Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội thứ 51 (2017)
“Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi” (Is 43,5)
Thông truyền niềm Hy vọng và sự Tin tưởng trong thời đại chúng ta
Nhờ những tiến bộ về công nghệ, việc tiếp cận các phương tiện truyền thông giúp cho biết bao người có thể chia sẻ thông tin tức thời và phổ biến rộng rãi. Những tin tức ấy có thể tốt hay xấu, đúng hay sai. Các Kitô hữu đầu tiên đã ví tâm trí con người như chiếc cối xay liên tục; cối xay ấy phải xác định sẽ xay cái gì: lúa tốt hay cỏ lùng. Tâm trí chúng ta luôn phải “xay”, nhưng nhiệm vụ của chúng ta là lựa chọn cái gì để xay (x. Thánh Gioan Cassian, Thư gửi Leontius).
Tôi muốn gửi sứ điệp này đến tất cả những ai, trong công việc chuyên môn của mình hoặc trong các mối tương quan cá nhân, giống như những chiếc máy xay ấy, hằng ngày “xay ra” những thông tin để cung cấp lương thực bổ dưỡng cho những người mà họ giao tiếp. Tôi muốn khuyến khích mọi người tham gia vào các loại hình truyền thông mang tính xây dựng, loại bỏ định kiến với người khác và cổ võ nền văn hóa gặp gỡ, giúp mọi người chúng ta nhìn thế giới xung quanh một cách thực tế và đầy tin tưởng.
Tôi tin rằng chúng ta phải phá vỡ cái vòng lẩn quẩn của sự lo âu và phải ngăn chặn vòng xoáy của nỗi sợ hãi phát xuất từ thói quen tập chú vào “những thông tin xấu” (chiến tranh, khủng bố, những bê bối và tất cả các loại thất bại của con người). Hẳn nhiên đây không phải là cổ võ cho những thông tin sai lạc chẳng lưu tâm đến bi kịch đau khổ của con người, cũng không phải là lạc quan ngây thơ mù quáng với những bê bối của cái ác. Trái lại, tôi muốn rằng tất cả chúng ta hãy nỗ lực vượt qua cảm xúc bất mãn và cam chịu ấy, vốn đôi khi gây ra sự dửng dưng, sợ hãi hay ý tưởng rằng cái ác không có giới hạn. Hơn nữa, trong một hệ thống truyền thông cho rằng thông tin tốt thì chẳng ai tin, và bi kịch nỗi đau của con người và mầu nhiệm sự dữ dễ dàng biến thành thú vui; thì chúng ta luôn bị cám dỗ ru ngủ lương tâm hoặc rơi vào bi quan thất vọng.
Thế nên tôi muốn góp phần vào việc tìm kiếm một phong cách truyền thông rộng mở và sáng tạo, một phong cách không bao giờ tìm cách làm cho cái ác trở nên hấp dẫn nhưng tập trung vào các giải pháp và truyền cảm hứng cho người tiếp nhận thông tin đến với các thông tin một cách tích cực và có trách nhiệm. Tôi kêu gọi mọi người hãy cung cấp cho con người ngày nay những câu chuyện thực chất là những “tin vui”.
Tin vui
Cuộc sống không đơn giản chỉ là một chuỗi các sự kiện nối tiếp nhau, nhưng là một lịch sử, một câu chuyện chờ được kể qua việc lựa chọn một lăng kính diễn giải có thể chọn ra và thu thập các dữ liệu có liên quan nhất. Thực tại tự nó không có một ý nghĩa rõ ràng. Tất cả tuỳ thuộc vào cách chúng ta nhìn nhận sự việc, theo lăng kính chúng ta dùng để quan sát. Nếu chúng ta thay đổi lăng kính, thực tại sẽ xuất hiện khác đi. Vậy làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu “đọc” được thực tại qua các lăng kính đúng?
Đối với người Kitô hữu chúng ta, lăng kính ấy chỉ có thể là tin vui, khởi đầu với Tin Mừng tuyệt hảo: “Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Với những lời này, Thánh Máccô mở đầu Phúc Âm của ngài không phải bằng cách tường thuật “tin vui” về Chúa Giêsu, nhưng tường thuật tin vui là chính Chúa Giêsu. Thật vậy, đọc các trang sách Phúc Âm Máccô, chúng ta thấy rằng nhan đề tương ứng với nội dung, và trên hết, nội dung này là chính con người Chúa Giêsu.
Tin vui này – là chính Chúa Giêsu – không phải vui vì không dính dáng gì tới đau khổ, nhưng vì chính đau khổ đã được sống trong một khung cảnh rộng lớn hơn, như một phần thiết yếu của tình yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và với cả nhân loại. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã bày tỏ sự liên đới với mọi hoàn cảnh của con người. Ngài đã nói với chúng ta rằng chúng ta không đơn côi, vì chúng ta có một Người Cha luôn lưu tâm đến con cái mình. “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi” (Is 43,5): đây là những lời đầy an ủi của một Thiên Chúa dìm mình vào lịch sử của dân Ngài. Trong Con yêu dấu của Ngài, lời hứa này của Thiên Chúa – “Ta ở với ngươi” – đảm nhận mọi nỗi yếu đuối của chúng ta, kể cả chết với cái chết của chúng ta. Trong Đức Kitô, ngay cả bóng tối và cái chết cũng trở thành nơi gặp gỡ Ánh sáng và Sự sống. Hy vọng bừng lên, một niềm hy vọng ai cũng có thể chạm đến, ngay tại nơi cuộc sống gặp thất bại cay đắng. Niềm hy vọng ấy không làm chúng ta thất vọng, vì tình yêu của Thiên Chúa đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta (x. Rm 5,5) và làm cho cuộc sống mới nở hoa, như một chồi non mọc lên từ hạt giống rơi xuống. Khi nhìn trong ánh sáng này, mọi bi kịch mới xảy ra trong lịch sử thế giới cũng có thể trở thành một bối cảnh cho tin vui, vì tình yêu luôn tìm ra cách để đến gần và khơi gợi những tấm lòng chân thành, những khuôn mặt quả quyết và những bàn tay sẵn sàng dựng xây.
Niềm tin vào hạt giống của Vương quốc
Để trình bày cho các môn đệ và đám đông tinh thần Phúc Âm này và ban cho họ đúng chiếc “lăng kính” cần thiết để nhìn và nắm bắt được tình yêu đã chết và đã sống lại, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn. Ngài thường so sánh Nước Thiên Chúa với một hạt giống từ bỏ sự sống của mình ngay khi nó rơi xuống đất và chết đi (x. Mc 4,1-34). Việc sử dụng hình ảnh và ẩn dụ để truyền thông sức mạnh thầm lặng của Vương quốc không làm giảm tầm quan trọng và tính cấp thiết của Vương quốc; nhưng lại là một phương thức đầy thương xót giúp cho người nghe có được tự do đón nhận và tìm cho mình sức mạnh ấy. Đó cũng là cách hiệu quả nhất để diễn tả phẩm tính vô biên của mầu nhiệm Vượt Qua, bằng cách dùng hình ảnh –hơn là khái niệm–, để thông truyền vẻ đẹp nghịch lý của cuộc sống mới trong Chúa Kitô. Trong cuộc sống ấy, khó khăn và thập giá không làm cản trở, nhưng mang lại ơn cứu độ của Thiên Chúa; sự yếu đuối chứng tỏ mình mạnh mẽ hơn bất cứ quyền lực nào của con người; và thất bại có thể lại khơi mào để hoàn thành mọi sự trong tình yêu. Niềm hy vọng trong Vương quốc trở nên vững mạnh và đâm rễ sâu theo cách thế này: đó là “như một người gieo hạt giống trên mặt đất, dù đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên” (Mc 4,26-27).
Vương quốc của Thiên Chúa đã hiện diện giữa chúng ta, như một hạt giống dễ dàng bị bỏ quên, nhưng vẫn âm thầm đâm rễ. Những ai được Chúa Thánh Thần ban cho cái nhìn bén nhạy có thể nhìn thấy hạt giống ấy nảy mầm. Chúng không để cho mình bị cướp mất niềm vui của Vương quốc bởi các loại cỏ lùng mọc khắp nơi.
Các chân trời của Chúa Thánh Thần
Niềm hy vọng của chúng ta, dựa trên tin mừng là chính Chúa Giêsu, khiến chúng ta ngước mắt lên chiêm ngắm Chúa trong cử hành phụng vụ lễ Chúa Thăng Thiên. Dẫu rằng hiện nay Chúa có vẻ xa cách chúng ta, nhưng chân trời hy vọng lại càng rộng mở. Trong Đức Kitô, Đấng đưa bản tính nhân loại của chúng ta lên thiên đàng, mỗi người, nam và nữ, nay có thể tự do “đi vào cung thánh nhờ máu của Chúa Giêsu, nhờ con đường mới và mang sự sống mà Người khai mở cho chúng ta qua bức màn, tức là, qua thân xác Người” (Dt 10,19-20). Nhờ “quyền năng của Chúa Thánh Thần”, chúng ta có thể trở nên những chứng nhân và “người truyền thông” về một nhân loại mới và được cứu chuộc, “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,7-8).
Niềm tin vào hạt giống của Vương quốc Thiên Chúa và mầu nhiệm Phục Sinh cũng định hình phong cách truyền thông của chúng ta. Niềm tin tưởng này khiến chúng ta có thể thực hiện công việc của mình –bằng nhiều hình thức truyền thông ngày nay– với niềm xác tín rằng có thể nhận ra và làm nổi bật những thông tin tốt đẹp trong mỗi câu chuyện và trong khuôn mặt của từng người.
Những ai phó thác cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình trong đức tin, sẽ nhận ra cách thế Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong từng khoảnh khắc cuộc sống của họ và trong lịch sử thế giới như thế nào, khi Ngài kiên nhẫn dệt thành lịch sử cứu độ. Niềm hy vọng là các sợi chỉ dệt nên lịch sử thánh thiêng này, và Người thợ dệt không ai khác hơn là Chúa Thánh Thần, Đấng An ủi. Niềm hy vọng là đức tính khiêm tốn nhất trong các đức tính, vì nó vẫn ẩn giấu trong các ngóc ngách của cuộc sống; nhưng nó lại giống như men làm cho cả khối bột dậy men. Chúng ta nuôi dưỡng niềm hy vọng bằng cách đọc đi đọc lại Phúc Âm, vốn được “tái bản” qua rất nhiều phiên bản trong đời sống của các thánh là những người đã trở thành biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới này. Hôm nay cũng vậy, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục gieo vào lòng chúng ta nỗi khát khao Nước Trời, nhờ tất cả những ai, lấy cảm hứng từ Tin Mừng giữa những biến cố bi thảm trong thời đại chúng ta, chiếu toả như những ngọn đèn hiệu trong bóng tối của thế giới này, để soi sáng đường đi và mở ra những con đường mới của tin tưởng và hy vọng.
Vatican, ngày 24 tháng 1 năm 2017
PHANXICÔ, Giáo hoàng
(Minh Đức chuyển dịch theo bản tiếng Anh của Libreria Editrice Vaticana, có tham khảo bản tiếng Pháp)
bài liên quan mới nhất
- Hy vọng trong thời đại kỹ thuật số: Những đề xuất mục vụ cho giới trẻ
-
Tông thư Miranda Prorsus - Điều kỳ diệu được mặc khải của Đức Thánh Cha Piô XII -
Vatican ra mắt bảng giới thiệu trực tuyến về Hồng y đoàn -
Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio - Hiệp thông và Tiến bộ -
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng -
Truyền thông và những giấc mơ đẹp -
Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định hình công tác mục vụ như thế nào? -
Các nhà truyền giáo kỹ thuật số Công giáo được mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng trực tuyến -
Liên nhóm Mục vụ Truyền Thông Tân Chí Thọ mừng Bổn mạng 19.10.2024 -
Hiệp hội Truyền thông Công giáo Á châu tổ chức Đại hội 2024
bài liên quan đọc nhiều
- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo