Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn gửi các tín đồ Ấn giáo nhân Lễ Deepavali (Lễ hội Ánh sáng)
WHĐ (08.11.2015) – Nhân dịp Lễ Deepavali hằng năm của Ấn giáo, còn gọi là Diwali (Lễ hội Ánh sáng) – năm nay là thứ Tư 11 tháng Mười Một 2015–, Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại liên tôn đã gửi sứ điệp chúc mừng các cộng đoàn tín đồ Ấn giáo trên toàn thế giới. Chủ đề của sứ điệp năm nay nói đến nhiệm vụ chung của hai tôn giáo trong việc chăm sóc thiên nhiên và cùng nhau làm việc để xây dựng và phát triển một “nền sinh thái nhân văn” đích thực. Lễ này đánh dấu ngày khởi đầu năm mới trong lịch Ấn giáo.
Sau đây là toàn văn Sứ điệp:
***
Các bạn Ấn giáo thân mến,
1. Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn xin gửi đến các bạn lời chào nồng ấm nhân dịp các bạn mừng lễ Deepavali vào ngày 11 tháng Mười Một 2015. Cầu chúc các bạn trên toàn thế giới trải nghiệm hạnh phúc và hoà hợp trong gia đình và cộng đồng của các bạn trong ngày lễ này.
2. Mới đây, trong Thông điệp Laudato Si’, Đức giáo hoàng Phanxicô đã đề cập đến cuộc khủng hoảng sinh thái nhân văn và môi trường đang đe dọa hành tinh của chúng ta. Vì vậy chúng tôi cho rằng thật thích hợp để chia sẻ –theo truyền thống đáng quý của chúng tôi– một vài suy nghĩ về việc cần thiết phải cổ võ nền sinh thái nhân văn, và thúc đẩy việc tái khám phá mối liên kết của thiên nhiên. Nền sinh thái nhân văn cho thấy mối quan hệ và trách nhiệm của con người đối với trái đất và việc vun trồng các “nhân đức về sinh thái”. Những nhân đức này bao gồm việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên của trái đất qua việc áp dụng các chính sách, ở cấp quốc gia cũng như quốc tế, tôn trọng mối liên kết và phụ thuộc lẫn nhau của con người với thiên nhiên. Những vấn đề này, như chúng ta đã biết, có ảnh hưởng trực tiếp không chỉ đối với sức khỏe hiện tại của trái đất của chúng ta –ngôi nhà của gia đình nhân loại– mà còn ảnh hưởng đến các thế hệ mai sau.
3. Thói ích kỷ của con người, thể hiện rõ trong xu hướng hưởng thụ và khoái lạc nơi một số cá nhân và một số nhóm người, đã nuôi dưỡng một ước muốn vô độ muốn “làm chủ” và “thống trị” hơn là “bảo vệ” và “quản lý” thiên nhiên. Chúng ta được kêu gọi, không phân biệt niềm tin tôn giáo hay quốc tịch, sống có trách nhiệm hơn nữa với thiên nhiên, nuôi dưỡng mối quan hệ mang lại sự sống và, nhất là, để sắp xếp lại lối sống của chúng ta và các cơ cấu kinh tế theo những thách đố về sinh thái mà chúng ta đang phải đối mặt. Truyền thống của các bạn nhấn mạnh đến tính “chung nhất” của thiên nhiên, con người và thần linh. Đức tin Kitô giáo dạy rằng thế giới được tạo dựng là quà tặng của Thiên Chúa dành cho mọi người. Là người quản lý trật tự sáng tạo, chúng ta được ủy quyền chăm sóc thế giới một cách có trách nhiệm và kiên quyết.
4. Có một mối liên kết không thể tách rời giữa sự hài hoà của chúng ta với thiên nhiên và sự an hoà của chúng ta với nhau. Để có hoà bình trên thế giới, chúng ta phải dấn thân – tập thể cũng như cá nhân – một cách có ý thức trong việc “chăm sóc thiên nhiên, bảo vệ người nghèo, và xây dựng mạng lưới của sự tôn trọng và tình huynh đệ” (Laudato Si’, 201). Thúc đẩy nền sinh thái nhân văn đòi hỏi phải có sự huấn luyện và giáo dục, ở mọi cấp độ, ý thức và trách nhiệm về sinh thái, cũng như việc quản lý khôn ngoan các nguồn tài nguyên của trái đất. Điều này bắt đầu từ trong gia đình, “cấu trúc đầu tiên và cơ bản cho ‘nền sinh thái nhân văn’... nơi đó con người nhận được những ý tưởng nền tảng về sự thật và điều thiện, và học biết yêu và được yêu là gì, và do đó làm người thực sự là như thế nào” (Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 39). Các cơ cấu giáo dục và tổ chức chính quyền phải có trách nhiệm đào tạo công dân hiểu biết đúng đắn về sinh thái nhân văn và mối tương quan của nó với tương lai nhân loại và thế giới.
5. Được liên kết với nhau nhờ tình nhân loại và trách nhiệm hỗ tương, cũng như cùng chia sẻ các giá trị và các xác tín, ước gì tín đồ Ấn giáo và Kitô hữu chúng ta, cùng với những người thuộc mọi truyền thống tôn giáo và có thiện chí, biết luôn cổ võ một nền văn hóa thăng tiến sinh thái nhân văn. Bằng cách này, sẽ có sự hài hoà giữa chúng ta và trong các mối quan hệ của chúng ta với những người khác, với thiên nhiên và với Thiên Chúa, và sẽ “giúp cho ‘cây hoà bình’ được tăng triển” (Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới, 2007).
6. Cầu nguyện cho một nền sinh thái lành mạnh và gây ý thức chăm sóc thiên nhiên bằng nhiều cách là một hành động thực sự cao quý. Vì thế, Đức giáo hoàng Phanxicô đã thiết lập ‘Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc chăm sóc Thiên nhiên’ được cử hành hằng năm vào ngày 1 tháng Chín. Hy vọng sáng kiến này sẽ nâng cao nhận thức nơi mọi dân tộc rằng cần phải trở thành những người quản lý thiên nhiên tốt, và qua đó, thúc đẩy một nền sinh thái nhân văn thực sự.
Với những tâm tình này, chúng tôi cầu chúc tất cả các bạn một lễ Deepavali vui tươi!
Hồng y Jean-Louis Tauran
Chủ tịch
Huy Hoàng chuyển ngữ
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô