Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXV Thường niên năm B

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXV Thường niên năm B

25th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Wisdom 2:12,17-20 II: James 3:16-4:3
Chúa Nhật 25 Thường Niên
Bài Đọc I: Khôn ngoan 2:12,17-20 II: Giacôbê 3:16-4:3

-------o0o------

Gospel
Mark 9:30-37

30 They went on from there and passed through Galilee. And he would not have any one know it;
31 for he was teaching his disciples, saying to them, "The Son of man will be delivered into the hands of men, and they will kill him; and when he is killed, after three days he will rise."
32 But they did not understand the saying, and they were afraid to ask him.
33 And they came to Caper'na-um; and when he was in the house he asked them, "What were you discussing on the way?"

34 But they were silent; for on the way they had discussed with one another who was the greatest.
35 And he sat down and called the twelve; and he said to them, "If any one would be first, he must be last of all and servant of all."

36 And he took a child, and put him in the midst of them; and taking him in his arms, he said to them,
37 "Whoever receives one such child in my name receives me; and whoever receives me, receives not me but him who sent me."

Phúc Âm
Máccô 9: 30-37

30 Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn có ai biết,
31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại."
32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
33 Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?"
34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.
35 Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người."
36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói
37 "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy".

Interesting Details
• For the second time, Jesus predicts his coming death and resurrection. "But they did not understand "(v. 32). Is this due to a lack of comprehension or a subconscious fear of suffering?
• (v.34) The disciples sensed that their discussion of who was the greatest was improper and incorrect, yet they did it out of Jesus' earshot (or so they thought). What criterion could have been used by them in spite of Jesus' teaching?
• (v.35) The other Gospels also highlight the teaching of Jesus regarding humble service, for example Luke 22:26. But most illustriously, John 13:1-20 has Jesus go down on his knees and wash his disciples' feet, to give them an example.
• (v.37) A child, a symbolic description of the least noticed, heard, seen, respected face in a crowd ("the least of them") carries a dignity beyond appearance. It is the dignity of the presence of Jesus within him.

Chi Tiết Hay
• Đây là lần thứ hai Đức Giêsu tiên đoán về cái chết và sự sống lại của Ngài. "Nhưng họ đã không hiểu lời ấy" (c.32). Họ không hiểu vì thiếu hiểu biết, hay không muốn hiểu vì sợ đau khổ?
• (c.34) Các môn đệ đã nhận thấy được cuộc tranh luận "Ai lớn hơn ai" là không tốt. Bởi thế họ đã làm thinh khi Đức Giêsu hỏi: "Các ngươi đã tranh luận gì với nhau?". Các bạn có đoán được họ đã dùng yếu tố gì để so sánh xem "ai lớn hơn ai": tài giảng thuyết, tài làm phép lạ, công làm các việc thiện ...
• (c.35) Các Phúc Âm đều có nói đến đức tính khiêm nhường mà Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ, thí dụ như Luca 22:26. Nhưng cụ thể hơn, trong Phúc Âm Gioan, Đức Giêsu đã dạy bằng cách cúi xuống mà rửa chân cho môn đệ của mình (Gioan 13:1-20).
• (c.37) Một đứa trẻ tượng trưng cho người thấp hèn nhất trong xã hội. Thế nhưng, Thiên Chúa hiện diện trong người ấy.

One Main Point
The time for His Passion is near. Jesus dedicates whatever time left to teach his apostles. He again predicts his death and resurrection. He instructs his students on the need for humility when serving each other. He raises the dignity of all those whom the apostles shall serve.

Một Điểm Chính
Thời điểm của cuộc khổ nạn đã gần kề, Đức Giêsu muốn dành thời gian còn lại để dạy dỗ các môn đệ. Ngài tiên đoán cái chết và sự sống lại của Ngài, dạy về sự khiêm nhường phải có khi làm các việc tông đồ, và Chúa nâng cao nhân phẩm của tất cả những kẻ cần sự trợ giúp, kể cả những đứa trẻ.

Reflections
1. Foretold that the path of discipleship is suffering, how fearful am I? What form of suffering am I most fearful of?
2. In my following Jesus, have I wanted to be first instead of last? What rewards do I look for in return for my service?
3. Who are "the children" in my eyes? Are they the uneducated, the poor immigrants who "drain our resources ," the immoral - low-in-spirit, the sinners, etc.? How do I recognize them in my midst? How do I receive them?

Suy Niệm
1. Đức Giêsu đã cho tôi biết trước con đường theo Ngài là con đường có nhiều đau khổ. Sự đau khổ nào làm cho tôi sợ nhất : tài chánh, sức khỏe, hay tình cảm ...?
2. Trên đường theo Chúa, có lần nào tôi muốn là kẻ trước nhất thay vì là kẻ sau hết? Tôi có muốn được trả công mỗi khi tôi làm các việc tông đồ không?
3. Ai là những "đứa trẻ" trong cái nhìn của tôi? Có phải là những người thiếu học, những người tội lỗi? Làm sao tôi nhận ra họ? Và tôi tiếp đón họ như thế nào?

Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN - B
Lời Chúa: Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37

MỤC LỤC

1. Đầy tớ của mọi người
2. Phục vụ
3. Nền văn minh mới – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
4. Phục vụ mọi người
5. Suy niệm của Jean-Pierre Camerelain
6. Hãy nhận biết giá trị nguồn mạch của chúng ta
7. Phục vụ cách không ham lợi
8. Người lớn nhất?
9. Đầy tớ của mọi người - Gm. Arthur Tonne
10. Suy niệm của Noel Quesson
11. Muốn làm đầu thì phải phục vụ trong khiêm hạ
12. Phục vụ
13. Khiêm tốn
14. Phục vụ
15. Đường lối Chúa
16. Đầy tớ
17. Tính ganh ghét
18. Giá trị
19. Suy niệm của JKN
20. Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux
21. Chú giải của Noel Quesson
22. Chú giải của Fiches Dominicales

----------o0o--------

1. Đầy tớ của mọi người

Bác sĩ Mayo là người đã xây dựng một bệnh viện nổi tiếng trên thế giới tại bang Minnesota. Ngày kia có một đoàn chuyên viên từ Âu châu đến thăm. Và theo tập tục ở đó, thì ban tối, trước khi đi ngủ, khách sẽ để giày của mình ở ngoài cửa phòng và sẽ có người đến lấy để đánh bóng. Bác sĩ Mayo là người về sau cùng khi đêm đã khuya. Ông thấy các đôi giày để ở ngoài của phòng, nhưng ngần ngại không muốn đánh thức các người giúp việc. Ông thở dài rồi đem các đôi giày xuống bếp và tự tay ông, thức đến quá nửa đêm để đánh bóng những đôi giày của khách.

Câu chuyện trên làm cho chúng ta nhớ tới lời Chúa qua đoạn Tin Mừng sáng nay: Nếu ai muốn làm lớn, thì phải trở nên kẻ rốt hết. Cũng như các tông đồ, chúng ta thường hay tranh luận xem ai trong chúng ta là người lớn nhất. Và Chúa Giêsu đã trả lời: Người lớn nhất phải làm đầy tớ cho mọi người. Chính Chúa Giêsu đã làm gương trước cho chúng ta. Ngài phán: Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Và rồi trong bữa Tiệc ly, Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Ngài phán: Các con gọi Ta là Chúa và là Thầy thì phải lắm. Nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.

Vậy chúng ta phải làm gì để noi theo mẫu gương của Ngài về vấn đề phục vụ? Chúng ta đã giúp đỡ những người anh em như thế nào? Chúng ta đối xử với những người đã làm ơn cho chúng ta ra làm sao? Và thế nào là một người đầy tớ? Tôi xin thưa đó là một người được mướn để làm việc, đặc biệt là những việc trong nhà. Và theo một ý nghĩa rộng rãi hơn, thì người đầy tớ là một người hăng hái nhiệt tình với người khác bằng một mục đích, một niềm tin. Và phục vụ có nghĩa là làm một việc để giúp đỡ hay đem lại lợi ích cho người khác.

Trong chiều hướng đó thì tất cả chúng ta đều được mời gọi để trở nên những tôi tớ. Chẳng hạn: người mẹ trong gia đình thực sự là đầy tớ cho cả nhà, bởi vì mỗi chức vụ đều có những cơ may để phục vụ. Điều quan trọng là chúng ta đã thực hiện được tinh thần tôi tớ ấy hay chưa.

Đức Giáo Hoàng người đứng đầu Giáo Hội công giáo, nắm giữ một địa vị quan trọng nhất trên thế giới, thế mà ngài vẫn tự nhận cho mình là “servus servorum”, tôi tớ của các tôi tớ.

Để kết luận, chúng ta hãy đánh giá cao việc phục vụ của những người chung quanh chúng ta, chẳng hạn như người bán hàng, người hốt rác, người giảng dạy. Đồng thời trong giây phút này, chúng ta hãy phục vụ Thiên Chúa bằng việc dâng thánh lễ, như một đỉnh cao của tinh thần phục vụ. Rồi khi trở về với cuộc sống, chúng ta hãy biến cuộc sống trở thành một thánh lễ nối dài bằng chính tinh thần phục vụ của mình. Mỗi người chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem: Trong hoàn cảnh của tôi, tôi phải làm những gì để phục vụ và giúp đỡ những người anh em của tôi.

2. Phục vụ

Ai muốn làm lớn, hãy trở nên như tôi tớ cho mọi người. Như chúng ta đã biết, thánh Phanxicô Salêsiô là một giám mục nổi tiếng. Ngài có một người giúp việc, và người giúp việc này lại mắc phải cái tật nghiện rượu. Buổi tối khi công việc đã xong, anh thường hay xuống phố cùng với mấy người bạn nhậu lai rai nơi quán cóc. Lần kia, anh ta nhậu ngoắc cần câu luôn, về tới nhà thì trời đã khuya. Vì xỉn, anh ta không biết lối vào nhà, thế là anh ta liền nằm trước cửa tòa giám mục mà ngủ. Lúc bấy giờ thánh Phanxicô Salêsiô vẫn còn thức, nghe tiếng động, ngài liền ra mở cửa và khi nhận ra anh giúp việc, ngài bèn bồng anh ta, đặt vào giường của mình để anh được nằm ngủ.

Buổi sáng thức dậy, anh giúp việc thấy mình nằm trong phòng của Đức giám mục, bèn nhớ tới bữa nhậu tối hôm trước và thế là anh vội quì xuống xin Đức giám mục tha thứ. Và cũng kể từ đó anh chừa bỏ được cái tật xuống phố nhậu lai rai với bè bạn nơi quán cóc.

Qua câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy thái độ cư xử của thánh Phanxicô Salêsiô thật là đẹp đẽ. Là một vị giám mục nổi tiếng, thế mà ngài không ngần ngại cúi xuống, bồng ẵm người đầy tớ đang xỉn rượu, lại còn đem về phòng, đặt trên giường của mình cho người đầy tớ ấy được yên giấc. Còn mình thì phải đi tìm chỗ khác.

Thái độ ân cần ấy gợi lại cho chúng ta hình ảnh một người Samaria nhân từ trong Phúc âm, đồng thời cũng nhắc nhở cho chúng ta nhớ tới lời Chúa truyền dạy: Ai muốn làm lớn, hãy trở nên như tôi tớ cho mọi người.

Chính Chúa Giêsu cũng đã làm gương trước cho các môn đệ cũng như cho mỗi người chúng ta bắt chước, khi quì xuống rửa chân cho các ông trong buổi tối ngày Thứ năm Tuần thánh. Rồi Ngài cũng đã tâm sự với các ông: Nếu Ta là Chúa và là Thày mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.

Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy người ta nhắc tới khẩu hiệu sau đây: Mình vì mọi người. Thế nhưng, rất ít người đã thực hiện được khẩu hiệu ấy. Đáng lẽ ra mình phải vì mọi người, thì họ lại muốn mọi người phải vì mình, có nghĩa là họ muốn mọi người phải để ý đến họ, mọi người phải ca tụng họ, mọi người phải nâng đỡ họ, mọi người phải phục vụ họ, mọi người phải đem lại lợi ích cho họ.

Cách sống trên hoàn toàn trái ngược với mẫu gương của Chúa: Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực hiện điều Chúa truyền dạy đó là dấn thân để phục vụ và giúp đỡ người khác hay chưa?

3. Nền văn minh mới – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Vào năm 2000, hàng tỷ người trên thế giới say mê theo dõi những cuộc tranh tài giữa các vận động viên hàng đầu của hành tinh trong Đại hội Olympic Sydney. Điểm đặc biệt của Olympic cuối cùng của thiên niên kỷ này là có sự tham dự của các vận động viên phụ nữ. Đây là một điểm son không của riêng Olympic mà của cả nhân loại. Điều đó chứng tỏ phụ nữ đang được trân trọng. Càng ngày vị trí của người phụ nữ càng được nâng cao. Nữ giới đang đi vào bình đẳng với nam giới trên hầu hết mọi lãnh vực. Thế giới đang đi vào một nền văn minh mới mà Đức Giêsu tha thiết truyền dạy cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.

Thời xa xưa, khi còn sống hoang dã, con người ta đối xử với nhau thật tàn nhẫn. Người ta tranh giành thực phẩm. Người ta tranh chấp đất đai. Tất cả đều theo định luật cạnh tranh sinh tồn. Trong cuộc cạnh tranh thì dĩ nhiên mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé.

Khi con người đã biết tổ chức thành xã hội, sự cạnh tranh được định chế hóa trong giai cấp, quyền chức. Người có quyền có chức bao giờ cũng được lợi. Người dân đen thấp cổ bé miệng bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi. Người nghèo không được có tiếng nói. Chính vì thế, ai cũng cố gắng vượt lên trên người khác hoặc bằng tiền bạc hoặc bằng chức quyền. Ai cũng muốn làm người đứng đầu. Ai cũng muốn làm lớn. Vì thế luôn luôn có sự cạnh tranh ngôi thứ. Trong cuộc cạnh tranh, người ta nhìn nhau như đối thủ cần phải chà đạp, cần phải loại trừ.

Hôm nay, khi thấy các môn đệ có dấu hiệu ham hố chức quyền, cạnh tranh ngôi thứ, Đức Giêsu đã nhân cơ hội dạy cho các ông biết tinh thần mới mà người môn đệ trong Nước Thiên Chúa phải có. Đó là: “Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”.

Đây thật là một cuộc cách mạng. Vị trí trong xã hội bị đảo lộn. Người đứng đầu không còn phải để ra lệnh, nhưng để phục vụ. Người làm lớn không còn ăn trên ngồi trốc, nhưng chọn chỗ hèn mọn nhất. Người bé nhỏ nhất trở nên người lớn nhất. Người yếu đuối nhất trở nên người được trọng vọng nhất.

Đây là một cuộc cách mạng không đổ máu. Vì người đứng đầu trở thành người phục vụ không phải vì ép buộc nhưng do tự nguyện. Vì người làm lớn xuống chỗ hèn mọn nhất không buồn sầu nhưng trong niềm vui. Thế giới biến đổi không do những đấu tranh giành quyền lợi, nhưng do người có quyền tự nguyện từ bỏ đặc quyền đặc lợi.

Với lời dạy dỗ ấy, Đức Giêsu đã mở ra một nền văn minh mới. Trong nền văn minh mới này, người ta không còn nhìn nhau như những đối thủ phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh. Người ta nhìn nhau như những người anh em phải yêu thương nâng đỡ. Sẽ không còn tranh giành. Sẽ không còn xâu xé, chà đạp nhau. Sẽ chỉ có yêu thương. Sẽ chỉ có quan tâm nâng đỡ. Người mạnh sẽ quan tâm dắt dìu người yếu. Người lớn sẽ cúi xuống bồng bế người bé. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể.

Để làm gương cho ta, chính Đức Giêsu đã tự hạ mình trước. Là Thiên Chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Là Đấng cầm quyền, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời. Là thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là người lãnh đạo, nhưng Đức Giêsu không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại.

Người đã hóa thân làm một con người bé nhỏ, nghèo túng, hèn yếu nhất. Để từ nay, ai đón tiếp một người bé nhỏ nhất là đón tiếp chính Người. Ai giúp đỡ một người yếu hèn nhất là giúp đỡ chính Người. Ai yêu mến một người nghèo túng nhất là yêu mến chính Người.

Với sự hạ mình của Người, số phận con người từ nay thay đổi tận gốc rễ. Người bé nhỏ trở thành đối tượng được quan tâm phục vụ. Người yếu đuối được nâng niu chăm sóc. Người nghèo hèn được kính trọng yêu thương. Vì họ đã trở thành hình ảnh của chính Thiên Chúa.

Từ nay, nhân loại đi vào một nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương. Nhân loại không còn tranh chấp nhau, nhưng trở nên anh em đoàn kết thương yêu nhau. Sức khỏe, của cải, chức quyền không phải là những phương tiện để chà đạp, nhưng là những phương tiện phục vụ. Lãnh đạo không còn là một quyền lợi, nhưng trở thành một nhiệm vụ nặng nề vì phải quan tâm phục vụ mọi người.

Suy gẫm Lời Chúa dạy hôm nay hẳn phải khiến ta giật mình lo lắng. Không những ta không đi vào con đường Chúa đã vạch ra, mà rất nhiều khi còn chống lại Lời Chúa dạy bảo. Ta vẫn nuôi những tham vọng thống trị người khác. Ta vẫn muốn chiếm giữ những địa vị quan trọng. Ta vẫn coi thường những người bé nhỏ, hèn yếu. Ta đang đi ngược trở lại thời tiền sử. Ta đang đi ngược lại con đường Chúa đã đi.

Hôm nay Chúa mời gọi ta hãy trở lại con đường của Chúa. Hãy tự nguyện trở thành người bé nhỏ khiêm nhường. Hãy biết nâng dậy những số phận hẩm hiu. Hãy biết kính trọng những mảnh đời nghiệt ngã. Hãy góp phần xây dựng nền văn minh mới, trong đó những người yếu đuối như phụ nữ và trẻ em được quan tâm và được kính trọng.

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Ngày nay, trẻ em phụ nữ, những người bệnh tật được quan tâm hơn ngày xưa. Bạn có thấy đó là dấu hiệu Lời Chúa dạy đang được thực hiện không?
2) Tại sao Chúa Giêsu sinh làm một người bé nhỏ, nghèo hèn?
3) Tại sao con người không nên tranh chấp nhau nhưng phải yêu thương phục vụ nhau?

4. Phục vụ mọi người (Trích trong ‘Manna’)

Các kỷ lục thế giới cứ được nâng cao hoài, vì ai cũng muốn phá kỷ lục để được đứng nhất: chạy nhanh nhất, nhảy cao nhất, ném xa nhất... Các đĩa nhạc chỉ muốn nằm mãi trong top-ten. Các cuốn sách chỉ muốn là sách bán chạy nhất.

Đẹp nhất, giỏi nhất, giàu nhất, thế lực nhất... Cuộc sống quả là một cuộc tranh đua không ngừng.

Các nhà tâm lý học coi những tranh đua đó là cần thiết để hình thành nhân cách. Các nhà xã hội học coi những tranh đua đó là cần thiết cho sự tiến bộ của xã hội.

Tiếc thay, lắm khi người ta đã dùng bao mưu mô để đạt được và giữ được vị trí hàng đầu. Đôping trong thể thao chỉ là một thí dụ nhỏ.

Ngay trong Nhóm Mười Hai cũng có tranh chấp.

Sau khi Đức Giêsu loan báo con đường hẹp của khổ đau, các môn đệ vẫn chưa ra khỏi được con đường của mình. Đang lúc đi đường mà các ông cũng cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm. Đức Giêsu tế nhị đợi về tới nhà mới hỏi như thể Ngài không biết rõ đầu đuôi. Các môn đệ làm thinh không trả lời. Đức Giêsu tôn trọng khoảnh khắc lặng lẽ cần thiết ấy để mỗi người trở về với bao thèm khát của lòng mình, đối diện với bao tham vọng đang sôi sục. Đức Giêsu ngồi xuống thư thái như một vị thầy. Ngài chẳng nặng lời với các nhà lãnh đạo Hội Thánh tương lai. Ngài dạy cho họ con đường trở nên lớn lao thực sự:

"Nếu ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người đứng cuối mọi người và phục vụ mọi người."

Đức Giêsu đưa ra một cuộc cách mạng về quan điểm. Người lớn nhất, người đứng đầu không phải là người dùng quyền để lãnh đạo chỉ huy từ trên cao, nhưng là người đến trước mọi người và về sau mọi người, để phục vụ.

Khi phục vụ vô vị lợi, tôi được thực sự lớn lên trước mặt Thiên Chúa, trước mặt anh em.

Người lớn nhất là người phục vụ hết mình nhất.

Chức vụ, chức vị, chức tước, chức quyền đều không phải là điều xấu, nếu chúng được dùng như phương tiện để phục vụ.

Nếu người đứng đầu lại phải sống như người đứng cuối, thì còn ai muốn đứng đầu nữa không?

Thế giới hôm nay rất cần những người muốn đứng đầu theo kiểu Đức Giêsu, nghĩa là trong phục vụ khiêm hạ.

Ai trong chúng ta cũng có chút ít quyền hành, cũng là người đứng đầu một tập thể nho nhỏ. Ước gì chúng ta không để mình bị hư hỏng vì quyền hành, nhưng biết dùng quyền hành để đem lại hạnh phúc cho tha nhân.

Gợi Ý Chia Sẻ
• Cái chết của Mẹ Têrêxa Calcutta, một nữ tu âm thầm phục vụ, đã làm cả thế giới thương tiếc. Bạn thấy đời Mẹ Têrêxa có gần gũi với bài Tin Mừng hôm nay không?
• Có khi nào bạn nghe người ta cãi nhau không? Thường cãi về vấn đề gì? Tại sao các cuộc tranh cãi thường chẳng đi tới đâu và lắm khi gây đổ vỡ?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa hôm nay và hàng ngày, nơi khuôn mặt khốn khổ của tất cả những người bị thử thách: những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn, nhưng vì thiếu Lời Chúa; những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước, nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương; những kẻ vô gia cư, không chỉ tìm kiếm một mái nhà, nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương; những kẻ bệnh hoạn và hấp hối, không chỉ trong thân xác, nhưng còn trong tinh thần nữa, bằng cách thực thi lời hy vọng này: "Điều mà ngươi làm cho người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính Ta".

5. Suy niệm của Jean-Pierre Camerelain

“Những Kitô Hữu Này Thật Là Điên”

Ở mọi thời, những chứng nhân đích thực của Thiên Chúa đều bị coi là điên. Người ta đã chế giễu, bách hại, đôi khi giết họ nữa. Chính Chúa Giêsu đã trải qua một kinh nghiệm như thế. Nhưng sự sống đã tuôn trào từ sự điên rồ kia.

Ngày xưa có một cộng đoàn Do Thái thiểu số nhưng sốt sắng. Người ta có khuynh hướng khinh dể cộng đoàn này. Những cách hành xử của họ, niềm tin của họ làm cho thành phố Alexandria nơi họ sống, phải ngạc nhiên. Các thành viên của cộng đoàn này ngưng làm việc ngày thứ bảy, tụ họp lại xung quanh những cuộn giấy cũ được cất giữ cẩn thận từ nhiều thế kỷ, kiêng ăn thịt heo. Để nâng đỡ cộng đoàn này, một trong những thành viên của cộng đoàn đã viết một quyển sách rất hay. Một quyển sách gọi là Khôn Ngoan trong đó tác giả nhắc lại cho những kẻ cùng tôn giáo với mình rằng người công chính bao giờ cũng bị bách hại, nhưng Thiên Chúa chẳng khi nào bỏ rơi họ. Tác giả nhắc lại những vị anh hùng của lịch sử dân tộc đã chịu một số phận như thế. Chính từ quyển sách này mà hôm nay chúng ta đã nghe một đoạn trích. Tại sao những người công chính lại bị kẻ khác bách hại như thế? Bài đọc hai trích thư thánh Giacôbê sẽ trả lời cho chúng ta.

Sự ghen tương muôn thuở.

Có hai con đường cho nhân loại: Con đường dễ dãi, tìm kiếm của cải để thỏa mãn bản năng của mình, và con đường của sự khôn ngoan, chính trực, hòa bình. Bao giờ cũng sẽ có một sự tranh chấp giữa những kẻ chọn con đường này và những kẻ dấn thân vào con đường kia, giữa những kẻ tìm kiếm quyền uy, sở hữu của cải vật chất, và những người sống theo tinh thần hòa bình, khoan dung, thông cảm. Vào thế kỷ thứ I, kỷ nguyên chúng ta (lúc thánh Giacôbê viết thư của người) cũng như cũng như vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên (thời đại của sách Khôn Ngoan), đã có sự tranh chấp này rồi, vậy ta không nên ngạc nhiên khi thấy nó xuất hiện vào thời Chúa Giêsu hoặc cả thời đại chúng ta nữa!

Ông Giêsu này thật là điên!

Chính Chúa Giêsu cũng bị coi là điên. Một người tự xưng là phát ngôn viên của Thiên Chúa và bị các ký lục và biệt phái thù ghét, đã tự cho mình được tự do đối với luật sabat và nhiều tập tục thiết thân đối với những người đạo đức của dân Ngài, điều này không thể chấp nhận được. Chúa Giêsu biết mình bị thù ghét. Lúc đó Ngài bắt đầu nói về những nỗi đau khổ mà Ngài sắp phải chịu về việc Ngài bị các nhà chức trách của dân tộc ruồng bỏ và thậm chí về cái chết của Ngài nữa. Phêrô không thể chấp nhận được những chuyện như thế. Nhưng khi ông trách móc Ngài thì Chúa Giêsu đã vạch mặt Satan là kẻ ẩn nấp trong sự can thiệp của Phêrô. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn nói với các môn đệ là chính các ông nữa cũng sẽ phải chịu một số phận như Ngài!

Bước theo Chúa Giêsu trong việc tử đạo của cái thường nhật.

Vác thập giá của mình không chỉ “vào giờ chết” mà thôi nhưng “ngay từ bây giờ”. Trong cái “ngay bây giờ” của những mối tương quan giữa con người với nhau. Không những dấn thân vì chính nghĩa lớn lao như việc cứu rỗi thế giới hoặc phát huy nhân phẩm, nhưng sống hằng ngày với việc mang niềm vui đến cho những kẻ vì đau khổ mà trở nên gắt gỏng với những người chung quanh, nâng đỡ những người thiếu tình yêu thương, giúp những kẻ bị ruồng rẫy, bị bỏ rơi tìm lại được phẩm giá của họ.

Trở thành đầy tớ của những kẻ bé mọn nhất như Chúa Giêsu đã làm dù có nguy cơ sẽ không được những kẻ đương thời hiểu. Làm sao chúng ta có thể là môn đệ Chúa Giêsu nếu chúng ta chỉ đón tiếp những ai suy nghĩ như chúng ta, những kẻ “trong tình trạng hợp lệ”, những kẻ đã thuộc lòng tất cả bộ kinh tin kính hoặc đã tham dự tất cả những buổi họp được yêu cầu để chuẩn bị các bí tích? Chúng ta có hiểu rằng khi đã chấp nhận làm đầy tớ thì phải bỏ đi não trạng làm thầy, dù là thầy dạy suy tư chăng?

Khiêm tốn thật.

Có lẽ đó là khiêm tốn thật. Nhìn nhận rằng dù có đạo từ lâu, thậm chí còn dấn thân trong Giáo Hội nữa, với tất cả lòng thành, ta vẫn còn phải khám phá nơi kẻ bé mọn nhất một cái gì đó phát xuất từ Thiên Chúa. Phải tìm lại cho mình thái độ của đứa trẻ luôn luôn có khả năng ngưỡng mộ trước những con người và sự vật.

Trẻ con ngược hẳn với kẻ chán chường, kẻ biết mọi sự, kẻ đã thấy mọi sự. Trẻ con là kẻ, dù cao niên, vẫn biết thán phục, cởi mở đối với Thánh Linh, Đấng muốn thổi đâu thì thổi và thường gây phiền hà cho chúng ta.

Không phải vô cớ mà Chúa Giêsu đưa một trẻ nhỏ làm gương mẫu cho các tông đồ của Ngài, khi Ngài đòi các ông phải phục vụ theo hình ảnh của trẻ thơ. Ngài muốn các ông trở thành như trẻ nhỏ, có khả năng đón nhận không hậu ý, không nhỏ nhen, không tìm lợi lộc cho riêng mình. Đó là sự cao cả thật sự mà Chúa Giêsu muốn cho những kẻ thuộc về Ngài: sự cao cả của lòng khiêm tốn, sự cao cả của tinh thần phục vụ.

Thánh Phaolô nói: Dù là Con, Chúa Giêsu đã không sợ hạ mình mang thân phận người phàm, Ngài đã khiêm tốn thẳm sâu đến nỗi để cho mình bị kẻ khác ruồng bỏ và chết trên cây thập giá. Tuy nhiên, nhờ vậy mà Ngài đã Phục Sinh và sống muôn đời. Có thể nào khác hơn được đối với các môn đệ của Ngài chăng?

6. Hãy nhận biết giá trị nguồn mạch của chúng ta (Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)

Tôi giả thiết rằng tất cả chúng ta đều thích thú với khoảnh khắc khi một người nào đó trong chúng ta nói một điều gì mà chủ ý không muốn cho người khác nghe. Điều đó xảy ra với các môn đệ một ngày kia trong khi có sư hiện diện của Chúa Giêsu. Đó là Giuđa đã nói với các bạn đồng hành của mình: “Tôi thì muốn ốm và mệt mỏi với sự thánh thiện của Người hơn là thái độ của các anh”. Không! Đó là một cuộc tranh luận đã xảy ra giữa các tông đồ. Họ đã tranh luận ai là người quan trọng nhất. Ngay tức khắc họ nhận ra điều cãi cọ của họ đã trở thành lố bịch khi Chúa Giêsu hỏi họ đang tranh luận điều gì thế, họ liền im lặng.

Điều đang kinh ngạc nơi cuộc tranh luận của họ là Chúa Giêsu đã dạy họ Ngài sẽ bị nộp cho những người kết án tử Ngài. Như một tôi tớ của Cha, Người sẵn lòng trải qua cái chết và để đối đầu với những kẻ chỉ nghĩ rằng phải nổi dậy với sự xuất chúng và quyền năng. Ngài nói với các môn đồ: “Bất cứ ai muốn ngồi chỗ nhất phải trở nên người rốt hết trong tất cả mọi người và là tôi tớ của mọi người”.

Các môn đệ đã không thể hiểu được những lời của Chúa Giêsu, điều đó không có gì ngạc nhiên. Những giá trị của Thiên Chúa thì quá cao xa đối với những tiêu chuẩn mà con người có thể nghĩ đến. Chúa Giêsu đã đưa ra một thí dụ mà Ngài rất thích thú. Trong một cảnh cảm động, Ngài kéo một đứa trẻ vào lòng, dùng tay quàng lấy đứa trẻ và nói: “Bất cứ ai tiếp đón đứa trẻ này vì Ta là tiếp đón Ta”. Đứa trẻ là gương mẫu sống động của sự khiêm tốn và đơn sơ mà chúng ta được kêu gọi để thực hành điều đó. Đó là lứa tuổi mà sự khiêm nhường và đơn sơ dẫn dắt hầu hết những trẻ nhỏ. Thường ở tuổi này chúng chưa được đến trường, chưa bước vào thế giới cạnh tranh. Sự thật đáng buồn là ở nơi các trường học những trẻ đã mất đi sự tin tưởng ở chính mình. Chúng trông đợi sự nuông chiều, được học một lớp tốt, có lẽ một đứa con gái nhỏ sẽ nghe: “Vì sao con lại muốn trở nên giống bạn con?”. Sự cạnh tranh làm cho nó nghi ngờ chính mình. Một cậu trai chơi cho đội thiếu nhi League, cậu chỉ được ngồi ở ghế dự bị, trên đường về nhà ngoài sự im lặng chỉ còn vang lên tiếng nức nở của cậu bé, cậu ta hoàn toàn thất vọng, tâm trí của cậu ta thì đầy những nghi ngờ, đứa trẻ này nghĩ rằng giá trị của nó thì tùy thuộc vào thành công nhưng những cha mẹ tốt yêu con cái mình không phải vì chúng có gì hay vì những gì mà chúng đã hoàn thành.

Một trong các tông đồ là thánh Giacôbê dần dần đã học được bài học này về sự quan trọng của khiêm nhường, thánh nhân đã viết trong thư của ngài, bất cứ ở đâu có ganh tỵ và tranh chấp, cãi cọ thì ở đó bất ổn và có đủ mọi loại cư xử xấu. Ngài tiếp tục nói về sự cãi cọ và xung đột sẽ đến từ những thèm muốn bên trong. Những khao khát bên trong là những ước muốn đầu tiên trở nên tốt hơn những người khác, trở nên nhất hay thuộc loại “Top Ten”.

Có nhiều người trưởng thành cũng có những khao khát này, họ nghĩ rằng giá trị của họ tùy thuộc vào sự thành công của họ. Có lẽ đó là lý do vì sao họ muốn được nhìn và cảm thấy mình quan trọng. Dĩ nhiên nếu bạn muốn đứng đầu, muốn có một công việc tốt hoặc là được trả lương nhiều bạn phải tỏ ra hoặc chấp nhận một sự cạnh tranh. Bạn phải chứng minh chính mình và sẽ phải làm tốt hơn những người khác.

Bất cứ trong trường hợp nào của sự cạnh tranh, chúng ta phải dám “ăn to nói lớn”, chúng ta cần nhận biết hệ thống những giá trị của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhớ rằng, chúng ta là những đứa trẻ, là con cái của Người Cha hoàn thiện ở trên trời, Đấng đã yêu thương chúng ta vì chúng ta là con cái của Ngài. Chúng ta đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, đó là nguồn mạch của giá trị và đáng giá của chúng ta.

7. Phục vụ cách không ham lợi (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest)

Một lần nữa, Chúa Giêsu tiên báo cuộc Khổ nạn và sự Phục sinh của Người. Về sự Phục sinh, các môn đệ dường như chẳng có ý niệm gì. Cuộc Khổ nạn là điều xa lạ nhất đối với cách họ nghĩ về Đấng Cứu thế. Chúa nhắc lại lời tiên báo lúc lên đường đi Giêrusalem. Lộ trình Chúa chọn đi ngang qua xứ Galilêa. Chúa và các môn đệ dừng chân ở Capharnaum. Các môn đệ hy vọng vào một Đấng Cứu thế sẽ hiển trị ngay đời này. Họ bám quá chặt vào hy vọng đó, thậm trí dọc đường tranh luận với nhau về vấn đề ngôi thứ bậc nhất trong Vương quốc họ mong đợi. Lời tiên báo của Chúa không thấm nhập họ được. Các môn đệ không hiểu, có vẻ ương gàn không chịu tìm hiểu. Thế giới tinh thần của họ cho rằng Đấng Cứu thế sẽ ngự đến để phục hưng Vương quốc Israen, và họ tự tìm một địa vị trong triều đại quang phục đó. Chúa hiểu biết họ. Người tỏ ra khoan dung vì biết rằng, sau khi Người sống lại, Chúa Thánh Thần sẽ đến mở rộng tâm hồn các môn đệ. Trong khi chờ đợi, Chúa sẽ ban cho họ một điều giáo huấn quan trọng bậc nhất. Dùng một bài học cách trí, Chúa sắp dạy cho các môn đệ phải suy tưởng thế nào để có thể sẵn sàng nghênh tiếp Đức Kitô hiện thực.

Giáo huấn của Chúa dựa trên hai điểm:

a. Muốn được xứng đáng Nước Trời, phải có tâm hồn của kẻ phục vụ.
b. Càng khiêm hạ bao nhiêu, càng là kẻ phục vụ xứng đáng bấy nhiêu.

1) Phải có tâm hồn của kẻ phục vụ. Trong các xã hội loài người, những chức vụ được ưa chuộng nhất là những chức vụ đem lại trọng vọng, uy thế, vinh dự, quyền lợi. Cách này hay cách khác, về phương diện vật chất hay tinh thần, con người có khuynh hướng tự đề cao bằng hoạt động, bằng địa vị, bằng sự giúp đỡ người khác. Tất cả chúng ta đều có một bản tính ích kỷ sâu kín khiến chúng ta thích tìm những lời khen ngợi của người khác. Do đó, xảy ra những xung đột vì hư danh, tư lợi, ham thích được trọng nể. Các môn đệ không tránh được thói thường đó.

Trước khi Chúa tự nguyện làm gương mẫu cho các môn đệ, Người phán rằng điều quan trọng cho con người là phải xem mình là kẻ phục vụ anh em không mang tư lợi. Đối với Cha, kẻ trên hết là tìm cách đứng sau chót bằng đường lối vô tư, trong sạch, bình thản, sẵn sàng phục vụ anh em.

2) Xuyên qua một bài học cách trí, Chúa dạy các môn đệ phải phục vụ như thế nào. Chúa lấy ví dụ một em nhỏ. Thời đó trong xã hội Do thái, đứa trẻ đứng sau chót ở bậc thang địa vị. Theo lời giảng dạy của Chúa, kẻ nào vì tự nhận là môn đệ Đức Kitô, cho nên phục vụ người có địa vị thấp kém nhất, ít được trọng vọng nhất giống như trẻ nhỏ, kẻ ấy nghênh đón chính Chúa Giêsu và Cha Người là Thiên Chúa.

Ngoài tình quyến luyến ra, đứa trẻ chẳng có gì để đền đáp kẻ phục vụ nó, đón nhận nó bằng tấm lòng yêu quý không vụ lợi. Kẻ nào tìm cách phục vụ như vậy, sẽ được Chúa hiện diện trong tâm hồn. Một câu hỏi: Giữa những anh em đồng đạo đang cùng với ta tìm cách theo, và phục vụ Đức Giêsu Kitô, chúng ta chọn lấy vị trí nào?

8. Người lớn nhất? (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Thế vận hội Olmpic Sydney 2000 đã long trọng khai mạc vào ngày 15/9. Buổi lễ khai mạc đã diễn ra tưng bừng vĩ đại nhất thế kỷ. Vận động viên các nước về đây tham dự, ai cũng muốn phá kỷ lục thế giới, để được đứng hạng nhất, đoạt được huy chương vàng. “Nhanh nhất, cao nhất, xa nhất” vẫn luôn là khẩu hiệu của Olympic. Thế nhưng ai là người lớn nhất? Đó là vấn đề tranh cãi giữa các môn đệ của Chúa Giêsu. Cuộc tranh cãi còn kéo dài mãi đến nỗi trong bữa Tiệc ly Chúa Giêsu đã phải quỳ xuống rửa chân cho các ông để dạy một bài học khiêm tốn phục vụ.

Theo cái nhìn thông thương, người lớn nhất là người có địa vị cao, có quyền lực, có nhiều tiền… Và nếu đã là người lớn nhất thì chắc chắn phải được kính nẻ, tôn trọng, phục dịch, được nhiều quyền lợi hơn.

Chúa Giêsu đã đảo ngược cách nhìn thường tình đó để thay thế bằng một thang giá trị mới của Nước Thiên Chúa: Trong Nước Thiên Chúa, người trước hết trở nên sau hết, người sau hết trở nên trước hết. Người cao nhất có thể không bằng người thấp nhất, và người thấp nhất lại được kính trọng hơn người cao nhất. Điều quan trọng đối với Chúa Giêsu không phải là làm gì, nhưng là làm như thế nào, với tinh thần nào, vì mục đích gì? Và cái cao nhất cũng như cái thấp nhất không nắm trong ngôi thứ bên ngoài nhưng tuỳ vào tinh thần bên trong.

Sự đảo lộn các giá trị nói trên cũng làm đảo lộn theo cách sống và cách cư xử với tha nhân. Đối với Chúa Giêsu, người lớn nhất phải là người khiêm tốn nhất, sẵn lòng phục vụ nhất, sẵn sàng chịu thiệt thòi nhất. Lòng khiêm tốn, thái độ vị tha, tinh thần phục vụ chính là thước đo giá trị của mỗi người trong Nước Thiên Chúa. Và trong Nước Thiên Chúa chỉ dùng thước đo duy nhất đó thôi, không dùng thước đo nào khác. “Ai muốn làm đâu thì phải làm hầu thiên hạ. Ai muốn làm người lớn nhất thì phải làm người nhỏ nhất và phục vụ mọi người”.

“Nghệ thuật làm lớn” của Chúa Giêsu được đúc kết trong lời khẳng định: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Tất cả cuộc sống của Ngài mình hoạ rõ nét chân lý đó. Biểu hiện rõ nhất của hiến thân và phụ vụ là thập giá và cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu. Chính khi hiến thân và phục vụ như vậy, Ngài càng trở nên cao cả và đáng suy tôn là “Đức Chúa”. Đó là gương phục vụ trọn vẹn. Thiên Chúa phục vụ con người để con người phục vụ nhau vì Thiên Chúa.

Bài đọc 1 hôm nay nói đến “Người Tôi Tớ đau khổ”, một danh xưng đã được Ngôn Sứ Isaia sử dụng để tiên báo Đấng Cứu Thế và đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, Đấng đã trở thành Tôi Tớ của mọi người bằng cuộc sống phục vụ đến hiến mạng sống cho mọi người. Theo nghĩa thích hợp nhất: Chúa Giêsu là Tôi Tớ của mọi người.

Thưa anh chị em,
Chúa Giêsu đã đưa một em bé ra đây để dạy các môn đệ: “Ai tiếp đón một em bé như em bé này là tiếp đón Thầy. Và ai tiếp đón Thầy thì không phải là tiếp đón Thầy, mà là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. nhiều lần Chúa Giêsu đồng hoá với những người nhỏ bé, nghèo hèn. Ở đây Chúa Giêsu đồng hoá với một em bé, một thành phần không có chỗ đứng trong xã hội Do Thái. Một người nhỏ bé, nghèo hèn nhất, không đáng kể trước mặt người đời, cũng được Chúa Giêsu coi là hiện thân của Ngài. Đón nhận người ấy là đón nhận Ngài và là đón nhận Ngài và là đón nhận chính Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài. Nếu Thiên Chúa đã tự liên đới với người nhỏ bé, nghèo hèn, không đáng kể nhất, thì chúng ta còn sợ gì mà không dám làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người. Phục vụ một người không đáng kể nhất cũng là phục vụ chính Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao trở nên người rốt hết và phục vụ mọi người lại là người lớn nhất. Một hoàng đế, một Giáo Hoàng, một tổng thống, một chủ tịch có phải là người lớn nhất hay không, đó còn tuỳ ở chỗ những người ấy có thật sự là “đầy tớ của nhân dân” hay không, có thật sự là “tôi tớ của các tôi tớ” hay không?

Anh chị em thân mến,
Con đường tự hạ, làm người bé nhỏ và phục vụ anh em là con đường để trở nên vĩ đại, trở nên người lớn nhất trước mặt Chúa. Chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài đã làm người rốt hết, làm người tôi tớ mọi người, đem chính mạng sống của Ngài mà phục vụ mọi người. “Ngài đã vâng phục đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá, chính vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài đến tột đỉnh vinh quang; “Đức Chúa” (x.Pl 2,5-11). Ai đi con đường đó với Ngài sẽ được Ngài đưa tới vinh quang tột đỉnh với Ngài. Một khi Chúa Giêsu đã tự hạ làm người rốt hết và đồng hoá với cả những người mà thế gian coi như không có, thì mọi thái độ thống trị đã bị kết án rồi, vì thống trị, cha đạp bất cứ ai cũng là thống trị, chà đạp Thiên Chúa vậy.

9. Đầy tớ của mọi người - Gm. Arthur Tonne

Bác sĩ Charles Mayo cùng với cha và người em xây dựng bệnh viện Mayo nổi tiếng trên thế giới tại Rochester thuộc bang Minnnesota. Một lần có phái đoàn chuyên viên y khoa từ Âu Châu được mời đến nhà bác sĩ Charles Mayo. Theo tục lệ ở đó, khách sẽ để giầy ở ngoài cửa phòng ngủ để ban đêm có người đánh bóng.

Bác sĩ Charles Mayo về sau cùng. Khi về phòng, ông thấy các đôi giầy để đó và đã quá khuya, ông không muốn đánh thức người giúp việc. Ông thở dài, rồi đem các đôi giầy xuống bếp, tự tay ông, thức hết nửa đêm để đánh bóng các đôi giầy của khách.

Đây là một tấm gương Chúa Giêsu nói với bạn và tôi trong Tin Mừng hôm nay: “Nếu ai muốn làm lớn, phải nên kẻ hèn nhất và làm đầy tớ cho mọi người”. Cũng như các Tông đồ chúng ta thường tranh luận ai trong chúng ta là người lớn nhất. Đức Kitô trả lời chúng ta: “Người lớn nhất phải làm đầy tớ cho mọi người”. Bác sĩ Charles Mayo là một trong những bác sĩ nổi tiếng trên thế giới. Thế nhưng ông đã đánh giầy cho khách của ông.

Xin nhắc lại Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông đồ trong đêm trước khi Ngài chịu chết vì chúng ta.

Bài đọc I hôm nay liên quan đến: “Người tôi tớ đau khổ”, một danh xưng và đặc tính của Tiên tri Isaia (40,55) đã tiên báo và được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, Đấng đã trở thành đầy tớ của mọi người bằng cái chết. Tước hiệu “Đầy tớ” này được chỉ về Chúa Giêsu trong sứ vụ các Tông đồ. Theo những nghĩa thích hợp nhất: Chúa Giêsu là đầy tớ của mọi người. Chúng ta làm thế nào để theo kịp Chúa Giêsu trong vấn đề phục vụ? Chúng ta phục vụ anh em thế nào? Chúng ta đối xử thế nào với những người phục vụ chúng ta?

Người đầy tớ là gì? Là một người được mướn để làm việc, đặc biệt là làm việc trong nhà. Với một ý nghĩa khác: Người đầy tớ được hiểu như một người hăng hái nhiệt tình với người khác, với một mục đích hay với một niềm tin, phục vụ có nghĩa là làm một việc để giúp đỡ, để có lợi hoặc tình nghĩa cho người khác.

Tất cả chúng ta được gọi để làm tôi tớ, ngay cả nhà giải phẫu tài giỏi nhất. Bác sĩ Mayo phục vụ nhân loại không chỉ bằng việc giải phẫu mà còn bằng việc đánh giầy cho khách.

Người mẹ trong gia đình thật sự là người đầy tớ cho cả gia đình. Mỗi một nghề đều có cơ may để phục vụ.

Chú ý đến việc của bạn để làm tốt cho người khác. Nếu không bạn không thể chu toàn tốt công việc của bạn và bạn sẽ mất mục đích của việc làm. Chân lý Chúa Giêsu công bố hôm nay là: “Bạn sẽ không quan trọng nếu bạn không cố gắng phục vụ mọi người”.

Đức Giáo Hoàng, đầu của Giáo Hội Công giáo, một địa vị quan trọng nhất trong thế giới, nhận tước hiệu: “Tôi tớ của các tôi tớ của Chúa”.
Điều này dẫn chúng ta chú ý đến hình thức cao nhất của việc phục vụ: Phục vụ Chúa qua phượng tự và làm việc thiện. Trong giờ này chúng ta phục vụ Chúa bằng cách cùng dâng Thánh Lễ, hình thức cao nhất của việc phục vụ. Đồng thời chúng ta cũng phải đánh giá cao việc phục vụ chúng ta của người hàng xóm, của người hốt rác, của người phát thơ, của người mẹ, của mọi người phục vụ chúng ta.

Mỗi người theo Chúa Kitô phải đặt câu hỏi: “Trong địa vị của tôi, tôi có phải làm sao để thực sự phục vụ người khác.

Xin Chúa chúc lành bạn.

10. Suy niệm của Noel Quesson

AI MUỐN LÀM ĐẦU, HÃY LÀM ĐẦY TỚ MỌI NGƯỜI.
Cùng với ông bố và người em, bác sĩ Sa-ri May-ô (Charies Mayo) đã xây bệnh viện May-ô nổi tiếng ở Rochester, thuộc tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ.

Lần kia, một phái đoàn y khoa tới thăm bệnh viện. Theo tục lệ ở đó, các người khách để giày của mình trước cửa phòng và ban đêm sẽ có người đánh bóng các đôi giày ấy. Tối hôm đó, bác sĩ May-ô làm việc muộn và về phòng sau cùng. Ông thấy các đôi giày của khách để ở cửa chưa được đánh bóng, các người giúp việc đều ngủ cả. Ông tự mình kiếm xi và bàn chải rồi ngồi đánh bóng hết các đôi giày của khách.

Câu chuyện nhỏ này đã thành huyền thoại. Bác sĩ May-ô được ca tụng vì tài năng, vì những công trình y khoa vĩ đại, mà cũng vì nếp sống khiêm nhu bình dị.

Theo Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu huấn luyện nhóm tông đồ Người đã chọn. Chúa Giêsu xuống thế, cốt dạy nhân loại về một Thiên Chúa tình yêu. Thiên Chúa như một người cha nhân từ, sẵn sàng hy sinh tất cả cho chúng ta, giúp đở chúng ta tận tình, tới mức hầu hạ chúng ta vì yêu thương. Những tư tưởng này còn lâu các Tông đồ mới làm quen được, hoặc có thể nói được như Thánh Phaolô: “Hãy sống trong tình yêu như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và cống hiến chính thân mình Người”.

Trong các đức tính cần có, thì đức khiêm tốn có lẽ là xa lạ, khó chấp nhận nhất đối với tính tự nhiên con người. Các Tông đồ không muốn nghe tới sự thua thiệt của Chúa Giêsu. Trong lúc Chúa nói về sự tự hạ, về tình yêu biểu lộ trong hy sinh đau khổ, về phục vụ, tự hiến cho anh em, cho những người cần tỏ tình yêu thương... thì các ông hy vọng chiếm được khi Chúa trở thành người quyền cao chức trọng.

Chúa Giêsu hiểu tâm trạng các Tông đồ, và Chúa dùng kiểu nói cụ thể hơn để diễn tả tư tưởng Người. Dĩ nhiên một tổ chức ở trần gian thì phải có người trên kẻ trước, phải có người lãnh đạo, chỉ huy. Nhưng trong tổ chức của Chúa, thì những người giữ địa vị cao phải ý thức mình là rốt hết, ở thứ hạng sau cùng. Người lãnh đạo phải nên tôi tớ cho mọi người: “Ai muốn làm đầu thì hãy ở cuối hết và hầu hạ mọi người”. Chúa nói thế và Người đã làm thế, làm thực sự chứ không chỉ nói bằng lý thuyết. “Các con gọi Thầy là Thầy và là Chúa thì đúng lắm. Vậy mà Thầy đã rửa chân cho các con. Các con cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,13).

Lạy Chúa, xin giúp chúng con hiểu lời Chúa dạy, cho chúng con thực thi điều Chúa muốn, là phục vụ mọi người trong tin yêu và khiêm tốn.

11. Muốn làm đầu thì phải phục vụ trong khiêm hạ (Suy niệm của Lm Trần Bình Trọng)

Trong Thánh kinh Cựu ước, nhiều lời tiên tri về Đấng cứu thế đề cập đến một vương quốc phổ quát có tính cách hoàn cầu. Theo lời các ngôn sứ, thì đến một thời gian nào đó, tất cả các dân tộc đều qui phục dòng dõi Đavít, và các chư dân sẽ hướng về Giêrusalem. Tuy nhiên các ngôn sứ nói về một vương quốc thiêng liêng mà Đấng cứu thế sẽ thiết lập.

Mặc dù một lần nữa trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu báo trước việc Người sẽ phải chịu khổ nạn và tử hình, rồi được phục sinh, các tông đồ vẫn không nhận thức được ý nghĩa của lời Người giảng dạy. Họ vẫn còn nuôi hi vọng Thầy mình sẽ thiết lập một vương quốc trần gian. Vì thế dọc đường, họ tranh luận với nhau xem ai sẽ là người quan trọng nhất trong vương quốc của Chúa.

Để loại trừ quan niệm sai lầm về Đấng cứu thế, Chúa Giêsu lập tức triệt hạ tính tự kiêu tự đại của họ, bằng cách dạy họ về đức khiêm tốn: Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người (Mc 9,35). Theo lời Chúa dạy thì tính tự kiêu tự đại là một nết xấu mà người môn đệ Chúa phải xa tránh và loại trừ để luyện tập nhân đức khiêm tốn để làm người rốt hết. Một vài hậu quả của tính tự kiêu mà ta đọc thấy trong thánh kinh là các thần dữ, vì không vâng lời phụng sự Thiên Chúa, nên đã bị đày ải xuống âm phủ. A-đam và E-và đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, cũng vì nghĩ rằng mình có thể trở nên ngang hàng với Thiên Chúa, khi ăn trái cấm. Cội rễ của sự dữ là ghen tương và kiêu ngạo như trong bài trích sách Khôn ngoan hôm nay nêu ra những ý định cuả người kiêu ngạo định làm để gài bẫy, nhục mạ, tra tấn và lên án người công chính. (Kn 2,1-20). Đó cũng là điều mà thánh Giacôbê tông đồ nhận xét trong thư gủi giáo đoàn: Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi việc xấu xa (Gc 3,16).

Phúc âm hôm nay đưa ra hình ảnh của trẻ em để dạy ta bài học về đức khiêm tốn. Quan sát người ta thấy những đặc tính của con trẻ là tín nhiệm, đơn sơ và chân thành. Trẻ con thường không có tham vọng và không tự phụ. Đón nhận trẻ em có nghĩa là đón nhận những người giống như trẻ con: người khiêm tốn, người thấp hèn, người nghèo đói, người đau yếu, người yếu thế, người bị bỏ rơi.. Nếu phân tích, ta thấy người khiêm tốn có nhiều đức tính của trẻ con. Người khiêm tốn là ngưòi biết nhận ra mình yếu hèn, tội lỗi và tuỳ thuộc vào Chúa trong mọi sự, và hành động theo sự xác tín của mình: không giả tạo, không đóng kịch. Người khiêm tốn là người biết tuỳ thuộc vào quyền năng của Chúa, vào ơn khôn ngoan và chương trình quan phòng của Chúa.

Trinh nữ Maria nêu gương mẫu cho ta về đức khiêm tốn. Trinh nữ không mơ ước địa vị làm mẹ Đấng cứu thế như giới phụ nữ Do thái thời bấy giờ. Thiên Chúa nhìn thấy lòng khiêm tốn của trinh nữ Maria nên đã chọn trinh nữ làm mẹ Đấng cứu thế. Khiêm tốn thực sự là sống trung thực với lòng mình và nhìn nhận sự thực về mình: ưu điểm cũng như khuyết điểm. Vì nhìn nhận sự thực về mình nên trinh nữ Maria đã cất tiếng ca tụng Thiên Chúa về những việc trọng đại Người đã thực hiện nơi mình trong kinh Ngợi Khen (Magnificat).

Chính Chúa Giêsu đã đến để dạy ta bài học phục vụ trong khiêm tốn. Người là Thiên Chúa nhưng đã hạ mình xuống, mặc lấy thân xác yếu hèn của loài người, sinh sống giữa nhân loại. Trong bữa tiệc li, Chúa nêu gương phục vụ trong khiêm tốn bằng cách rửa chân cho các tông đồ và dạy ta rửa chân cho nhau nghĩa là phục vụ lẫn nhau. Như vậy ta thấy Chúa Giêsu đến để đổi ngược lại những giá trị của loài người. Theo lời Chúa dạy thì người ta không bao giờ thỏa mãn trong việc tìm kiếm địa vị và vinh dự, nếu chỉ vì ham muốn vinh dự và địa vị.

Nói như vậy không có nghĩa là Chúa Giêsu ngăn cản người ta làm lớn. Trong xã hội cũng như trong Giáo hội phải có những người làm lớn, những người nắm giữ địa vị nọ kia để điều hành guồng máy tổ chức trong Giáo hội và xã hội. Tuy nhiên Chúa bảo làm lớn là để phục vụ chứ không phải chỉ vì ham chức tước. Làm lớn còn có nhiều cơ hội và phương tiện để phục vụ như có ngân khoản, có người thừa hành. Chúa bảo ta chỉ tìm được sự bình an và hạnh phúc thực sự khi sống trong gương mẫu khiêm tốn phục vụ. Chúa chỉ cho ta thấy việc làm vĩ đại thật, không phải là việc phô trương cho người khác biết đến, nhưng được tìm thấy trong việc quên mình để phục vụ tha nhân. Và đó là một nghịch lý của Kitô giáo. Để nhắc nhở cho mình và cho hàng giáo sĩ và giáo dân lời Chúa dạy về việc khiêm tốn phục vụ, các Đức giáo hoàng thường thêm châm ngôn La tinh Servus servorum, có nghĩa là đầy tớ của các đầy tớ vào trước chữ kí tên.

Lời cầu nguyện xin cho được noi gương khiêm tốn phục vụ:

Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Chúa. Chúa đã đến thế gian làm người để dạy bảo nhân loại bài học phục vụ trong khiêm hạ. Xin tha thứ những lần con tỏ ra tự kiêu, tự đại và tự phụ với những người anh chị em con.

Xin dạy con biết nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi người anh chị em con, những người đau khổ, bất hạnh về thể xác và tinh thần để con biết phục vụ trong khiêm tốn. Amen.

12. Phục vụ

Có một vị tu sĩ già, đã nhiều năm cầu nguyện xin Chúa hiện ra để củng cố niềm tin của mình, nhưng điều đó lại chẳng bao giờ xảy ra. Thế rồi, khi ông hoàn toàn tuyệt vọng, thì một ngày nọ Chúa lại hiện ra với ông. Vị tu sĩ già vui mừng hớn hở. Tuy nhiên, giữa lúc ông đang tâm sự với Chúa thì một hồi chuông vang lên báo hiệu giờ phát gạo cho những người nghèo và hôm nay lại chính là phiên trực của ông. Nếu ông không đến thì những kẻ nghèo khổ kia sẽ bị đói suốt cả một ngày. Ông bị giằng co giữa Chúa và đám dân nghèo. Cuối cùng ông đã quyết định tạm ngưng cuộc gặp gỡ với Chúa để đi phát gạo cho đám dân túng cực. Sau hơn một tiếng đồng hồ làm việc, ông trở về phòng và khi mở cửa, ông không thể nào tin vào mắt mình, bởi vì Chúa đang ở đó và chờ ông. Thế là ông quỳ gối xuống và cảm tạ Ngài. Bấy giờ Chúa nói với ông:

- Giả như con không chịu đi phát cơm gạo cho đám dân nghèo thì Ta cũng chẳng ở lại đây chờ con đâu.

Từ câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy phương cách tốt nhất để phụng sự Chúa, không nhất thiết là phải từ bỏ mọi sự, không nhất thiết là quay lưng lại với thế gian, không nhất thiết là phải ẩn mình vào một tu viện nào đó, không nhất thiết là phải quỳ gối cầu nguyện lâu giờ, không nhất thiết là phải làm nên những công việc kỳ diệu. Trái lại, phương cách tốt nhất để phụng sự Chúa, đó chính là phục vụ anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người bất hạnh và thiếu may mắn, bởi vì phục vụ anh em là phục vụ cho chính Chúa. Đây cũng là điều Ngài không ngừng xác quyết trong Phúc âm, nhất là qua đoạn Tin Mừng hôm nay.

Ngài nói:

- Ai muốn là người đứng đầu, thì phải là kẻ rốt hết và làm việc để phục vụ mọi người.

Nơi khác, Ngài lại còn xác quyết mạnh mẽ hơn:

- Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Chính vì thế, trong bữa tiệc ly, Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy cho các ông bài học về tinh thần khiêm nhường và phục vụ:

- Các con gọi Ta là Chúa và là Thầy thì phải lắm. Thế nhưng, nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn quỳ xuống rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau…

Những Việt kiều khi về thăm quê hương, thường cho biết: tình hình đạo đức bên Tây phương có phần sa sút, người ta ít đi nhà thờ, ít lãnh nhận các bí tích. Thế nhưng về tinh thần bác ái và phục vụ thì họ lại hơn hẳn. Có những gia đình Mỹ, sẵn sàng đón nhận những người Việt Nam thất nghiệp, cho ở và nuôi ăn trong nhà mình. Chắc hẳn chúng ta khó mà thực hiện được như vậy. Người Việt Nam chúng ta thường tự hào là đạo đức, vì rất siêng năng tham dự thánh lễ, tổ chức rước kiệu, dâng hoa kính Đức Mẹ, thế nhưng đó chưa phải là dấu hiệu để thiên hạ nhận biết người môn đệ của Chúa, vì:

- Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau.

Nếu như bây giờ chúng ta tạm gác bỏ những hình thức đạo đức bên ngoài ra một bên, để chỉ căn cứ vào tinh thần phục vụ, vào những hành động bác ái yêu thương, thì liệu chúng ta có còn là những môn đệ của Chúa nữa hay không?

13. Khiêm tốn

Khi người ta hỏi thánh Bernard về bốn nhân đức căn bản, thánh nhân trả lời: “Khiêm nhường, khiêm nhường, khiêm nhường và khiêm nhường”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, trên đường đi đến Ca-pha-na-um, các môn đệ của Chúa Giêsu đang tranh luận với nhau để xem ai là người lớn nhất. Các môn đệ vẫn còn chưa rõ ngọn ngành về Chúa Giêsu và sứ vụ của Người. Ngay cả khi Chúa tiên báo lần thứ hai về việc Người sẽ bị phản bội và cái chết đang chờ Người ở Giêrusalem thì họ vẫn tiếp tục mơ mộng sẽ được chia sẻ vinh quang của Người, khi Người tuyên bố mình là Đấng Mêsia trong Thánh Kinh. Trong bài giảng của mình, cha Joseph Donders đã tưởng tượng về cuộc tranh luận giữa các môn đệ như sau: “Ông Phêrô nói đầu tiên: “Dĩ nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa, tôi là nhân vật quan trọng nhất. Thầy đã chẳng gọi tôi là Đá Tảng, và Thầy sẽ xây Giáo hội của Thầy trên Đá này hay sao?”

Ông Gioan không chịu nên nói: “Tôi xin lỗi anh. Điều anh vừa nói thì có đấy. Nhưng vấn đề không thuộc lãnh vực quản trị hành chánh. Dù anh là người quản trị giỏi, nhưng không có nghĩa là anh trở thành nhân vật quan trọng nhất đối với những người khác. Anh phải nhìn ra một điều khác còn quan trọng hơn nữa. Đó là tình yêu của Thầy. Tôi là người được Thầy yêu mến nhất đấy”. Ông Giuđa Iscariot nói: “Nhân vật quan trọng nhất trong nhóm phải là người thủ quỹ. Thế giới này được điều khiển bằng tiền bạc. Thế nhưng, ai là người được Thầy tín nhiệm giao cho giữ túi tiền?”

Ông Philipphê nói: “Các anh có nhớ câu chuyện khi Thầy phải lo bánh ăn cho đám đông dân chúng trong hoang địa hay không? Hàng ngàn người theo Thầy, hăm hở chờ đợi những lời khôn ngoan của Thầy. Không ai biết phải làm gì. Lúc đó, Thầy đã quay sang tôi để hỏi ý kiến. Tôi xin lỗi các anh, nhưng thật sự Thầy đã hỏi ý kiến của tôi!”

Trong thời đại của chúng ta, khiêm nhường là nhân đức bị hiểu lầm nhiều nhất. Khiêm nhường bị coi như là sự yếu đuối. Sống khiêm nhường không có nghĩa là để thuộc cấp chèn ép hay sống theo mặc cảm tự ti. Khiêm nhường không phải là như thế. Con người khiêm nhường biết chỗ đứng của mình và đứng vào chỗ đó. Nếu người khiêm nhường được yêu cầu đứng ra điều khiển, cai trị, họ sẽ làm việc đó. Khi họ được yêu cầu phục vụ kẻ khác, họ sẽ phục vụ. Nhưng cả trong những ngày giờ huy hoàng nhất, người khiêm nhường luôn nhớ rằng tất cả những gì mình là, hay mình có đều đến từ Thiên Chúa.

Nhưng vì tự ái kiêu căng, nên rất ít người tập được nhân đức khiêm nhường. Thánh Phanxicô Salêsiô đã nói: “Mười lăm phút sau khi bạn đã chết, thì tính kiêu ngạo mới chết”.

Lạy Chúa, xin ban cho con đức khiêm nhường để con luôn bước đi bên Chúa và có Chúa ra tay bảo vệ con trong những lúc ngặt nghèo.

14. Phục vụ

Trong ba năm giảng dạy công khai của Chúa Giêsu, các sách Tin Mừng thuật lại ba lần Chúa Giêsu báo trước cuộc thương khó Ngài phải chịu ở Giêrusalem. Mỗi lần đều đặt trong một khung cảnh khác nhau và lời loan báo cũng hơi khác nhau. Nhưng cũng như đại đa số người Do Thái không hiểu, không hề có ý tưởng về một vị cứu thế bị đau khổ, bị đóng đinh, các tông đồ cũng vậy, không hiểu và nhất là không muốn tin. Các ông chỉ mường tượng đến một nước trần gian vật chất, danh vọng, uy quyền, giầu có, nhiều lần các ông đã bộc lộ niềm mơ ước đó. Mỗi lần nghe biết như vậy Chúa buồn lắm, nhưng Ngài kiên nhẫn cải chính quan niệm sai lầm của các ông, đồng thời Ngài nhắc lại cho các ông bài học cốt tử mà Ngài đã dạy dưới nhiều hình thức khác nhau, đó là bài học khiêm nhường và phục vụ. Cụ thể như bài Tin Mừng hôm nay: ngay sau khi Chúa báo trước về cuộc khổ nạn của Ngài, các tông đồ không hiểu, lại tranh cãi nhau về ngôi thứ, cấp bậc. Nhân dịp này Chúa dạy các ông:”Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và phục vụ mọi người. Rõ ràng Chúa muốn dạy về sự khiêm nhường và phục vụ. Chúng ta hãy tìm hiểu thêm.

Một hôm, Hồ Khưu Trượng hỏi Tôn Thúc Ngao: “Có ba điều chuốc oán, ông đã biết chưa?”. Họ Tôn trả lời: “Tôi chưa được biết”. Trượng Nhân nói: “Tước vị cao người ta ganh, quyền thế lớn người ta ghét, lợi lộc nhiều người ta oán”. Tôn Thúc Ngao lắc đầu nói: “Không phải luôn luôn như thế, tước vị tôi càng cao tôi càng xử nhún nhường, quyền thế tôi càng lớn tôi càng ở khiêm cung, lợi lộc tôi càng nhiều tôi càng chia bớt cho những người chung quanh, như thế thì làm gì bị oán thù của thiên hạ”. Rất đúng.

Đức Khổng Tử cũng đã dạy các đồ đệ của ông như vậy. Một hôm, Khổng Tử tới thăm miếu vua Hoàn Công, thấy một chiếc lọ đứng nghiêng nghiêng, ngài hỏi, thì người giữ miếu cho biết: “Cái lọ này là một bảo vật, thuở trước nhà vua thường để bên ngai vàng hầu làm gương”. Khổng Tử liền hỏi: “Ta vốn nghe đồn nhà vua có một bảo vật, bỏ không thì nghiêng, đổ nước vào vừa phải thì đứng thẳng, mà đổ nước đầy thì lại ngã, có phải là vật này chăng?”. Rồi ngài bảo các đồ đệ múc nước thí nghiệm, thì quả nhiên đúng như thế. Bấy giờ ngài mới trịnh trọng giảng dạy: “Thông minh hiểu biết hơn người thì nên giữ bằng cách khiêm cung, sức khỏe hơn người thì nên giữ bằng cách nhút nhát, giàu có nhiều thì nên giữ bằng cách bố thí và tỏ ra nhún nhường. Đó là lối san sẻ bớt đi để khỏi đầy tràn mà sụp đổ vậy”.

Cũng thế, Chúa Giêsu không những không chấp nhận khuynh hướng xấu của loài người là muốn thống trị, muốn ăn trên ngồi trước mà Ngài còn đưa ra một đề nghị thật khác thường: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và phục vụ mọi người”. Sau lời dạy bảo ngắn gọn này, Ngài gọi một em nhỏ đến, đặt em đứng giữa các môn đệ, và sau khi ôm em vào lòng, Ngài nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy”.

Chúa Giêsu đưa em nhỏ ra đây để tượng trưng cho cái gì? Và tiếp đón ở đây nghĩa là gì? Chúng ta biết: trong xã hội Do Thái, đàn bà và trẻ em bị coi là không đáng kể, trẻ nhỏ là thành phần không có chỗ đứng trong xã hội. Chúa Giêsu ôm em nhỏ vào lòng, đó là một cử chỉ chứng tỏ sự quí mến, tiếp nhận. Tiếp nhận một em nhỏ như thế chắc chắn không phải để em nhỏ đó phục vụ mình, nhưng là phục vụ em nhỏ đó. Em nhỏ đây là hình ảnh tượng trưng cho những người tầm thường, nghèo hèn, thấp cổ bé họng, không đáng kể trước mặt người đời. Nhưng một người như thế được Chúa Giêsu coi là chính Ngài, đón tiếp người ấy là đón tiếp Ngài. Hơn nữa, giúp đỡ và yêu thương những người như thế là giúp đỡ và yêu thương chính Ngài. Điều này chúng ta thấy rõ ràng hơn trong đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu nói về ngày chung thẩm. Chúa đánh giá rất cao những người thể hiện tình yêu thương giúp đỡ người khác, và Chúa căn cứ vào đó để thưởng hay phạt. Vậy đừng sợ làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người, nhất là những người bé nhỏ, tầm thường, nghèo hèn, bởi vì phục vụ một người như thế là phục vụ Chúa Giêsu và phục vụ chính Thiên Chúa.

Thực vậy, đối với Chúa, người làm lớn sẽ là người phục vụ người khác, và đối tượng được phục vụ là những người nhỏ nhất, tức là những người hèn kém, những người nghèo khổ, và phục vụ họ là phục vụ Chúa. Như vậy, chúng ta có phục vụ ai chính là vì chúng ta muốn phục vụ Chúa Giêsu trong họ, và chúng ta có được ai phục vụ thì cũng chỉ vì họ đang phục vụ Chúa Giêsu nơi chúng ta. Cho nên, điều quan trọng không phải là làm lớn hay làm nhỏ mà là chúng ta có phục vụ không và phục vụ với tinh thần như thế nào? Tóm lại, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy sống khiêm nhường và sẵn sàng phục vụ lẫn nhau, nhất là những người hèn kém, nghèo khổ, bất hạnh. Chúng ta hãy nhớ: tất cả chúng ta đang sống là để phục vụ nhau, cuộc sống chỉ đáng sống khi sống để phục vụ người khác, và như thế cũng là đang phục vụ Thiên Chúa. Một cuộc sống như thế cao đẹp và có ý nghĩa biết bao. Xin Chúa cho chúng ta luôn có tinh thần khiêm nhường và phục vụ như thế.

15. Đường lối Chúa

Trong Cựu ước, có lần Thiên Chúa đã xác quyết:

- Tư tưởng và đường nẻo của Ta không giống với tư tưởng và đường nẻo của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng và đường nẻo của Ta cũng cao hơn tư tưởng và đường nẻo của các ngươi bấy nhiêu.

Lời xác quyết này được chứng thực qua đoạn Tin Mừng hôm nay. Một bên là đường nẻo của các môn đệ, những người đã bước theo Chúa. Còn một bên là đường nẻo của Chúa, vị Thầy của các ông.

Trước hết là đường nẻo của các môn đệ.

Mặc dù các ông đã mau mắn đáp trả lời mời gọi của Chúa, bằng cách từ bỏ ghe thuyền, chài lưới, nghề nghiệp và những người thân yêu… Thế nhưng, đầu óc của các ông vẫn còn mang nặng tinh thần thế gian. Các ông mơ tưởng Chúa chính là vị cứu tinh, nhưng lại là một vị cứu tinh trong phạm vi chính trị và xã hội. Vị cứu tinh ấy phải mạnh mẽ như Đavid với binh đội hùng hậu và chiến xa ngập trời. Vị cứu tinh ấy sẽ đến để giải thoát dân tộc họ khỏi ách thống trị của đế quốc La mã và dẫn đưa đất nước họ bước vào một thời đại hoàng kim khiến cho muôn dân phải suy phục họ.

Lúc bấy giờ, các ông sẽ được chia chác phần bổng lộc và chiếm giữ những địa vị quan trọng trong vương quốc của Chúa.Vì thế, hôm nay cũng như nhiều lần khác, các ông đã tranh cãi xem ai là sẽ là người làm lớn và chiếm chỗ nhất. Thậm chí có lần Giacôbê và ioan đã nhờ người mẹ đến xin cho được ngồi bên tả và bên hữu trong vương quốc của Chúa.

Đang khi đó, lập trường của Chúa Giêsu thì hoàn toàn trái ngược.

Ngài là vị cứu tinh trong phạm vi thiêng liêng. Ngài đến để giải thoát con người khỏi án phạt của tội lỗi bằng chính cái chết của Ngài trên thập giá. Chính vì thế, qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Ngài đã tiên báo cho các môn đệ:

- Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài và ba ngày sau Ngài sẽ sống lại.

Lần khác Ngài đã xác quyết:

- Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Ngài đã nói và đã làm như vậy. Trong bữa Tiệc ly, Ngài đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ và nói với các ông:

- Nếu Ta là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.

Rồi ngày hôm sau, trên đỉnh đồi Canvê, Ngài đã chịu đóng đinh vào thập giá và đã đổ ra cho đến giọt máu cuối cùng để lập nên kho tàng ơn cứu độ như lời Ngài đã phán hứa.

Chúa Giêsu đã đi con đường phục vụ. Và cao điểm của con đường này chính là cái chết trên thập giá, bởi vì không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Với chúng ta cũng vậy, để trở thành môn đệ của Chúa, chúng ta không có một con đường nào khác, ngoài con đường phục vụ, ngoài con đường thập giá.

Để kết luận, chúng ta hãy ghi nhớ và thực thi lời Chúa: Ai muốn làm đầu thì phải làm kẻ rốt hết và trở nên tôi tớ Phục vụ cho mọi người.

16. Đầy tớ

Bài Tin Mừng này có ba phần nhưng chỉ diễn tả một vấn đề, một bài học, đó là hãy sống khiêm nhường phục vụ mọi người với tinh thần chí công vô tư.

Trước hết, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết về cuộc khổ nạn của Ngài. Trong ba năm giảng dạy, Chúa Giêsu đã nói trước về vấn đề này ba lần. Bài Tin Mừng này là lần thứ hai. Chúng ta thấy các môn đệ không muốn nghe, lại còn vô tâm tranh giành với nhau ngôi thứ xem ai sẽ làm lớn hơn. Đó là hai thái độ trái ngược rõ rệt: Chúa Giêsu thì quyết tâm đi vào con đường từ bỏ, khổ giá, chịu xỉ nhục để phục vụ và hiến cả mạng sống cho mọi người. Ngược lại, các môn đệ lại sợ khổ, sợ khó, không muốn phục vụ anh em mà chỉ thích làm lớn, muốn địa vị cao… Thấy tâm trạng các môn đệ chưa ổn, chỉ hám danh, ham nổi, Chúa phải họp các ông lại trong vòng thân mật và giải thích thêm: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.

Chúa đã khẳng định: có quyền hành là có cơ hội, có phương tiện phục vụ tốt hơn, rộng rãi hơn và đạt tới nhiều người hơn, chứ không phải chỉ để tô điểm cho cá nhân thêm tự đắc, tự phụ, bắt người khác kính nể và phục dịch mình; hoặc dùng người dưới như phương tiện để củng cố địa vị vàlợi lộc cho mình. Vậy, càng làm lớn, càng ở địa vị cao, càng có trách nhiệm thì càng phải phục vụ và lo cho người khác nhiều hơn. Rồi, để cho các môn đệ hiểu rõ hơn và nhớ kỹ hơn, Chúa Giêsu gọi một em nhỏ đến, đặt em giữa các ông, sau khi ôm em vào lòng, Chúa nói: “Quả thật, Thầy bảo các con, nếu các con không thay đổi và trở nên như những trẻ nhỏ, thì các con chẳng được vào nước trời”. Qua em nhỏ này Chúa muốn chỉ cho các môn đệ thấy hình ảnh đáng yêu và cảm động nhất của sự quên mình, của lòng khiêm nhường và tùng phục, nghĩa là Chúa bảo: nếu chúng ta không trở nên đơn sơ, khiêm nhường, không chút tham vọng, tự đắc như bản tính trẻ em, thì không những chúng ta sẽ mất chỗ nhất trong nước trời mà còn không được vào nữa.

Sau đó, Chúa còn dạy về tình bác ái huynh đệ. Thay vì nghĩ đến mình, thay vì qui mọi sự về mình, chúng ta hãy nghĩ đến kẻ khác, hãy giúp đỡ người khác, vì Chúa coi tất cả những gì chúng ta làm cho người khác là làm cho Chúa. Lời nhắn nhủ này đưa chúng ta tới những cử chỉ cao đẹp: yêu mà không mong được yêu lại, hy sinh mà không cần ai biết đến. Đó mới là tình thương chân thực, cao thượng và vô vị lợi: chí công vô tư.

Bài học Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta thật rõ ràng: thích ngồi chỗ cao, thích được khen ngợi, thích làm lớn và ưa địa vị quan trọng. Đó là cái tật cố hữu của loài người từ ngày tạo thiên lập địa, chứ không phải chỉ là tật xấu của các môn đệ Chúa Giêsu. Tật xấu này trái ngược với tinh thần Tin Mừng, Chúa bảo chúng ta phải loại bỏ, vì Tin Mừng chủ trương sống khiêm nhường, quên mình, quảng đại, coi mình không là gì hết, bởi vì hễ ai trở nên bé nhỏ trước mặt loài người, kẻ ấy sẽ được đề cao trước Thiên Chúa. Lòng khiêm nhường ở đời này là điều kiện và là mức đo sự cao trọng trong nước trời.

Chúng ta sống sau những biến cố đau thương của Chúa, chúng ta suy niệm, học hỏi những biến cố đó. Thế nhưng sau đó chúng ta vẫn còn tranh giành địa vị lớn nhỏ: những chuyện tranh giành ngôi thứ trong các giáo xứ, trong các đoàn thể, mệnh danh là thuộc Kitô giáo, tức là các môn đệ của Chúa Kitô. Chúng ta thấy nhiều nơi còn phản ảnh tâm trạng của các môn đệ xưa kia. Chung qui cũng tại bản năng muốn ăn trên ngồi trước, muốn thống trị người khác mà thời đại nào cũng thế. Có điều cần lưu ý và cũng đáng khiển trách là ngày nay, sau khi đã được thấm nhuần ơn cứu chuộc, đã được ơn Chúa Thánh Thần trợ lực… điều mà xưa kia, lúc Chúa Giêsu báo trước cuộc tử nạn, các môn đệ chưa được, thì đáng lẽ ra chúng ta phải sống đúng tinh thần của Chúa hơn mới hợp lý. Nhưng đâu vẫn còn đó: những kẻ muốn làm lớn thì nhiều vô số, còn những kẻ bằng lòng thực hiện theo đường lối của Chúa là làm đầy tớ mọi người thì rất ít.

Quả thực, Chúa Giêsu không những không chấp nhận khuynh hướng xấu của loài người là muốn thống trị, muốn ăn trên ngồi trước, mà Ngài còn đưa ra một đề nghị thật chói tai: “Hãy làm đầy tớ mọi người”. Chúa đã dạy một điều rất hợp tình, hợp lý và nhất là hợp với tinh thần siêu nhiên: hợp tình, vì tất cả mọi người đều mến thương những ai có địa vị, có quyền hành mà đồng thời lại có tinh thần phục vụ. Ngược lại, ai cũng ghét những kẻ hách dịch, kiêu ngạo. Hợp lý, vì danh và gánh nặng trách nhiệm hay bổn phận phải đi đôi với nhau: “Càng cao danh vọng càng dày gian lao”. Hợp tinh thần siêu nhiên, vì Chúa Kitô là Thầy và là Chúa đã chủ trương, đã khuyên nhủ và thực sự đã sống như người phục vụ mọi người, thì các môn đệ của Chúa không thể sống khác được, nếu không muốn trở thành một bằng chứng phản lại Chúa.

17. Tính ganh ghét

Trong lúc Đức Giêsu gần tới giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc đời là sắp bị bắt và chịu chết để chuộc tội loài người, thì các tông đồ lại còn ganh ghét nhau, tranh giành địa vị với nhau xem ai lớn ai nhỏ trong nước mà họ tưởng Chúa sẽ thành lập. Như thế đủ biết cái tính ganh ghét có thể xâm nhập vào bất cứ ai (kể cả các tông đồ), và bất cứ hoàn cảnh nào (kể cả lúc Đức Giêsu sắp chịu chết). Cho nên ganh ghét được coi là một trong 7 mối tội đầu, mối thứ 3.

- Gia đình chẳng hạn: lẽ ra đó phải là một tổ ấm hạnh phúc mà mọi người sống trong đó yêu thương, nâng đỡ, nhường nhịn, ủi an nhau. Nhưng nếu chẳng may trong gia đình có một người ganh ghét, thí dụ như một người chị ganh với một đứa em vì nó đẹp hơn, thông minh hơn, được mọi người thương mến hơn… thì trong nhà có những lườm nguýt, phân bì, nói bóng nói gió, cãi vã nhau, thậm chí xô xát nhau nữa… Gia đình hết là tổ ấm mà trở thành gần như hỏa ngục.

- Ở sở làm cũng thế, nhất là những chỗ có nhiều đàn bà con gái. Nhiều chị em đã phải vất vả tốn công tốn của để tìm cho được một chỗ làm. Bắt đầu đi làm thì vui vẻ hăng hái lạc quan. Nhưng làm một thời gian rồi thì đụng phải sự ganh ghét của chị em đồng nghiệp, và khởi sự chán nản, buồn bã, bi quan, chỉ muốn thôi việc đi tìm chỗ khác. Ganh ghét đưa đến những tai hại như thế nào?

1. Trước hết là hại cho chính bản thân người ganh ghét:

- Người ganh ghét tự nung nấu ruột gan mình bằng ngọn lửa khó chịu âm ỉ mãi. Thấy người ta dở, người ta xấu, người ta làm sai làm quấy thì mình khó chịu đã đành; mà thấy người ta hay, người ta tốt, người ta thành công mình cũng khó chịu. Thành ra khi người ta vui thì mình buồn, người ta sung sướng thì mình đau khổ, người ta càng vui sướng chừng nào thì mình càng buồn khổ chừng nấy.
- Hại hơn nữa là người ganh ghét tự làm giảm giá trị và tư cách của mình nữa. Ganh ghét với ai là tự đặt mình vào thế tranh đua với người đó. Mà trong cuộc tranh đua này, nếu mình cảm thấy khó chịu, bực tức khổ sở trước thành công của người khác, thì đó là dấu mình đã thua kém. Thua kém mà còn khó chịu bực tức thì cho thấy tư cách của mình cũng thấp kém nữa.

2. Tai hại thứ hai của tính ganh ghét là gây cho nạn nhân bị mình ganh ghét.

Vì ganh ghét mà mình làm cho người ta buồn người ta khổ một cách hết sức bất công. Chứ nếu công bình mà xét thì người ta đâu có gì để đáng phải buồn khổ như vậy. Chỉ vì người ta hay, người ta tốt, người ta giỏi mà người ta phải khổ. Lẽ ra người ta phải được khen thưởng, phải được mừng vui thì vì ganh ghét mà mình làm cho người ta khổ sở. Người bị ganh ghét như thế lâm vào một hoàn cảnh thật khó xử: một đàng là công việc phải làm, đã làm thì phải làm cho tốt, cho hay – mà càng tốt càng hay thì càng bị mỉa mai dằn vặt. Biết xử thế nào bây giờ! Thật là khó. Thôi chỉ còn nước cứ tiếp tục làm và cắn răng, nuốt nước mắt mà chịu đựng những lời mỉa mai của kẻ ganh ghét.

3. Sau cùng tính ganh ghét còn làm hại cho tập thể nữa.

Người ganh ghét như một con sâu, một con vi trùng độc hại, âm thầm mà hiểm độc phá hoại tập thể, làm cho tập thể mất đoàn kết, mất bình an, mất hăng hái. Cho nên thật là tai hại cho tập thể nào có một vài người ganh ghét; và cũng thật là xui xẻo cho ai lỡ thuộc về tập thể có vài kẻ ganh ghét như thế. Những tai hại vừa kể dẫu không nói ra thì ai cũng có thể nhận thấy. Nhưng có một điều khó nhận thấy là ít ai nhận thấy mình mang tính ganh ghét. Ai cũng có thể bị tính ganh ghét xâm nhập, nhưng ít ai biết mình đang có tính xấu ấy. Chị em có thể ganh ghét nhau mà không hay; bạn bè có thể ganh ghét nhau mà không biết; những người đồng lý tưởng có thể ganh ghét nhau làm hại nhau mà không ngờ. Các con của ông Giacóp ganh ghét đến nỗi bán em là Giuse mà vẫn thản nhiên; các tông đồ ganh ghét tranh giành địa vị với nhau đang lúc Đức Giêsu sắp bị bắt giết mà vẫn không thấy là kỳ. Chúng ta cũng có thể đang ganh ghét với người đồng nghiệp của mình, với người hàng xóm của mình, với chính anh chị em bạn bè của mình mà vẫn không hay. Vì thế chúng ta phải hết sức khiêm nhường mỗi khi xét mình, kiểm điểm đời sống. Dấu hiệu rõ ràng nhất cho biết mình đang có tính ganh ghét là khi mình thấy người khác thành công, mình chẳng những không vui mừng với người ta mà còn bực bội khó chịu với họ, hay thấy người ta thất bại thì mình lại vui sướng.

18. Giá trị

Giá trị của một con người không phải do địa vị của người đó, mà tùy vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.

Để minh họa cho bài học này, sau đó Đức Giêsu đưa ra hình ảnh một em bé. Hình ảnh của một em bé đối với bất cứ người nào nhìn, cũng thấy dễ thương. Cho nên khi thấy một em bé, ai cũng muốn bồng ẵm, muốn ôm hôn, muốn cho nó ăn bánh, ăn kẹo. Tại sao người ta thương em bé và muốn cho nó đủ thứ như vậy? Có phải tại nó giỏi giang, tại nó giúp cho người ta được việc này việc nọ không? Thưa hoàn toàn không, đứa bé còn quá nhỏ, chưa biết là gì, chưa giúp ích được gì. Nhưng người ta thường nói chỉ vì người ta thương nó, thế thôi. Một tình thương hoàn toàn vô vụ lợi. Người ta cho nó cái này cái nọ, cũng không phải để trả ơn nó hay để mong nó làm gì giúp mình. Cũng chỉ vì thương mà phục vụ thôi. Chúa dùng hình ảnh em bé để minh họa cho bài học phục vụ trên kia: chúng ta cũng phải cư xử với mọi người theo kiểu chúng ta cư xử với một em bé: hết lòng yêu thương phục vụ một cách hoàn toàn vô vụ lợi. Người nào biết phục vụ kẻ khác như thế thì là phục vụ Chúa, và mới xứng đáng làm môn đệ Chúa.

Chúng ta hãy nhớ bài học của Chúa: giá trị con người không tùy vào địa vị của người đó, mà tùy vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.

- Trong một gia đình, ai là người lớn nhất? Có phải là người cha, người chồng không? Bề ngoài là như vậy. Nhưng đối với Chúa thì chưa chắc. Người cha ấy, người chồng ấy nếu chỉ biết có ra lệnh bảo người này người nọ làm mọi việc, nếu chỉ biết ngồi đó mà chê món này dở, cái bàn này lau chưa sạch, nhà cửa này lộn xộn lung tung;

Nếu chỉ biết ăn no rồi đi chơi, chỉ biết có nhậu nhẹt và để mặc vợ con làm tất cả, thì đó chính là kẻ nhỏ nhất trong nhà, nhỏ hơn cả vợ mình, nhỏ hơn cả con mình. Bởi vì người chồng người cha ấy là một người vô ích.

- Trong một khu xóm cũng vậy, trong một cơ quan cũng vậy, trong một họ đạo cũng vậy. Nếu xét theo tiêu chuẩn của Chúa, thì kẻ lớn nhất không hẳn là người có địa vị cao nhất, không hẳn đó là ông trưởng xóm, không hẳn đó là ông giám đốc, không hẳn đó là ông chủ tịch Hội đồng Giáo xứ. Mà rất có thể kẻ được Chúa xét là lớn lại chính là một người mà ít ai để ý tới, người đó không có chức có quyền nào, người đó âm thầm ít nói, nói ít mà làm nhiều; luôn luôn chu toàn nhiệm vụ mình, luôn tìm cách giúp ích cho người khác.

- Thí dụ như linh mục Jean Marie Vianney. Cha là một người vừa kém thông minh và vừa có tư cách cục mịch như một người nhà quê. Sau nhiều năm học ở chủng viện, Vianney thi không đủ điểm nên đáng lẽ bị loại. Nhưng người ta chỉ thương tình mà cho đậu vớt và được phong chức linh mục. Vì thấy cha quá kém cõi. Đức Giám mục đưa cha đi làm cha sở một họ đạo nhỏ xíu ở miền quê mà giáo dân đã bỏ đạo gần hết, đó là họ Ars. Thế nhưng cha Vianney đã tận dụng tất cả các khả năng và sức lực Chúa ban để hết lòng phục vụ họ đạo. Mỗi ngày cha chỉ nghỉ ngơi 3, 4 tiếng đồng hồ. Nhưng ngồi tòa giải tội thì liên miên, có khi tới 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Cha không có giờ nấu cơm, nên chỉ nấu một nồi khoai lớn để ăn dần cho suốt một tuần lễ. Dần dần cả họ Ars trở lại, thành một họ đạo sốt sắng sống gương mẫu. Giáo dân từ các họ khác cũng đến đó để dự lễ, để nghe giảng, để xưng tội. Có cả các tu sĩ, các linh mục, Giám mục từ khắp nơi đến để nhờ cha giúp đỡ về mặt linh hồn. Sau này người viết tiểu sử của cha đã nhận định: Nếu cả Giáo Hội nước Pháp mà có được chỉ một vài linh mục như cha Vianney thôi thì cả nước Pháp đã nên thánh. Đó mới là người lớn thật mặc dù chỉ là một linh mục học kém, một cha sở nhà quê, bởi vì sức phục vụ của cha thật là lớn.

Bài học của Chúa Giêsu hôm nay thật là dễ hiểu, nhưng lại khó thực hành.

Ai muốn làm lớn thì phải hạ mình phục vụ mọi người như một kẻ đầy tớ.

Giá trị của một con người không phải do địa vị của người đó, mà là do khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.

19. Suy niệm của JKN

VÌ THĂNG TIẾN BẢN THÂN HAY VÌ ĐẠI CUỘC NƯỚC TRỜI?

Câu hỏi gợi ý:

1. Các môn đệ Đức Giêsu hy vọng gì nơi Đức Giêsu? Các ông phản ứng thế nào khi Ngài báo trước rằng Ngài sẽ bị giết chết? Việc tiên báo cái chết của Ngài ảnh hưởng gì đến niềm hy vọng của các ông?
2. Trước sứ mạng của Đức Giêsu, não trạng của Ngài khác với các môn đệ chỗ nào? Tâm trí các môn đệ bị thu hút bởi đại cuộc của Thiên Chúa hay bởi sự thăng tiến bản thân của các ông?
3. Những người mang danh theo Chúa mà coi trọng việc thăng tiến bản thân hơn đại cuộc của Thiên Chúa thì Giáo Hội Chúa sẽ ra sao? sẽ phát triển hay bị trì trệ? Tại sao?

CHIA SẺ

1. Bối cảnh của bài Tin Mừng

Đức Giêsu và các môn đệ đi băng qua miền Galilê một cách âm thầm không cho ai biết. Ngài muốn tạm gác việc loan báo Tin Mừng, giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng qua một bên để có thì giờ dạy dỗ các môn đệ, đặc biệt báo cho các ông biết một viễn cảnh sắp xảy ra mà các ông khó có thể hiểu và chấp nhận. Đó là «Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người…». Phải báo trước viễn cảnh ấy để chuẩn bị tinh thần cho các ông, để các ông không quá ngỡ ngàng và thất vọng khi nó xảy đến, mà sẵn sàng đón nhận nó. Đây không phải lần đầu tiên Ngài nói với các môn đệ điều này, Ngài đã từng «nói rõ điều ấy không úp mở» với các ông trước đó không lâu (x. Mc 8,31-33), nhưng lúc đó các ông tỏ ra không thể chấp nhận được. Thái độ không chấp nhận này đã bị Đức Giêsu quở trách rất nặng lời, đến nỗi Ngài đã gọi Phêrô là: «Xatan!» khi ông muốn can Ngài. Chính vì lần trước các ông bị quở trách nặng nề như thế, nên lần này bài Tin Mừng cho biết: «Các ông sợ không dám hỏi lại Người».

Các môn đệ Đức Giêsu quan niệm rằng Thầy mình đến để giải phóng dân Do-thái về mặt chính trị, và Ngài sẽ làm vua. Điều các ông hằng mơ tưởng bấy lâu nay là: mai mốt khi Thầy mình làm vua thì mình cũng sẽ làm quan, nắm những chức vụ chủ chốt trong triều đình của Ngài. Nhưng những chức vụ chủ chốt ấy dẫu sao vẫn có chức lớn hơn chức nhỏ hơn, thế là các ông bàn tán với nhau xem ai là người được Đức Giêsu giao cho chức vụ lớn nhất. Nhưng thực tế không xảy ra như các ông nghĩ. Cách suy nghĩ của Thiên Chúa khác hẳn với cách suy nghĩ của con người. Sở dĩ các ông không thể chấp nhận việc Ngài chết, vì nếu Ngài chết thì những mơ tưởng đẹp đẽ của các ông sẽ biến thành mây khói, và các ông sẽ lại trở về với những thực tại tầm thường của mình.

2. Hai não trạng: một vì đại cuộc, một vì thăng tiến bản thân

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy hai quan niệm, hai não trạng khác nhau giữa Đức Giêsu và các môn đệ Ngài. Đức Giêsu thì quan tâm tới đại cuộc của Thiên Chúa, và sẵn sàng hy sinh tất cả cho đại cuộc ấy. Còn các môn đệ thì lòng trí đang bị thu hút vào việc thăng tiến bản thân, coi việc được làm môn đệ Đức Giêsu như một cơ hội hết sức thuận lợi cho việc thăng tiến ấy. Các ông chưa nghĩ gì tới đại cuộc cũng như việc hy sinh cho đại cuộc cả. Não trạng của các môn đệ cũng là não trạng của tuyệt đại đa số Kitô hữu chúng ta. Nhưng muốn thật sự theo Đức Giêsu, tất cả chúng ta đều cần phải sửa đổi lại cách suy nghĩ của mình, đồng thời mặc lấy cách quan niệm và suy nghĩ của Ngài, là Thầy của chúng ta.

Thực ra, quan tâm hay lo lắng cho việc thăng tiến bản thân tự nó là điều rất tốt, đó là một động lực hợp pháp và tốt lành đã tạo nên biết bao nỗ lực hay công việc tốt đẹp ở trần gian này. Tuy nhiên, đối với những tâm hồn thiếu tình thương, ích kỷ, thiếu đạo đức, việc thăng tiến bản thân cũng là động lực làm nên bao tội ác. Biết bao người sẵn sàng đạp trên đầu trên cổ người khác, sẵn sàng âm mưu thâm độc, bỉ ổi, hèn hạ để hại người, giết người, hầu bước lên những địa vị cao cả ngoài xã hội cũng như trong Giáo Hội. Vì thế, lòng ham muốn thăng tiến bản thân là một con dao hai lưỡi: nó có thể tốt mà cũng có thể xấu. Nó chỉ tốt khi nào ta đặt nó dưới sự chỉ đạo của Luật Chúa, của tình thương, của lương tâm.

Đối với những người thật sự muốn theo Chúa và tiến tới trên con đường nhân đức, thánh thiện, thì cần phải coi rất nhẹ việc thăng tiến bản thân để có thể hết mình với đại cuộc của Thiên Chúa. Để sẵn sàng hy sinh tất cả, dẫu là những cơ hội thăng tiến bản thân, thậm chí cả mạng sống mình, cho đại cuộc của Thiên Chúa. Đại cuộc của Thiên Chúa chính là kế hoạch cứu độ nhân loại, thăng tiến tâm linh con người, thực hiện Nước Trời không chỉ trong thế giới mai hậu mà còn ở ngay trần gian này.

Nói thế không có nghĩa là người theo Chúa phải luôn luôn khước từ mọi cơ hội thăng tiến bản thân, từ bỏ mọi địa vị hay quyền lực. Người thật sự hiến mình cho đại cuộc chỉ coi địa vị, quyền lực, danh vọng như những phương tiện để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, để phục vụ con người, và coi bản thân mình chỉ là dụng cụ mà Thiên Chúa dùng để thực hiện kế hoạch của Ngài mà thôi. Thái độ của họ đối với địa vị, quyền lực, danh vọng là không ham muốn cũng không tránh né: sẵn sàng đảm nhận khi thấy đó là một phương tiện để phục vụ tốt, nhưng cũng sẵn sàng từ khước khi thấy mình bất xứng hay khi có người khác xứng đáng hơn…

Một số khá đông người trong Giáo Hội - từ giáo dân cho đến giáo sĩ - coi việc làm tông đồ, đời tu trì… như những cơ hội hay môi trường thuận lợi để thăng tiến bản thân mình. Họ cũng tỏ ra rất hăng hái nhiệt thành trong công việc của Chúa, nhưng động cơ thúc đẩy lại mang tính vị kỷ chứ không phải vị tha. Khi đã đạt được những chức vị cao trong Giáo Hội theo khả năng của mình, họ trở nên ù lỳ, ngại dấn thân, thích hưởng thụ… vì mục tiêu đã đạt được, không cần phải phấn đấu để lên cao hơn nữa… Nếu những cấp lãnh đạo Giáo Hội gồm toàn những hạng người này, thì Giáo Hội sẽ bị trì trệ, không phát triển được, nhất là khi Giáo Hội gặp phải những giai đoạn khó khăn, bị bách hại, đòi hỏi các cấp lãnh đạo phải dấn thân, phải thật sự hy sinh và quảng đại cho Giáo Hội.

3. Người làm lớn phải có tinh thần phục vụ cao

Bất kỳ tập thể nào - trong Giáo Hội hay ngoài xã hội - muốn thăng tiến cũng đều cần có những người tài đức biết quên mình để phục vụ cho sự phát triển và thăng tiến của tập thể. Nhưng những người phục vụ cho sự phát triển tập thể có thể được thúc đẩy bởi một trong hai động lực trái ngược nhau. Một đằng thật sự vì đại cuộc, vì ích lợi chung của tập thể. Và một đằng vì sự thăng tiến của bản thân (để đạt được những chức vụ cao, để nắm quyền hành trong tay, để được nổi tiếng, được ca tụng, tung hô, nể phục, để thỏa mãn nhu cầu «phình to bản ngã», để hưởng thụ cuộc đời). Người thật sự vì đại cuộc có thể hy sinh tất cả cho đại cuộc, còn người vì sự thăng tiến bản thân thì lại sẵn sàng hy sinh đại cuộc cho sự thăng tiến của mình. Hạng này coi đại cuộc như một phương tiện hữu hiệu để mình tiến thân.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, trước tinh thần vì sự thăng tiến bản thân hơn là vì đại cuộc của các môn đệ, Đức Giêsu đưa ra nguyên tắc cho Nước Trời và Giáo Hội của Ngài: «Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người». Ngài muốn khuyên những ai đang muốn thăng tiến bản thân hãy từ bỏ ý hướng vị kỷ ấy để hướng lòng về đại cuộc, về hạnh phúc chung của tất cả mọi người. Chỉ những người có tinh thần cao cả như thế mới xứng đáng làm lớn, giữ địa vị lãnh đạo. Và chỉ khi những người này nắm quyền lãnh đạo, Giáo Hội hay xã hội mới thật sự thăng tiến và phát triển.

Để cụ thể hóa tinh thần ấy, «Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”» Ngài muốn nói: người làm lớn phải coi trọng và phục vụ tất cả mọi người, dù là người bé mọn nhất trong xã hội hay Giáo Hội. Tính phân biệt giầu nghèo, sang hèn, thánh phàm, giáo sĩ giáo dân… đều không xứng hợp với những người lãnh đạo trong Giáo Hội hay trong Nước Trời. Khi đối xử tốt với một người giàu có hay có chức vị lớn, rất có thể ta làm vì một ý đồ ích kỷ. Nhưng khi đối xử tốt với một người nghèo hay một kẻ bé mọn, một trẻ em, thì việc đối xử ấy thường không vì một ý đồ ích kỷ mà vì tình thương. Đó cũng chính là làm cho Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Cách hành động vị tha như thế phải là hành động của những người làm lớn trong Giáo Hội: luôn luôn hành động vì ích lợi hay hạnh phúc của mọi người chứ không vì sự thăng tiến hay hạnh phúc của mình.

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin cho con biết nghĩ đến đại cuộc của Thiên Chúa. Xin mở lòng con ra để có thể ôm cả thế giới vào lòng. Đừng để lòng con chật hẹp khiến con chỉ biết nghĩ đến mình, đến hạnh phúc hay đau khổ của mình, đến sự thăng tiến của riêng mình. Xin ban cho con một tâm hồn vị tha, biết quên mình trước những nhu cầu của tha nhân.

20. Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux

LẦN THỨ HAI LOAN BÁO VỀ CUỘC KHỔ NẠN (9,29-32)

Điểm khởi hành của Chúa Giêsu không được xác định rõ. Tuy nhiên ghi chú địa lý lần trước cho thấy Ngài đang hiện đang ở miền cực bắc xứ Phalestin tức miền Cêsarê Phillipphê (8,27). Như thế là Chúa Giêsu băng ngang khắp miền Gialilê với các môn đệ Ngài (c. 30a) theo hướng bắc – nam. Ngài đang thực hiện điều mà người ta thường gọi là “cuộc tiến về Giêrusalem”. Giống như Matthêu và Luca, Maccô chỉ ghi nhận một hành trình duy nhất của Chúa Giêsu tiến về Giuđê và thủ đô Israel (9.30-11,1). Cuộc hành trình tối hậu này sẽ dẫn Chúa Giêsu tới định mệnh đẫm máu của Ngài. Nhưng Ngài “không muốn cho thiên hạ biết” (c.30b). Luôn luôn quy luật “bí mật Mêsia” được nêu ra. Quần chúng Galilê đã nhận được từ Chúa Giêsu những lời nói và phép lạ minh chứng đầy đủ về sứ mệnh Mêsia của Ngài. Thế mà họ đã không hoán cải. Giờ đây Chúa Giêsu phải cống hiến hoàn toàn cho việc dạy dỗ các môn đệ Ngài để, nếu có thể, dẫn dắt họ đón nhận viễn cảnh một Đấng Mêsia bị dân tộc mình ruồng bỏ (c.31a).

Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo cho các bạn hữu mình về cuộc khổ nạn. Ngài sử dụng lại các từ ngữ hầu như y hệt lần trước (x. 8,31). “Con Người” sẽ bị “nộp vào tay người ta. Động từ “nộp” dùng ở đây có nghĩa rất mạnh. Ngài sẽ bị ai nộp? Về sau Maccô sẽ xác nhận rõ những người nào sẽ bị nộp Chúa Giêsu để đưa Ngài đến cái chết: đó là Giuđa (14,10), các thượng tế (15,1) và Philatô (15,15). Tuy nhiên, ở đây hình thức động từ nằm ở thể thụ động: Chúa Giêsu sẽ “bị nộp”. Đây là một cách thức rất thông dụng dân Do Thái thường dùng để chỉ Thiên Chúa là tác nhân mà tránh không nêu danh Người ra vì lòng tôn kính. Cần phải nhớ kỹ rằng: Cái chết của Chúa Giêsu có thể quy trách cho những kẻ tội lỗi gây ra trong lịch sử. Các Kitô hữu cắt nghĩa “điều chướng kỳ” này bằng cách cho thấy nó nằm trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Đây là điều mà công thức đột ngột được dùng trong lần loan báo đầu tiên muốn đề cập: con người “phải” chịu khổ và chết (8,31). Cũng như lần trước, lần này lời hứa Phục sinh thêm vào ngay sau đó (c.31b) cũng chẳng an ủi được các môn đệ trước viễn cảnh đớn đau của cái chết. Các bạn hữu của Chúa Giêsu vẫn khư khư chẳng hiểu gì lời giáo huấn của Thày mình (c. 32). Đây là chủ đề về “sự ngu muội” của các môn đệ trước nỗ lực liên lỷ của Chúa Giêsu nhằm dẫn dắt họ hiểu ra được định mệnh của Ngài. Như chúng ta từng thấy, Phêrô đã biểu lộ sự phản kháng thực sự trước lời loan báo về cái chết của Chúa Giêsu (x. 8,32). Lần này, sự “khép lòng” của các môn đệ được ghi nhận qua nỗi sợ hãi không dám “hỏi Ngài”, họ tránh né mọi cuộc trao đổi với Ngài về những thử thách đang chờ đợi Ngài. Như thế, độc giả có thể hiểu được rằng quả thực là khó khăn khi phải trực diện với cái chết.

VẤN ĐỀ ĐỊA LÝ TRONG PHÚC ÂM MACCÔ

Tác giả Phúc Âm đã đóng khung cuộc đời Chúa Giêsu trong môt ranh giới rất đơn giản ở đó người ta thấy lộ rõ ra hai cực: Galilê và Giêrusalem. Thực thế, sau khi chịu phép rửa ở sông Giođan (1,9). Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ của mình ở Galilê, nằm ở mạn bắc xứ Palestin (1,14-9,29). Chỉ mãi về sau Ngài mới băng ngang Galiê theo hướng nam để “lên” Giêrusalem, thủ phủ xứ Giuđêa (9,30). Chính ở đó Ngài sẽ đương đầu với các nhà cầm quyền tôn giáo của dân tộc mình để rồi trải qua cuộc khổ nạn và Phục Sinh (11,10-16,8).

Lộ trình theo sát đường kẻ kiểu này chắc chắn là sản phẩm của một sự “khái quát hóa”, bởi vì theo như Phúc Âm của Gioan cho biết, sứ vụ của Đấng Mêsia trải dài trên hoặc ba năm. Chắc hẳn Chúa Giêsu đã lên Giêrusalem nhiều lần theo như tập tục vào các dịp lễ của người Do Thái (x. Ga 5,1; 7,2; 10,22; 12,12).

Như thế, nơi Phúc Âm Maccô, địa lý đã được dùng để “phục vụ” cho một ý đồ cao siêu. Quả thực đối với Maccô, Galilê và Giêrusalem là hai địa danh đối kháng nhau, mỗi nơi mang một ý nghĩa riêng biệt. Galilê là nơi Chúa mở đầu sứ vụ và đồng thời là nơi Chúa thi hành sứ vụ, rao giảng cho dân ngoại. Từ thời Cựu Ước, thành phố mạn bắc này từng chịu nhiều cuộc xâm lăng của ngoại bang. Chỉ danh xưng của nó cũng nói lên được điều này: đây là một “khu vực thuộc các dân tộc” chen vai thích cánh với nhau (Is 8,23). Vậy mà chính tại Galilê Chúa Giêsu đã được dưỡng nuôi (ở Nadaret: Lc 4,16). Tại đây Ngài đã khai mạc sứ vụ (1,14). Ngài đã thiết lập ở Caphanaum và bên bờ hồ Tibêria, căn cứ hoạt động và giảng dạy của Ngài (1,16; 2,1.13; 4,1). Ở phần đầu Phúc Âm, người ta thấy đoàn lũ dân chúng Galilê hồ hởi đón nghe và theo dõi các phép lạ Chúa Giêsu ban phát cho họ.

Tuy nhiên, từ chỗ đó, Chúa Giêsu đã đưa các môn đệ Ngài vượt qua các biên giới. Ngài cùng họ vượt hồ Tibêria, từ bờ bên mạn tây thuộc Do Thái đi qua bờ mạn đông thuộc dân ngoại. Với hành vi lặp đi lặp lại này, Ngài không ngừng kêu mời họ mở rộng tầm nhìn để mang Tin Mừng đến với đám dân ngoại (xem toàn bộ từ 4,35-5,20). Càng bành trướng sứ vụ Chúa Giêsu càng gia tăng việc di chuyển đến những vùng không thuộc dân Do Thái chẳng hạn vùng Phênixi (hiện là Liban), vùng Tirô và Siđon (7,24.31a) hay vùng Thập Tỉnh, hiện nay là Giocđani (7,31b).

Qua việc thực hiện các chuyến đi ngắn hoặc dài nơi vùng đất dân ngoại, Chúa Giêsu muốn tập cho các bạn hữu mình quen với tư tưởng rằng Ngài không chỉ là Đấng Mêsia của dân Do Thái mà còn của dân ngoại nữa. Các vị hữu trách tương lai của Giáo Hội phải ý thức rằng Chúa Giêsu mang đến ơn cứu độ phổ quát. Đây chính là ý nghĩa lần hóa bánh ra nhiều lần thứ hai được Chúa Giêsu thực hiện ở mạn đông sông Giocđan (8,1-9), nơi đây Chúa Giêsu đã mở ra bàn tiệc Lời Ngài và ân sủng Ngài cho một dân tộc bên ngoài dân riêng của Chúa. Cũng không phải tình cờ mà ngay tại Betsaiđa, vùng đất dân ngoại, Chúa Giêsu đã mở mắt cho một người mù (8,22-26), hành vi này được ví như khúc nhạc dạo đầu cho sự khám phá ra thân thế Ngài (điều này được thực hiện ở Cêsarê Philipphê, giữa vùng đất dân ngoại: 8,27-29). Như thế không nên ngạc nhiên tại sao ngay khi vừa sống lại, Chúa Giêsu đã bảo các bạn hữu mình đến gặp Ngài “ở Galilê” là nơi Ngài đang chờ họ để sai họ theo chân Ngài ra đi mang Tin Mừng cho toàn thế giới (16,7-8.15).

Đối nghịch với Galilê, Maccô đã biến Giêrusalem, thủ đô của Do Thái, thành một cực khép kín và chống lại Chúa Giêsu. Ngay từ lúc Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ, nhóm luật sĩ và Biệt phái “đến từ Giêrusalem” đã tố cáo là Ngài bị Satan nhập (3,22) nào là Ngài để các môn đệ mình vi phạm các truyền thống cổ xưa (7,1). Chính tại Giêrusalem, trung tâm đức tin Do Thái Chúa Giêsu sắp phải đương đầu gay gắt nhất với đám thủ lĩnh tôn giáo của dân riêng Chúa (11,1-12,40). Cũng chính ở đó Ngài sẽ bị bắt, bị xét xử, bị kết án tử hình và bị hành hình do lời xúi giục của các vị cầm quyền Do Thái cao cấp nhất (14,1-15,47).

Như thế vấn đề địa lý trong Phúc Âm Maccô chứa đựng một bài học sâu sắc: là người theo Chúa Giêsu, các Kitô hữu không được để cho Phúc Âm bị đóng khung trong bất cứ loại thành “Giêrusalem” nào! Họ phải luôn luôn liên kết với Đấng Phục Sinh là Đấng từ bờ hồ Tibêria đã mời gọi họ “ra khơi”. Bởi vì “trong Chúa Kitô không còn phân biệt ai là Do Thái, ai là Hy Lạp nữa” (Thư Phaolô gởi tín hữu Galat 3,28). Ơn cứu độ phải được mang đi từ Giêrusalem và từ Galilê đến tận cùng thế giới.

THEO CHÚA GIÊSU NHƯ THẾ NÀO: CƯ XỬ VỚI TRẺ EM (9,33-37)

Mỗi lần Chúa Giêsu loan báo rõ ràng về cuộc khổ nạn của Ngài (8,31; 9,31) Maccô đều nhấn mạnh đến sự “ngu muội” không hiểu của các môn đệ (8,32; 9,32). Sau đó, Maccô cho thấy Chúa Giêsu cố gắng nhồi nhét vào đầu óc của bạn hữu mình một bài học thích hợp với chủ đề Ngài nêu: muốn bước theo Ngài họ phải trung thành tự hạ như Ngài. Chúa Giêsu đã thực hiện việc dạy dỗ họ về chủ đề này sau lần loan báo thứ nhất về cái chết của Ngài (x.8,34-9,1). Và giờ đây Ngài lại tiếp tục dạy dỗ họ sau lần loan báo thứ hai.

Tác giả Phúc Âm gợi cho thấy đây là thời gian được chọn lựa đặc biệt để thầy trò trao đổi (c.33). Chúa Giêsu và các bạn Ngài về lại khu vực khởi đầu công việc dạy dỗ, ở tại Caphanaum và tại căn nhà cũ (x.2,1-2). Đây là nơi lý tưởng để tiến hành việc dạy dỗ riêng các môn đệ, xa đám đông ồn ào, về chủ đề mới mẻ nhưng khó khăn liên quan đến Đấng Mêsia “Tôi Tớ”. Với tư cách vị Đạo Sư sành sỏi, Chúa Giêsu khởi đầu bằng việc hỏi các môn đệ về đối tượng những “cuộc tranh luận” của họ trong lúc đi đường. Người ta đều biết rằng trong lối giáo dục của các kinh sư Do Thái, việc tranh luận đóng một vai trò quan trọng. Điều mà trong lúc đi đường các môn đệ tranh luận với nhau mang nhiều ý nghĩa. Nghe Chúa Giêsu hỏi, họ im lặng không trả lời. Thực ra họ đã tranh nhau xem ai là người “lớn” nhất (c.34). Maccô thú nhận là các vị này cảm thấy xấu hổ. Họ không dám thú nhận là đang lo tranh giành nhau danh vọng trong lúc Thầy mình thì đang tiến về một tương lai đầy khiêm hạ. Quả là tương phản rõ ràng!

Chúa Giêsu thấy mình có bổn phận can thiệp để tránh cho các môn đệ mình khuynh hướng đua đòi chay theo quyền lực. Ngài cho họ một bài học sống động (c.35a). Maccô diễn tả cho thấy Chúa Giêsu ngồi xuống để biểu lộ cung cách một vị Sư Phụ mà các đệ tử phải chú tâm lắng nghe. Đây là tư thế của người giảng dạy đầy uy quyền (x.4,1). Ngài quy tụ “ nhóm Mười Hai” lại. Lối nói này hiếm khi được Maccô sử dụng(3,14; 6,7). Và khi sử dụng nó Maccô muốn nói rằng các tông đồ là những vị hữu trách tương lai của Giáo Hội. Chúa Giêsu nói với họ một cách hoàn toàn rõ ràng (c.35b). Đại khái trong lời ngỏ với các vị thủ lãnh tương lai của dân Chúa, Chúa Giêsu đã đảo ngược trật tự thông thường của phẩm trật nhân loại. Muốn làm đầu thì phải làm cuối mọi người, muốn chỉ huy thì phải làm “tôi tớ tất cả”. Nghịch lý này rõ ràng chỉ có ý nghĩa qua tấm gương Chúa Giêsu biểu lộ nơi thân thể và sứ mệnh của Ngài. Là Đấng Thủ Lãnh, Ngài đã đặt mình vào vị trí rốt hết để phục vụ mọi người. Sứ điệp của Ngài liệu có được người ta nghe không? Chúa Giêsu tin rằng cần phải minh hoạ lời Ngài nói bằng một cử chỉ có ý nghĩa. Ngài đặt một em bé vào giữa họ rồi ôm lấy em (c.36a). cử chỉ này tạo ra một ảnh hưởng bất ngờ. Dắt một em bé vào giữa đám môn đệ rồi ôm hôn nó: tất cả điều này đi ngược với tập tục đương thời. Xã hội thời xưa không quan tâm đặc biệt đến trẻ em. Ngược lại, trẻ em không được người lớn đối xử như là những “nhân vật” còn non trẻ, người ta thường xem chúng là những sinh vật vô nghĩa. Chúng mà biết nói năng, lý luận gì cho ra trò. Thậm chí họ còn thường xua đuổi, khai trừ chúng ra khỏi cộng đồng tôn giáo vì cho rằng chúng ngu dốt không biết lề luật.

Như thế Chúa Giêsu đã thực hiện hành động phục hồi mang hai chiều kích (con người và tôn giáo) khi Ngài đặt đứa bé – tiêu biểu một hạng người bị khai trừ – vào giữa đám bạn hữu Ngài. Và Ngài nhấn mạnh hành động này bằng một lời nói nặng trĩu ý nghĩa (c.37a). Cộng đoàn Kitô hữu sẽ phải nhớ tới lời này. Nhân danh Chúa Giêsu tiếp nhận một đứa trẻ – ở đây tượng trưng cho kẻ nghèo khó vào mọi kẻ bị khai trừ – chính là tiếp nhận chính Chúa Giêsu. Đây là câu trả lời đầy kinh ngạc Chúa Giêsu dùng để đáp lại câu hỏi được các môn đệ tranh cãi nhau trong lúc đi đường: “Ai là kẻ cao trọng nhất?”. Việc đua đòi danh vọng đã trở nên sỗ sàng đối với những kẻ bước theo Chúa Giêsu vào lúc Ngài đang đi trên con đường khiêm hạ dẫn đến đau khổ và cái chết. Trở nên “tôi tớ” mọi người, mở rộng vòng đai khép kín của Giáo Hội đến tận những kẻ hèn mọn nhất, trơ trụi nhất chính là “sứ vụ” Chúa Giêsu uỷ thác cho các môn đệ Ngài. Để nhấn mạnh thêm bài học trang trọng này Chúa Giêsu đã kết luận bằng một từ nói về “Sự tiếp đón” (c.37b): Chúa Giêsu chính là sứ giả của Thiên Chúa. Đón nhận Ngài trong bản thân những kẻ bé nhỏ chính là đón nhận chính Thiên Chúa. Thiên Chúa mang khuôn mặt một con trẻ, đó là sứ điệp bất ngờ, rất tân kỳ của trang Phúc Âm khả ái này.

21. Chú giải của Noel Quesson

Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết.

Một lần nữa, chúng ta lặp lại đề tài Chúa muốn ẩn thân. Đức Giêsu không được người ta hiểu, bị đám đông dân chúng bỏ rơi, bây giờ hoàn toàn chỉ chăm lo cách riêng vào việc đào tạo một số môn đệ của Người.

Phát xuất từ những vùng miền Bắc đi về miền Xêxarê Phi-líp-phê, ở nguồn sông Giođan, Đức Giêsu tiến gần về Giê-ru-sa-lem. Người băng qua xứ Galilê mà ở đó cách đây vài tháng Người đã rất thành công, nhưng một sự thành công không rõ rệt. Lần này Người không tìm dịp nói chuyện trước công chúng. Người chỉ nói với các tông đồ, là mầm mống của cộng đoàn Kitô hữu tương lai và những gì Người sắp nói với họ, là chính những luật lệ giúp họ sống trong cộng đoàn Giáo Hội.

Vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con người sẽ bị nộp vào tay người đời".

Trong khi Đức Giêsu không muốn người ta dùng tước vị "Con Thiên Chúa". Người luôn đúng, nhất là trong giai đoạn thứ hai đời sống tác vụ của Người, tước vị "Con Người". Ngược lại những gì thoạt tiên chúng ta có thể nghĩ, đây không phải là việc nhấn mạnh đến nhân tính của Đức Giêsu. Thực tế, những Kitô hữu đầu tiên, phát xuất từ đạo Do Thái đã gán cho tước vị này một ý nghĩa sâu đậm: Đối với họ, tước vị này ám chỉ Đấng Mêsia do ngôn sứ Đanien đã báo trước (7,13-14). "Con Người" này có nguồn cội từ trời, Người từ trên mây trời mà xuống... Người đến nhân danh Thiên Chúa để hoàn tất công trình của Chúa.

Chúng ta thấy cách nói của Đức Giêsu muốn điều chỉnh lại ý niệm mà các tông đồ đã có về Đấng Mêsia. "Con Người Thần Thánh" từ trên mây trời hiện đến cách vinh quang mà các bạn đang mơ ước, thì Đấng đó sẽ bị giao nộp không chút tự vệ "vào tay loài người". Các bạn chớ nhầm lẫn Đấng Mêsia, chớ nhầm lẫn Thiên Chúa! Đức Giêsu thực sự do Thiên Chúa mà đến, nhưng không phải là Đấng mà loài người thường tưởng nghĩ.

Bị giao nộp.

Một Thiên Chúa ‘bị giao nộp’, một Thiên Chúa được ‘tăng ban’, một Thiên Chúa ‘Tình yêu’ chứ không phải một Thiên Chúa toàn năng, toàn quyền. Chúng ta tin không phải ở một Thiên Chúa toàn năng, nhưng là một Người Cha Toàn Năng, tin ở Đấng đã trao hiến hết mình, Đấng đã giao nộp mình vì chúng ta, mà Thập giá của Đức Giêsu là "mạc khải" rõ ràng và dứt khoát.

Cụm từ "bị giao nộp vì chúng ta" là những từ chủ yếu trong khoa thần học ban sơ. "Bị giao nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính" (Rm 4,25).

“Người đã không tha chính con của Người, mà đã giao nộp cho tất cả chúng ta” (Rm 8,32).
“Người đã thương yêu và thí mạng vì tôi" (Gl 2,20).
"Anh em hãy sống trong tình bác ái như Chúa Kitô đã thương yêu chúng ta và đã nộp mình" (Ep 5,2).
“Chúa đã giao nộp Người vì tội của chúng ta" (Is 53,2).
Chứng từ này được nhắc lại cho chúng ta mỗi khi cử hành Thánh Thể; "Đây là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con".

Họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau, Người sẽ sống lại.

Kể từ lúc Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin tại Xêxarê Phi-líp-phê, thì đây là việc loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó. Toàn thể Tin Mừng của Maccô dẫn đưa chúng ta đến chóp đỉnh này: Sự tử nạn và Phục sinh. Đó là trọng tâm kinh Tin kính của chúng ta: Hai biến cố lịch sử. Đây thật là tiểu sử lạ lùng của một con người. Không phải sự sống của Người là quan trọng mà là "cái chết" của Người và việc Người "sống mãi". Chúng ta không thể không lưu ý con người đó luôn luôn báo trước, cùng một lúc và một cách bình tĩnh rằng, Người sẽ "sống lại" sau khi chết. Đó cũng như Người coi cuộc sống thứ nhất của Người ở Palestine thời đó, không phải là cuộc sống quan trọng nhất.

Ngày nay, chúng ta có thực sự tin rằng Đức Giêsu vẫn đang sống không?

Mầu nhiệm Phục sinh là cốt yếu của Đức tin chúng ta. Và đó là đặc quyền duy nhất và căn cốt của Đức Giêsu. Không có một vĩ nhân nào khác dám tự phụ giải phóng được con người, khỏi định mệnh cuối cùng, là cái chết. Cả Đức Phật và Mahômét hay bất cứ một chủ thuyết nhân bản nào khác, cũng không đưa ra được một giải pháp trước thái độ lo âu lớn lao của con người luôn biết mình sẽ phải chết. Chỉ có Đức Giêsu, một cách bình tĩnh và chân thành đã dám nói: "Họ sẽ giết Tôi, nhưng Tôi sẽ sống lại".

Đó là ánh sáng chủ yếu Chúa đã soi chiếu trên cái chết: Đức Giêsu biết rằng đó không phải là chấm dứt tất cả. Người biết những gì đang chờ đợi Người. Khi trải qua giây phút bi thảm của "hơi thở cuối cùng", Đức Giêsu biết rằng Người không rơi vào hố đen của hư vô, nhưng vào vòng tay của Chúa Cha. Và điều đó đã dệt nên bài ca hy vọng của người Kitô hữu trong nghi thức từ biệt cuối cùng với người chết: "Chúa Cha đợi bạn, và cánh tay của Thiên Chúa sẽ mở ra đón bạn".

Chúng ta cứ tin chắc rằng cái chết là như vậy không? Đây là sứ điệp của mọi người tử vì đạo. Đó là niềm tin vững chắc của những tín hữu đích thực. Nhưng các môn đệ không hiểu lời ấy, lại sợ không dám hỏi Chúa. Tin Mừng không hề tô vẽ cho các tông đồ. Đó cũng là những con người đáng thương như chúng ta. Thánh Maccô không những nhấn mạnh đến trí óc trì trệ, nông cạn, hẹp hòi của các ông. "Họ không hiểu”(Mc 6,52; 8,17; 8,21; 9,32). Do đó nhóm Mười Hai là một tiêu biểu cho những con người thông thường, trung bình. Người ta tự hỏi làm sao Giáo Hội và suốt dòng lịch sử vĩ đại của Giáo Hội, lại phát sinh từ những tưởng tượng và dự án của các tông đồ được. Quả thực các ông đã được một biến cố thay đổi. Các ông đã được nâng lên cao khỏi chính mình, và được một sức mạnh mới bao bọc. Và luôn diễn ra như thế đối với Giáo Hội.

Nếu chỉ là một Giáo Hội của loài người, thì Giáo Hội đã bị tiêu diệt từ lâu bởi những khiếm khuyết và tội lỗi của các nhà lãnh đạo và thành phần của Giáo Hội. Nhưng chúng ta có nên xét đoán Giáo Hội đơn thuần theo quan điểm của con người không?

Trong lúc này, các tông đồ đã sợ Đức Giêsu và họ giữ một thứ im lặng đến khó chịu "họ đã sợ không dám hỏi Chúa".

Đức Giêsu và các môn đệ đến thành phố Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã tranh luận với nhau về chuyện gì vậy?". Các ông làm thinh.

Các ông chưa nói được lời nào. Các ông giữ im lặng trước câu hỏi của Chúa. Sự "lúng túng" giữa họ trở nên nặng nề như trong một nhóm mà người ta không còn đồng ý với nhau nữa.

Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau về chuyện ai là người lớn hơn cả.

Thật là hoàn toàn bất đồng ý kiến với Thầy của họ!

Chúa thì nghĩ đến cái chết của mình, khiến Người "giao nộp" mạng sống. Còn các ông thì chỉ nghĩ đến những “địa vị cao". Các ông vẫn một mực bám vào quan niệm sai lầm về Đấng Mêsia, và về Thiên Chúa. Các ông vẫn tiếp tục mong chờ một "biến cố vẻ vang", chứng tỏ quyền năng của Đấng Mêsia, một vương quốc trần gian, mà các ông đã tranh luận xem ai là "thủ tướng" khi Chúa và các ông thắng thế.

Nhưng xin các bạn đừng quá nghiêm khắc xét đoán việc các Ngài không hiểu vai trò của Chúa Giêsu. Mặc dù đã được soi dẫn với ánh sáng Phục sinh, ngày nay, chúng ta có thể nói rằng mình chấp nhận sự vắng mặt hiển nhiên của Thiên Chúa, sự im lặng của Người, sự thất bại của Thập giá không? Chúng ta không tiếp tục xin Chúa can thiệp để chiến thắng sao?

Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi mười hai môn đệ lại mà nói: "Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người".
Trong cuộc thương khó mà Chúa vừa loan báo, Chúa Giêsu đã tự hạ thành "kẻ sau rốt và là "đầy tớ” của mọi người. Thực sự, Thiên Chúa là như thế. Tại sao lời khẳng định này lại có vẻ như một cậu phạm thượng đối với một số người? Đúng ra, Thiên Chúa là Đấng trên hết, cao cả nhất, nhưng Chúa cũng là "Người đứng đầu trong phục vụ”, Người đứng đầu trong tình yêu.

Các con gọi Ta là Thầy, là Chúa và điều đó phải lắm, vì Ta đúng là như thế, thế mà Ta đã rửa chân cho các con, như một người đầy tớ" (Ga 13,13). Thiên Chúa thực sự là Đấng Toàn Năng, nhưng là Toàn Năng để "phục vụ đến cùng". "Ta ở giữa các con như một người phục vụ” (Lc 22,27). "Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng làm giá cứu chuộc muôn người" (Mc 10,42-45).

Trong xã hội và tập thể con người (và cũng là luật tự nhiên trong thế giới động vật), người ta thường tìm kiếm sức mạnh, sự kính nể, uy tín, danh dự và quyền lợi. Đức Giêsu lật đổ nhào tận gốc rễ thứ trật tự này: Người "thứ nhất” trở thành "người sau rốt", "ông chủ” trở nên "đầy tớ". Chắc chắn Đức Giêsu đã nói một cách có vẻ khiêu khích và cách mạng.

Nhưng một lần nữa, đó không phải là để làm một cuộc “cách mạng" nghĩa là thay đổi "chữ” mà thôi! ở đây, nhằm đưa ra giải pháp thực sự cho nội tâm con người, giúp chế ngự xu hướng tranh đấu không ngừng giữa loài người, để thống trị để đoạt giầu sang, quyền thế, bằng cách đè bẹp người khác.

Người dắt một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: "Ai đón tiếp một em nhỏ như em này, vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy".

Trong những tập thể chúng ta sống, trong lòng chúng ta và trên thế giới, bạo lực không ngớt gia tăng. Trong cơn thủy triều đen tối đang dâng lên như thế, Đức Giêsu đề nghị cách tượng trưng sự yếu đuối của đứa trẻ như một lý tưởng. Đứa trẻ là sinh vật nhỏ bé trong xã hội, ít được kính nể, và người ta gạt bỏ nó dễ dàng, kể cả bằng cách tội lỗi mà lại hợp pháp. Đứa trẻ đúng là kẻ "nghèo hèn", không tự vệ được, "bị giao nộp" cho những kẻ mạnh mẽ quyền thế hơn nó. Nhưng Chúa lật ngược những tiêu chuẩn xã hội về quan niệm ngôi thứ: Người ta nói, kẻ sau rốt là kẻ đứng đầu. Bây giờ Người nói tiếp, dưới mắt Thiên Chúa kẻ nhỏ bé lại là người lớn nhất. Đức Giêsu đặt đứa trẻ ở giữa cộng đoàn Kitô hữu.

Tôi dành ít thời giờ để niệm tưởng hình ảnh Đức Giêsu đang vuốt ve và ôm ấp đứa bé này. Sự cao cả của Kitô hữu được đo nghiệm theo phẩm chất của việc phục vụ những người "thấp hèn" nhất, những kẻ kém may mắn nhất. Chúng ta sẽ bị xét đoán theo tiêu chuẩn đó (Mt (25,31). Vả lại, đây không phải là một sự "nô lệ", vì chúng ta phục vụ Đức Giêsu khi chúng ta phục vụ những kẻ thấp hèn. Và qua Đức Giêsu, chúng ta phục vụ chính "Đấng" đã tạo nên thế gian và đã trao ban Con Một của Người.

22. Chú giải của Fiches Dominicales

‘TRÊN ĐƯỜNG’, MỘT LỜI LOAN BÁO LÀM HOANG MANG – ‘Ở NHÀ’, MỘT LỜI DẠY GÂY KINH NGẠC

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. ‘Trên đường’, một lời loan báo làm hoang mang.

Ngay sau khi Phêrô tuyên tín ở miền Xê-sa-rê Phi-lip-phê, lần đầu tiên, Đức Giêsu loan báo cuộc thương khó và sống lại của Người (Mc 8,27-31). Sau cuộc hiển dung trên núi cao (9,2-8), Chúa đang băng qua miền Galilê cùng môn đệ. "Người không muốn cho ai biết, thánh sử ghi rõ, bởi vì từ này Người muốn dùng thời gian để huấn luyện các môn đệ. Người cố gắng hướng dẫn các ông chấp nhận cái viễn tượng đảo lộn hướng tư duy là: một Đấng Mêsia bị chính dân Người ruồng bỏ.

‘Trên đường’ (câu 33), địa điểm tượng trưng cho cuộc hành trình về Giêrusalem, Người giáo huấn họ bằng cách nhắc lại lời loan báo lần trước: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại" Từ ngữ Chúa dùng hầu như giống hệt lần trước.

Cũng như ở câu 8,31, Đức Giêsu nói về chính mình bằng cụm từ "Con Người”, một nhân vật bí nhiệm và uy quyền, mà ngày tận thế sẽ đến trên đám mây để phán xét loài người (Đn 7,1 3-14).

Nhưng khác lần trước, lần đó, Chúa loan báo Người sẽ phải "chịu đau khổ nhiều" "bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ”, còn ở đây, Người chỉ nói “bị nộp vào tay người đời”, giống những vị tử đạo trong Cựu ước bị nộp vào tay quân bách hại (Gr 26,24; Tv 71,4; Tv 1401 Đn 7,22).

Khi áp dụng cách nói này cho chính mình, Đức Giêsu coi cuộc khổ nạn của Người giống với cuộc bách hại các ngôn sứ và người công chính trong Cựu ước phải chịu; và Người cũng như bước trên con đường trung tín với Thiên Chúa đến tận cái chết.

“Bị nộp”. Đức Giêsu quả thật đã bị Giuđa nộp cho các thượng tế (14,10): bị các thượng tế nộp cho Philatô (15,10) và sau cùng bị Philatô giao nộp cho lý hình (15,15).

Một chi tiết đáng ngạc nhiên: Đức Giêsu nói về cuộc khổ nạn của Người thì hiện tại: Con Người bị nộp vào tay người đời”. Chắc chắn thánh sử muốn chỉ một tương lai gần, khi dùng thì hiện tại. Nhưng cũng có thể ông muốn nói rằng kế hoạch cứu độ: của Chúa Cha đã bắt đầu được thực hiện, tuy không thấy nhưng cũng không thể đảo ngược.

Các môn đệ vẫn một mực nghe mà không hiểu. Hervieux giải thích: Vẫn là vấn đề không hiểu của các môn-đệ trước những cố gắng của Đức Giêsu, khi Người muốn đưa các ông vào mầu nhiệm cuộc đời Người. Như ta đã thấy, Phêrô đã tỏ thái độ phản loạn đích thực khi nghe loan báo về cái chết của Chúa (8, 32) Còn lần nầy, tâm trí kín mít của các môn đệ được tỏ rõ bằng cách các ông không dám hỏi Thầy, không dám bàn tiếp với những thử thách đang chờ đợi Thầy. Qua đó, chúng ta thấy rằng trực diện với cái chết khó chừng nào! ("L'evangile de Marc", Centurion, trang 133).

2. ‘Ở nhà’, lời dạy gây kinh ngạc.

Giờ đây chúng ta ở Ca-phác-na-um tức là "ở nhà”, địa điểm tượng trưng cho những cuộc trò chuyện kín đáo, chủ ý dạy dỗ các với cương vị một tôn sư dầy dạn kinh nghiệm, Người hỏi các môn đệ về đề tài mà trên đường các ông đã tranh luận sôi nổi, những cuộc tranh luận mà người ta thường coi là quan trọng trong quá trình huấn luyện của các vị tôn sư. Các ông không dám nói sự thật nên ngậm miệng làm thinh. Bởi vì trong khi Thầy mình loan báo về con đường khổ nạn sắp tới, thì các ông chỉ tranh luận về ngôi thứ, về vinh dự: "Các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả ".

Rồi, Đức Giêsu ngồi xuống gọi "Mười Hai ông lại". “Mười Hai ông" một danh xưng hiếm thấy nơi Máccô (3,14; 6,7), điều đó nghĩa là giáo huấn mà Chúa sắp nói đây nhằm nhóm các Tông đồ, những người nắm giừ trọng trách trong Giáo Hội tương lai. Giáo huấn này đảo lộn ngôi thứ thường tình trong phẩm trật nhân loại: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.

J. Hervieux giải thích: Chúa lấy ‘người rốt hết’ đối chọi với ‘người đứng đầu’, lấy ‘người đầy tớ mọi người’ đối chọi với ‘người cai quản’. Điều nghịch lý này tất nhiên có nghĩa rõ rệt nhất khi nhìn cuộc đời Đức Giêsu, Đấng đã thực hiện trong bản thân và trong sứ mạng của Người. Người là Đấng cao cả hơn hết đã tự đặt mình vào chỗ rốt hết để phục vụ mọi người (Sđd, trang 35). Và để biết chắc mọi môn đệ đều hiểu, Chúa đã soi sáng lời nói bằng một cử chỉ đầy ý nghĩa. Thời đó người ta coi trẻ nhỏ là "đồ bỏ” vậy mà Đức Giêsu đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Và ai tiếp đón Thầy thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.

J. Hervieux giải thích tiếp: Cử chỉ này có một tầm quan trọng không ngờ. Đem một em nhỏ đặt vào giữa nhóm môn đệ và ôm hôn nó: các cử chỉ này đều đi ngược phong tục hồi đó. Xã hội cổ đại không quan tâm tới trẻ em. Trái lại, thay vì đối xử với chúng như những người sẽ lớn, người ta coi chúng như "vô giá trị”, như đồ bỏ. Tục lệ còn dạy người ta loại bỏ, khai trừ chúng ra khỏi cộng đoàn tôn giáo vì chúng không hiểu biết Lề Luật (Sđd, trang 135- 136).

Như vậy, đặt một em nhỏ vào giữa nhóm môn đệ, em nhỏ ở đây tượng trưng cho những người nghèo, những người bị loại trừ, Đức Giêsu đã trả lời rõ ràng cho vấn đề các ông tranh cãi lúc đi đường: "Ai là người lớn nhất?" - "Tìm kiếm vinh dự là điều trơ trẽn nơi những người theo Đức Giêsu, lúc người đang bước vào con đường khổ nhục của cái chết. Làm "đầy tớ " mọi người mở cửa pháo đài Hội Thánh cho những người hèn kém nhất, những người nghèo đói nhất, đó là "dịch vụ" mà Đức Giêsu truyền cho các môn đệ phải thi hành. Để thêm trọng lượng cho giáo huấn này, Đức Giêsu kết luận bằng từ "đón nhận”: Người là Đấng Chúa Cha sai đến. Đón nhận Người qua những ai nhỏ bé là đón nhận chính Chúa. Thiên Chúa mặc hình dáng một trẻ nhỏ đó là một sứ điệp bất ngờ, rất độc đáo của trang Tin Mừng đẹp đẽ hôm nay (Sđd trang 136).

BÀI ĐỌC THÊM

1. Thang giá trị mới (Đức Cha L. Daloz trong "Qui don est-il?", DDB, trang 55-56)

Đây là lần thứ hai Đức Giêsu loan báo cho môn đệ điều sẽ xảy đến cho Người. Người biết mình sẽ đi về đâu và người nói không úp mở về cái chết gần kề và sự sống lại của Người. Phải chăng Người đã phải chịu nỗi lo âu về cuộc khổ nạn: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén này?”. Người còn lo lắng hơn không hiểu gì và họ sợ không dám hỏi Người. Phải chăng họ cũng tiên cảm được mối nguy đang rình chờ? Chúng ta đôi khi cũng không hiểu Đức Giêsu nói gì. Có lẽ vì ta sợ phải hiểu chăng? Qua im lặng, các môn đệ bình thản ở lại trong sai lầm: Nước Trời mà họ mơ tưởng là nước mà ở đó họ đóng vai ông lớn, là nơi mà họ tranh cãi xem ai trong nhóm họ là người lớn nhất. Khi Đức Giêsu hỏi họ: "Lúc đi đường các anh đã tranh luận gì thế?”, họ làm thinh. May thay, Đức Giêsu dịu dàng và kiên nhẫn loại bỏ sự im lặng và suy nghĩ sai lầm của họ. Vương quốc của Chúa là vương quốc của người phục vụ, là nơi người trước hết trở nên rốt hết, người nhỏ bé nhất trở nên người lớn nhất. Đức Giêsu hiểu rất rõ bản tính con người. Người không cho phép các môn đệ giam mình trong sự thinh lặng để che giấu nỗi sợ hãi và tham vọng. Người đi bước đầu, loan báo, chất vấn, giải thích. Rồi Người đặt một em bé ở giữa các ông, để tỏ cho các ông thang giá trị mới, nó bắt nguồn từ tình yêu đối với Chúa Cha".

2. “Ai là người lớn nhất?" (Noel Quesson, trong "Les entretiens du Dimanche. Année B", Droguet & Ardant, trang 194-195)

"Trong xã hội loài người, tự nhiên ai cũng muốn chiếm được vị trí quan trọng. Đó cũng là luật lệ của thế giới loài vật, một thế giới rất có phẩm trật: luật rừng xanh, nơi kẻ mạnh đè bẹp kẻ yếu, nơi người lớn thống trị người bé. Nhưng Đức Giêsu đến đảo ngược lô-gic đó: “Ai muốn làm đầu thì hãy làm người rốt hết. Ai muốn làm người lớn thì hãy làm đầy tớ mọi người”.

Những câu nói khiêu khích, cách mạng này không do các tông đồ sáng chế ra đâu, vì chính họ là người mong chiếm được địa vị cao. Nhưng chính Đức Giêsu đã đảo ngược khuynh hướng tự nhiên của con người. Nếu chỉ đổi chủ mà thôi thì không hơn gì: nếu người bị thống trị lại trở thành người thống trị, nào có thay đổi gì. Vậy mà lịch sử loài người lại đầy dẫy những cuộc nguỵ cách mạng, những người hò hét "đả đảo quân bóc lột" lại trở thành nỗi kinh hoàng cho những người thấp cổ bé miệng. Đức Giêsu đề nghị một giải pháp khác: ông chủ tự nguyện đầy tớ mọi người. Đây là một cuộc cách mạng diễn ra trong nội tâm con người: một cuộc đổi mới tâm hồn, một sự từ bỏ truyền thống trị người khác.

Để làm điều đó Đức Giêsu nêu ra một minh hoạ: đứa bé. Trẻ em là một sinh vật nhỏ bé, không được trọng vọng loài xã hội, không có khả năng tự vệ, lại dễ bị người ta loại bỏ, cả bằng cách phạm pháp, như giết nó ngay khi còn trong bào thai nghĩa là vào lúc nó không có một chút khả năng nào để tự vệ. Đứa bé là một kẻ nghèo hèn đúng nghĩa nhất vì nó chẳng có quyền gì. Lúc nào và ở đâu, người ta cũng có thể trao nó vào tay kẻ mạnh, kẻ có quyền lực. Vào những ngày này, khi bắt đầu các hoạt động, chúng ta tự hỏi xem mình sẽ phục vụ ở đâu?.

Top