Thứ Tư tuần 31 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 31 Thường niên (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (+video)
-
Thứ Bảy tuần 5 Phục sinh (+video) -
Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật Truyền giáo (+video) -
Ngày 29/06: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, tông đồ (+video) -
Thứ Bảy tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Sáu tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 5 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 7 Phục sinh (+video) -
Thứ Hai tuần 6 Phục sinh (+video)