Sự cao cả của đời sống Thánh hiến

Sự cao cả của đời sống Thánh hiến

Công đồng Vat. II đã coi đời thánh hiến của các tu sĩ là phương thế kết hiệp một cách đặc biệt với Giáo hội và với Mầu nhiệm Giáo hội, do đó đời thánh hiến luôn nỗ lực đem lại lợi ích cho Giáo hội (x. LG 44). Việc mưu cầu đó được thể hiện bằng cách “bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong Giáo hội nếp sống Con Thiên Chúa đã nhận khi khi Người xuống thế để thi hành Thánh ý Chúa Cha và cũng là nếp sống Người đã đề ra cho các môn đệ theo Người” (LG 44).

Như vậy đời sống Thánh hiến không chỉ là một con đường tu đức nhằm mưu ích cho riêng chính bản thân mình, nhưng là cho toàn thể thân thể Mầu nhiệm Chúa Kitô, tức Giáo hội. Bởi đó người tu sĩ cũng phải có trách nhiệm chia sẻ những thao thức của Giáo hội. Giáo hội luôn ý thức được trách nhiệm của mình là qui tụ toàn thể nhân loại hợp nhất với Thiên Chúa, nếu Giáo hội thành công trong nhiệm vụ nầy, thì Giáo hội cũng đạt tới mục đích của mình, Giáo hội được gọi trong ý nghĩa hoàn hảo là “ecclesia universalis” tức “Giáo hội phổ quát”. Khi Giáo hội đồng nhất với toàn thể nhân loại đã giải hòa, Giáo hội tìm thấy trong chính mình cái căn tính trọn hảo của mình. (X. M. Kehl, Die Kirche, Eine katholische Ekklesiologie, Echter 1994, 82.). Trong lúc lịch sử thúc đẩy hướng về mục đích đó, thì Giáo hội hoàn toàn dấn thân phục vụ cho ngày vinh quang phổ quát của tất cả mọi người, tất cả thụ tạo đều hướng đến mục đích nầy (x. Rom 8, 19 tt). Với thao thức đó, Giáo hội mời gọi tất cả con cái của mình cùng cộng tác tích cực trong việc làm cho nhân lọai nhận ra ánh sáng của Tn Mừng để được qui tụ lại với nhau trong trong thân thể Mầu nhiệm của Đức Kitô.

Người tu sĩ được mời gọi phục vụ cho sứ mệnh của Giáo hội, thật vậy “đời sống thánh hiến nằm ngay giữa lòng Giáo hội như một yếu tố quyết định đối với sứ mạng của Giáo hội, bởi vì đời sống này biểu thị rõ ràng bản tính sâu xa của ơn gọi Kitô giáo và tình trạng toàn thể Giáo hội – Hiền thê đang ra sức vươn tới chỗ được kết hiệp với Đấng Phu Quân duy nhất” (Vita Consecrata, số 3).

Giáo hội trong khi chu tất sứ vụ của mình cũng phải quan tâm đến những khát vọng của nhân lọai, “phải tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại…. mới có thể giải đáp một cách thỏa đáng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thủa của con người về ý nghĩa của cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan của hai cuộc sống ấy” (GS 4). Giáo hội đang đứng trước nhiều thách đố của một thế giới đang phát triển về tiến bộ khoa học nhân văn, và một thế giới đang đang quằn quại vì đói ăn, thiếu thốn, không biết bao nhiêu người đang chịu cảnh mù chữ. Chưa bao giờ con người ý thức mãnh liệt được sự tự do như ngày nay, đang khi đó lại thấy sống dậy những hình thức nô lệ mới mẻ về mặt xã hội cũng như tâm lý” (GS 4)…. Giáo hội Việt Nam cũng đang đối diện nhiều thách đố như vậy, khi mà xã hội Việt nam đang bước vào quĩ đạo tòan cầu hóa và nền kinh tế thị trường, rồi đây cái hố phân cách giữa người giàu và người nghèo sẽ rộng ra, và khuynh hứơng hưởng thụ sống thực dụng nơi giới trẻ sẽ lan rộng trở thành nếp sống mới, giới trẻ ngày nay như Lm Nguyễn Thái Hợp nhận định: “sống thực tiễn và thực dụng hơn. Đôi khi cũng khá lý tưởng và quảng đại, nhưng đồng thời lại chăm sóc quá kỹ cho bộ lông bộ cánh của mình. Đòi hỏi yêu thương và thông ccảm, nhưng lại quá gay gắt và khắc nghiệt với thế hệ đi trước. Hiếu thắng, hăm hở lao mình vào cuộc chay đua của kinh tế thị trường và khoa học kỹ thuật, nhưng cũng rất dễ chao đảo trứơc những khó khăn của cuộc sống, những thất bại trong nghề nghiệp hay một chút lận đận về tình duyên. Không thiếu những người trẻ đã nản chí, buông xuôi và tím cách giải quyết vấn đề bằng ma túy, tình dục, băng đảng hay bằng chính cái chết” (Lm Nguyễn Thái Hợp, Để Họ Lớn Lên, Đức tin & Văn Hóa 2005, 85). Vâng, một thực trạng đáng buồn đang diễn ra hằng ngày trước mắt chúng ta: “Hiện tượng giới trẻ buông thả, bung phá thác lọan thì thật rõ. Có mặt mọi nơi, từ các ngóc ngách phố phường cho đến bên trong trường học, và đang len lỏi vào tận mỗi gia đình” (Lm Nguyễn Thái Hợp, Std, tr. 85.)

Trước những thách đố đó “Giáo hội có quyền chờ đợi sự góp phần đặc biệt từ phía những ngừơi đựơc thánh hiến, được kêu gọi lám chứng tá cụ thể rằng họ đã thuộc về Đức Kitô trong hết mọi hoàn cảnh” (Vit Consecrata, số 25).

Để có thể đáp ứng sự mong chờ của Giáo hội, trước tiên người nữ tu phải tìm đến căn cước của mình: Tôi là ai? Vì chỉ khi xác định được sự hiện hữu của mình, chúng ta mới nhận ra căn tính của mình để khẳng định vai trò và chỗ đứng của mình trong thế giới. Thắc mắc về căn cước của mình làm nẩy sinh những hệ tư tưởng về hữu thể học, siêu hình học, bản thể học… như là những nỗ lực tìm câu trả lời cho câu hỏi: “tôi là ai?” “tôi từ đâu mà có. Những câu hỏi về căn cứơc của mình đã thấy xuất hiện trong những bản văn triết lý cổ xưa nhất của nhân lọai như trong bộ sách Upanishad của Ấn Độ: “Chúng ta sinh ra từ đâu? Chúng ta sống ở đâu? Chúng ta đi về đâu? Ông là người Brahman, xin ông giảng cho chúng tôi biết do lệnh của ai mà chúng tôi sống trên cõi đời nầy… Phải do thời gian, do thiên nhiên, do tất nhiên hay do ngẫu nhiên, hay là do các nguyên tố, hay là do đấng mà người ta gọi là Purusha? – Tức Đấng Tối cao?” (Will Durant, The Story of Civilization, Our Oriental Heritage, Vol. I, Bản tiếng việt do Nguyễn Hiến Lê dịch: Lịch sử văn minh Phương Đông, Lịch sử văn minh Ấn Độ, cuốn 1, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin 2006, tr. 62). Hiểu về sự hiện hữu của mình là thao thức của con người. Tôn giáo cổ của Ấn độ trong kinh Vệ đà (Veda) có tường thuật về sự hiện hữu của con người: “Có một vị thần không biết vui là gì, chỉ riêng có vị đó là không vui, lẻ loi, thiếu một bạn đời. Vị thần đó to lớn bằng một người đàn ông và một người đàn bà ôm chặt lấy nhau. Vị thần đó làm cho thân thể mình rớt làm hai phần: một phần thành người đàn ông (pati), một phần thành người đàn bà (patnie)… Người đàn ông ân ái với người đàn bà, do đó có loài người” (Will Durant, Std, tr. 62). Thánh Kinh Cựu ước đã tường thuật việc tạo dựng con người từ một cục đất do Thiên Chúa nặn nên hình nên dạng (St 2, 6), và ngừơi đã làm nên con ngừơi có nam có nữ để nói đến nguồn gốc của con người (St 1, 27). Việc truy tìm cội nguồn và lý do hiện hữu của mình, con ngừơi nhận ra cái phẩm giá cao sang của mình mà tác gỉa sách Sáng thế đã khẳng khái: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1, 27). Với việc tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa”, Công đồng Vat. II đã đề cao con người với những phẩm giá: của trí tuệ, chân lý và sự hiểu biết (GS 15); của lương tâm (GS 16); của sự cao cả của tự do (GS 17).

Trong cái nhìn đó, để hiểu sứ mệnh của mình, hiểu được giá trị của đời sống thánh hiến, người tu sĩ cũng phải truy tìm căn cước của mình: tôi là ai? Và trả lời được câu hỏi đó, người tu sĩ mới có thể hiểu được cái phẩm giá cao quí của đời sống thánh hiến: “là ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo hội Người qua trung gian của Thánh Thần. Nhờ việc tuyên giữ các lời khuyên của Tin Mừng, các nét đặc trưng của Đức Giêsu – Khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục – trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một gương mẫu thường hằng, và các tín hữu được mời gọi hướng nhìn về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã tác động trong lịch sử, nhưng còn đang chờ đạt tới viên mãn ở trên trời” (Vita consecrata, số 1).

Đời sống tu trì xuất hiện khi nào trong lịch sử Giáo hội Công giáo? Nhà Sử học Bùi Đức Sinh, OP đã khẳng định: “Bậc tu hành không phải mới có từ thời Trung cổ, nhưng sự thực đã có từ khi Giáo hội được thành lập. Trong Tân Ước, đã có những giáo dân ao ước sống trọn lành, cố gắng thực hiện bài giảng trên núi của Chúa. Đời sống tu hành bắt nguồn từ Phúc âm, bởi lẽ mục đích của nó là bắt chước cuộc đời Chúa Giêsu Kitô. Sách Tông Đố Công Vụ thuật lại: ‘các kẻ tin hết thảy đều coi mọi sự như của chung: đất đai của cải, thì họ bán đi mà phân phát cho mọi người, ai nấy tùy theo nhu cầu của mình… Đoàn lũ những kẻ tin chỉ có một lòng, một linh hồn. Không một người nào nói của gì là của riêng, nhưng đối với họ mọi sự là của chung’(Cv 2, 44 – 45 và 4, 32)” (Bùi Đức Sinh, Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, Cuốn 1, Chân Lý xuất bản, Sàigòn 1975, tr. 223). Tuy nhiên đời sống tu hành thực sự được Giáo hội nhìn nhận và đặc biệt đề cao đuợc hình thành dưới hình thức đan tu vào cuối thế kỷ thứ III, đặc biệt phát triển phồn thịnh ở Ai cập như thánh Phaolô (234-341) thánh Antôn (251 -356). Nhưng hình thức đan tu này không mang tính tập thể, mỗi người ở một lều riêng và không tuân theo một nội qui nào (Bùi Đức Sinh, Std, tr. 224). Hình thức tu mang tính công cộng được hình thành bởi thánh Pacômiô (290 – 346), khi ngài thiết lập tại Tabennisi một đan viện đầu tiên. Với nếp sống tập thể, các đan sĩ phải tuân theo một nội qui được qui định rõ ràng: lao động tay chân, nghiên cứu Kinh Thánh, vâng phục quyền bề trên. Nội qui này sau được thánh Basiliô (329 – 379) biên soạn lại, và thánh nhân đã đưa ra các tiêu chuẩn để thực hiện ba lời khuyên Phúc Âm: vâng phục, khiết tịnh và khó nghèo (Brockhaus Enzyklopädie, Art.: Marcella, Mannheim, Mag-Mod 1991, Bd.14, 184)

Đối với nữ tu, đầu tiên xuất hiện tại Roma một nhóm chị em phụ nữ qui tụ lại sống chung với nhau, chọn đời sống khắc khổ, khấn khiết tịnh, học hỏi Thánh Kinh do thánh nữ Marcella (325/335? – 410) khởi xướng (Brockhaus Enzyklopädie, Art.: Marcella, Mannheim, Mag-Mod 1991, Bd.14, 184.) Càng ngày càng có phụ nữ chọn đời sống khổ hạnh sống chung với nhau thành nhiều nhóm, trong số họ các chị Lea, Paula, Melania hậu và Proba đóng vai trò quan trọng (Karl Baus/Eugen Ewig, Handbuch der Kirchengeschichte,Die Reichskirche nach Konstantin dem Grossen, Band II/1, xuất bản bởi Hubert Jedin, Herder1985, 391). Nhưng để nói một dòng tu nữ đúng nghĩa trứơc tiến phải nói đến thánh Augustinô, vào năm 387 thánh nhân công nhận một nhóm qủa phụ và trinh nữ sống chung với nhau, sinh sống bằng nghề lao động tay chân, họ tự đặt ra nội qui, sau một thời gian sống thử, họ được tiếp nhận vào trong cộng đoàn, và đời sống đức ái là qui luật tối cao của cộng đoàn, (Karl Baus/Eugen Ewig, Std, 392).

Một cái nhìn thoáng qua về sự xuất hiện đời sống tu trì, chúng ta nhận ra được nguồn gốc làm cho đời thánh hiến được hiện hữu đó chính: muốn noi gương Đức Kitô để trở nên trọn lành, và Đức ái Kitô giáo như là nhựa sống của đời sống Thánh hiến. Như vậy chính Chúa Kitô là động lực làm nẩy sinh đời sống thánh hiến. Do đó đời sống tu trì mang dấu vết thần linh, hóan cải con người mang đầy tham sân si, đang làm nô lệ cho những đam mê hư hèn, để trở thành con người mới, con người đựơc giải thoát khỏi sự kiềm chế của dục vọng xác thịt, hoàn toàn nên giống Đức Kitô: vâng phục, khiết tịnh và thanh bần. “Qua các lời khuyên Phúc âm, Đức Ki-tô mời gọi một số người chia sẻ kinh nghiệm của Người như là kẻ khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục. Việc chấp nhận các lời khuyên đó đòi hỏi và biểu lộ nguyện ước minh nhiên được hoàn toàn nên đồng hình đồng dạng với Người. Khi sống "vâng phục, không có của riêng và khiết tịnh" (32), những người tận hiến tuyên xưng rằng Đức Giê-su là Mẫu Mực, nơi Người mọi nhân đức đạt tới mức hoàn hảo. Thực vậy, lối sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục của Người xuất hiện như một cách sống Tin Mừng triệt để nhất trên trái đất này, một cách thức có thể gọi là thần linh, bởi vì chính Đấng vừa là con người vừa là Thiên Chúa đã chấp nhận lối sống đó để diễn tả mối quan hệ của Con Một đối với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đó là lý do khiến cho truyền thống Ki-tô giáo luôn nói rằng, xét theo mặt khách quan, đời tận hiến trổi vượt hơn tất cả”(Vita consecrata, số 18).

Như vậy căn cước của đời sống được hình thành bởi việc tuân giữ ba lời Khuyên Phúc Âm: Vâng Lời, Thanh khiết và Khó nghèo. Chính việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm, người tu sĩ đã biến đổi căn cước của mình để được “trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”. “Quả thế, qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, người được thánh hiến không chỉ bằng lòng với việc đã chọn Đức Ki-tô làm ý nghĩa đời mình, nhưng còn tìm cách diễn lại nơi chính mình, trong mức độ có thể, nếp sống Con Thiên Chúa đã sống khi Người xuống thế. Khi ôm ấp sự trinh khiết, họ nhận tình yêu khiết trinh của Đức Ki-tô làm của mình và tuyên xưng với thế giới rằng Người là Con Một, đồng nhất với Chúa Cha (x. Ga 10,30; 14,11); khi bắt chước sự nghèo khó của Người, họ tuyên xưng rằng Người Con đón nhận mọi sự từ Chúa Cha và dâng mọi sự lại cho Chúa Cha vì yêu thương (x. Ga 17,7.10); khi gắn bó với mầu nhiệm vâng phục hiếu thảo của Người bằng lễ hy sinh tự do của mình, họ tuyên xưng Người là Đấng được yêu thương và Đấng yêu thương vô biên, là Đấng chỉ vui thoả khi ở trong ý muốn của Chúa Cha (x. Ga 4,34), vì Người hoàn toàn kết hợp với Chúa Cha và tuỳ thuộc Chúa Cha trong mọi sự.” (Vita Consecrata 16).

Top