Thánh Giuse bên Ai Cập
Tháng Ba là tháng kính Thánh Giuse. Trong thời gian này, khắp nơi trong Hội Thánh đều hướng về Thánh Giuse. Hướng về bằng nhiều cách, như những suy gẫm, những hình ảnh, những kinh nguyện, những thánh tích. Có những việc tôn kính do truyền thống và cũng có những việc học hỏi do thời cuộc.
Năm nay, tháng Ba bùng nổ một tình hình có nhiều diễn biến phức tạp tại Ai Cập. Thời sự này gợi ý cho tôi nhớ về Thánh Giuse tại Ai Cập. Phúc Âm tả việc Thánh Giuse sang Ai Cập là một cuộc đi trốn. Ngài vâng lệnh Chúa, đưa Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng bỏ quê hương mình sang đó để lánh nạn. Sự kiện ấy nên được hiểu thế nào trong chương trình cứu độ của Chúa? Hiểu biết đó sẽ soi sáng cho tôi về việc cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa tại Việt Nam hôm nay.
Với ý hướng trên đây, tôi chạy đến với Thánh Giuse. Tôi xin Ngài dạy bảo. Trong âm thầm, Ngài dẫn nội tâm tôi bước đi từ ý nghĩa này tới ý nghĩa khác. Tôi có cảm tưởng là Ngài chia sẻ cho tôi những gì Ngài đã học được về tình yêu cứu độ của Chúa Cứu Thế. Ngài học được từ chính những từ bỏ, những vất vả, những khổ cực do việc vâng lời Chúa mà đem Đấng Cứu Thế và Mẹ Người đi lánh nạn.
Ở đây, tôi cố gắng diễn tả vài điều đã được lãnh nhận. Điều căn bản nhất mà Chúa đã dạy Thánh Giuse là: Đức Kitô chính là tình yêu Thiên Chúa. Người giáng thế không phải để kết án, mà để cứu chuộc nhân loại. Người cứu chuộc bằng con đường nhập thể. Người mặc lấy thân phận con người, nên giống như con người về mọi mặt, chỉ trừ tội lỗi.
Trong thân phận con người, Đấng Cứu Thế được Thánh Giuse cảm nhận qua những nét như sau:
1. Một tình yêu khiêm tốn vâng phục
Chúa Cứu Thế vâng phục mọi luật của thiên nhiên và xã hội.
Sự sống có luật của nó. Sinh ra thì bé nhỏ. Phát triển thì từ từ với vô vàn yếu tố. Có những yếu tố do tự mình đảm trách được. Có những yếu tố phải nhờ đến những người khác.
Cuộc sống giữa đời có luật của xã hội. Xã hội được xây dựng với những tương quan tự do và bắt buộc.
Sống là sống với những hoàn cảnh lịch sử của nơi ở và thời gian mình sống. Những hoàn cảnh đó thường rất phức tạp.
Khi đem Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng đi lánh nạn, thánh Giuse nhận thấy Đấng Cứu Thế đã tỏ ra rất khiêm nhường. Người vâng phục những luật căn bản của sự sống nói chung và cuộc sống giữa đời trong lịch sử nói riêng. Chính nhờ sự khiêm tốn vâng phục đó, mà Đấng Cứu Thế được xã hội chấp nhận. Người trở nên một người gần gũi của họ.
Nhất là Đức Kitô đã triệt để vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chúa Cha muốn Người cứu chuộc nhân loại bằng con đường nghèo khó khiêm nhường, chấp nhận mọi đớn đau dành cho những kẻ khốn khổ cùng cực.
Thánh Giuse nhận thấy bản thân mình được kêu gọi cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ. Điều kiện đầu tiên Chúa đòi Ngài là khiêm nhường vâng phục. Ngài hiểu kiêu căng, bất phục tùng là đầu mối gây nên mọi sa đoạ nơi Lucife, nơi tổ tông Ađam, và nơi Israel dân Chúa. Ngài khiêm nhường vâng phục sống đời từ bỏ mình, chấp nhận để Chúa dùng mình vào những việc âm thầm khó khăn, hoàn toàn mặc ý Chúa.
2. Một tình yêu nhưng không
Với tâm tình khiêm tốn vâng phục, Thánh Giuse bên Ai Cập có thể đã tự hỏi mình: Tại sao Chúa đã chọn tôi làm kẻ bảo vệ Chúa Cứu Thế và Mẹ của Người? Câu trả lời chắc chắn sẽ là: Vì Chúa thương yêu. Chúa yêu thương tôi, trước khi tôi biết Người. Chúa chọn tôi, mặc dầu tôi bất xứng. Tình yêu của Chúa dành cho tôi làtình yêu nhưng không. Đáp lại tình yêu nhưng không phải là chiêm ngắm tình yêu bao la ấy với tâm tình tạ ơn và tuỳ thuộc phó thác.
Ngài sống tâm tình ấy bằng biến đời mình nên như một của lễ toàn thiêu.
Trái tim sẽ rực lửa tình yêu. Tình yêu thờ phượng. Tình yêu cảm tạ. Tình yêu đền tội. Tình yêu cầu khẩn.
Tấm lòng sẽ vắng bất kỳ ham muốn nào, trừ khao khát được mến yêu và đáp lại tình yêu.
Tâm hồn sẽ không tìm vinh quang nào cho mình, nhưng chỉ tìm vinh quang cho một Chúa mà thôi.
Tất cả con người Thánh Giuse là một Đền Thờ dâng của lễ toàn thiêu. Có Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria cùng dâng lễ với Ngài.
Một tình yêu lớn lao đã ban cho Ngài nhưng không. Ngài chỉ biết đón nhận bằng cách để mình hoà tan vào tình yêu bao la đó. Thiết tưởng đấy là loan báo Tin Mừng một cách rất đơn sơ mà cũng rất sâu sắc.
Mang Tin Mừng là tình yêu Chúa trong lòng, Thánh Giuse luôn toả ra bầu khí bình an và thanh thản, chan chứa yêu thương. Do đó, Ngài là một nhân chứng về tình yêu Chúa bằng chính đời sống thường ngày của Ngài.
3. Một tình yêu nâng đỡ
Khi đến Ai Cập, Thánh Giuse chắc cảm thấy rất rõ trách nhiệm Chúa trao phó cho Ngài là rất nặng nề. Thiếu thốn mọi sự, xa lạ với mọi người. Ngài phải lo cho gia đình được an ổn về mọi mặt. Ngài phấn đấu hết mình.
Phấn đấu của Ngài được nâng đỡ. Nâng đỡ đặc biệt nhất là từ Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Ngay một sự có hai Đấng thân yêu ở bên mình cũng đã là nguồn an ủi vô giá. Hai Đấng chia sẻ cho Ngài niềm tin, lòng cậy trông và lửa mến. Đặc biệt là giúp Ngài tham dự vào chương trình cứu độ loài người bằng cách thực thi thánh ý Chúa Cha trong mọi sự.
Trách nhiệm thánh Giuse phải bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ là hết sức quan trọng. Ngài bảo vệ hai Đấng bằng cuộc sống nghèo âm thầm và lao động. Công việc bảo vệ ấy được chính hai Đấng nâng đỡ bằng cuộc sống tự hạ của các Ngài. Bên hai Đấng, Ngài tỉnh thức lắng nghe ý Chúa. Lòng Ngài vững vàng tựa nương ở Chúa, không bị tác động bởi những dư luận, mưu chước quỷ ma và thế tục. Thánh Giuse sống bên hai Đấng, và sau này đã chết trong tay hai Đấng.
***
Viết tới đây, tôi thầm hỏi Thánh Giuse, xin Ngài cho biết tôi phải bảo vệ Hội Thánh Chúa hiện nay bằng cách nào thích hợp nhất. Ngài soi sáng để tôi thấy rằng: Mỗi người chúng ta hãy biết đón nhận Chúa Giêsu và Đức Mẹ vào lòng mình, và hãy biết bảo vệ hai Đấng ngự trong lòng mình.
Với gợi ý đó, Thánh Giuse cho tôi hiểu: Cảnh nội tâm thiếu vắng Chúa Giêsu và Đức Mẹ chính là một thảm hoạ cần phải sửa, trước khi đề cập đến vấn đề bảo vệ Hội Thánh Chúa. Có Chúa Giêsu và Đức Mẹ trong lòng, chúng ta sẽ biết bảo vệ Hội Thánh bằng những cách mà Chúa muốn.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi