Thứ Hai Tuần 2 TN - Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo

Thứ Hai Tuần 2 TN - Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo

Lời Chúa: Mc 2, 18-22

18 Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?" 19 Chúa Giêsu nói với họ: "Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. 20 Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. 21 Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. 22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới"
 

A. Phân tích (Hạt giống...)

Văn mạch: Từ 2,1 đến 3,6, thánh Maccô ghi lại 5 cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với một số nhóm không thích Ngài. Đây là những dịp rất tốt để ta thấy rõ quan điểm của Chúa Giêsu, thấy nét độc đáo trong giáo huấn của Ngài so với giáo lý cổ truyền của người Do Thái. Đoạn này ghi cuộc tranh luận thứ ba.

Vấn đề được tranh luận là ăn chay.

- Người Do Thái rất coi trọng việc ăn chay (x. Mt 6,1-8). Mục đích của ăn chay là chuẩn bị gặp Chúa (x. Xh 34,28) hoặc gặp Đấng Messia sắp đến.

- Vào đầu thế kỷ I, người ta nghĩ rằng Đấng Messia sắp đến, cho nên càng ăn chay nhiệm nhặt hơn, nhất là nhóm biệt phái và nhóm môn đồ Gioan Tầy giả.

- Phần Chúa Giêsu thì tự biết chính mình là Messia đến khai mở một kỷ nguyên vui mừng. Ngài so sánh thời gian Ngài đang sống ở trần gian là một tiệc cưới và bản thân Ngài là chàng rễ. Bởi đó Ngài ăn uống tự nhiên bình thường và để cho các môn đồ Ngài cũng ăn uống như thế.

- Vì thế khi người ta tra vấn Ngài “Tại sao... môn đồ Ngài lại không ăn chay?”, Ngài trả lời “Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không?”. Ngài lại cho biết trước rằng tình hình sẽ thay đổi khi Ngài chịu nạn và chịu chết. Khi đó các môn đồ Ngài sẽ ăn chay để chuẩn bị đón ngày Ngài quang lâm (x. Cv 13,1-3).

Như vậy, vấn đề quan trọng không phải là ăn chay hay không ăn chay, mà là ý thức ý nghĩa của việc ăn chay. Sống trong giai đoạn nào thì phải theo tinh thần của giai đoạn đó. Nói cách cụ thể hơn, giai đoạn đang sống với Chúa Giêsu là thời kỳ mới cho nên phải sống theo tinh thần mới, tức là tinh thần vui mừng: “rượu mới phải để trong bầu da mới”
.

B. Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Cuộc đời của Kitô hữu tuy có những giai đoạn ăn chay sám hối, nhưng chủ yếu là vui mừng như đang dự tiệc cưới và được ở gần chàng rể. Thực vậy, được biết Chúa là một niềm vui, được theo Ngài là một niềm vui, được làm việc Ngài giao là một niềm vui. Ngay cả được vác thập giá Ngài trao cũng là một niềm vui, và khi ăn năn sám hối cũng vẫn vui vì biết mình sẽ được tha thứ. “Un saint triste est un triste saint” (một vị thánh buồn là một vị thánh “đáng buồn”). Ta hãy nhớ lại hạnh các thánh: các ngài không bao giờ tuyệt vọng, không bao giờ cằn nhằn, không bao giờ đòi vất bỏ Thánh giá Chúa trao...; trong lòng các ngài luôn có một niềm vui mà không ai, không gì và không hoàn cảnh nào dập tắt được...

2. Vào Tuần Thánh 1980, Đài phát thanh Vienne nước Áo truyền đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Người được phỏng vấn là một nữ sinh viên đang nằm chờ cái chết đến từng ngày tại một bệnh viện ở thủ đô Áo quốc. Cô phát biểu: “Sau khi bác sĩ chẩn đoán và cho biết tôi mắc chứng sưng bạch huyết, tôi có cảm tưởng như trời sập xuống trên tôi. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy như Chúa muốn gởi đến cho tôi một cơ may mới. Từ hai ba năm nay tôi đã bắt đầu có một cái nhìn mới. Tôi nhận ra trong đau khổ của riêng tôi cũng như của những người chung quanh phản ảnh chính nỗi đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập giá. Tôi đã tìm cách yêu thích nỗi đau khổ ấy”.

Chính vì muốn chấp nhận đau khổ mà cô gái đã ghi danh vào trường Y khoa. Nằm trên giường bệnh, biết mình không còn sống bao lâu nữa, vậy mà cô vẫn cầm trên tay một cuốn sách và cây viết. Cô giải thích: “Không ai có thể nói cho tôi biết chắc 100 phần trăm là tôi sẽ không học xong hoặc tôi sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên vẫn luôn luôn có những phép lạ. Và riêng tôi, tôi xác tín rằng tôi phải thực thi ý Chúa nếu tôi muốn tiến tới. Đó là cách thế tôi chuẩn bị đón nhận cái chết, chuẩn bị đi vào thiên đàng. Tôi để Chúa làm việc hầu cho tất cả mọi việc trở thành tình yêu. Tất cả mọi sự, từ việc học hành của tôi cho đến những việc nhỏ mọn tôi làm cho người khác. Bởi vì tôi không làm được những việc quan trọng nữa.”

Không khỏi ngạc nhiên trước những lời phát biểu trên đây, người phóng viên liền hỏi: “Tôi đọc thấy trên gương mặt của cô niềm vui và hy vọng. Thế nhưng cô còn chờ đợi gì nơi cuộc sống này?”

Cô gái mỉm cười nói: “Tôi chờ đợi mọi sự từ cuộc sống. Nhưng trên hết mọi sự là tình yêu của Chúa. Chính Ngài đã cho tôi nếm thử thiên đàng. Chỉ có như thế tôi mới đương đầu được với những đau khổ đang đè nặng trên tôi”. (Trích “Món quà giáng sinh”)

3. “Chúa Giêsu mượn hình ảnh chiếc áo, bầu rượu để nói lên thái độ dứt khoát của những ai muốn làm môn đồ Ngài... Không thể vừa theo Ngài vừa tiếp tục nhìn lại phía sau; không thể làm môn đồ Ngài mà vẫn sống tinh thần ngược lại với tinh thần Phúc Âm. “Hoặc tôi là môn đồ Đức Kitô, hoặc tôi không là gì hết” (Chúc thư của Dunan) (Trích "Mỗi ngày một tin vui")

4. “Chúa Giêsu nói với họ: Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được” (Mc 2,19)

Các môn đồ đã đến và ở lại với Chúa Giêsu, tâm hồn và cuộc đời các ông tràn ngập niềm vui.

Bao lần tôi đã hát “Chúa chính là mùa xuân con mong chờ”, nhưng sống với Chúa đối với tôi có thực sự là niềm vui không?

Tôi thường nghĩ đến những lề luật phải tuân giữ, những nghĩa vụ tôn giáo phải làm như dự lễ Chúa Nhật, xưng tội… hơn là nghĩ đến sự hiện diện yêu thương của Chúa trong đời tôi. Tôi đã đánh mất đi niềm vui của ngày được Rước lễ lần đầu, được thêm sức, niềm tự hào của ngày tuyên xưng đức tin.

Lạy Chúa, xin cho con biết đến với Chúa và ở lại với Ngài, biết đưa tay ra đón nhận hạnh phúc Chúa ban cho con. (Epphata)
 

 Bài Đọc I: (năm I) Dt 5, 1-10

"Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu".

Bài trích thư gửi tín hữu Do-Thái.

   Tất cả các vị Thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi, như Aaron. Cũng thế, Đức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Đấng đã nói với Người rằng: "Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con". Cũng có nơi khác Ngài phán: "Con là Tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê". Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu Mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. Người được Thiên Chúa gọi là Thượng tế theo phẩm hàm Menkixêđê.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top