Thứ Bảy tuần 12 Thường niên năm I - Chúa Giêsu chữa lành mọi kẻ ốm đau (Mt 8,5-17)

Thứ Bảy tuần 12 Thường niên năm I - Chúa Giêsu chữa lành mọi kẻ ốm đau (Mt 8,5-17)

Thứ Bảy tuần 12 Thường niên năm I - Chúa Giêsu chữa lành mọi kẻ ốm đau (Mt 8,5-17)

“Người đã mang lấy các tật nguyền của ta
và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”. (Mt 8, 17)

 

BÀI ĐỌC I:     St 18, 1-15

“Đối với Thiên Chúa có gì khó đâu. Ta trở lại thăm ông và Sara được một đứa con trai”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa hiện ra cùng Abraham dưới chòm cây ở Mambrê, đang lúc ông ngồi ở cửa lều giữa trưa nóng bức. Ông ngước mặt lên thấy ba người nam xuất hiện, đứng gần ông. Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy, rồi sấp mình lạy và thưa rằng: “Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua. Con xin lấy ít nước để các Đấng rửa chân, và nghỉ mát. Con xin đem ít bánh mời các Đấng dùng để lấy sức lại rồi sẽ đi: chính vì thế mà các Đấng đã ghé vào nhà con”. Các Đấng ấy nói: “Như ông đã ngỏ, xin cứ làm”.

Abraham liền vào lều và bảo Sara rằng: “Hãy mau mau trộn ba đấu bột làm bánh nướng”. Còn ông, ông chạy đến đàn bò bắt một con bê non hảo hạng, trao cho đầy tớ đem đi nấu. Ông lấy bơ sữa và thịt bê đã chín, dọn ra trước mặt các Đấng. Chính ông đứng hầu các Đấng dưới bóng cây.

Ăn xong, các Đấng hỏi Abraham rằng: “Sara bạn ông đâu?” Ông trả lời: “Kìa, bạn con ở trong lều”. Một Đấng nói tiếp: “Độ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sara bạn ông sẽ được một con trai”. Sara đứng sau cửa lều nghe vậy thì bật cười, vì cả hai đã già nua tuổi tác: Sara đã qua thời kỳ sinh nở. Bà cười thầm rằng: “Tôi đã già, ông nhà tôi đã lão, nào tôi còn tìm lạc thú nữa sao!” Chúa phán cùng Abraham rằng: “Sao Sara lại cười mà rằng: ‘Nào tôi đã già mà còn sinh nở được sao?’ Đối với Chúa, có gì khó đâu? Theo đúng kỳ hẹn, độ này sang năm, Ta sẽ trở lại thăm ông, cả hai vẫn còn khoẻ mạnh, và Sara sẽ được một con trai”. Sara chối mà rằng: “Con không có cười”, bởi vì bà khiếp sợ. Nhưng Chúa đáp lại: “Không đúng, bà có cười”.   

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Lc 1, 46-47. 48-49. 50 và 53. 54-55

Đáp: Chúa đã nhớ lại lòng từ bi của Chúa (c. 54b).

Xướng:

1) Đức Maria đã nói: Linh hồn tôi ca ngợi Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi. - Đáp.

2) Bởi Người đã nhìn đến phận hèn tôi tớ; thực từ đây, thiên hạ muôn đời sẽ khen rằng tôi phước đức, vì Đấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng và danh Người là Thánh. - Đáp.

3) Đức từ bi Người từ đời nọ tới đời kia dành cho những ai kính sợ Người. Kẻ đói khát, Người cho đầy thiện hảo; bọn giàu sang, Người đuổi về tay không. - Đáp.

4) Chúa đã nhận săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng từ bi của Người. Như Người đã hứa cùng tổ phụ chúng tôi, dành cho Abraham và miêu duệ ông tới muôn đời. - Đáp.

 

Tin mừng: Mt 8,5-17

5 Khi Đức Giêsu vào thành Caphácnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: 6 “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.”

7 Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: 8 “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.

9 Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: “Đi!”, là nó đi, bảo người kia: “Đến!”, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này!”, là nó làm.”

10 Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế.

11 Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời.

12 Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

13 Rồi Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: “Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!” Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.

14 Đức Giêsu đến nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. 15 Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay và bà chỗi dậy phục vụ Người.

16 Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giêsu. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, 17 để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thiên Chúa đỡ nâng con người. “Những tật nguyền của chúng ta chính Ngài lãnh nhận. Ngài mang lấy những bệnh hoạn của chúng ta”. Hãy tin vào Chúa và trao phó những khốn khó của chúng ta cho Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm nhận được sức mạnh và hậu quả của tội lỗi ảnh hưởng nơi bản thân con. Tội lỗi dẫn đến bao thảm họa. Nó gây ra bao nỗi đau khổ đắng cay. Con biết Chúa đã dựng nên con và hằng yêu thương con, Chúa không thể hờ hững trước những thất bại khốn khó của con. Chúa là tình thương, chính Chúa đã cúi xuống với con để nâng con dậy. Chúa muốn cất đi những gánh nặng của phận người đang khốn khổ do tội lỗi gây ra.

Tuy thế, con cũng hiểu rằng, dù Chúa muốn nâng đỡ con, nhưng nếu con không tin và không phó dâng những khốn khổ của con trong tay Chúa, Chúa cũng đành bó tay chẳng cứu được con. Sự trao gởi đó đòi con phải có một lòng tin tuyệt đối vào Chúa.

Viên sĩ quan trong bài Tin Mừng hôm nay, dù là một người lương dân nhưng đầy lòng xác tín, ông đã thưa với Chúa một lời khiến Chúa vui và ngạc nhiên: “Chỉ cần Chúa phán một lời thì đầy tớ nhà tôi sẽ khỏi”. Nhờ lòng tin, ông đã được như ý ông xin. Cũng chính nhờ lòng tin ấy, ông sẽ được đón nhận vào Nước Trời.

Lạy Chúa, đời con với bao lo toan, bao thương đau, bao ưu phiền, bao vất vả, con xin phó dâng trong tay Chúa. Con quyết chứng tỏ lòng tin Chúa bằng cách quyết tâm giữ luật Chúa, quyết tâm sống lương thiện ngay chính trong những lúc gian nan. Con tin Chúa cũng sẽ nói với con: “Con về đi, con sẽ được như con đã tin”. Amen.

Ghi nhớ: “Những người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Bài Tin Mừng hôm nay lại tường thuật 3 phép lạ nữa:

Phép lạ thứ nhất Chúa Giêsu làm; chữa một người cùi; là chữa một chứng bệnh bị coi là nan y, để chữa một người bị khai trừ trở về hội nhập với cộng đoàn xã hội.

Đối tượng của phép lạ thứ hai là một người ngoại đạo, cũng là một người bị xã hội Do Thái khai trừ.

Đối tượng của phép lạ thứ ba là nhạc mẫu của ông Thánh Phêrô, một phụ nữ, cũng thuộc hạng bị xã hội Do Thái coi khinh.

Sau đó Chúa Giêsu chữa rất nhiều người bị quỷ ám và mắc nhiều chứng bệnh khác nhau, để làm ứng nghiệm lời tiên tri Isaia về Đấng Messia Tôi Tớ “Ngài đã gánh lấy tất cả bệnh tật của chúng ta, và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta.”

 

Suy gẫm

1. Chúa Giêsu không loại trừ ai. Trái lại ai càng bị loại trừ thì Chúa Giêsu lại càng ưu ái với những người đó và giúp họ trở về với cộng đoàn yêu thương.

Xét mình kỹ, tôi thấy mình có phần giống Chúa nhưng cũng có phần khác Chúa. Giống Chúa ở chỗ tôi có cố gắng yêu thương giúp đỡ những người tội lỗi, bệnh tật, nghèo nàn mà tôi gặp ở bên ngoài cộng đoàn mà tôi đang sống. Nhưng khác Chúa ở chỗ là tôi loại trừ một số anh em đang cùng tôi chung sống trong cộng đoàn. Xin Chúa giúp con sống yêu thương đối với hết mọi người, và xin Chúa nhắc con nhớ “Bác ái phải bắt đầu từ những người gần mình nhất.”

2. Viên đại đội trưởng này tuy là người ngoại nhưng đã dạy tôi một cách cầu nguyện rất đẹp:

Ông không xin gì cho mình cả mà xin cho người khác. Mà người khác đó chỉ là một tên đầy tớ của ông.

Thường những lời cầu nguyện của tôi chỉ luẩn quẩn quanh những cái tôi của bản thân mình và một ít của người thân mình.

Thực ra ông cũng chẳng xin gì nữa. Ông chỉ kể cho Chúa nghe hoàn cảnh của ông, rồi để tùy Chúa định liệu. Ông lại còn nói mình không xứng đáng. Ngược lại, nhiều khi tôi xin Chúa mà như ra giá cho Ngài.

3. Cha Charler de Foucauld cũng cầu xin Chúa rất nhiều. Nhưng Cha luôn kết thúc bằng câu Chúa đã nói ở Vườn Cây Dầu “Nhưng xin đừng theo ý con mà hãy theo ý Chúa.” Một cách cầu xin vừa đơn sơ ở chỗ muốn gì cứ thành thật bày tỏ, nhưng cũng vừa phó thác.

4. Khi bị rơi vào hoàn cảnh đau thương, tôi thường ngã lòng không muốn cầu nguyện nữa. Như thế là tôi đã quên rằng Chúa là Đấng “Gánh lấy các bệnh tật của chúng ta, mang lấy những nỗi đau của chúng ta.” Tôi đã quên lời mời gọi ưu ái của Ngài “Hỡi tất cả những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho anh em được nghỉ ngơi bồi dưỡng.”

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa chữa lành người đầy tớ của viên đại đội trưởng (Mt 8, 5-17)

  1. Chúa Giêsu đến thành Capharnaum, thì một viên sĩ quan ngoại giáo đến van xin Ngài chữa cho đầy tớ ông bị bại liệt đau khổ. Ngài hứa sẽ đến cứu chữa, nhưng ông quá khiêm tốn, không dám rước Chúa về nhà, chỉ xin Chúa phán một lời cho đầy tớ ông lành bệnh. Chúa thấy ông ta có lòng tin và khiêm tốn như thế thì ngạc nhiên và hết lời khen ngợi. Ngài bảo viên sĩ quan: ông cứ về, ông tin thế nào thì được như vậy. Và ngay lúc đó đầy tớ ông được khỏi bệnh.
  2. Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện lòng tin của viên sĩ quan đại đội trưởng Rôma, một lòng tin đã khiến Chúa Giêsu phải ngạc nhiên. Nếu Chúa Giêsu đã khen lòng tin của người đàn bà bị bệnh loạn huyết, khi bà nghĩ rằng chỉ cần đụng vào gấu áo Ngài cũng đủ để được khỏi, thì lòng tin của viên đại đội trưởng này còn mạnh hơn nhiều. Ông tin rằng Chúa Giêsu chỉ cần nói một lời, thì đầy tớ của ông, dù có ở xa đến đâu cũng sẽ được lành. Trước lòng tin ấy, Chúa Giêsu đã thốt lên: “Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế”.
  3. Viên đại đội tưởng này, tuy là người ngoại, nhưng ông đã có một niềm tin mạnh khiến Chúa Giêsu phải ngạc nhiên.

Đối với chúng ta ngày nay, cần phải hiểu rõ hơn thế nào là niềm tin và đức tin. Sách Giáo lý Công giáo viết: “Đức tin là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, được trao ban cho tất cả những ai cầu xin với lòng khiêm hạ; đó là nhân đức siêu nhiên cần thiết để được cứu độ. Hành vi đức tin là một hành vi nhân linh, nghĩa là một hành động của lý trí con người, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Ngoài ra, đức tin còn có đặc tính chắc chắn, vì được đặt nền tảng trên Lời Chúa; đức tin có đặc tính năng động “nhờ Đức ái” (Gl 5, 6); đức tin luôn tăng triển, đặc biệt nhờ lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện. Trong hiện tại, đức tin cho chúng ta nếm trước niềm vui trên trời (số 28).

  1. Ngoài niềm tin mạnh mẽ và sâu sắc, viên sĩ quan này còn có một sự khiêm tốn thẳm sâu trước mặt Chúa. Xét về thế giá và địa vị, viên sĩ quan đến xin Chúa chữa bệnh cho người đầy tớ hôm nay có quyền lực đại diện cho đế quốc Rôma để cai trị một vùng của người Do thái, ông có lính tráng và kẻ hầu người hạ, thậm chí xét về mặt chính trị, ông còn có quyền bắt, trục xuất hoặc ngăn cản Chúa Giêsu truyền đạo.

Thế nhưng, ông nhận ra con người Chúa Giêsu không đơn thuần là một thầy dạy như các luật sĩ, mà là một vị tiên tri của Thiên Chúa, nên ông đã cảm thấy bất xứng trước mặt Ngài. Ông nhìn nhận mọi chức vụ và địa vị đều dưới quyền của Thiên Chúa, và ông đã khiêm tốn nói lên: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh”.

  1. Ngoài đức tin và lòng khiêm tốn, vị sĩ quan này còn có lòng thương người, bằng chứng là ông không xin gì cho ông mà lại xin cho người đầy tớ của ông được khỏi bệnh. Tin mừng còn cho thấy một bên là hình ảnh của con người đau khổ bệnh tật, một bên là tình yêu cứu chữa của Chúa Giêsu. Sợi dây nối kết con người khốn khổ với Chúa Giêsu chính là lòng tin của con người. Chúa Giêsu đã làm phép lạ chữa lành người đầy tớ của viên đại đội trưởng là do lòng tin của ông. Lòng tin của người này cần thiết để cho người khác được cứu chữa.

Ngày nay, Chúa Giêsu cũng cần lòng tin của chúng ta, để cứu chữa những người đau khổ chung quanh chúng ta. Lòng tin ấy được thể hiện bằng những cử chỉ cụ thể, những sự hiện diện để giúp đỡ ủi an. Lòng tin ấy cũng chính là một thể hiện của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Tin ở tình yêu Thiên Chúa ngay giữa những lúc ốm đau thử thách là thái độ cơ bản nhất của người Kitô hữu. Thiên Chúa yêu thương con người, tình yêu ấy vượt mọi suy nghĩ, mọi giới hạn của ngôn ngữ loài người, đó phải là sứ điệp mà người Kitô hữu mang lại cho người khác (Mỗi ngày một tin vui).

  1. Truyện: Nỗ lực rồi cậy trông

Nữ thủ tướng Margaret Hilda Thatcher sinh ra tại một thị trấn nhỏ của Anh. Từ nhỏ, bố của Margaret đã giáo dục cô rất nghiêm khắc. Ông thường xuyên nói với cô những câu như: “Cho dù làm bất cứ việc gì cũng phải tranh làm đầu tiên, tuyệt đối không được đứng sau người khác. Cho dù ngồi xe bus cũng phải ngồi hàng ghế đầu. Hơn nữa, tuyệt đối không được phép nói: Khó quá hay Con không làm được”.

Quả thực đối với cô bé Margaret, yêu cầu như vậy là quá nghiêm khắc. Nhưng có điều cũng chính vì sự giáo dục nghiêm khắc của bố như vậy nên Margaret đã hình thành thái độ học tập tích cực. Mỗi khi làm chuyện gì, Margaret luôn mang trong mình niềm tin tất thắng, hơn nữa sẽ cố gắng hết sức để thực hiện mục tiêu của mình. Cô đã dùng hành động thực tế để chứng minh mình phải “vĩnh viễn ngồi ở ghế hàng đầu”.

Hồi Margaret học đại học, nhà trường đề ra kế hoạch dạy tiếng Latinh trong vòng năm năm. Kết quả chỉ trong một học kỳ, Margaret đã học xong hết, hơn nữa thành tích thì lại rất cao. Cô đã xuất sắc đứng đầu. Margaret không chỉ có thành tích xuất sắc mà còn tích cực tham gia thể thao, ca hát, diễn thuyết và những hoạt động khác của trường. Cô đã trở thành học sinh ưu tú của trường. Giảng viên đại học của Margaret đã từng nói: “Margaret là học sinh xuất sắc nhất của trường chúng tôi từ khi thành lập đến nay. Cô bé lúc nào cũng tự tin, luôn làm tốt mọi chuyện”. Cô đã có một niềm tin mạnh vào cuộc sống và tương lai của mình.

Về sau, Thatcher trở thành một nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Anh, trở thành ngôi sao sáng chói trên vũ đài chính trị Châu Âu.

Top