Thứ Bảy tuần 28 Thường niên năm I - Chối đạo (Lc 12,8-12)

Thứ Bảy tuần 28 Thường niên năm I - Chối đạo (Lc 12,8-12)

Thứ Bảy tuần 28 Thường niên năm I - Chối đạo (Lc 12,8-12)

“Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ,
thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa”.
(Lc 12,9)

BÀI ĐỌC I (năm I): Rm 4, 13. 16-18

“Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, như có lời chép rằng: “Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc”. (Ông là cha chúng ta) trước mặt Thiên Chúa, Ðấng ông đã tin, Ðấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế”.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 104, 6-7. 8-9. 42-43

Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước

Xướng: Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những người được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu.

Xướng: Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac.

Xướng: Vì Ngài đã nhớ lời thánh thiện của Ngài, lời Ngài đã ban bố cùng Abraham là tôi tớ Ngài. Ngài đã đưa dân tộc Ngài ra đi trong niềm vui vẻ, đưa những kẻ Ngài kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan.

 

Tin mừng: Lc 12, 8-12

8 “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 10 “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.

11 “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, 12 vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu bảo đảm rằng: Ai tuyên xưng Ngài bằng cách trung thành với Ngài trong cuộc sống hôm nay, Ngài sẽ không quên họ trong cuộc sống mai sau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc sống của con hôm nay dễ làm con quên Chúa. Con không chối Chúa trực tiếp như thánh Phêrô đã chối Chúa. Tuy thế, vì đồng tiền chi phối, công việc bận rộn, bổn phận nặng nhọc, các gương xấu và dịp tội nhan nhản, con như bị cuốn vào một cơn lốc, cơn lốc thế trần. Rồi con cũng bon chen, cũng gian tham, cũng ghen ghét oán thù, cũng lao mình vào tội lỗi và quên mình là môn đệ Chúa, chẳng khác gì con đã chối Chúa. Hẳn đã có một lần, vì một dịp vui với bạn bè, con đã thiếu sót bổn phận với Chúa. Đã có một lần vì một chút xúc phạm đến danh dự con, con vội nổi đóa, quên hẳn bài học khiêm tốn hiền lành Chúa dạy. Những lần như thế con đã phế bỏ Chúa ra khỏi tâm hồn con.

Con muốn quyết tâm sống sao cho xứng danh người môn đệ Chúa. Xin Chúa thương nâng đỡ con, để nếu con nghèo, thì đừng vì nghèo mà gian tham; nếu con bị người ta vô ơn, con đừng bất mãn để rồi không sống bác ái nữa; giả như con bị anh em xúc phạm đến danh dự thì đừng để lòng thù oán. Luôn sống theo tinh của Chúa trong mọi hoàn cảnh, đó là con đang tuyên xưng Chúa là Thầy và là Chúa của con.

Lạy Chúa, con tin vào Lời Chúa: “Ai tuyên xưng Ta trước mặt thiên hạ, Ta sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Ta”. Các thánh đã được hưởng lời hứa đó. Con quyết sống trung thành với Chúa và can đảm sống theo đường lối Chúa, để mai sau Chúa cũng sẽ nói với con: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng với Chủ ngươi”. Amen.

Ghi nhớ: “Trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Văn mạch: Đoạn này tiếp liền đoạn hôm qua và cùng một chủ đề “Chúa Giêsu khuyên môn đệ mình hãy mạnh dạn sống và rao giảng Tin Mừng, đừng sợ. Trong đoạn hôm qua, Chúa Giêsu đã đưa một lý do để đừng sợ, đó là có Thiên Chúa quan phòng. Hôm hay Ngài đưa thêm hai lý do nữa:


1. Câu 8-10: Lý do thứ hai để đừng sợ là trong ngày phán xét chính Chúa Giêsu sẽ tuyên bố nhận kẻ can đảm làm chứng cho Ngài. Lời trấn an này đi kèm với lời đe dọa: Chúa Giêsu sẽ không nhìn nhận kẻ nào vì sợ mà chối Ngài.


2. Câu 11-12: Lý do thứ ba để đừng sợ là sẽ có Thánh Thần soi sáng cách ăn nói và ứng phó khi người môn đệ bị đưa ra trước những nhà cầm quyền thế gian.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Tử đạo và chối đạo ngày nay: “Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống. Ngày nay những cuộc bách hại đạo công khai không còn, nhưng những khó khăn mọi mặt mà người kitô hữu đang trải qua cũng đủ để họ tuyên xưng đức tin đến mức tử đạo. Ngược lại, khước từ sống theo những cam kết đức tin cũng là một hình thức chối đạo. Chối đạo khi không có những hành động cụ thể, khi đóng khung đức tin vào những việc đạo đức làm vì thói quen, khi không nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).


2. Lần đầu tiên giảng Lời Chúa, một nữ mục sư trẻ giảng chưa được lưu loát lắm. Trong đám thính giả, một người lên tiếng: “Cô ơi, cô chưa đủ khả năng giảng đâu. Cô nên xấu hổ về chính mình đi”. Nữ mục sư đáp: “Vâng, tôi rất xấu hổ về tôi. Nhưng tôi không hề xấu hổ về Chúa Giêsu, Đấng đã dám lấy chính máu mình để cứu chuộc chúng ta”. (Christian Herald).


3. Lc 1,28-37: Khi nghe Thiên sứ báo Thiên Chúa muốn giao cho Đức Maria một sứ mạng quan trọng là làm mẹ Đấng Cứu Thế, Người đã “bối rối”. Nhưng thiên sứ đáp: “Đừng sợ... Thánh Thần đã ngự xuống trên cô... Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được”.


4. Trong thời đầu mở mang Giáo Hội, các môn đệ Chúa đã nhờ “tràn đầy Thánh Thần” nên “không sợ” áp bức, “mạnh dạn” loan báo Tin Mừng (Cv 4,33: các tông đồ ; Cv 7,55-56: Têphanô ; Cv 21,8-14: Phaolô)

 

CHUYỆN THÁNH BERNAĐÔ

Ngày nọ ở Clervaux hết muối vị tu trưởng thánh Bernađô- gọi một thầy tên Guibert và bảo:

Con hãy lấy con lừa (vì đây là con vật duy nhất mà tu viện sở hữu) và đi ra phố mua muối.

- Xin Cha con tiền để trả- Guiber nói.

Con ơi thánh Bernađô trả lời-, đã khá lâu Cha không còn tiền không còn vàng. Nhưng trên cao kia có đấng giữ túi tiền và kho tàng của Cha!

Nghe nói thế Guiber suýt nữa phì cười,nhưng thầy không thể không lưu ý Cha thánh điều này:

Thưa Cha nếu con đi với hai tay không thì con cũng trở về chắc chắn với hai tay không.

Đừng sợ con ạ, hãy tin tưởng. Đấng giữ kho báu của Cha sẽ ở với con và người sẽ tìm cách giúp con có những gì cần thiết để làm xong công tác.

Guiber cúi đầu nhận phúc lành từ tay vị tu viện trưởng và dẫn con lừa ra đi.Các mối nghi ngờ của thầy không hoàn toàn tan biến. Nhưng khi thấy sắp băng qua cửa thành thì có một vị Linh mục đến gần và hỏi:

Thầy từ đâu đến vậy và đi đâu đó ?

Guiber không do dự thú nhận sự túng thiếu cùng độ của tu viện của thầy và chính sự bối rối hiện nay của thầy. Rất cảm động, vị Linh mục dẫn thấy về nhà và cho thầy nữa thùng muối và một số tiền là 30 xu (tương đương với 300 quan Pháp.

Hãy tưởng tượng niềm vui của thầy Guiber. Thầy trở về lại tu viện và chỉ còn việc phải làm là ngay lập tức kể lại câu chuyện cho bề trên của thầy.

Cha đã nói rõ với con-, thánh Bernađô đáp-, và Cha lập lại với con điều đó: Đối với người Kitô hữu không có cái gì khác ngoài đức tin!

Không có đức tin con người chỉ là một chiếc máybay không động cơ và không tài nào hướng lên Thiên Chúa được. “ Người nào không biết nhìn nhận đấng tạo thành nó, kẻ đó chỉ là một con vật”- Thánh Jérôme nói-, và: Không có đức tin không thể có hạnh phúc”- thánh Phanxicô đệ Salê nói thêm!

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Hãy tuyên xưng danh Chúa (Lc 12,8-125)

  1. Bài Tin mừng hôm nay tiếp tục ghi lại những lời Chúa dạy hôm qua là môn đệ của Chúa hãy mạnh dạn sống và rao giảng Tin mừng, đừng sợ vì đã có Chúa quan phòng. Ngoài ra Chúa dạy thêm: đừng sợ vì ngày phán xét chính Chúa Giêsu sẽ tuyên bố nhận kẻ can đảm làm chứng cho Ngài và hơn nữa, có Chúa Thánh Thần soi sáng cách ăn nói và ứng phó khi người môn đệ bị đưa ra trước những nhà cầm quyền thế gian.
  2. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu biết rằng các môn đệ sẽ chịu nhiều thử thách, thế nên Người đã cảnh giác rằng: các ông có thể sẽ mất đi những hồng ân của Thiên Chúa và rơi vào tình trạng nghi ngờ hay từ bỏ đức tin. Mặt khác, Người cũng bảo đảm rằng Chúa Thánh Thần sẽ giúp sức cho chúng ta trong những cuộc bách hại.

Đồng thời, Chúa Giêsu cũng lên án những kẻ nói phạm đến Thánh Thần. Tội nói phạm đến Chúa Thánh Thần là thái độ của những kẻ cứng lòng từ chối tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa mà không thực lòng muốn sám hối.

  1. Thế nào là tội phạm đến Chúa Thánh Thần ?

Chúa Giêsu nói: “Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha” (Lc 12,10). Đây là một vấn nạn rất khó giải thích. Chúa Thánh Thần là nguồn của bảy ơn sủng, là Đấng được ban để tha tội qua công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, phạm đến Chúa Thánh Thần, nghĩa là khước từ ơn thánh và khước từ ơn cứu độ. Chúng ta chỉ được cứu độ nhờ đón nhận, còn khước từ thì Chúa cũng chịu vì sự tự do Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta từ chối thì chúng ta mất linh hồn, không phải là Chúa không tha, mà là chúng ta khước từ sự tha thứ đó. Thánh Augustinô từng dạy: “Chúa dựng nên ta không cần ta, nhưng Chúa muốn cứu chuộc ta thì cần có ta cộng tác”. Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta, mà ta xúc phạm đẩy Ngài ra để chỗ cho tà thần, thì làm sao được ơn cứu độ ? (Hiền Lâm)

  1. Chúa muốn mọi người được ơn cứu độ, nhưng để hưởng ơn cứu rỗi Chúa, con người phải cộng tác bằng việc sám hối ăn năn. Vì thế, bao lâu còn sống ở trần gian mà có lòng thống hối, thì tội gì cũng được tha; còn khi cố chấp, không hối cải, thì tội không thể được tha. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần chính là tội cố chấp, ngoan cố ở trong tình trạng tội lỗi, khước từ mọi ân huệ của Chúa, chắc chắn không được hưởng ơn tha thứ.
  2. Tử đạo và chối đạo ngày nay: “Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng nhìn lại cuộc sống. Ngày nay những cuộc bách hại đạo công khai không còn, nhưng những khó khăn mọi mặt mà người Kitô hữu đang trải qua cũng đủ, để họ tuyên xưng đức tin đến mức tử đạo. Ngược lại, khước từ sống theo những cam kết đức tin cũng là một hình thức chối đạo. Chối đạo khi không có những hành động cụ thể, khi đóng khung đức tin vào những việc đạo đức làm vì thói quen, khi không nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa” (Mỗi ngày một tin vui).
  3. Thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh, khi bị quân lính bắt bước qua Thánh giá, đã mạnh dạn tuyên xưng: “Tôi thà chết chứ không bao giờ chịu giẫm lên Thánh giá, vì tôi biết đạo Chúa Giêsu là đạo thật”. Đức Giêsu củng cố lòng trung thành của các môn đệ trước những biến cố sắp xảy đến với Người. Người đảm bảo phần thưởng cho các ông trên quê trời, nếu các ông mạnh mẽ ra đi làm chứng cho Người, can đảm tuyên xưng niềm tin vào Người, và sẵn sàng chịu vu khống cáo gian vì Người. Ngày hôm nay, Đức Giêsu vẫn không ngừng kêu gọi chúng ta ra đi làm chứng và giới thiệu Chúa cho những người khác.
  4. Truyện: Có, tôi tin chứ

Trong một tu viện đang bị quân đội Xô Viết chiếm đóng, một cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Tu viện trưởng và một sĩ quan Xô Viết. Ông này nói:

- Hiện giờ chỉ có hai chúng ta, không một ai chứng kiến, vậy ông hãy nói sự thật, đừng sợ gì cả! Hãy nói cho tôi biết là ông không tin vào tất cả những chuyện Chúa Bà, tôn giáo mà ông tuyên xưng đây.

Vị Tu viện trưởng trả lời:

- Có, tôi tin chứ!

Viên sĩ quan liền rút súng lục ra, gí thẳng vào thái dương cha và nói:

- Nếu ông không nói là ông chẳng tin gì cả thì tôi sẽ bắn!

Và Tu viện trưởng lặp lại một lần nữa lời tuyên xưng của mình. Viên sĩ quan hạ súng xuống và kêu lên vui vẻ:

- Đây là điều mà tôi trông đợi, đây là người mà tôi tìm kiếm. Tôi cũng vậy, bây giờ tôi tin vào Chúa Kitô.

Rồi cuộc đối thoại tiếp tục trong hướng tinh thần đó (Trích trong cuốn “Bưng biền của Thiên Chúa” của cha Georges).

 

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Mặc dù được sống cùng với Chúa Giêsu: cùng ở, cùng ăn, cùng làm với Ngài và đã được thấy biết bao nhiêu phép lạ Thầy mình làm trước mắt, nhưng các tông đồ thì sợ vẫn sợ: Sợ không có gì ăn, sợ bão táp làm cho thuyền chìm, sợ quân dữ đến bắt Thầy nên đã bỏ chạy hết, sợ đến nỗi chối Thầy, sợ bị liên lụy nên không dám đi theo Thầy đến tận núi Sọ. Vì thế, chúng ta có thể gọi nhóm Mười hai này là nhóm “Sợ”.

Sau này, nhóm Mười hai này được gọi là nhóm “Không Sợ” vì Thánh Thần luôn ở với họ...

Suy niệm

Cuộc sống đầy vất vả, lo âu khó khăn dễ làm chúng ta sợ, đó là sự sợ hãi của kiếp nhân sinh mà ai ai cũng phải đối mặt, làm bào mòn niềm tin của người tín hữu, của môn đệ khi sống giữa thế gian... Người môn đệ trong thân phận của con người cũng cảm thấy mình yếu đuối, không có sức mạnh để đối mặt với gian nan cuộc đời và hoảng sợ khi tự mình đương đầu trước những bách hại vốn luôn có trong bước đường rao giảng...

Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy can đảm đối mặt với mọi gian nan. Chính lúc đó, người môn đệ tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, ngay cả trước những kẻ dữ mà không sợ bị bách hại. Người môn đệ ý thức mình yếu đuối, nên luôn tín thác vào Chúa, sống gắn bó với Người mang lấy một đức tin xác quyết và một niềm hy vọng bất diệt vào quyền năng của Chúa Thánh Thần như Chúa hứa. Chính vì thế, sự yếu hèn của môn đệ trở nên sức mạnh của Thiên Chúa như thánh Phaolô khẳng định: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh (2Cr 12,10).

Hồng ân và sức mạnh đến từ Chúa Thánh Thần làm tăng trưởng đức tin và thúc đẩy người môn đệ làm những hành động anh hùng bằng gương tử đạo. Chính Chúa Thánh Thần sẽ ban cho các ông sự khôn ngoan và lòng can đảm để đối mặt với những gian nan, với những kẻ dữ trong giờ phút bị bách hại.

Xin ban cho chúng con ơn can đảm, sức mạnh và nghị lực của Chúa Thánh Thần để chúng con chống trả giữa những cơn thử thách, gian nan của cuộc sống mà chúng con phải đối mặt mỗi ngày.

Ý lực sống

“Thật vậy, không phải chính anh em nói,
mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em”.
(Mt 10,20)

Top