Thập giá của Chúa – Thập giá của tôi
Thứ Sáu Tuần Thánh
“Thập giá của Chúa – Thập giá của tôi”
Lễ nghi chiều thứ Sáu Tuần Thánh được đề nghị cử hành vào lúc 3 giờ chiều (đối với những nơi phù hợp), vì theo truyền thống, Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên cây thập giá vào lúc giờ thứ chín (x. Mt 27,45-46). Phụng vụ hôm nay mang màu sắc đau thương, nhưng không hoàn toàn bi thảm, vì thập giá của Đức Giêsu vừa là dụng cụ khổ hình, vừa là cờ hiệu chiến thắng.
Chúa Giêsu đã tự vác thập giá, từ dinh quan Philatô đến núi Canvê. Theo những khám phá từ tấm khăn liệm thành Turinô và những nghiên cứu sử học, thì người bị kết án tử hình phải vác cây gỗ ngang, còn cây gỗ dọc thì đóng sẵn trên đồi. Việc vác cây gỗ ngang nhằm tránh tử tội trốn thoát, đồng thời cũng là một nhục hình để trừng phạt. Truyền thống Giáo Hội diễn tả con đường thập giá của Chúa Giêsu qua 14 hình ảnh được gọi là “Mười bốn chặng đàng Thánh Giá”. Trên con đường này, nhiều biến cố đã xảy đến với Chúa Giêsu. Từ cuộc gặp gỡ với Đức Mẹ đến cuộc gặp gỡ với những người dân thành Giêrusalem. Từ những người ghen ghét chê bai nhạo cười đến những người cảm thương và giúp đỡ. Ông Simon và bà Vêrônica là hai người xa lạ và có địa vị thấp kém trong xã hội, lại là những người giúp Chúa, một người vác đỡ thập giá, một người lau mặt Chúa đang đầm đìa mồ hôi và máu. Trong hành trình thập giá, Chúa ngã ba lần, nhưng Người lại gượng dạy bước đi. Có lẽ, lời nguyện cùng Chúa Cha trong vườn Cây Dầu luôn vang lên trong tâm trí Chúa: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Đó là một cuộc giằng co khốc liệt giữa sự yếu đuối của con người và sự mạnh mẽ của Ngôi Hai nhập thể. Chúa Giêsu đã dứt khoát thi hành ý Chúa Cha, chấp nhận mọi nhục hình và gian nan khốn khó. Thập giá chính là bằng chứng của sự tuân phục và hy sinh của Người.
Khi chiêm ngắm Đấng chịu treo trên thập giá, tôi nhận ra Chúa Giêsu đang nhìn tôi với cái nhìn đầy yêu thương. Trong thinh lặng, Chúa nói với tôi: “Ta tha thứ mọi tội lỗi cho con”. Vì thế, chiêm ngắm Chúa trên thập giá đem lại cho tôi hạnh phúc vì thấy mình được yêu thương. Trong giáo huấn Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dạy hãy tha thứ cho kẻ thù. Giờ đây, trên thập giá, Chúa dạy tôi bài học tha thứ. Lúc này, Người thực hiện lời giáo huấn ấy khi xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ hành hạ mình. Biết bao lần tôi cố chấp muốn tự khẳng định vị thế của mình trong gia đình và trong xã hội. Sự cố chấp làm tôi mù quáng, không nhìn ra đâu lẽ phải, không nhận ra ai là anh em. Chúa Giêsu đã tha thứ trong lúc trái tim rướm máu. Điều đó cho thấy, để có thể tha thứ, phải chấp nhận hy sinh. Khi tha thứ, nhiều khi tôi phải chịu tiếng là hèn nhát, có khi tôi phải hạ mình và mất thanh danh. Tuy vậy, dù thế nào đi nữa, khi tôi tha thứ, chắc chắn tôi tìm được sự an bình thanh thản trong tâm hồn.
Khi chiêm ngắm Đấng chịu treo trên thập giá, tôi nhận ra Người là Con Thiên Chúa. Viên bách quan đội trưởng là người đã tham gia vào vụ hành hình Chúa. Vậy mà vào lúc Chúa tắt thở, ông ta lại nhận ra thân thế đích thật của Người và hô lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Một Thiên Chúa trần trụi, bị khinh khi, khổ nhục và chịu chết vì yêu thương con người. Thập giá dạy tôi một cách nhìn nhận mới về đau khổ: Thiên Chúa đau khổ cho con người hạnh phúc. Người chết cho con người được sống. Như vậy, nếu muốn đem lại hạnh phúc cho những người xung quanh, tôi không thể trốn tránh đau khổ. Muốn yêu Chúa Giêsu, tôi không được khước từ thập giá. Thập giá không có Chúa Giêsu chỉ là một cây gỗ vô hồn; Chúa Giêsu không có thập giá không phải là Chúa Giêsu của Đức Tin.
Khi tôi chiêm ngắm Đấng chịu đóng đinh, tôi thấy những anh chị em Kitô hữu của tôi ở nhiều nơi đang bị bách hại. Chúa nhật Lễ Lá vừa qua (29-3-2015), tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các tín hữu trên toàn thế giới hãy cầu nguyện cho những tín hữu bị giết tại một số quốc gia trên thế giới. Họ là những thừa sai, những linh mục, tu sĩ và có nhiều tín hữu giáo dân. Họ đã chết chỉ vì một lý do đơn giản: họ là Kitô hữu. Qua Đấng chịu đóng đinh, tôi cũng nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh, những người nghèo nàn, bệnh tật, đau khổ. Họ quằn quại trong nỗi đau của kiếp người mà chưa có lối thoát. Chúa Giêsu vẫn đang chịu đóng đinh nơi những người bất hạnh này. Thập giá là lời kêu gọi hãy ngưng bạo lực, hãy xử với nhau cho đúng phẩm giá con người và hãy liên đới nâng đỡ nhau trong cuộc sống.
“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32). Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, tôi thấy Người mời gọi tôi hãy vươn cao, hãy sống cao thượng, hãy hướng về trời. Dù tôi yếu đuối và tội lỗi, tôi vẫn có thể vươn cao, vì Chúa lôi kéo tôi bằng sự trợ giúp thiêng liêng. Tuy vậy, vươn cao để gặp Chúa đòi hỏi nhiều hy sinh. Phải can đảm dứt bỏ những gì đang ràng buộc. “Ai theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Theo Chúa Giêsu là đi trên con đường hy sinh của thập giá. Như thế, thập giá không phải một kỷ niệm vô hồn của quá khứ xa vời, nhưng là chính cuộc sống hằng ngày của tôi. Mỗi ngày sống, tôi đều có cơ hội tiếp cận thập giá, điều quan trọng là thái độ của tôi thế nào trước cây gỗ mà trên đó Con Thiên Chúa đã chịu đau đớn và đã chịu chết vì yêu tôi.
Lễ nghi chiều Thứ Sáu Tuần Thánh nhắc bảo tôi: Thập giá của Chúa cũng là thập giá của tôi. Khi suy niệm mầu nhiệm Mân Côi, thứ bốn của Năm Sự Thương, tôi cầu nguyện: xin cho tôi được vác thánh giá theo chân Chúa. Vâng, “Đây là gỗ thánh giá, nơi treo Đấng Cứu chuộc trần gian!” Tôi đến để tôn kính và thờ lạy. Tôi tin chắc Đấng đóng đinh sẽ ở bên tôi. Niềm xác tín ấy giúp tôi tìm thấy thư thái và an bình.
Tuần Thánh 2015
bài liên quan mới nhất
- Ngày 25 Tháng 12 – Đại lễ Giáng sinh
-
Bài hát cộng đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Ủy ban Phụng tự giải thích về “Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời” năm 2024 -
Cử hành Thánh Thể: Bài 52 - Lời giải tán -
Cử hành Thánh Thể: Bài 51 - Lời chào và phép lành cuối lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 48 - Lời nguyện hiệp lễ -
Cử hành Thánh Thể: Bài 47 - Ca hiệp lễ và bài ca sau hiệp lễ -
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối -
Ủy ban Phụng tự trả lời về sách lễ Rôma
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời Chúa trên 14 chặng đàng Thánh Giá -
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức -
Giải đáp phụng vụ lễ Giáng sinh năm nay (2023) -
Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ -
Ủy ban Phụng tự - Hướng dẫn cử hành phụng vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Lời thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2024