Thảm cảnh của người dân Nhật Bản hiện nay
Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Alberto Bottari de Castello, Sứ Thần Tòa Thánh tại Nhật Bản, về thảm cảnh của người dân Nhật sau tai nạn động đất, sóng thần và nhiễm phóng xạ nguyên tử
Ngày 11-3-2011 trận động đất mạnh tới 8,9 độ theo thước Richter đã gây ra nạn sóng thần tàn phá nhiều thành phố và làng mạc ở mạn bắc đảo Honshu bên Nhật Bản. Vùng bị nặng nhất là thành phố Sendai. Nhật báo ”Yomiuri Shimbun” cho biết các làn sóng cao ít nhất là 23 mét đã ập vào các bờ biển miềm bắc Nhật Bản, cuốn trôi nhiều làng mạc trên một diện tích 400 cây số vuông.
Theo thống kê do cảnh sát Nhật Bản phổ biến ngày 24-3-2011 đã có 9.700 người thiệt mạng và 16.501 người bị mất tích. Nạn động đất và sóng thần lại tàn khốc hơn vì đã khiến cho 1 trong 3 động cơ phản ứng của trung tâm nguyên tử lực Fukushima bị nổ, gây ra cảnh ô nhiễm chất phóng xạ. Ba trăm ngàn người sống trong chu vi 30 cây số chung quanh lò nguyên tử đã được di tản đi nơi khác.
Báo động chất phóng xạ nguyên tử ở độ 5 đã khiến cho nửa triệu người tìm chạy trốn xa chừng nào có thể. Mặc dù nguy cơ bị nhiễm chất phóng xạ rất cao, nhưng 120 nhân viên của trung tâm nguyên tử năng đã lựa chọn ở lại để tìm cách làm nguội lò trở lại.
Ngày 24-3-2011 các chuyên viên nguyên tử năng đã thành công trong việc đem điện tới phòng kiếm soát động cơ phản ứng nguyên tử số 3 và số 1. Họ hy vọng nhờ thế có thể khiến cho hệ thống làm lạnh các động cơ hoạt động trở lại, hầu giảm nguy cơ phóng xạ. Tuy nhiên, bộ trưởng y tế Nhật Bản vẫn khuyến cáo dân chúng đừng ăn rau trái trồng trong vùng Fukushima. Hoa Kỳ và các nước tây âu đã ra lệnh ngưng nhập cảng các sản phẩm nông nghiệp của Nhật Bản. Đã có 3 nhân viên của lò nguyên tử năng được đưa vào nhà thương điều trị vì bị chất phóng xạ nặng.
Cũng ngày 24-3-2011 lần đầu tiên sau trận động đất và sóng thần xa lộ nối liền thủ đô Tokyo với vùng bị nạn được mở trở lại.
Tin tức mới nhất cho biết các chuyên viên đã không thành công trong việc chế ngự động cơ số 2 của lò nguyên tử. Mức phóng xạ đã gia tăng lên độ 6 khiến cho mọi nhân viên phải rời lò nguyên tử. Theo ước tính của Ủy Ban Nguyên Tử Năng Âu châu có lẽ mức nhiễm xạ đã lên tới độ 7, tức bằng vụ nổ lò nguyên tử Chernobyl. Tuy nhiên tại Chernobyl chỉ có 1 động cơ, trong khi lò nguyên tử năng Fukushima có tới 7 động cơ. Tình trạng này khiến cho nhiều nước khác rất lo âu, vì gió có thể khiến cho chất phóng xạ lan sang hàng chục quốc gia khác. Chính quyền Tokyo đã tố cáo ban giới chức lò nguyên tử năng Fukushima là đã ém nhẹm các tin tức chính xác.
Từ khắp nơi trên thế giới các tổ chức Caritas quốc gia đang cùng với Caritas quốc tế phát động chiến dịch quyên góp để hỗ trợ người dân Nhật Bản trong tình trạng khó khăn hiện nay. Ngày 17-3-2011 các Giám Mục Nhật Bản đã nhóm họp tại Tokyo và quyết định thành lập trung tâm yểm trợ giáo phận Sendai, là giáo phận gánh chịu nhiều tàn phá và thiệt hại nhất trong tai nạn động đất và sóng thần vừa qua. Trung tâm này hoạt động liên tục trong 6 tháng tới. Đức Cha Martin Tetsuo Hiraga, Giám Mục giáo phận Sendai, kiêm Giám đốc Caritas Nhật Bản, và linh mục Peter Shiro Komatsu, phó giám đốc Caritas, sẽ đảm trách việc điều hành trung tâm với sự cộng tác của nhiều tu sĩ và giáo dân khác. Cũng có nhiều người thiện nguyện, đặc biệt là giới trẻ sẵn sằng cộng tác với trung tâm.
Trong cuộc họp các Giám Mục Nhật Bản đã trao cho trung tâm 253 ngàn mỹ kim đã nhận được cho tới nay. Linh Mục Komatsu cho biết vì thiếu xăng và vì đường lộ bị chặn nên Caritas gặp rất nhiều khó khăn trong việc tới cứu trợ các vùng khác trong giáo phận. Giáo phận đã liên lạc với các giáo xứ để xin cho người tị nạn trú ngụ. Nhà thờ chính tòa Sendai cũng biến thành nơi tiếp đón các người sống sót. Đức Cha Hiraga đã gửi một sứ điệp trong toàn nước để an ủi các nạn nhân và cám ơn tất cả những ai đã trợ giúp giáo phận Sendai của ngài. Giáo phận Sendai gồm các tỉnh Aomori, Iwate, Miyagi và Fukushima, là những tỉnh ở gần trung tâm vụ đông đất và sóng thần nhất.
Mặt khác, các thừa sai thuộc Hội truyền giáo nước ngoài Milano (PIME) làm việc tại Nhật Bản đã phát động chiến dịch ”Dự án cấp thiết Nhật Bản S116”. Các cha viết: ”Các bạn thân mến, xin cám ơn các bạn đã nhớ tới chúng tôi và cầu nguyện cho chúng tôi. Chúng tôi đều bình an, mặc dù đây là thời gian kinh khủng đối với tất cả mọi người. Trận động đất đã rất là nặng. Các nguy cơ nhiễm phóng xạ vẫn rất cao. Nhưng chúng tôi không có ý định rời Nhật Bản, cả khi tòa đại sứ Italia khuyên chúng tôi làm điều đó. Chúng tôi sẽ xem tình hình như thế nào. Liên quan tới việc quyên góp cứu trợ, chúng tôi đã quyết định đóng góp cho Caritas Nhật và giáo phận Sendai”.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Alberto Bottari de Castello, Sứ Thần Tòa Thánh tại Nhật Bản, về thảm cảnh của người dân Nhật sau tai nạn động đất, sóng thần và nhiễm chất phóng xạ nguyên tử.
Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh, tình hình tại Nhật Bản hiện nay ra sao?
Đáp: Hai tuần đã trôi qua kể từ khi Nhật Bản bị trận động đất nặng, nạn sóng thần và nguy cơ nhiễm chất phóng xạ nguyên tử, từ từ chúng tôi khám phá ra các chiều kích của những gì đã xảy ra và một phần những gì đang xảy ra. Chúng tôi chỉ có thể khâm phục trước các phản ứng của người dân Nhật, đồng thời tìm hiểu năng động của những gì đang xảy ra và thông tin một cách quân bình.
Hỏi: Thưa Đức Cha De Castello, riêng Đức cha thì Đức cha lượng định tình hình như thế nào?
Đáp: Tôi đã ở trong Tòa Sứ Thần tại Tokyo và tôi đã trông thấy cảnh tượng động đất kinh khủng khiến cho chúng tôi rất âu lo. Thế rồi khi thấy thủ đô Tokyo tương đối không bị thiệt hại nặng bởi trận động đất, chúng tôi lại nghĩ ngay đến nạn sóng thần với các hậu qủa tàn phá rất trầm trọng. Thế rồi không lâu sau là nguy cơ bị nhiễm chất phóng xạ nguyên tử. Tất cả đã khiến cho chúng tôi bị chấn động rất nhiều, nhưng đã không ngăn cản chúng tôi phản ứng với tất cả sự sáng suốt.
Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần, nhân dân Nhật đã phản ứng ra sao trước các thảm họa và tình trạng cấp bách này?
Đáp: Nhân dân Nhật đã phản ứng với khả năng tổ chức nổi tiếng của họ trong bối cảnh của một biến cố vượt qúa mọi sự chờ đợi và mọi dự kiến. Chúng ta cũng phải để ý là người ta vẫn chờ đợi đợt động đất khác thêm vào các vấn đề vốn đã rất nghiêm trọng. Cần phải nhìn tương lai với lòng hy vọng. Hiện nay thiếu điện, các chuyến xe lửa đã bị giảm bớt, và việc truyền thông gặp khó khăn. Các bài tường trình đến từ các vùng bị nạn kể lại các tình trạng đau đớn của những người sống sót bị chết vì lạnh và đói khát. Chúng tôi đang đứng trước một thực tại chưa từng thấy, và Nhật Bản đang khám phá ra các giới hạn của mình.
Hỏi: Như thế toàn nước Nhật Bản đã có thái độ như thế nào?
Đáp: Nhật Bản muốn làm mọi sự với các thời gian và cách thức nào đó, nhưng điều này hiện không thể thực hiện được. Tuy nhiên, thái độ và cung cách phản ứng của người dân Nhật Bản, và các người đang găp khổ đau nặng nề rất đáng khâm phục và ca ngợi. Họ cảm thấy được an ủi và khích lệ rất nhiều bởi sứ điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, và sứ điệp này được phổ biến khắp nơi.
Đã có khoảng 200.000 người tị nạn tới Tokyo, từ những vùng bị giải tỏa. Chính quyền, Giáo Hội Công Giáo địa phương và Giáo Hội hoàn vũ đang nỗ lực trợ giúp họ. Trước một tình trạng nghiêm trọng chưa từng thấy như vậy, khó mà có thể thờ ơ trước các hàng tít lớn của báo chí yêu sách giải thích thực tại mà không hiểu thực tại đó một cách đúng đắn. Tuy nhiên tình trạng này đã không bẻ gẫy được ý chí của dân tộc Nhật Bản.
Hỏi: Giáo Hội đã gần gũi các nạn nhân và người tị nạn như thế nào thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh?
Đáp: Giáo Hội đang làm những gì có thể để trợ giúp các nạn nhân. Tôi liên lạc với các Giám Mục địa phương và Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản. Tôi biết Giáo Hội đã rất sẵn sàng và mau chóng tham dự vào công tác quyên góp cứu trợ và chia sẻ thảm cảnh của các nạn nhân. Hiện nay Giáo Hội và tổ chức Caritas đã thành lập một trung tâm phối hợp trợ giúp trong tỉnh Sendai là trung tâm bị động đất và sóng thần nặng nhất. Ngày 24-3-2011 các Giám Mục Nhật Bản nhóm họp tại Tokyo để đưa ra các đường nét cụ thể cho việc cứu trợ. Cả trên bình diện tinh thần cần phải làm sao để cho các nạn nhân cảm nhận được sức mạnh của tình liên đới và hướng sự săn sóc tới các nạn nhân một cách sâu xa hơn. Sự gần gũi là cách thức giảng dậy bằng con tim. Có nhiều khi chính các cử chỉ yêu thương bác ái đó khiến cho người ta theo Kitô giáo, đặc biệt trong bối cảnh của Nhật Bản.
(Avvenire 22-3-2011; 19.20.22.23-3-2011; ASIANEWS 22.24-3-2011)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô