Thứ Hai tuần 11 Thường niên năm II - Sức mạnh của tình thương (Mt 5,38-42)
“Nếu có người bắt anh đi một dặm,
thì hãy đi với người ấy hai dặm”. (Mt 5, 41)
BÀI ĐỌC I: (Năm II) 1 V 21, 1-16
“Noboth đã bị ném đá chết”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Khi ấy, ông Naboth, người Giêrahel, có một vườn nho, sát cạnh đền của Acáp vua xứ Samaria. Acáp nói với Naboth rằng: “Hãy nhượng vườn nho cho ta, để ta làm vườn rau, vì nó gần đền ta: bù lại, ta sẽ đổi cho ngươi vườn nho khác tương đương”. Nhưng Naboth thưa lại rằng: “Xin Chúa đừng để tôi nhượng cho đức vua phần gia nghiệp của tổ tiên tôi”. Acáp tức giận bỏ về nhà, và căm hờn vì lời ông Naboth, người Giêrahel đã nói: “Tôi sẽ không nhượng cho đức vua phần gia nghiệp của tổ tiên tôi”. Vua nằm lăn xuống giường, quay mặt vào vách và không ăn uống gì.
Giêzabel, vợ vua, đến cùng vua và nói rằng: “Tại sao đức vua buồn phiền, và không ăn uống gì?” Vua đáp: “Tôi đã nói với Naboth người Giêrahel rằng: “Hãy bán vườn nho lại cho ta, hoặc nếu ngươi muốn, ta sẽ đổi cho vườn nho khác tốt hơn”. Nó lại nói: “Tôi không thể nhượng vườn nho tôi cho đức vua”. Giêzabel vợ vua liền nói với vua rằng: “Quyền thế nhà vua cao cả biết bao, và nhà vua cai trị nước Israel khéo như thế nào! Thôi, dậy ăn uống đi, và cứ yên tâm. Thiếp sẽ tặng cho nhà vua vườn nho của Naboth người Giêrahel”.
Bà ta nhân danh Acáp mà viết thơ, lấy ấn vua đóng vào, và gởi cho các bậc kỳ lão và chức sắc ở cùng thành với Naboth. Nội dung bức thư như thế này: “Hãy công bố một thời kỳ chay tịnh, và đặt Naboth ngồi giữa hàng nhân sĩ trong dân. Hãy xúi hai đứa gian ác thuộc phường Bêlial đến trước mặt nó và cáo gian nó thế này: “Nó đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua”. Các ngươi hãy điệu nó đi mà ném đá cho nó chết”. Vậy dân chúng ở cùng thành với Naboth, các kỳ lão và chức sắc cùng ở một thành với ông, làm như Giêzabel đã truyền, đúng như đã viết trong thư bà gởi cho họ. Họ công bố một thời kỳ chay tịnh, đặt ông Naboth ngồi giữa hàng nhân sĩ trong dân. Họ dẫn đến hai thằng con cái ma quỷ, đặt chúng ngồi đối diện với ông. Và hai đứa này, đúng là hạng quỷ sứ, đã cáo trước mặt dân chúng rằng: “Naboth đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua”. Nghe thế, họ liền điệu ông ra khỏi thành, và ném đá hạ sát ông. Rồi họ sai người đi nói với Giêzabel rằng: “Naboth đã bị ném đá chết rồi”.
Khi nghe tin Naboth đã bị ném đá chết, Giêzabel liền nói với Acáp rằng: “Nhà vua hãy chỗi dậy và chiếm lấy vườn nho của Naboth người Giêrahel, kẻ đã không muốn theo ý nhà vua nhượng lại vườn nho mà lấy tiền: Naboth không còn sống nữa, nhưng đã chết rồi”. Khi hay tin Naboth đã chết, Acáp chỗi dậy và xuống chiếm lấy vườn nho của Naboth người Giêrahel.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 5, 2-3. 5-6. 7
Ðáp: Lạy Chúa, xin lưu tâm đến tiếng con than thở (c. 2b).
Xướng: Xin lắng tai nghe lời con, thân lạy Chúa, xin lưu tâm đến tiếng con than thở. Xin để ý nghe tiếng con cầu khẩn, ôi Ðại Vương và Thiên Chúa của con!
Xướng: Ngài không phải là Chúa tể ưa điều gian ác; kẻ độc dữ không được cư trú nhà Ngài; đứa bất nhân không thể đứng trước thiên nhan; Chúa ghét những kẻ làm điều gian ác.
Xướng: Ngài tiêu diệt những đứa nói man; người độc ác và gian xảo thì Chúa ghê tởm không nhìn.
Tin mừng: Mt 5,38-42
38 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.
40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.
42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Tha thứ là điều khó khăn nhất và cũng là điều cao cả nhất mà Chúa Giêsu đã cống hiến cho con người. Lòng tha thứ không báo thù chính là tuyệt đỉnh của yêu thương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong thế giới hôm nay, con đọc qua báo chí, qua truyền thanh, qua truyền hình và cả thực tế vẫn xảy ra chung quanh con, bao nhiêu là chuyện gây thù báo oán. Người ta ăn miếng trả miếng, và càng ngày con người càng lạc sâu vào cái vòng luẩn quẩn của hận thù ghen ghét.
Lời Chúa hôm nay mở ra cho con một lối thoát, đó là lấy thiện thắng ác, dùng tình yêu đáp trả hận thù. Chính Chúa đã nêu gương cho con, khi trên thập giá, Chúa đã tha thứ cách tuyệt đối cho những kẻ đang reo hò đắc thắng vì đã giết được Chúa. Và ngày hôm nay, qua bí tích Hòa Giải, Chúa vẫn hằng tha thứ những lỗi lầm con đã phạm, cho dù đã bao lần con sa đi ngã lại. Chúa chỉ đòi con đền đáp ơn Chúa, bằng cách con cũng biết tha thứ cho anh em con, như Chúa đã tha thứ cho con.
Lạy Chúa, khi tha thứ không những con phải quên đi những lỗi lầm của anh em, mà còn phải xóa sạch những điều ấy trong tư tưởng, trong lời nói và nơi việc làm của con. Tha thứ là biết đối xử tử tế với họ như những người tốt.
Lạy Chúa, điều này không phải là dễ dàng, bởi vì trao ban tiền của, trao ban thời gian, trao ban chính mạng sống mình, xem ra còn dễ làm hơn là trao ban sự tha thứ. Xin Chúa dạy con biết thực hành bài học yêu thương của Chúa, để nơi đâu có hận thù, con loan báo tình yêu; nơi đâu có bất hòa, con trao ban lòng tha thứ. Xin Chúa biến đổi lòng con trở nên khí cụ bình an của Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống...)
Chúa Giêsu tiếp tục bàn đến luật trả đũa.
Khuynh hướng tự nhiên là muốn trả đũa, và trả đũa thì thường nặng hơn mức người ta gây cho mình: “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”.
Cựu ước hạn chế sự trả đũa đúng với mức thiệt hại người ta gây cho mình: “mắt đền mắt, răng đền răng”.
Phần Chúa Giêsu Ngài dạy hoàn toàn không trả đũa.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Không trả đũa, đó không phải là thái độ của kẻ yếu, mà ngược lại đó là thái độ của kẻ mạnh. Chỉ người nào rất mạnh mới chế ngự được khuynh hướng trả đũa và vốn nằm sẵn trong lòng mình. Người đó còn mạnh về tình thương nữa, vì chỉ có một tình thương rất mạnh mới có thể tiếp tục yêu thương và không trả đũa kẻ xúc phạm mình.
2. Đời nước Tề, có một người nằm mơ thấy có người đem gươm vào nhà ông mắng chửi rồi giận dữ bỏ đi. Ông ta giật mình tỉnh dậy nhưng không tài nào ngủ lại được nữa. Sáng hôm sau ông nói với một người bạn: từ thủa nhỏ tới giờ, tôi vốn là người trí dũng. Đến nay 80 tuổi tôi chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đên qua có người đến làm nhục tôi. Tôi cảm thấy bức rức và cố tìm gặp được người đó, bằng không tôi phải chết mất.
Thế là ngay sáng hôm ấy, ông cùng người bạn đi tìm kẻ thù đã khiêu khích mình. Năm ngày trôi qua, nhưng ông vẫn chưa tìn được kẻ thù. Tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, hâm hực vì không tìm được kẻ thù, ông về nhà mất ăn mất ngủ mà chết.
Cicéron diễn giả Lamã nói: “con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”. Đúng thế, con người tự tạo ra cho mình kẻ thù rồi tự tiêu diệt chính mình. (trích món quà giáng sinh)
3.”Anh em đã nghe luật dạy rằng: “mắt đền mắt, răng đền răng”. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự với người ác; trái lại, nếu ai bị vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5, 38-39)
Trong trận bóng chung kết tuần vừa qua của trường, tôi tham gia thi đấu cho khoa của mình. Trân đấu diễn ra trong sự vui vẻ đoàn kết.
Đến phút 20 của hiệp I, tôi ghi được một bàn thắng. Và từ giây phút đó, trận đấu trở nên sôi nổi hơn nhưng cũng không thiếu sự thô bạo.
Tôi sớm trở thành nạn nhân. Một cái đạp từ phía sau, do cố ý, làm tôi gục xuống. Tuy đau nhưng tôi vẫn gượng cười và tiếp tục thi đấu. Hiệp I gần kết thúc, sự “không may” một lần nữa đến với tôi bằng cú lên gối ngực của chính kẻ đã đạp tôi lần trước. Thế là tôi phải ra sân.
Trận đấu kết thúc với tỉ số 1-1. Người ấy đã đến gặp tôi và xin lỗi.
Chúa ơi, nếu con vì đau mà trả thù ngay trên sân thì ắt sẽ không có sự nhận lỗi và xin lỗi này. Và hận thù sẽ tiếp nối hận thù phải không Chúa ? Con cám ơn Chúa đã giúp con thắng được chính mình. Xin cho con luôn nhớ rằng: “bạo động chỉ gây thêm bạo động. Chỉ có tình yêu mới mang lại tình yêu” (Hosanna).
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Đừng trả thù (Mt 5,38-42)
- Luật xưa dạy rằng: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Phạm nhân phải đền bù tương xứng với thiệt hại đã gây nên. Đó là luật công bằng. Còn Chúa Giêsu, Ngài dạy chúng ta phải quảng đại bao dung: lấy ân báo oán, lấy yêu thương đáp trả hận thù. Chúa muốn con cái mình phải biết yêu thương như Chúa đã yêu và trải rộng tình thương cho tất cả mọi người kể cả thù địch.
- Bộ luật cổ nhất của nhân loại là bộ luật của Hammurabi vua cai trị Babylon khoảng gần 2.300 năm trước CN, qui định hễ ai gây thiệt hại hoặc thương tích cho người khác thế nào thì phải đền bù đúng như vậy. Luật ấy được lặp lại nhiều lần như nguyên tắc cơ bản cho luật Cựu ước: “Mắt đền mắt, răng đền răng” (x. Xh 21, 23-25; Lv 14, 19-20; Đnl 19, 21).
Dù nó cổ nhất thật, luật đó vẫn còn thể hiện ưu điểm của chế độ pháp trị là ngăn ngừa sự báo thù quá khích và tuỳ tiện. Chúa Giêsu dạy một nền giáo lý mới: Chẳng những Ngài loại bỏ hẳn sự báo thù theo kiểu “ăn miếng trả miếng” hay “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”, mà Ngài còn dạy phải vượt qua sự công bằng theo luật, bằng cách sống tinh thần quảng đại bao dung, không giận dữ, không báo thù (5 phút Lời Chúa).
- “Ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra...”
Chúa Giêsu còn đi xa hơn các bậc tiền nhân Cựu ước khi đòi hỏi rằng phải yêu thương đáp lại hận thù, có như thế mới diệt được tận căn cái ác ở trong con người. Ngài chủ trương một thái độ rất cá biệt, tương phản hoàn toàn với thái độ bình thường: “Đừng chống cự với người ác”. Ngài đòi hỏi các môn đệ phải bẻ gãy vòng xích bạo lực, dù hợp pháp và được báo thù.
Nguyên tắc yêu thương của Chúa Giêsu làm đảo lộn cách xử sự theo qui ước của loài người. Sứ điệp Tin mừng vượt quá giới hạn công bằng giao hoán kiểu xử sự dân ngoại. Đức ái Kitô giáo chấp nhận cả các giới hạn và khiếm khuyết của con người và lòng nhân ái của Kitô hữu là thông dự vào tình yêu của chính Thiên Chúa.
- Khi dạy đừng báo thù, Chúa Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm, nhưng là để nêu cao tinh thần khoan dung, hiền từ, quảng đại và tha thứ. Chỉ người nào rất mạnh mới chế ngự được khuynh hướng trả đũa vốn nằm sẵn trong lòng mình. Người đó còn mạnh về tình thương nữa, vì chỉ những ai có tình thương rất mạnh, mới có thể tiếp tục yêu thương và không trả đũa kẻ xúc phạm đến mình.
Ngày 4/4/1968, mục sư Luther King lãnh tụ da đen tranh đấu cho quyền bình đẳng của người Mỹ da đen bị bắn chết. Hàng triệu người da đen và những người da trắng hiểu biết đã thương tiếc ông. Martin Luther King đã hy sinh cả cuộc đời mình để “ôn hoà” đấu tranh, chống cảnh kỳ thị chủng tộc màu da. Cũng chính vì đã dám lên tiếng đòi cho mọi người được đối xử bình đẳng như nhau trong một đại gia đình của Thiên Chúa mà ông đã bị bắn gục.
- Theo quan niệm dân gian thì người ta nghĩ thế nào ?
Người đời chia con người thành hai loại xung khắc nhau: hiền nhân quân tử và tiểu nhân. Trong xã hội chịu ảnh hưởng Nho giáo thì con người hiền nhân quân tử được đề cao, coi là bậc thầy, mẫu mực của mọi người. Còn tiểu nhân là những con người tầm thường, bê bối, và nếu hiểu trong tinh thần Kitô giáo, thì ta hiểu tiểu nhân là những kẻ tội lỗi. Những kẻ tiểu nhân, những kẻ vũ phu có những hành động vụt chạc, thiếu suy nghĩ, không cầm được mình, khi bị sỉ nhục là tuốt gươm xông đánh kẻ thù, giống như trường hợp anh chàng Tân Ti Tụ; còn người quân tử thì hiếu dũng không thèm chấp nhặt những sỉ nhục ấy, họ bình tĩnh đón nhận một cách vui vẻ như hiền triết Socrates.
Vì thế, người đời coi tha thứ là đặc tính của người trượng phu, anh dũng:
Đấng trượng phu đừng thù mới đáng,
Đấng anh hùng đừng oán mới hay.
- Truyện: Trả thù làm chi ?
Văn hào Nga ông Leon Tolstoi có kể chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà người giàu có để xin bố thí một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không chịu nổi những lời van xin, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.
Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”.
Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả và bị tống giam vào ngục. Ngay hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh áp giải người giàu có vào tù. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay không rời khỏi hòn đá mà người giàu có đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm.
Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy khuôn mặt tiều tuỵ đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: “Tại sao ta phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua ? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Ba tuần 34 Thường niên năm II - Giá trị trần gian không tồn tại (Lc 21,5-11)
-
Thứ Hai tuần 34 Thường niên năm II - Cho đi (Lc 21,1-4) -
Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37) -
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên năm II - Hoán cải đích thực (Lc 19,1-10) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên năm II - Con mắt đức tin (Lc 18,35-43)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy