Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XXI Mùa Thường Niên
TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN - NĂM B
Ga 6,54a-60-69
"Thưa Thầy,
bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?
Thầy mới có những lời
đem lại sự sống đời đời."
(Ga 6,67)
Bài Tin Mừng hôm nay được coi như đoạn kết cho một câu truyện tương đối dài trong Tin Mừng của Gioan. Câu truyện bắt đầu bằng một phép lạ rất đặc biệt được cả bốn Tin Mừng ghi lại. Đó là phép lạ bánh hóa nhiều. Sau phép lạ Chúa giảng một bài giảng rất đặc biệt với đề tài cũng rất đặc biệt. Đó là bài giảng về bánh hằng sống. Bài giảng này đã gây ra một sự phân hoá chưa từng thấy trong thái độ của những người nghe Chúa lúc đó. Ngoài thái độ của những kẻ đã có sẵn một ác ý và luôn thù nghịch với Chúa, chúng ta còn có thể thấy ba thái độ rất khác nhau về vấn đề này.
A. 1. Trước hết là thái độ của đa số quần chúng.
- Được Chúa cho ăn bánh no nê, họ cảm thấy vui. Hơn nữa họ còn muốn tôn Chúa lên làm vua để cai trị họ, với hy vọng họ sẽ có được một tương lai sáng sủa và oai hùng hơn.
- Chính vì quá mong mỏi một tương lai có tính cách trần thế như vậy cho nên khi thấy Chúa không đáp ứng được những mong ước của mình, dân chúng đã bắt đầu lạnh nhạt với Chúa. Khi Chúa nói với họ về một thứ bánh mà Chúa gọi là bánh hằng sống thì họ tỏ ra lãnh đạm lạ thường. Thái độ đó dần dần đã làm cho họ trở thành những người sẵn sàng đối đầu với Chúa sau này,
2- Thái độ thứ hai là thái độ của một số các môn đệ.
- Lý ra thì họ phải là những người hiểu Chúa, tha thiết với Chúa nhiều hơn. Cho dù những lời Chúa giảng có khó chấp nhận thì họ cũng phải luôn gắn bó với Chúa. Thế nhưng thật không may cho Chúa, Chúa mới chỉ đề cập đến một vấn đề hơi khó hiểu một chút thế mà họ đã bỏ Chúa, bỏ một cách không một chút nuối tiếc. Charles Erdman bảo họ bỏ Chúa vì họ thất vọng. Họ thất vọng vì Chúa không trở thành một nhà lãnh đạo chính trị như lòng họ vẫn thầm mong.
- Trước sự ra đi của họ, xem ra Chúa hơi đau xót một chút nhưng Chúa vẫn giử nguyên thái độ và không chịu lùi bước.
3- Thái độ cuối cùng là thái độ của nhóm 12.
- Sau khi một số các môn đệ bỏ đi, Chúa hướng mắt của Người về nhóm 12.
- Phêrô đại diện cho tất cả nhóm nói lên một lời mà cho dù không phải là Chúa chúng ta cũng dư biết là Chúa rất vui lòng.
- Thái độ của Phêrô làm Chúa cảm động. Phêrô đã dứt khoát chọn Chúa….Một chọn lựa không có gì làm cho ông thay đổi.
B- Vấn đề của ta: Tại sao cùng đứng trước một Chúa Giêsu mà lại có nhiều thái độ khác nhau như thế? Tại vì những lời Chúa nói và vấn đề Chúa đặt ra khó tin quá.
+ Dân chúng không hiểu được vì họ không muốn hiểu.
+ Một số môn đệ không những đã không muốn hiểu mà còn cho đó là những lời quá chói tai nghe không được nên họ bỏ đi.
+ Chỉ còn lại một nhóm nhỏ tuy không hiểu nhưng vẫn tin và vẫn chấp nhận. Họ chấp nhận bởi vì họ cảm thấy không thể bỏ Chúa. Lòng tin của họ rất chân thành. Niềm tin của nhóm 12 chẳng khác gì niềm tin của Giosuê thuở xưa trong thời Cựu ước. Tại Sikem nơi mà trước đây Abraham đã dựng bàn thờ đầu tiên để dâng đất Canaan này cho Thiên Chúa (Kn 12,6), nơi mà Giacob và con cái của ông đã để lại rất nhiều kỷ niệm (Kn 33;35), nơi mà trước đây ông đã chọn để tuyên bố luật pháp. Chính tại nơi đây một lần nữa Giosuê biểu lộ lòng trung thành của ông và gia đình ông. Ông nói với những người Do thái như thế này: "Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ ĐỨC CHÚA, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần khác mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA."
Vâng đó là một chọn lựa thật đẹp, đẹp trong thái độ của ông và gia đình ông, và còn đẹp cả ở trong ý nghĩa nửa: "Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA."
Giosuê quả xứng đáng là một nhà lãnh đạo. Lòng tin và lòng trung thành của ông đã trào qua và thấm vào lòng của toàn dân. Dân chúng cũng cảm thấy họ không thể chọn con đường nào khác. Họ đã đáp lại: "Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ ĐỨC CHÚA để phụng thờ các thần khác ! Vì chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. ĐỨC CHÚA đã đuổi cho khuất mắt chúng tôi mọi dân tộc cũng như người E-mô-ri ở trong xứ. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi."
Đó là những gì đã xẩy ra từ ngàn xưa, cách chúng ta cả gần 3000 năm.
Thế còn bây giờ thì sao?
Vào năm 1924 ở nước Anh, có một người tên là Eric Liddell. Eric Liddell là vận động viên xuất sắc trong môn chạy 100 mét. Mọi người đều hy vọng anh sẽ đem về cho quê hương chiếc huy chương vàng tại đại hội Olympic được tổ chức tại Paris nước Pháp năm đó. Nhưng rồi họ ngỡ ngàng bực tức khi nghe tin anh từ chối không tham dự đại hội đó. Lý do là vì đại hội đó tổ chức nhằm ngày Chúa nhựt. Anh không thể bỏ lễ Chúa nhựt để đi tìm một huy chương vàng. Mọi người đều gây sức ép trên anh. Cả hoàng tử xứ Walles cũng cố gắng thuyết phục anh đi dự đại hội đó. Thế nhưng anh nhất định không chịu đổi ý, báo chí Anh quốc cho anh là tên phản bội.
Vài năm sau, anh còn làm cho mọi người sửng sốt hơn nữa, khi anh đến Trung Hoa làm trong vai trò của một nhà truyền giáo.
Thế rồi thế chiến thứ hai xảy ra. Khi Nhật nhả̉y vào cuộc chiến, anh bị bắt và bị giam trong một trại tập trung. Tại đây anh vẫn tiếp tục việc mục vụ bên cạnh các tù nhân. Vài năm sau, anh đã anh dũng chết tại trại tập trung nầy. Năm 1980, có người đã dựng lên cuốn phim về cuộc đời hy sinh vì Chúa của anh. Cuốn phim tựa đề là "Chuyến xe chở lửa". Cuốn phim đã phá kỷ lục về lợi nhuận mà còn đoạt giải thưởng Hàn Lâm năm 1982.
Cuộc đời của Eric Liddell đã làm sáng tỏ thái độ dứt khoát mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ của Ngài trong bài Tin Mừng hôm nay.
Một khi đã quyết định theo Chúa Giêsu, Eric cứ nhắm thẳng phía trước mà tiến bước, không bao giờ ngó lại phía sau dù phải đối diện với áp lực khủng khiếp của dân chúng, dù bị gọi là tên phản bội.
Bí quyết nào giúp anh can đảm, trung thành bền đỗ đến thế?
Anh luôn thức dậy sớm mỗi ngày, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện. Đó là bí quyết của anh. Và chắc chắn đó cũng là bí quyết cho chúng ta, nếu chúng ta muốn làm môn đệ Chúa bền vững. Và "ai bền đỗ dến cùng sẽ được cứu thoát" (Theo "Sunday homilies").
THỨ HAI TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
Mt 23,13-22
"Các người nuốt hết tài sản của các bà goá,
lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ,
cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn."
(Mt 23,14)
Đoạn văn này đưa ra một cáo trạng kinh khủng nhất trong Tân Ước. Ở đây chúng ta có thể nghe điều mà Robertson gọi là "cơn thịnh nộ sấm sét của Chúa Cứu Thế". Và Plummer viết rằng, những lời trách mắng này "giống như những sấm sét vì tính cách nghiêm nghị của chúng giống như tia chớp phơi bày, bóc trần sự thật ra. Chúng vừa đánh xuống vừa chiếu sáng".
1. Khóa cửa Nước Trời:
a. Luật của Chúa Giêsu thì êm ái và nhẹ nhàng vì cốt lõi là tình thương. Thế nhưng, nếu kẻ có quyền mà không có tình thương khi áp dụng luật thì, thay vì luật dẫn người ta đi đến gần Chúa, lại đẩy người ta xa Chúa hơn.
Ta hãy cầu nguyện cho những người lãnh đạo trong Giao Hội và trong cộng đoàn chúng ta.
b. Truyền giáo là một việc làm khó khăn, nhưng giữ những người tòng giáo nhiệt thành theo Chúa là một việc làm khó hơn nhiều. Nhiều người lương hăng hái theo đạo vì thấy đạo dạy bác ái yêu thương. Nhiều người gia nhập cộng đoàn vì nghĩ cộng đoàn có tình yêu thương huynh đệ. Nhưng khi đã vào Giáo Hội hay cộng đoàn rồi, nhiều người lại ê chề thất vọng vì thấy thực tế ngược hẳn lại những điều họ đã nghe "quảng cáo".
Sau khi ly hôn, người chồng dọn đồ đạc ra khỏi nhà, đứa con gái hỏi mẹ:
- Sao mẹ đuổi bố?
- Tại bố hư!
Để nó khỏi vặn vẹo lôi thôi, người mẹ mua cho nó cái bánh. Thằng anh từ đâu phóng tới bẻ ngay một miếng bỏ vào mồm. Con bé khóc thét lên bắt đền. Người mẹ dỗ:
- Anh con hư quá. Nhưng thôi nín đi con, bỏ qua cho anh một lần đi.
Đứa bé phụng phịu:
- Thế mẹ có bỏ qua cho bố đâu?
Người mẹ nhìn xa xăm:
- Ừ, mẹ cũng hư. (Góp nhặt)
c. Dẫn đường mù quáng: con đường chính của đạo là mến Chúa yêu người, thế nhưng nhiều người không lưu ý đến điều đó mà chỉ chăm chú vào những chỗ tỉ mỉ của luật. Chẳng hạn khi ăn chay kiêng thịt thì phân biệt những món nào được ăn, món nào không, trước giờ dự lễ mà lỡ uống nước trà có được rước lễ không? Nhiều người khác còn giải thích đạo là một mớ các mê tín dị đoan.
2. "Khốn cho các người hỡi các luật sĩ và Pharisêugiả hình" (Mt 23,13).
Chúa trách những người Pharisêu và luật sĩ giả hình. Hãy coi chừng kẻo chính chúng ta cũng giả hình mà chúng ta không hay!
Trong kho tàng truyện cổ của Ấn Độ, có câu chuyện này. Một nhà phú hộ kia có một hồ nuôi cá rất lớn. Ông cho thả rất nhiều cá ở đó. Một đêm kia có một tên ngư phủ nghèo lẻn vào trong hồ cá của ông để thả lưới tính bắt trộm cá. Thế nhưng, chưa kịp kéo lưới lên thì người giàu đã phát hiện ra có người đang tính bắt trộm cá của ông. Ông cho gia nhân bủa đi khắp nơi, quanh cái hồ mênh mông của mình để tìm cho bằng được tên trộm.
Đám gia nhân đốt đuốc đi tìm khắp nơi mà không thấy bóng dáng tên trộm đâu cả.
Trong khi đó thì anh ngư phủ nghèo lấy tro rắc lên đầy mình và đến ngồi dưới một gốc cây gần đó, y hệt một nhà hiền triết hay một đạo sĩ.
Sau nhiều giờ tìm kiếm, đám gia nhân không thấy kẻ trộm đâu cả mà chỉ thấy một đạo sĩ ngồi dưới gốc cây đang đắm mình suy tư và cầu nguyện.
Chỉ một ngày hôm sau, tiếng đồn đã vang đi khắp nơi rằng, có một đạo sĩ đang tu luyện dưới gốc cây bên bờ hồ của nhà phú hộ.
Thế là thiện nam tín nữ từ các ngả đường đổ xô đến gốc cây để chiêm ngưỡng vị tu hành. Người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc. Không mấy chốc mà quà cáp đã tuôn đổ tràn lan quanh nhà tu hành bất đắc dĩ.
Nhà tu hành mới nhủ thầm trong bụng: thà đánh lừa bà con để sống còn hơn là đánh cá suốt ngày mà chẳng được gì. Nghĩ như thế rồi, ông ta tiếp tục đóng vai tu hành, ngày đêm tụng niệm và chờ đợi sự tiếp tế của dân làng.
Người đánh cá bất đắc dĩ phải trở thành vị tu hành trên đây cũng có thể là một hình ảnh không xa lạ bao nhiêu đối với chúng ta.
Một cách nào đó, có khi chúng ta cũng tự sơn vẽ cho mình một chiếc áo đạo đức để đánh lừa bà con và đánh lừa chính mình.
Có thể mỗi Chúa nhật tôi đều đến nhà thờ để cho bà con hàng xóm thấy rằng, tôi có giữ ngày Chúa nhật, rằng tôi là người ngoan đạo, và để lương tâm tôi cũng chuẩn nhận rằng, tôi đã giữ trọn luật Chúa và luật Giáo Hội. Nhưng tuân giữ như thế có đủ để gọi là sống đạo Chúa chưa? Nếu tôi không quan tâm đến những đòi hỏi của công bình và bác ái trong công ăn việc làm của tôi, cũng như trong quan hệ của tôi với người khác.
Lạy Chúa,
Xin Chúa cho chúng con biết khiêm nhường điều chỉnh lại lối sống của mỗi chúng con sao cho thật phù hợp với lòng mong ước của Chúa. Amen.
THỨ BA TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
Mt 23,23-26
"Hỡi người Pharisêu mù quáng kia,
hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã,
để bên ngoài cũng được sạch."
(Mt 23,26)
1. Lời khiển trách thứ tư và thứ năm:
a. Về việc nộp thuế thập phân (Mt 23,23-24).
Để tỏ ra mình thông thái và nhiệt tình với lề luật, các luật sĩ và Pharisêu đã buộc người ta những cái tỉ mỉ, phụ thuộc như thì là, rau húng vv.. mà không hề nói đến những điều cơ bản và chính yếu của luật, đó là công bình, lòng nhân ái và thành tín.
b. Về việc rửa sạch bên ngoài chén dĩa (Mt 23,25-26).
Các luật sĩ và Pharisêu rất coi trọng việc rửa tay chân, chén dĩa và đã từng tranh luận với Chúa Giêsu về vấn đề này (Mt 15,10-20). Chúa Giêsu nói điều quan trọng là phải tẩy rửa nội tâm khỏi sự ham hố (trộm cắp và vô độ) là những chướng ngại khiến người ta mất tự chủ và chỉ lo tới bề ngoài.
2. "Những điều quan trọng nhất trong lề luật là công bình, lòng nhân và thành tín":
a. Thí dụ vấn đề Công bình: Nhiều khi chúng ta tưởng: Trộm cắp của công và của riêng, gian lận mới là lỗi đức công bình. Còn những việc như 10 giờ tối mà còn kèn trống om xòm, kinh kệ to tiếng, đang lúc những người khác cần sự thinh lặng để nghỉ ngơi để ngày mai còn phải đi làm sớm…là những việc không sao cả. Công bình mà nói thì người ta cũng có quyền được hưởng sự thinh lặng chứ.
Tại cửa hàng một thị trấn nhỏ, một thanh niên cao lớn nhanh nhẹn đứng bán hàng. Ngày nọ, có bà già nhà quê vào mua hàng. Cậu trao cho bà món hàng và lấy tiền. Tối hôm đó, khi kiểm tra tiền, cậu thấy dư ra vài xu. Cậu cố nhớ lại những người mua ngày hôm đó, và thấy số tiền dư đúng là của bà già nọ. Cậu đặt mấy xu đó vào túi, lấy mũ, đóng cửa và đi bộ lại nhà bà già cách đó 3 dặm và trả lại cho bà. Cậu thiếu niên đó chính là Abraham Lincoln, sau là tổng thống Hoa Kỳ (Góp nhặt).
b. Rồi về vấn đề lòng nhân: Đâu phải chúng ta dám mở rộng tay để giúp đỡ, bố thí cho những người cần đến chúng ta mới là lòng nhân. Còn những việc như chúng ta chửi rủa nhau, lên án nhau, nói hành, nói xấu nhau, dèm pha nhau, không phải là những việc trái với lòng nhân sao.
Trịnh Tự , vợ của Sở Hoài Vương, muốn hạ tình địch của mình, thì nói cùng nàng ra vẻ thân mật:
- Nhà vua có tính không thích người khác thở hơi vào mình, nên khi vào hầu vua thì phải giữ ý bịt mũi lại!
- Mỹ nữ nghe theo: mỗi lần tới hầu vua là lấy tay bịt mũi. Nhà vua lấy làm lạ hỏi thì Trịnh Tự mau mắn thưa:
- Người ấy sợ nhà vua thân thể hôi hám nên mới có cử chỉ như vậy!
Vua sở liền nổi giận, truyền đem mỹ nữ ra ngoài cắt mũi đi!
Hãy cẩn thận kẻo những lời nói do lòng ghen ghét hay những việc làm thiếu tình yêu thương của chúng ta, làm hại hay xúc phạm tới anh chị em chúng ta!
c. Và cuối cùng, là vấn đề thành tín: Thành tín đâu chỉ là không lường gạt ai, không giữ lời hứa, hoặc bất trung, bất tín. Thực ra thành tín còn là cái gì hơn thế nữa như biết chấp nhận lẽ phải, biết tôn trọng quan điểm của người khác kể cả của Chúa và Giáo Hội.
Vào năm 1981, tờ Nữu Ước Thời báo, đề nghị chính phủ Hoa Kỳ nên trả lương hưu trí và gắn huy chương cho ông cụ người Trung Hoa, 75 tuổi. Ông cụ không phải một nhà chính trị, quân sự kinh tế, mà chỉ là một người lao công bình thường, làm việc cho một lãnh sự quán Hoa Kỳ tại một thị trấn nhỏ bên Trung hoa.
Khi Hoa Kỳ cắt đứt liên hệ ngoại giao với Trung hoa, lãnh sự quán này bị đóng cửa và trong suốt 35 năm, ông cụ mỗi ngày đến quét sân vườn và lau sàn nhà một lần. Tờ Nữu ước Thời báo viết: "Một người thiếu trung tín chắc chắn sẽ lập luận rằng: Thôi, cần chi quét lá cây mỗi ngày cho mệt, có ai biết đâu? Nhưng ông cụ này trung tín làm bổn phận suốt 35 năm, mặc dù không nhận được lương và không có ai kiểm soát".
Tổng thống A.Lincoln nổi tiếng là người chẳng những cư xử chính trực, mà còn biết tôn trọng lời hứa.
Ngày nọ, một ông lớn có tật nói mà không giữ lời, đến thăm Tổng thống. Để dụ khị đứa con nhỏ của tổng thống đến ngồi vào lòng, ông hứa là sẽ cho nó chiếc vòng đeo tay. Chú bé nghe thấy thế liền đến ngồi vào lòng ông ta. Cuối cùng, khi người ấy chuẩn bị ra về, tổng thống hỏi:
- Anh đã thực hiện lời hứa với con tôi chưa?
- Hứa gì?
- Tôi nghe anh hứa sẽ cho nó chiếc vòng mà!
- Ồ đâu được, chiếc vòng này là đồ gia bảo của tôi mà.
Tổng thống nghiêm nghị nói:
- Anh hãy cho nó đi. Tôi không muốn con tôi nghĩ rằng, bố nó giao du với hạng người không biết giữ lời hứa.
Ông nọ đỏ mặt, đau khổ tháo chiếc vòng, trao cho chú bé và tiu nghỉu ra về với bài học đắt giá mà chắc suốt đời không thể nào quên.
THỨ TƯ TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
Mt 23,27-32
"Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp,
nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế."
(Mt 23,27)
Hai lời khiển trách thứ sáu và thứ bảy:
1. Chúa Giêsu dùng hình ảnh những nấm mồ để mô tả về cách sống đạo hình thức, giả hình và sự thiếu trung tín của người Do Thái. Và việc họ xây mồ mả cho các ngôn sứ (Mt 23,29-32) để phủi tay trước những việc làm ác độc của tổ tiên. Thực ra, họ còn ác độc hơn cả tổ tiên của họ, vì họ đang âm mưu giết Chúa Giêsu.
Con người luôn muốn tự khẳng định mình nên nhiều khi những việc làm như thế đã trở nên phô trương, lố bịch và vô nghĩa.
Người ta kể lại rằng: Văn sĩ Pháp Alexandre Piront qua đời năm 1773 thường có thói quen đi dạo trong khu vườn Boulogne, giữa thủ đô Paris. Một ngày nọ, ông ngồi nghỉ trên một ghế đá tựa vào một bức tường. Chỉ một lát sau, ông ngạc nhiên vô cùng, vì ông thấy trong đám đông những người đi dạo, có một vài người đi đến gần ông ngả nón chào. Cũng có một vài người còn bái cả gối nữa. Nhà văn đã mỉm cười đáp lại những cảm tình khách qua đường dành cho ông. Ông không ngờ là ông được nhiều người mộ mến như thế. Ông mong sao có một số bạn bè trong văn đàn chứng kiến được cảnh tượng này, để thấy vinh quang mà ông đã đạt được.
Nhà văn đang say sưa với bả vinh hoa, thì chợt trong đám người bái chào đó, có một bà lão để lộ thái độ khác thường. Cũng giống như mọi người, bà lão này cúi đầu chào rồi tiến tới gần ghế đá, bà thầm thì nói những gì trong miệng mà nhà văn không hiểu được, rồi ngước mắt nhìn lên cao. Ngạc nhiên trước cử chỉ khác thường của bà lão, nhà văn cũng đưa mắt nhìn lên phía trên bức tường. Lúc bấy giờ ông mới khám phá ra rằng: trên đầu ông có một tượng Thánh Giá. Thì ra những người đi dạo khi đi đến đó đã dừng lại không phải để tỏ lòng mộ mến đối với ông, mà chính là tỏ lòng cung kính đối với Chúa Giêsu trên Thập Giá. Hổ thẹn vì khám phá này, Alexandre Piront đứng dậy bỏ đi nơi khác.
Vâng! Con người cứ mãi trang điểm cho mình những giá trị giả dối.
2. Vậy thì điều mà Chúa muốn là gì? Thưa là một đời sống đạo đức thực sự.
Giữa khu rừng âm u có tu sĩ nổi tiếng thánh thiện và có nhân đức hiền lành, dịu dàng lạ lùng.
Một người ngạo ngược nghe nói tu sĩ hiền lành lạ lùng như vậy, y không tin và nói: tất cả những cái đó chỉ là giả tạo và tôi sẽ làm cho cái màn giả hình đó phải rơi xuống.
Hôm sau, từ sáng sớm tinh sương, y đã lên đường đến chỗ ẩn sĩ ở. Nhà tu hành có nuôi một con chó để ban đêm, nếu có thú vật nào đến để phá hại rau cỏ thì nó sủa đánh thức chủ dậy. Hôm đó, khi thấy người lạ đến, con chó con chạy ra sủa. Ẩn sĩ ở trong nhà bước ra chào và đón tiếp vị khách lạ. Nhưng như để chọc giận thánh nhân, người hung ngược kia nắm ngay lấy con chó mà quật chết. Thấy vậy, ẩn sĩ quì xuống dưới chân kẻ bạo tàn và nói:
- Bạn ơi, chính tôi đã nuôi con chó này, và tôi rất tiếc vì nó đã làm cho bạn nổi giận.
Tức bực vì chưa đạt được tới mục đích của mình, kẻ bạo ngược trông thấy trong vườn có những cây rau và hoa đẹp chính tay ẩn sĩ đã trồng, lại xông vào đạp phá và quẳng vất lung tung, nhưng ẩn sĩ vẫn thản nhiên nhìn xem và không hề tỏ dấu gì tức giận.
Thấy vẫn chưa được việc gì, y càng điên tiết, trèo lên nóc nhà, dỡ mái quăng rui mè và xô đổ cả tường vách, mãi cho đến khi mỏi tay mới thôi. Song nhà tu hành vẫn bình tĩnh và đưa con mắt yêu thương nhìn y. Thấy y mệt nhọc, mồ hôi nhễ nhãi. Đoán rằng, y cần phải uống nước, tu sĩ xách lọ đi ra giếng, múc nước mát về mời y uống.
Trước cử chỉ thánh thiện và nét mặt điềm đạm lạ thường ấy, chàng hung bạo mà trái tim mãi đến nay vẫn trơ như đá, bắt đầu cảm thấy hổ thẹn và hối tiếc. Y rất cảm phục nhân đức của người tu hành và đến xin lỗi:
- Thưa cha, xin cha tha thứ cho những việc điên rồ con vừa mới làm, bây giờ con nhìn thấy có Chúa ở trong cha, và con đây thật là một đứa con tội lỗi và bạo ngược. Cha đã lấy sự lành mà báo sự dữ: chỉ có Chúa mới khiến được lòng người ta ra như thế mà thôi.
Từ đó, kẻ vô nhân đạo kia bắt đầu cải tà qui chính, rồi xin ở lại làm đầy tớ nhà tu hành để được sống gần tu sĩ cũng như để bắt chước nhân đức của ngài.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
Mt 24,42-51
"Vậy anh em hãy canh thức,
vì anh em không biết ngày nào
Chúa của anh em đến."
(Mt 24,42)
Hai dụ ngôn về tên trộm và người quản gia:
1. Qua dụ ngôn tên trộm Chúa muốn nói với chúng ta, việc Chúa đến sẽ rất bất ngờ. Do đó, một người khôn ngoan là một người lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác.
Người ta sống ở đời, thường hay có thái độ sai lầm này, đó là cứ tưởng rằng, mình còn nhiều thời giờ.
Người đầy tớ xấu trong ví dụ trên là con người có thái độ như thế. Anh ta cứ tưởng rằng, mình có dư thời giờ để sắp đặt mọi việc trước khi chủ về. Thế nhưng, anh đã lầm.
Một thiếu nữ kia có chồng rất giàu có. Một hôm, đang trên đường trở về nhà thì gặp tai nạn giao thông, bị thương rất nặng và ít hy vọng sống. Lúc còn trẻ, cô rất đạo đức, vì xuất thân từ một gia đình tốt và có giáo dục. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đã đưa cô vào một môi trường hoàn toàn khác. Ở đây, không một ai nói đến Thiên Chúa, không một ai nghĩ đến phần rỗi linh hồn mình. Lúc đầu, thái độ và bầu khí dửng dưng đối với tôn giáo này làm cô khó chịu, nhưng dần dần, cô tiêm nhiễm sự xa hoa và lạc thú, để rồi cuối cùng, chính cô cũng không còn lưu tâm gì đến Thiên Chúa và linh hồn.
Và bất ngờ, một tai nạn đã kéo cô ra khỏi vùng xoáy của các lạc thú để ném cô vào vòng tay của thần chết.
- Tôi sẽ chết ư? Nàng khắc khoải hỏi vị bác sĩ đang đứng bên cạnh.
- Thưa cô, tôi cũng lo sợ như thế.
- Tôi còn sống được bao nhiêu nữa?
- Có thể một giờ.
Nghe vậy, toàn thân cô rùng mình. Cô đưa tay che lấy mặt và nằm yên không động đậy trong giây lát. Sau đó, hình như cô lấy hết toàn lực còn lại, nói với giọng truyền lệnh:
- Hãy đưa tôi về nhà.
- Không thể được! - Vị bác sĩ nhẹ nhàng trả lời - Cô hãy nằm yên. Mọi cử động lúc này đều nguy hại cho cô.
- A, bác sĩ ơi! Với tiền của, tôi đã có thể làm biết bao điều tốt lành. Nếu tôi trung thành với đức tin thời thơ bé, tôi đã có thể làm bao nhiêu điều tốt lành cho những người sống quanh tôi! Nhưng tôi đã chỉ nghĩ đến những cuộc giải trí và trang điểm. Và bây giờ, tôi chỉ còn sống được một tiếng đồng hồ nữa thôi! Bây giờ thì quá chậm rồi!
Cô gái đáng thương này thực ra không còn sống được một giờ như dự đoán. Bởi vì sự dao động của cô đã cướp đi mạng sống của cô vài phút sau đó.
Vị bác sĩ sau đó đã tuyên bố rằng, ông chưa bao giờ nghe một điều đáng sợ hơn hai tiếng "Quá chậm" của người thiếu phụ sắp chết này.
2. "Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình". (Mt 24,46-47)
Chúa muốn gì khi nói như thế? Rõ ràng Chúa muốn bảo: Chểnh mảng với nhiệm vụ sẽ bị phạt.
Một ngôi trường bị nổ. Cả trăm học sinh và giáo viên bị thiệt mạng. Nhiều gia đình chết 2 hay 3 em. Chính quyền địa phương sai người đến điều tra nguyên nhân vụ nổ. Trong một cuộc dò hỏi, vợ một công nhân xây dựng ngôi trường đó nói:
- Trước khi thảm kịch xảy ra, chồng bà đã biết việc xây đường ống dẫn khí đốt ở trong đó có vấn đề.
- Cái gì? Chồng bà biết rõ việc đặt đường ống dẫn khí có vấn đề?
- Đúng vậy.
- Thế chồng bà có báo việc đó cho ai biết không?
- Không.
- Vậy, chồng bà phải chịu trách nhiệm về sự cố đó, chồng bà cũng là một tội phạm. (Góp nhặt).
Ngược lại, những ai trung thành với nhiệm vụ sẽ được khen thưởng.
Một người đàn bà giàu có đang hấp hối trên giường bệnh. Trong tờ chúc thư để lại, bà kể tên tất cả mọi người thân thuộc xa gần sẽ hưởng gia tài của bà. Tuy nhiên, có một người rất thân cận với bà nhưng tuyệt nhiên, bà không hề đả động đến. Đó là cô gái nghèo và trung thành hầu hạ bà từng giây từng phút. Món quà tặng duy nhất mà bà tặng cho cô đó là một cây Thánh Giá được bọc bằng thạch cao treo ở trên tường.
Cô gái nhận món quà nhưng lòng đầy cay đắng buồn phiền. Cô tự nghĩ thầm trong lòng: mình đã trung thành phục vụ, hầu hạ sớm hôm để rồi chỉ được một món quà không ra gì sao!
Và như một con người không còn cầm giữ được sự bình tĩnh của mình trước sự việc mà cô tưởng là quá cay đắng này, cô đã lấy cây kéo Thánh Giá xuống khỏi tường rồi ném tung trên nền nhà. Cây Thánh Giá vỡ toang ra thì kìa, trước sự ngạc nhiên của cô, tất cả những mảnh vụn thoát ra khỏi lớp vỏ thạch cao đều là những viên kim cương óng ánh.
Khi Chúa đến, nếu ngài thấy chúng ta đang làm bổn phận của mình, chắc chắn Chúa sẽ ban thưởng. Một người làm phận sự của mình, dù đơn sơ nhỏ mọn đến đâu, chắc chắn cũng sẽ vui mừng trong ngày Chúa trở lại trong vinh quang.
THỨ SÁU TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
Mt 25,1-13
"Vậy anh em hãy canh thức,
vì anh em không biết ngày nào, giờ nào."
(Mt 25,13)
Dụ ngôn mười cô phù dâu dạy chúng ta về sự tỉnh thức:
1. Kitô hữu tỉnh thức là để đón chờ Đức Kitô (= chàng rể) đến.
Phải tỉnh thức luôn luôn vì không ai biết chừng nào Đức Kitô xuất hiện.
Tỉnh thức là lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn sàng (như đèn đầy đủ dầu).
Chi tiết các cô khôn ngoan không cho các cô khờ dại mượn dầu có nghĩa là không ai có thể giúp ai được trước số phận đời đời.
5 cô khôn ngoan cũng ngủ như 5 cô khờ dại, thế mà vẫn được coi là có thái độ tỉnh thức, bởi vì tuy ngủ nhưng họ đã chuẩn bị những thứ sẵn sàng cần thiết. Như thế, tỉnh thức không phải lúc nào cũng lăng xăng làm việc, tỉnh thức không phải là không được nghỉ ngơi. Mà tỉnh thức là chu toàn trách nhiệm: khi chưa xong thì phải lo cho xong, khi đã xong rồi thì có quyền được nghỉ ngơi.
Cách sống của 5 cô khờ dại là "mặc kệ, tới đâu hay tới đó", đó là cách sống của những người gần chết mới nghĩ tới việc linh hồn.
Nước Hy Lạp có vị vua tên là Philipphê thân sinh ra Alexandre…
Một hôm, sự chết đã tìm đến với ông. Ông không muốn đi với nó, nhưng nó không cho phép ông từ chối. Đến lúc đó ông nghĩ đến những vinh hoa phú quý trên đời. Tới lúc này ông mới thấy chúng chỉ là hư không. Đời người thật ngắn ngủi. Ông cho gọi người nhà đến mà trăn trối rằng: "Sau khi tôi chết đi, hãy khoét hai cái lỗ ở hai bên quan tài. Rồi khi để tôi vào đó, hãy để cho hai bàn tay của tôi xỏ qua hai lỗ đó mà chìa ra ngoài, rồi đưa quan tài tôi đi vòng qua các đường phố để thức tỉnh và kêu gọi mọi người để họ biết rằng, tôi đã tay trắng mà đến trần thế này, rồi cũng trắng tay mà ra đi. Tất cả những vinh hoa phú quý, hoàng cung mỹ nữ, vàng bạc châu báu, danh thơm tiếng tốt, một chút nhỏ cũng không mang theo được".
2. Bên cạnh 5 cô khờ dại thì dụ ngôn cho chúng ta thấy có 5 cô khôn. Khôn như thế nào thì dụ ngôn đã cho chúng ta thấy một phần. Đó là họ sống một cuộc sống với một tinh thần trách nhiệm cao, luôn làm tròn bổn phận được trao phó cho mình, sống với những giây phút hiện tại cho thật xứng đáng. Đó là cách sống khôn ngoan nhất. Trong cuốn "Chí khí người thanh niên" người ta đọc được những dòng chữ này:
"Dĩ vãng đã qua, tương lai chưa tới,
Hiện tại là lúc bạn đang làm chủ.
Phút hiện tại ấy thuộc về bạn, bạn hãy dùng cho hết.
Làm điều có đức sẽ được thưởng, làm điều ác phải chịu phạt.
Đó là tất cả những cái gì làm sống lại".
Một tu sĩ sống cuộc đời hạnh phúc và an vui trong bốn bức tường của tu viện. Đời sống tu trì đã biến đổi cuộc đời và tâm hồn của ông trở nên tốt lành, đến nỗi mọi người đều gọi ông là ông thánh nhỏ.
Ngày nọ, đang lúc ông đang bắt tay vào rửa chén dĩa, thì một thiên thần hiện ra và nói:
- Thiên Chúa sai ta đến là để báo cho ngươi là giờ ngươi lìa đời đã đến.
Tu sĩ vẫn điềm nhiên và vui vẻ trả lời:
- Tạ ơn Chúa đã thương nghĩ đến tôi, nhưng như ngài thấy đó, tôi còn phải rửa hàng chồng chén dĩa, tôi không muốn tỏ ra vô ơn với Thiên Chúa, nhưng liệu giờ tôi được hưởng nhan thánh của Người có thể hoãn lại sau khi làm xong bổn phận rửa chén dĩa này không?
Nghe nói xong, thiên thần biến đi. Tu sĩ trở lại công việc bổn phận một cách hăng say như quên hẳn việc gặp gỡ thiên thần.
Bẵng đi một thời gian, trong lúc vị tu sĩ đang làm cỏ ngoài vườn, thiên thần hiện ra. Như đoán trước ý nghĩ của thiên thần, vị tu sĩ giơ tay chỉ mảnh đất trong vườn và nói:
- Đây ngài xem, cỏ dại mọc đầy vườn, liệu giờ tôi vào cõi đời đời có thể hoãn lại cho đến khi tôi làm xong cỏ không.
Cũng như lần trước, thiên thần chỉ mỉm cười rồi biến mất.
Một ngày nọ, trong lúc vị tu sĩ đang chăm sóc các bệnh nhân, thì thiên thần hiện ra; lần này vị tu sĩ không nói một lời, nhưng chỉ giơ tay chỉ vào các bệnh nhân nằm trên giường. Thiên thần biến đi không nói một lời nào. Chiều đến, vị tu sĩ trở lại căn phòng nhỏ bé đơn sơ của mình, bỗng chốc, ông cảm thấy mình đã già nua, mệt mỏi; ông thốt lên lời cầu nguyện:
- Lạy Chúa, xin sai thiên thần Chúa đến, con sẽ sẵn sàng theo Ngài
Lời cầu nguyện vừa dứt, thiên thần Chúa hiện đến; vị tu sĩ mừng rỡ:
- Lần này, nếu thiên thần mang tôi đi, tôi sẵn sàng theo ngài về thiên quốc.
Thiên thần nhìn tu sĩ với tất cả âu yếm và nói:
- Này ông thánh nhỏ ơi! Sao còn mơ ước về thiên quốc, những ngày tháng vừa qua, ông nghĩ là mình đã ở đâu vậy?
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết luôn chu toàn bổn phận hằng ngày trong tất cả mọi việc Chúa gửi tới như một người đầy tớ trung thành. Amen.
THỨ BẢY TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
Mt 25,14-30
"Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa;
còn ai không có, thì ngay cái đang có,
cũng sẽ bị lấy đi." (Mt 25,29)
Qua bài Tin Mừng này, Chúa nhắn gửi mỗi người chúng ta hiểu hai điều:
1. Thiên Chúa trao cho mỗi người một số nén bạc.
Những nén bạc, thường được hiểu như là những khả năng của mỗi người, cũng có thể hiểu là thời giờ hay chính cuộc sống của chúng ta.
Mỗi nén bạc thời bấy giờ là 6.000 đồng bạc, bằng giá của 6.000 ngày công. Một giá trị lớn.
Chúa lại trao không đồng đều, kẻ nhiều người ít.
Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là mỗi người sử dụng những nén bạc đó ra sao. Bởi thế, người đã lãnh 5 nén bạc và người lãnh 2 nén bạc mà sử dụng tốt thì cũng được thưởng như nhau.
Cách sử dụng tốt những nén bạc là làm cho chúng sinh lời.
Làm cho chúng sinh lời không hệ tại số lượng nén bạc nhiều hay ít, mà hệ tại tấm lòng của người tôi tớ: người ấy biết chủ tín nhiệm mình nên để đáp lại anh cũng hết lòng với chủ.
Bởi vậy, mỗi người phải cám ơn Chúa, vì dù mình có tài hèn sức mọn, Chúa vẫn tin tưởng trao gửi cho chúng ta những nén bạc của Người để chúng ta sinh lợi cho Chúa. Năm nén, hai nén hay một nén…không quan trọng. Điều quan trọng là sinh lợi. Cuộc sống phải sinh lợi cho nước Chúa và cho anh em như nén bạc phải sinh lợi cho chủ.
2. Thiên Chúa muốn cho mỗi người sinh lời cho Chúa.
Ba người đầy tớ trong dụ ngôn hôm nay không hề so đo phân bì với nhau tại sao kẻ được nhiều kẻ thì được ít. Họ chỉ khác nhau ở tấm lòng đối với chủ.
Người đầy tớ thứ ba có nhiều điểm xấu: ít khả năng, lại không lo phát triển những khả năng ít ỏi đó, mà còn trách chủ keo kiệt.
Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy những người đã có, thì họ lại chịu khó làm ăn, chính vì thế mà cuộc sống của họ ngày càng tốt đẹp hơn. Ngược lại, những người đã không có, thì lại hay lười biếng và có được đồng nào thì xài hết đồng đó. Chính vì vậy mà chẳng bao giờ có thể ngóc đầu lên nổi.
A.R.Wells có thuật lại câu chuyện này: Có một trang chủ làm chủ một trang trại lớn. Một bữa kia ông giao cho bảy người thợ cưa, mỗi người phải cưa cho ông một khúc cây.
- Người thứ nhất nói: Khúc cây của tôi còn tươi quá, e lưỡi cưa sẽ mắc trong đó. Tôi chờ cho tới khi nó khô thì mới cưa. Thế là anh đi nghỉ.
- Người thứ hai: Lưỡi cưa của tôi cùn quá rồi. Tôi chờ ông chủ đổi cho tôi một lưỡi cưa sắc bén hơn rồi tôi cưa. Và anh cũng đi nghỉ.
- Người thứ ba: Khúc cây này cong bên này cong bên kia. Tôi chờ ông chủ đổi cho tôi khúc khác thẳng hơn. Anh cũng đi nghỉ.
- Người thứ tư: Khúc cây của tôi quá cứng, cứng gấp hai lần loại cây thường. Tôi chờ có khúc khác mềm hơn. Anh cũng đi nghỉ.
- Người thứ năm: Hôm nay trời nóng quá. Đợi ngày nào mát trời hãy cưa. Và anh cũng nghỉ.
- Người thứ sáu: Hôm nay tôi nhức đầu. Đợi tới khi nào khỏi, tôi mới cưa. Và anh cũng nghỉ.
- Người thứ bảy cũng nhận một khúc cây còn tươi, nó cũng cong bên này cong bên kia, thịt cũng rất cứng, lưỡi cưa của anh cũng cùn, trời hôm đó cũng nóng và hôm đó anh cũng nhức đầu. Nhưng anh đi mài lưỡi cưa và bắt tay vào việc. Nhờ lưỡi cưa đã được mài sắc, khúc cây đã được cưa xong, do trời nóng và do làm việc, anh làm việc đổ mồ hôi ra và hết nhức đầu. Anh sung sướng vì hoàn thành công tác được giao. Hôm sau anh xin ông chủ cho anh một khúc cây khác để cưa nữa.
Nếu được phép áp dụng Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay thì chắc là ông chủ sẽ nói với người đầy tớ cuối cùng rằng: "Khá lắm! Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh" (Mt 25,23).
Lạy Chúa Giêsu,
con thường thấy mình không có thời giờ,
nhưng đồng thời cũng thấy mình
lãng phí bao thời gian quý báu.
Nhiều khi con tự hỏi
mình thực sự làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày.Xin cho con biết quý trọng từng giây phút
đang trôi qua mà con không sao giữ lại được.
Chúa đã trao cho con nén bạc thời gian,
để con sinh lợi tối đa theo ý Chúa.
Xin cho con luôn làm việc như Chúa:
hăng say, tận tụy và vui tươi,
vâng phục, có phương pháp và đầy sáng tạo.Vì quá khứ thì đã qua,
và tương lai thì chưa đến,
nên xin dạy con biết trân trọng giây phút hiện tại.Xin cho con thấy Chúa
lúc này đang ở đây bên con,
và đang mời gọi con đáp lại tiếng của Ngài
bằng những hành động cụ thể.Con xin hiến dâng Chúa giây phút này
như một hy lễ,
với tất cả những bất ngờ, đớn đau, thách đố.Ước gì con dám sống hết mình giây phút hiện tại
để hiện tại đưa con vào vĩnh cửu của Chúa. Amen. (Rabboni)
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37)
-
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên năm II - Hoán cải đích thực (Lc 19,1-10) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên năm II - Con mắt đức tin (Lc 18,35-43) -
Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Ngày hạnh phúc hay đau khổ (Mc 13,24-32) -
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên năm II - Tín thác (Lc 18,1-8)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy