Thứ Ba tuần 27 Thường niên năm I - Tất bật công việc (Lc 10, 38-42)
Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi!
Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!”
(Lc 10,41)
BÀI ĐỌC I (năm I): Gn 3, 1-10
“Dân thành Ninivê đã bỏ đàng tội lỗi”.
Trích sách Tiên tri Giona.
Lời Chúa phán cùng Giona rằng: “Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi”. Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng. Giona tiến vào thành phố, đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ”. Dân thành tin tưởng nơi Chúa; họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ.
Vua thành Ninivê nghe điều đó, liền bỏ ngai vàng, cởi áo cẩm bào, mặc áo nhặm và ngồi trên đống tro. Trong thành Ninivê, người ta rao sắc lệnh sau đây của nhà vua và các vương hầu: “Người, vật, bò, chiên, không được nếm, không được ăn uống gì hết; người và vật phải mặc áo nhặm, phải kêu to lên cùng Chúa và phải cải thiện đời sống, phải bỏ đàng tội lỗi và những điều bất chính đã phạm. Biết đâu Chúa sẽ đổi ý thứ tha, nguôi giận và chúng ta khỏi chết?” Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa đổi ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 7-8
Ðáp: Nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư?
Xướng: Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu! Dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con.
Xướng: Nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu.
Xướng: Israel đang mong đợi Chúa: bởi vì Chúa rộng lượng từ bi và Chúa rất giầu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi điều gian ác.
Tin mừng: Lc 10, 38-42
38 Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà.
39 Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40 Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!”
41 Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! 42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Lắng nghe Lời Chúa là điều cần thiết và tốt nhất. Dù sống trong hoàn cảnh nào hay làm việc gì, lắng nghe Lời Chúa vẫn là điều phải làm trước tiên.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa nói: chỉ có một chuyện cần thiết, đó là lắng nghe Lời Chúa. Nhưng con làm sao có giờ để ngồi mà cầu nguyện và suy gẫm Phúc âm cả ngày. Cuộc sống của con như bà Mat-ta, quá bận rộn với những hoạt động và việc phục vụ.
Nhưng lạy Chúa, cuộc sống của Chúa an ủi và khích lệ con. Con thấy Chúa cũng hoạt động và phục vụ cả ngày. Chúa không ngồi suốt trong đền thờ. Tuy nhiên, dù bận rộn vất vả đến đâu, Chúa vẫn xếp giờ vào nơi thanh vắng cầu nguyện cùng Chúa Cha, sáng sớm tinh sương hoặc lúc đêm về. Và trong mỗi công việc, Chúa luôn tìm biết Thánh ý Chúa Cha để thi hành.
Con nhìn lên mẫu gương của Chúa để bắt chước. Dù cuộc sống hằng ngày có vất vả bận rộn đến đâu, con cũng sẽ cố gắng xếp giờ cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa. Con thường bị cám dỗ coi việc cầu nguyện là mất giờ, coi việc đọc và suy niệm Phúc âm chẳng đem lại lợi ích gì cho cuộc sống. Nhưng con tin rằng những giây phút gác bỏ mọi chuyện để ngồi bên Chúa như bà Maria sẽ đem lại cho con tình yêu, ánh sáng và nghị lực, để mọi việc con làm sinh hoa kết quả tốt đẹp.
Xin giúp con lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày để con bắt đầu một ngày làm việc trong niềm vui và hăng say. Xin giúp con sau một ngày làm việc, biết ở bên Chúa để nhìn lại cuộc sống và nghỉ ngơi bên Chúa. Và trong từng công việc, xin giúp con biết lắng nghe Ý Chúa để làm mọi việc như Chúa muốn.
Lạy Chúa, con muốn sống bên Chúa để Chúa cùng sống với con trong cuộc đời. Amen.
Ghi nhớ: “Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Câu chuyện có 3 vai: vai chính là Chúa Giêsu, hai vai phụ là Mácta và Maria mỗi người phục vụ Chúa một cách khác nhau:
- Mácta lăng xăng lo cơm nước, giường chiếu...
- Maria “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy”
Mácta khó chịu xin Chúa Giêsu bảo Maria tiếp mình. Nhưng Chúa Giêsu nói: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”, đó là việc Maria đang làm, tức là ngồi bên chân Chúa đề lắng nghe lời Chúa.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Ở bên chân Chúa:
a/ Thánh sử Luca thích trình bày hình ảnh người ta ở bên chân Chúa:
- Lc 7,36-45: một hôm có một phụ nữ tội lỗi nghe biết Chúa Giêsu đang dùng bữa tại nhà 1 người biệt phái. Nàng tìm đến đó, quì dưới chân Chúa và khóc đến nỗi nước mắt làm ướt chân Ngài. Tư thế bên chân Chúa trong trường hợp này là quì,và tâm tình là sám hối.
- Lc 17,11-19: Lần khác Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi. Trong số đó có một người đã trở lại sấp mình dưới chân Chúa để tỏ lòng biết ơn. Tư thế ở bên chân Chúa trong trường hợp này là sấp mình, và tâm tình là tạ ơn.
- Lc 8,40-56: Con gái ông Giairô bị bệnh nặng. ông chạy đến sấp mình dưới chân Chúa để van xin Ngài đến cứu con gái ông. Tư thế trong trường hợp này cũng là sấp mình, và tâm tình là xin ơn.
- Lc 8,26-39: Có một người bị quỷ ám ở Ghêrasa. Sau khi được Chúa cứu, anh ngồi bên chân Chúa và sau đó xin đi theo Ngài. Tư thế lần này là ngồi, và tâm tình là muốn đi theo Chúa.
- Đoạn Tin Mừng hôm nay kể chuyện Maria ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Ngài. Tư thế ngồi, tâm tình lắng nghe.
* Tóm lại, ở bên chân Chúa có thể là ngồi, quì hay sấp mình sâu thẳm. Và tâm tình có thể là tạ ơn, sám hối, van xin, bày tỏ thiện chí muốn đi theo hay lắng nghe học hỏi.
b/ Ở bên chân Chúa trong tư thế nào cũng được và với tâm tình nào cũng được, miễn là ở bên chân Chúa. Và chính Chúa Giêsu cũng đề cao việc ở bên chân Ngài: “Mác-ta Mác-ta, con lo lắng bôn chôn nhiều quá. Nhưng chỉ có 1 điều cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất”.
c/ Tư thế ở bên chân Chúa là
- tư thế khiêm tốn
- tư thế gần gũi gắn bó.
- tư thế trầm lắng, bình an.
Hằng ngày chúng ta làm nhiều việc, ở nhiều nơi và với nhiều tâm trạng. Đoạn Tin Mừng này và những đoạn tương tự nhắc chúng ta có 1 nơi rất tốt, đó là ở bên chân Chúa. Chúng ta hãy tìm dịp đến bên chân Chúa, bên chân Chúa chúng ta có thể ngồi, có thể quì, có thể sấp mình sâu thẳm. Chúng ta có thể van xin, có thể tạ ơn, có thể sám hối, có thể bày tỏ thiện chí muốn theo Chúa, có thể trầm lắng đón nghe lời Ngài. Đó là điều Chúa rất ưa thích và cũng rất ích lợi cho anh em.
2. “Tất cả vì Chúa và cho Chúa”, đó có lẽ cũng là bài học Chúa Giêsu muốn nói đến qua đoạn Tin Mừng hôm nay (...) Lời Chúa... mời gọi chúng ta thống nhất đời sống. Có những giây phút ưu việt danh cho cầu nguyện, thờ phượng ; còn phần lớn thời giờ được dành cho những sinh hoạt khác. Đối với người kitô hữu, phải biến mọi sinh hoạt thành lời cầu nguyện kéo dài, thành những hy tế trên bàn thờ. Chính qua những sinh hoạt ấy, chúng ta gặp gỡ, lắng nghe, thực thi thánh ý Thiên Chúa” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
3. Đôi tay để làm việc phục vụ cũng quan trọng, nhưng đôi tai lắng nghe Lời Chúa và đôi đầu gối quì bên chân Chúa quan trọng hơn.
4. “Mác-ta đón Người vào nhà. Cô nói người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Ngài dạy. Còn Mác-ta tất bật lo việc phục vụ.” (Lc 10,39-40)
Cô giáo môn tiếng Anh của tôi không phải là người công giáo. Một hôm cô nói với lớp: “Không hiểu vì sao cô rất thích nghe nhạc của đạo công giáo. Những bài hát ấy có một sức lôi cuốn nào đó, mỗi lần nghe cô cảm thấy tâm hồn thanh thoát vui tươi và cuộc sống thật hạnh phúc.” Nói xong cô hỏi lớp: “Lớp mình có bạn nào người công giáo không ? Hãy nói cho cô và các bạn nghe về Chúa!” Cả lớp vẫn im lặng. Tôi muốn nói nhưng khổ nỗi vào giờ này không ai được nói tiếng Việt. Tôi biết Chúa nhưng nói về Chúa bằng tiếng Anh thì không thể, vì tôi không có đủ vốn từ và cũng không biết phải nói làm sao.
Tôi buồn vì đã bỏ qua một cơ hội để nói về Chúa cho cô và các bạn chỉ vì thiếu khả năng ngoại ngữ. Từ đó bên cạnh việc học hỏi và chia sẻ Lời Chúa, tôi sẽ nói bằng tất cả lòng yêu mến và kiến thức sẵn có của mình.
MARIA ĐÃ CHỌN PHẦN TỐT NHẤT
Con trai tôi không còn sống với tôi nữa, nó đã bỏ nhà ra đi, nhưng tôi muốn nó biết rằng, tôi vẫn luôn yêu thương nó và quan tâm đến việc học hành của nó.
Người cha vừa khóc vừa nói với cô giáo trong buổi họp phụ huynh, rồi ông kể cho mọi người biết lý do tại sao con ông đã bỏ nhà ra đi, không phải một mình con trai ông mà cả 4 người con khác và chính vợ ông cũng đã bỏ ông. Lý do duy nhất là chỉ vì ông mãi mê với công việc làm và thường xuyên vắng nhà, ông tâm sự tiếp như sau: “Tôi muốn cung cấp cho vợ con tôi tất cả những gì họ cần và mong muốn, vì thế tôi đã có gắng làm việc thật nhiều, thường thì tôi làm từ 16 đến 17 giờ một ngày nên tôi đã không còn thì giờ để hiện diện với vợ con tôi.Tôi đã cố gắng làm việc để cung cấp những gì vợ con tôi muốn, nhưng vợ con tôi lại bỏ tôi vì nghĩ rằng tôi không còn yêu thương và quan tâm đến họ nữa “.
Quý vị và các bạn thân mến
Kinh nghiệm của người cha giúp chúng ta hiểu thêm rằng: Trong cuộc sống con người điều quan trọng không phải là có của cải vật chất, là làm cái này việc nọ cho người mình thương như cha đã làm việc đầu tắt mặt tối, nhưng điều quan trọng là hiện diện với người mình thương, một sự hiện diện tích cực dù trong thinh lặng để cảm nghiệm và để cho người mình thương cảm nghiệm được tâm tình yêu thương đón nhận của mình.
Trên bình diện thiêng liêng của mối liên lạc giữa con người và Thiên Chúa cũng thế. Phải, dâng mọi việc ta làm cho Chúa là điều tốt và nhiều người chúng ta đã học tập và thực hành việc dâng ngày cho Chúa ngay từ nhỏ cho đến giờ. Tiến thêm một bước nữa để hy sinh thời giờ làm việc Chúa muốn ta làm chẳng hạn hư dạy giáo lý, viếng thăm kẻ ốm đau cũng là những việc tốt. Nhiều người chúng ta đã mơ ước và đã được huấn luyện để chu toàn nhưng công việc gọi là công việc tông đồ này, những công việc của Chúa, nhưng còn có một công việc tốt hơn nữa, việc tốt nhất, việc mà Maria đã chọn như trong đoạn Phúc âm hôm nay ghi lại. Đó là ngồi dưới chân và lắng nghe Lời Chúa.
Ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe Lời Ngài, đây là thái độ của một người đồ đệ đón nhận và lắng nghe Lời Chúa. Chúa không cần những nhà chuyên nghiệp làm việc cho Chúa, nhưng cần những đồ đệ sống trong sự hiện diện của Ngài, đón nhận Ngài, lắng nghe Lời Ngài 100%. Đây là điều mà tác giả tập sách Đừng Hy vọng đã gọi bằng thái độ phân biệt giữa Chúa và việc của Chúa để rồi biết chọn Chúa trước hết, quan trọng hơn, tốt hơn. Chính nhờ những giây phút lắng nghe này, những giây phút sống với Chúa, nhưng giây phút chọn Chúa mà người đồ đệ có thể làm việc Chúa một cách tốt đẹp hữu hiệu hơn. Sau đó, người khách đến thăm cần tình yêu thương, sự chú tâm và tiếp chuyện trao đổi linh động giữa ta và khách hơn là cần những việc nấu nướng nhà cửa như Martha đã làm cho Chúa.
Làm những việc của Chúa, làm những việc cho Chúa là để hướng chúng ta đến một đích điểm quan trọng hơn là gặp được Chúa, sống trong sự hiện diện thân tình với Chúa. Chúng ta đừng bỏ quên những đích điểm này để rơi vào những tình trạng gọi là kiệt sức tình hần, kiệt sức tâm lý cũng như thể lý. Cần những giây phút thinh lặng làm người đò đệ thân yêu ngồi bên chân Chúa và lắng nghe Lời Ngài. Sự trưởng thành của đời sống Kitô tuỳ thuộc vào những giây phút lắng nghe này chứ không tuỳ thuộc vào những công việc ta làm cho Chúa hay những công việc của Chúa mà ta dấn thân làm với một tinh thần trần tục không có Chúa hay bỏ quên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa! cả hai thái độ của Mác-ta và Maria đều cần thiết cho con trong cuộc sống hôm nay. Xin cho con vừa là Maria vừa là Mác-ta để con xứng đáng là chứng nhân đích thực của Chúa. (Hosanna)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chị em Mácta và Maria ở Bêtania (Lc 10,38-42)
- Hai chị em Mácta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu tại làng Bêtania, nơi mà Chúa Giêsu đã quen biết hai chị em. Lúc Chúa tới nhà, Mácta lo lắng chuẩn bị bữa ăn trong lúc Maria ngồi yên bên Chúa để nghe lời Ngài. Câu trả lời của Đức Giêsu trước đề nghị của Mácta không có nghĩa là Ngài phủ nhận tất cả sự quan tâm lo lắng của Mácta. Nhưng Đức Giêsu muốn cho thấy một điều cao quý hơn là: lắng nghe Lời Chúa. Lo lắng cho Chúa là điều đáng quý, nhưng để hết tâm trí lắng nghe và thi hành Lời Chúa lại càng quý giá gấp bội.
- Theo truyền thống của các giáo phụ, Mácta và Maria trong Tin mừng hôm nay là đại biểu của hai lối sống về người môn đệ Chúa Kitô. Mácta đại diện cho những người thích lối sống hoạt động. Còn Maria đại diện cho lối sống chiêm niệm và cầu nguyện. Lời trách móc của Mácta như gián tiếp cho rằng việc của mình làm là đúng, là tốt hơn người khác. Nhân cơ hội này Chúa Giêsu chỉ cho Mácta và chúng ta một bài học về sự lượng giá một công việc. Chúa bảo: “Chỉ có một chuyện cần mà thôi”, đó chính là ngồi nghe Lời Chúa dạy. Chúa không phủ nhận những việc bác ái, phục vụ cộng đoàn. Nhưng tất cả những hoạt động phục vụ sẽ trở thành vô ích, nếu không khởi đi từ tinh thần Tin mừng. Việc bác ái, tông đồ chỉ thực sự mang lại ơn ích cho người khác khi nó xuất phát từ một tâm hồn cầu nguyện, thích nghe Lời Chúa (5 phút Lời Chúa).
- Hoạt động và cầu nguyện là hai trạng thái luôn đi đôi với nhau trong đời sống của người Kitô hữu. Đôi khi chúng ta cảm thấy thành công vì những hoạt động bên ngoài, nhưng chúng ta quên đi điều vô cùng quan trọng là đời sống cầu nguyện. Chính những lúc đó chúng ta đang tìm chính mình. Để hoạt động có hiệu quả, chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa trong cầu nguyện. Chính những giây phút ấy, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh để dấn thân và hoạt động hăng say hơn. Chúa không chê trách Mácta nhưng Chúa mời gọi bà hãy biết nghỉ ngơi bên Chúa, Người sẽ bổ sức cho.
- Trong Tông huấn Lời Chúa (Verbum Domini) số 3, Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI nhấn mạnh vai trò của Lời Chúa: “Xuyên suốt dòng lịch sử, Dân Chúa gặp thấy sức mạnh nơi Lời Chúa và ngày nay cũng vậy, Giáo hội tăng cường nhờ nghe, cử hành và học hỏi Lời Chúa”.
Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng khẳng định vai trò quan trọng bậc nhất của Lời Người. Mácta tất bật công việc phục vụ là tốt, nhưng Maria đã chọn phần tốt nhất, là ngồi dưới chân và lắng nghe Lời Chúa. Ngày nay, nhiều người chẳng đoái hoài, thậm chí còn thấy chán ngán với việc lắng nghe Lời Chúa, bởi vì Lời Chúa luôn thách thức và đòi hỏi con người thay đổi não trạng, hành vi của mình để sống đúng phẩm giá hơn. Ước gì chúng ta luôn có được niềm vui khi lắng nghe Lời Chúa, và có động lực để thực thi Lời ấy trong cuộc sống hằng ngày (Học viện Đa Minh).
- Chắc hẳn Chúa Giêsu đã đánh giá cao sự hy sinh bận rộn của Mácta. Đó là biểu hiện lòng mến cao độ. Tuy nhiên, qua cử chỉ của cô Maria, Chúa Giêsu đã nhận được một tâm tình cao đẹp hơn. Đó là lắng nghe Lời Chúa, đặt Ngài vào chỗ nhất trong cuộc sống, chọn Ngài làm tất cả. Chúa Giêsu muốn lấy cử chỉ đó làm biểu tượng nói lên sự chọn lựa đúng đắn của con người. Đó là chọn Ngài làm cơ nghiệp, là đặt Ngài vào trọng tâm của cuộc sống.
- Lời Chúa hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta thống nhất đời sống. Có những giây phút ưu việt dành cho cầu nguyện, thờ phượng, còn phần lớn thời giờ được dành cho những sinh hoạt khác. Đối với người Kitô hữu phải biến mọi sinh hoạt thành lời cầu nguyện kéo dài, thành những hy tế trên bàn thờ. Chính qua những sinh hoạt ấy, chúng ta gặp gỡ, lắng nghe, thực thi thánh ý Thiên Chúa.
- Truyện: Con người chỉ vĩ đại khi cầu nguyện
Frederic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là sinh viện đại học.
Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và vừa khi đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.
Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rẻ, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:
- Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?
Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:
- Thưa thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép thầy cho cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin!
Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn:
- Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm?
Chàng sinh viên liền hỏi:
- Thưa thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?
Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy xúc cảm, ông trả lời:
- Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Lòng hiếu khách của gia chủ Việt Nam được thể hiện qua câu:
“Ai kêu cửa ngõ thì vô
Nước trà đang quạt, cá khô đang lùi”.
Khi nghe chuông, chủ nhà nhanh nhẹn mở cửa mời khách vào. Mời khách ngồi và rót nước mời, chủ nhà phải tỏ ra ưu ái đối với khách qua nét mặt vui tươi và cử chỉ:
“Ra đi chân bước nhẹ nhàng
Là người hiếu khách, rõ ràng yên vui”.
Mời cơm khách đến chia sẻ chung vui, người hiếu khách luôn lo lắng chuẩn bị làm bữa, dành của ngon đãi khách như tục ngữ có câu: “Khách đến nhà chẳng gà thì vịt”. Hay như câu ca dao diễn tả:
“Gỏi nào bằng gỏi cá kìm,
Dọn ra đãi bạn trọn niềm thủy chung”
Hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho những của ăn ngon nhất để đãi khách, cũng như trân trọng người khách qua việc chuẩn bị bữa ăn:
“Năm tiền một khứa cá buôi,
Cũng mua cho đặng đãi người khách sang…”
Cá buôi dù đắt cũng mua cho được để đãi khách quý, hình ảnh nói về tấm lòng chủ với khách: Luôn dành cho khách những của ăn ngon nhất.
Suy niệm
Ngôi nhà bé nhỏ tại làng Bêtania, đón tiếp Chúa Giêsu ghé thăm, rộn rã tiếng cười nói, của chủ lẫn khách. Nhà Bêtania được hồng phúc Chúa cho người em út Ladarô phục sinh (x. Ga 11,1-44). Trong cuộc đón tiếp tại nhà Bêtania, Chúa Giêsu là khách quý, sự hiện diện của Ngài là tâm điểm cho mọi sự đón tiếp, Ngài cũng là hiện thân của tha nhân, Martha và Maria là mẫu gương của lòng hiếu khách đón tiếp.
Hai cách đón tiếp của Martha - người lo phục vụ bếp núc bữa ăn và Maria - người lo tiếp chuyện. Cả hai bổ túc cho việc đón tiếp tha nhân một cách tuyệt vời. Tuy nhiên, Chúa Giêsu chú trọng và yêu mến hơn cách đón tiếp của Maria vì đó là lắng nghe Lời Chúa, cũng là biểu lộ của sự quan tâm chia sẻ với khách. Ngài không phê bình cách tiếp đón của Martha, nhưng khen cách làm của Maria vì Ngài muốn nhấn mạnh đến chiều kích tâm linh và tinh thần, đó cũng là cách đón Chúa tốt nhất nơi tâm hồn của mỗi người. Ngài cũng đã nhấn mạnh đến sự cảm thông chia sẻ tâm linh trong quan hệ giữa người với người, vốn dĩ nhân loại đã bỏ quên, chỉ quan tâm đến đời sống vật chất.
Tôi và bạn học nơi Maria và Martha: Đón Chúa đến viếng thăm nhà mình, chính Ngài cũng đồng hành với biết bao biến cố thăng trầm của cuộc đời. Chúng ta học nơi cách đón tiếp của hai chị em người làng Betania với tha nhân: Người phục vụ, người lắng nghe chia sẻ. Đặc biệt là tư thế đón tiếp của Maria làm cho khách vui lòng nhất, như tác giả sách Đắc nhân tâm viết: Là lắng nghe khách nói, lắng nghe ước muốn, nguyện vọng, tâm tư của người khác. Như vậy là tỏ ra mình kính trọng, quan tâm đến người để hiểu biết, thông cảm, chia sẻ tâm tình, kiến thức, nhu cầu thiết thực của người, quý hơn cả cơm ăn, áo mặc.
Phải chăng, thế giới hôm nay nếu mặc lấy sự đón tiếp của tinh thần của hai chị em làng Bêtania, con người sẽ thoát được những nghịch lý của văn minh thời đại: Hiếu khách - cô đơn, tri thức cao - không biết đi về đâu... Thời gian vui được sống - thời gian khủng hoảng đau khổ.
Thật thế, với tinh thần của Bêtania, chúng ta mở rộng tâm hồn đón Chúa vào nhà - ngôi nhà tâm hồn mọi người, ngôi nhà gia đình và cả ngôi nhà chung của nhân loại. Có Ngài là có nguồn tình yêu, tâm hồn mở rộng đón anh em, không chỉ là văn minh, ngọt ngào, lịch sự mà bằng tình yêu chân thành phục vụ, lắng nghe chia sẻ. Thiết nghĩ sẽ bớt sợ cảnh cô đơn, khủng hoảng vì sự chia sẻ của chính Thiên Chúa đang hiện diện, của tha nhân mang tâm tình giống như Thiên Chúa.
Ước chi tâm hồn tôi, tâm hồn bạn sẽ là mái nhà Bêtania mới, rộn rã tiếng cười nói của lòng hiếu khách và niềm vui của khách viếng thăm.
Ý lực sống
Abraham như cây già đang dần khô héo, đón Chúa thăm viếng, được ra trái sum suê: từ nơi ông cả một hậu duệ đông đảo “như sao trên trời, như cát bãi biển”.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Ba tuần 1 Thường niên năm I - Thẩm quyền (Mc 1,21-28)
-
Thứ Hai tuần 1 Thường niên năm I - Sám hối (Mc 1,14-20) -
Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C - Con người mới (Lc 3,15-16.21-22) -
Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh (Ga 3,22-30) -
Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh (Lc 5,12-16) -
Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh (Lc 4,14-22a) -
Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh (Mc 6,45-52) -
Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh (Mc 6,34-44) -
Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh (Mt 4,12-17.23-25) -
Chúa nhật Lễ Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12)
bài liên quan đọc nhiều
- Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Chúa nhật Lễ Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Vâng phục (Lc 1, 26-38)