Thứ Ba tuần 21 Thường niên năm II (Mt 23,23-26)
“Phải làm những điều này, và không bỏ các điều kia”.
BÀI ĐỌC I (năm II): 2 Tx 2, 1-3a. 13-16
“Anh em hãy nắm giữ truyền thống anh em đã học biết”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, nhân vì sự Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta sẽ đến, và sự tập họp của chúng ta trong Người, chúng tôi nài xin anh em chớ vội thay lòng đổi dạ, chớ kinh hãi vì linh ứng, lời giảng hay thư từ nào, dường như của chúng tôi gởi tới loan báo ngày Chúa gần đến. Ðừng để ai lừa dối anh em cách nào.
Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng của chúng tôi mà kêu mời anh em đến lãnh nhận vinh quang của Chúa chúng ta, là Ðức Giêsu Kitô. Anh em thân mến, vì vậy anh em hãy đứng vững, hãy nắm giữ truyền thống anh em đã học biết hoặc bằng lời giảng dạy, hoặc bằng thư từ chúng tôi đã viết. Nguyện xin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ðấng đã thương yêu chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành, xin Người khuyên bảo và làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 95, 10. 11-12a. 12b-13
Ðáp: Chúa ngự tới cai quản địa cầu (c. 13ab).
Xướng: Hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người giữ vững địa cầu cho nó khỏi lung lay, Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.
Xướng: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan, biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên, đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở.
Xướng: Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành.
Tin mừng: Mt 23, 23-26
23 Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, hồi hương và thì là, còn những điều quan trọng hơn trong lề luật, là đức công bình, lòng nhân từ và lòng tin thì các ngươi lại bỏ qua; đáng lẽ phải làm những điều này và không bỏ các điều kia.
24 “Hỡi những kẻ dẫn đường đui mù, các ngươi gạn lọc một con muỗi ra, nhưng lại nuốt trửng cả con lạc đà. 25 Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, vì các ngươi rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong, các ngươi đầy gian tham và nhơ bẩn. 26 Hỡi những người biệt phái đui mù, hãy rửa bên trong chén đĩa trước đã, để bên ngoài cũng được sạch”.
Bài giảng của linh mục Phêrô Kiều Công Tùng
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Người Kitô hữu trưởng thành phải biết sống đạo cách quân bình và có chiều sâu: vừa mến Chúa và đồng thời cũng biết công bằng bác ái, có bề ngoài và có cả bề trong.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chính Chúa đang huấn luyện con sống đạo một cách trưởng thành, sống đạo có chiều sâu, sống đạo cách quân bình, sống đạo toàn diện.
Xuyên qua những tập tục áp dụng cho người Do thái, con nhận ra rằng Chúa đang chất vấn đời sống Kitô hữu của con. Rất nhiều lúc con đã ru ngủ lương tâm mình. Con đọc kinh dự lễ thật nhiều, trong khi đó con lại hận thù ghen ghét anh em. Con làm các việc đạo đức, nhưng chính lúc ấy con lại nói xấu nói hành, gây đau khổ cho người khác. Con gây ra bất công, và để lương tâm khỏi cắn rứt, con dâng tiền vào nhà thờ hoặc đi xin lễ. Con không dám xúc phạm đến Chúa, đang lúc ấy con lại dễ dàng chà đạp, xúc phạm, độc ác với anh em. Con giữ phong cách bề ngoài thật đẹp, nhưng tâm hồn con không được trong sạch.
Hôm nay Chúa dạy con: điều quan trọng nhất trong lề luật là công bằng, lòng nhân, và thành tín. Chắc chắn Chúa không dạy con bỏ Chúa để chỉ yêu mến anh em. Chúa chỉ muốn con nhớ rằng công bằng và bác ái cũng quan trọng như là yêu mến Chúa. Chúa chỉ muốn nhấn mạnh điều mà con thường quên sót.
Lạy Chúa, xin dạy con biết sống bác ái và công bằng như là dấu hiệu chứng tỏ lòng con mến Chúa. Xin Chúa giúp con luôn sống trong tình yêu. Xin đừng để trái tim con trở nên khép kín, hẹp hòi, nhỏ nhen, ác độc, chai cứng. Xin Chúa ban cho con quả tim biết yêu thương. Amen.
Ghi nhớ: “Phải làm những điều này, và không bỏ các điều kia”.
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống...)
Lời khiển trách thứ tư và thứ năm.
Lời khiển trách thứ tư: Về việc nộp thuế thập phân (cc. 23-24)
“Khốn cho các ngươi, các ngươi nộp thuế thập phân; còn những điều quan trọng hơn trong lề luật thì các ngươi lại bỏ qua.” để tỏ ra mình thông thái và nhiệt tình với lề luật, các luật sĩ và Biệt phái buộc người ta những cái tỉ mỉ thật phụ thuộc mà không hề nói đến chẳng hạn bạc hà, thì là, rau húng (so sánh với luật Lv 24,30-33 ; Đnl 14,22). Trong khi đó lại không quan tâm gì đến những điều cơ bản và chính yếu của luật, đó là công bình, lòng nhân ái và thành tín.
Lời khiển trách thứ năm: Về việc rửa sạch bên ngoài chén dĩa (cc. 25-26)
“Khốn cho các ngươi, vì các ngươi rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong, các ngươi đầy gian tham và nhơ bẩn.” các luật sĩ và biệt phái rất coi trọng việc rửa tay chân, chén dĩa và đã từng tranh luận vớn Chúa Giêsu về vấn đề này (x. Mt 15,10-20). Chúa Giêsu nói điều quan trọng là phải tẩy rửa nội tâm khỏi sự ham hố (trộm cắp và vô độ) là những chướng ngại khiến người ta mất tự chủ và chỉ lo tới bề ngoài.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. “Những điều quan trọng hơn trong lề luật, là đức công bình, lòng nhân từ và lòng tin”: Nhiều người nước ngoài nhận xét rằng giáo dân Việt Nam rất siêng đọc kinh và dự lễ, nhưng sống với những người khác thì thiếu những đức tính vừa kể. Đạo ở Việt Nam là đạo nhà thờ chứ không phải là đạo của cuộc sống.
Công bình: Trộm cắp của công và của riêng, gian lận.v.v…
Lòng nhân từ: chửi rủa nhau, lên án nhau, nói hành, nói xấu nhau.v.v…
Lòng tin: Lường gạt, không giữ lời hứa, bất trung, bất tín.v.v…
2. Một câu chuyện có thật đã xảy ra tại Mỹ.
Trong cửa hàng của một thị trấn nhỏ, một thanh niên cao lớn nhanh nhẹn đứng bán hàng. Ngày nọ, có bà già nhà quê vào mua hàng. Cậu trao cho bà món hàng và lấy tiền. Tối hôm đó, khi kiểm tra tiền, cậu thấy dư ra vài xu. Cậu cố nhớ lại những người mua ngày hôm đó, và thấy số tiền dư đúng là của bà già nọ. Cậu đặt mấy xu đó vào túi, lấy mũ, đóng cửa và đi bộ lại nhà bà già cách đó 3 dặm. Cậu thiếu niên đó chính là Abraham Lincoln, sau là tồng thống Hoa Kỳ. (Góp nhặt)
3. Chúng ta có quan tâm nhiều đến những vấn đề sống đạo trong cuộc sống sau đây không: giúp đỡ những người nghèo khổ, che chở bênh vực những kẻ yếu đuối và bị chèn ép, công bình xã hội, lương tâm nghề nghiệp, chung thủy trong hôn nhân ?
4. Một số người vẫn còn tranh cãi nhau về vấn đề rước lễ bằng miệng và rước lễ bằng tay, cách rước nào sạch hơn. Có mấy ai lưu ý tới việc thanh sạch trong lòng khi rước Chúa!
5. “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, hồi hương và thì là, còn những điều quan trọng hơn trong lề luật, là đức công bình, lòng nhân từ và lòng tin thì các ngươi lại bỏ qua; đáng lẽ phải làm những điều này và không bỏ các điều kia.” (Mt 23,23)
Một người Do Thái nọ qua đời. Giữa lúc đang chuẩn bị hạ huyệt, người ta nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi người ngạc nhiên khi thấy kẻ chết còn sống. Vị giáo trưởng chủ trì buổi lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng và nói: “Chúng tôi không biết rõông đang sống hay đang chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của bác sĩ, ông quả thực là người đã chết”
Tôi cũng giữ luật như vị giáo trưởng đó: đi lễ hằng ngày, xưng tội hằng tháng, ăn chay kiêng thịt ngày thứ sáu. Nhưng tôi lại không biết quan tâm đến người khác, thờ ơ trước những người nghèo khó, thiếu nụ cười cảm thông hay khích lệ anh em.
Qua bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi tôi giữ cả hai điều: trung thành giữ luật Chúa đồng thời yêu thương anh em mình.
Lạy Chúa, xin cho con biết tuân giữ luật pháp của Chúa trong công bình, lòng nhân từ và lòng tin. (Hosanna)
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa than trách các luật sĩ và biệt phái (Mt 23,33-36)
- Chúa Giêsu tiếp tục than trách các luật sĩ và biệt phái: họ lo nộp thuế thập phân đầy đủ, còn những điều luật quan trọng như công bình, bác ái, thành tín thì họ lại không tuân giữ... Họ lại rửa sạch chén đĩa, còn lòng họ thì đầy dẫy thói gian tham, cướp bóc... Đúng thật là họ giả hình. Họ chỉ lo sạch sẽ bên ngoài, mà không lo sạch tội bên trong; họ lo giữ mọi thứ luật nhỏ nhặt, mà lại bỏ các luật quan trọng chính yếu.
- Chú trọng vào cái tuỳ thuộc mà bỏ quên điều chính yếu
Chúa Giêsu gay gắt lên án các luật sĩ và biệt phái giữ tỉ mỉ các khoản luật nhỏ, nhưng lại sống thiếu đức công bằng bác ái. Họ sẵn sàng nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, là những thứ hoa màu phụ không bắt buộc, trong khi luật Maisen chỉ qui định nộp thuế thập phân các sản phẩm từ hoa màu ruộng đất, mà họ lại bỏ qua những điều quan trọng nhất trong Lề luật là công lý, lòng nhân và thành tín.
Điều Chúa muốn là: “Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ”. Nghĩa là trong khi chúng ta vẫn tuân giữ những điều luật quy định từ tôn giáo đến xã hội, nhưng cũng đồng thời phải sống đức công bình, lòng nhân và thành tín. Tóm lại, hãy tuân giữ lề luật không phải câu nệ theo mặt chữ, mà với cả lòng yêu mến và bác ái với mọi người.
- Chú trọng vào cái mã bên ngoài
Các luật sĩ và biệt phái xưa lời nói không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bề ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ: “Họ lo rửa sạch bên ngoài, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ”.
Những người biệt phái diện đồ kinh sư để giảng dạy Thánh kinh và đại diện dân để dâng của lễ, thực ra, họ làm điều đó không vì lòng mến Chúa, mà đó là cái nghề để được hưởng tiền đóng góp – tiền thuế của dân, nhất là tiền dâng cúng của những người nghèo. Họ giả bộ đạo đức để được tiếng khen và được dân tin tưởng xin họ cầu nguyện, nhưng thực chất dưới cái vỏ bọc kinh sư ấy là một sự thối nát như “mồ mả tôi vôi” (Hiền Lâm).
- Thuế thập phân là loại thuế trích từ một phần mười lợi tức của vụ mùa hằng năm dâng cho Thiên Chúa (Đnl 14,22-24) dành cho việc thờ phượng Đức Chúa ở đền thờ, và chu cấp cho những người làm việc ở đó. Thuế này mang ý nghĩa: Thiên Chúa được nhìn nhận như là chủ sở hữu của mọi sự, đặc biệt dân Chúa bày tỏ lòng biết ơn với của cải Thiên Chúa ban cho. Ngoài khoản thuế thập phân trên đây, người biệt phái còn nộp thêm một phần mười hoa màu của bạc hà, thì là, rau húng, là những thứ hoa màu phụ không bắt buộc. Chúa Giêsu trách họ chú trọng đến việc nộp thuế phụ này, đang khi sao lãng những điều quan trọng, căn bản nhất trong Lề luật là sự công bằng, lòng nhân và thành tín, là những điều phải được đặt lên hàng đầu (5 phút Lời Chúa).
- Tuy nhiên, vụ hình thức hay giả hình không chỉ là nét đặc thù của những biệt phái thời Chúa Giêsu. Ở thời đại nào, nó cũng vẫn là cơn cám dỗ triền miên đối với các Kitô hữu. Chúng ta dễ có khuynh hướng trau chuốt bề ngoài, để che đậy những xấu xa bẩn thỉu bên trong. Dĩ nhiên xã hội nào cũng phải có những ràng buộc nhằm tạo nên trật tự và hài hoà. Nhưng nếu sự hài hoà đó không là thể hiện của trật tự nội tâm con người, thì nó chỉ là một cái vỏ giả tạo. Triết gia Trung Hoa là Vương Dương Minh đã đưa ra lý tưởng “Nội thánh ngoại vương”, cái diện ngoại vương giả thanh lịch phải là phản ánh chính sự thánh thiện nội tâm (Mỗi ngày một tin vui).
- Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Nếu dạ chính trực, lòng nhân nghĩa chưa thực sự là động lực thúc đẩy và hướng dẫn mọi sinh hoạt tôn giáo của chúng ta, thì có lẽ chúng ta không hơn gì những biệt phái thời Chúa Giêsu: chúng ta chỉ quan tâm đến cái bề ngoài, mà quên đi cái cốt lõi của đạo là tình yêu.
- Truyện: Sống đạo nửa vời
Một buổi sáng lạnh lẽo và gió lớn, khoảng 2 giờ sáng, chuông điện thoại nhà xứ bỗng reo vang. Có tiếng hốt hoảng la lên: “Cha ơi, cha nhanh đến xức dầu cho ngoại con với”.
Vì nhà của người gọi điện thoại cách xa nhà xứ một cánh rừng lầy lội, cha xứ đành phải đi bộ. Khi đi được một đoạn giữa cánh rừng, ngài chợt thấy xuất hiện một bóng đen cầm súng bước ra từ giữa bụi cây và truyền lệnh: “Đưa tiền đây!”
Cha xứ hốt hoảng run rẩy bảo tên cướp rừng rằng: “Ví tiền của tôi ở trong áo khoác”, và khi ngài đưa tay mở nút áo khoác để lấy ví tiền, tên cướp nhận ra người đứng trước mặt mình là một linh mục, hắn liền ấp úng nói: “Ôi! Con không biết là cha. Con xin lỗi, xin cha cất tiền đi”.
Bình tĩnh lại, cha xứ mời hắn một điếu thuốc, nhưng hắn vội lắc đầu và nói: “Không, con cám ơn cha, trong Mùa chay con có thói quen không hút thuốc”.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Lúc thanh bình Aristogiton là một nhà ái quốc thượng thặng. Chàng thở ra lửa trận, nói ra sấm sét. Chàng lợi dụng mọi hoàn cảnh để cổ võ những đức tính anh dũng kiêu hùng của người chiến sĩ yêu nước. Nghe chàng nói, thính giả có ấn tượng như chàng đang tuyên chiến với tất cả mọi cường quốc trên thế giới. Nhưng đến khi phải thi hành nhiệm vụ quân sự, người ta thấy chàng đột nhiên bước đi khập khiễng, tay chống gậy, chân thì băng bó, trông thảm não vô cùng. Biết rõ những bí mật của chàng, ông Photion trợn mắt nói: “Aristogiton đã làm một người què lại còn hèn nhát”.
Suy niệm
Ðức Giêsu tiếp tục lên án những người kinh sư, vì họ đã trở thành những người nô lệ Lề Luật khi nhiệt tình thực thi với Lề Luật, nhưng không hiểu tinh thần Lề Luật là công bằng và tình yêu thương.
Rửa tay là tập tục quý hóa mang ý nghĩa rất thanh cao, thánh thiện: Các tư tế rửa tay để thanh tẩy trước khi dâng của lễ lên Thiên Chúa. Sau này dân chúng bắt chước rửa tay trước khi cầu nguyện. Với ý nghĩ cao đẹp này họ đã rửa tay trước bữa ăn vừa giữ vệ sinh, vừa có ý nghĩa tôn giáo. Tuy nhiên, người biệt phái quá vụ hình thức mà quên điều thiết yếu, họ phán đoán người khác chỉ dựa trên hành vi rửa tay trước bữa ăn, coi người khác xấu hay tốt dựa trên những hình thức bên ngoài.
Chúa muốn con người đặt tinh thần, đặt tình yêu Chúa vào chỗ thứ nhất và tuân giữ giới răn của Người. Chúa muốn con người đặt Lề Luật vào đúng vị trí của nó. Điều quan trọng là thanh tẩy tâm hồn, rửa sạch trái tim, chứ không phải chỉ rửa tay, rửa các đồ vật bên ngoài. Cái cốt lõi của Lề Luật vẫn là tình yêu. Giữ những việc, những điều lệ, tập tục do con người lập ra mà quên cái cốt lõi Lề Luật là mến Chúa yêu người. Vì thế, Ðức Giêsu lên án họ là giả hình.
Noi gương thánh Phaolô, chúng ta đi vào trung tâm điểm của giới răn yêu thương trong cách giữ đạo của người Kitô hữu: “Tình yêu đòi hỏi sự kiên nhẫn và tử tế, không ganh tỵ, kiêu căng xấc láo, tình yêu khiến ta không vụng xử, không ích kỷ hay dễ nóng giận, tình yêu không để bụng chấp nhặt những sai trái. Tình yêu không bao giờ lùi bước, tình yêu thì bất diệt. Vì thế, tình yêu chính là điều anh em phải nỗ lực tìm kiếm” (1Cr 13,2-8; 14,1).
Ý lực sống
“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37)
-
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên năm II - Hoán cải đích thực (Lc 19,1-10) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên năm II - Con mắt đức tin (Lc 18,35-43) -
Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Ngày hạnh phúc hay đau khổ (Mc 13,24-32) -
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên năm II - Tín thác (Lc 18,1-8)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy