Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C
(Is 62,1-5; 1Cr 12,4-11; Ga 2,1-11)

CHỦ ĐỀ:
CÓ ĐƯỢC NIỀM VUI TRONG CHÚA
KHI BIẾT NGHE LỜI NGƯỜI

Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo
(Ga 1,5)

Thiên Chúa luôn gắn kết với con người và tìm mọi phương thế giúp con người sống an vui hạnh phúc dưới bóng Ngài. Con người có được điều đó là nhờ vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đã vượt lên trên những yếu đuối tội lỗi của con người. Quả thực, Thiên Chúa yêu con người, không phải vì con người đáng yêu, nhưng Người làm cho con người trở nên đáng yêu, bởi vì Ngài thương xót con người. Phần mình, con người sẽ được các điều đó nếu biết nghe và làm theo Lời Chúa.

I. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Is 62,1-5)

Đoạn sách Ngôn Sứ Isaia hôm nay nói về giao ước của Thiên Chúa với dân Ngài. Mặc dù họ không sống xứng đáng với giao ước đó, nhưng tình yêu của Thiên Chúa luôn dành cho con người: “Vì lòng mến Xion, Ta sẽ không nín lặng, vì lòng mến Giêrusalem, Ta nghỉ yên sao đành”. Trong tương quan với Thiên Chúa, Giêrusalem, biểu tượng cho dân tộc Dothái, được xem như là “Hôn Thê” của Thiên Chúa. Vị Hôn Thê này đã nhiều lần phản bội lại vị Hôn Phu của mình để chạy theo những thần ngoại và tội lỗi, được diễn tả qua tình trạng “ngoại tình”, không thủy chung. Thế nhưng, vị Hôn Phu vẫn luôn tha thứ và yêu thương, khiến vị “Hôn Thê” này không bị người ta coi thường: “Chẳng ai còn réo tên ngươi: Đồ bị ruồng bỏ. Nhưng ngươi được gọi: Ái khanh lòng Ta hỡi. Vì ngươi sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái”, nên “người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Chúa đặt cho”. Dân Thiên Chúa được tôn trọng, được chở che giữ gìn, có được vinh quang tỏ rạng và được Chúa yêu nhiều hơn, không phải do công trạng của mình, nhưng do được “Chúa đem lòng sủng ái”, nhờ vào tình yêu vô biên và lòng thương xót hải hà của Ngài.

2. Bài đọc II (1Cr 12,4-11)

Đoạn 1Cr 12 nói về sự hiệp nhất trong cùng một Thần Khí và vì ích chung, mặc dù có nhiều đặc sủng khác nhau. Lúc bấy giờ, trong cộng đoàn Côrintô không chỉ có hiện tượng phân bè chia phái (x. 1Cr 1,10-16) mà còn có sự chia rẽ nhau về những đặc sủng mà Thần Khí ban cho mỗi người. Họ đã không nhận biết nguồn gốc và mục đích của những đặc sủng. Tất cả những đặc sủng đều xuất phát từ một Thần Khí duy nhất và phải được thực hiện trong sự hiệp nhất để phục vụ Thiên Chúa và vì ích chung của Hội Thánh.

Quả thật, Hội Thánh hay cộng đoàn Kitô giáo được ví như là thân thể của chính Đức Kitô, trong đó các bộ phận của thân thể bao gồm mọi người, không phân biệt ai, phải hiệp nhất, tôn trọng và hợp tác với nhau (1Cr 12,12-13). Từ những điều trên, có thể rút ra hệ luận này: nền tảng xây dựng đời sống của Hội Thánh, của một giáo xứ hay cộng đoàn tu trì, là sự hiệp nhất;  ai gây ra một sự chia rẽ giữa các thành viên trong cộng đoàn là làm tan rã thân thể Đức Kitô (1Cr 1,13). Sự hiệp nhất của các tín hữu được nâng lên một mức độ cao hơn với sự đa dạng về đặc sủng mà Thần Khí ban cho mỗi người vì ích chung. Sự khác biệt và đa dạng làm nên tính phong phú và bổ túc cho nhau nhưng phải hài hòa trong hiệp nhất (1Cr 12,4-11). Các đặc sủng không thể là nguyên nhân khiến các tín hữu chia rẽ, kết án nhau và làm xáo trộn cộng đoàn bởi vì đều có một gốc chung từ Thiên Chúa và hướng tới một mục đích chung là kiến thiết Hội Thánh, xây dựng giáo xứ và cộng đoàn (1Cr 13,1-13; x. 8,1-3). Một trong những dấu chỉ cho thấy chúng ta đang sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí Thiên Chúa đó là biết sống hiệp nhất với nhau và yêu thương nhau.

3. Bài Tin Mừng (Ga 2,1-11)

Bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay thuật lại dấu lạ Đức Giêsu đã thực hiện ở tiệc cưới Cana. Theo Tin Mừng Gioan, đây là dấu lạ đầu tiên trong bảy dấu lạ mà Đức Giêsu thực hiện trong sứ vụ công khai của mình, nhằm mạc khải vinh quang và chương trình của Thiên Chúa đã bắt đầu nơi sứ vụ của Người, để các môn đệ tin. Trong tiệc cưới này, Thân mẫu Đức Giêsu (tức Mẹ Maria), Đức Giêsu và các môn đệ Người được mời đến dự. Tiệc cưới của người Dothái thường kéo dài trong một tuần (x. St 29,27; Tl 14,10). Do đó, có thể thiếu rượu. Lúc đó, Mẹ Maria thấy gia chủ thiếu rượu; điều này sẽ khiến gia đình và cô dâu chú rể bẽ mặt, tiệc cưới mất vui. Thấu hiểu tình cảnh của họ, Mẹ đã báo cho Đức Giêsu: “Họ hết rượu rồi” như là cách xin Đức Giêsu ra tay để cứu giúp họ. Thế nhưng, Đức Giêsu đáp lại: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Câu trả lời có vẻ khó nghe nhưng có ý nghĩa rất lớn: “giờ” để Đức Giêsu ra tay hành động là nhằm để tỏ hiện vinh quang và thực hiện chương trình của Thiên Chúa là tùy thuộc vào ý Thiên Chúa, chứ không do ý của con người. Khi nào Thiên Chúa muốn, thì Người sẽ tỏ hiện và thi hành kế hoạch của Người.

Trong Tin Mừng Gioan, “dấu lạ” liên quan tới “giờ” vinh quang của Đức Giêsu, mà  đỉnh cao của “giờ” là cuộc khổ nạn và chết trên thập giá. Qua dấu lạ Cana, vinh quang của Đức Giêsu bắt đầu được tỏ lộ và tiến dần tới đỉnh viên mãn trong tương lai khi Đức Giêsu nói “Thế là đã hoàn tất!”, rồi Người gục đầu xuống và trao sinh khí trên cây thập giá (Ga 19,30).

Về khía cạnh mục vụ, điều quan trọng để “dấu lạ” có thể xảy ra là “Người bảo gì thì cứ làm theo”. Do đó, muốn được Đức Giêsu “tỏ mình ra” và ban “rượu ngon/ân sủng” tràn đầy thì các Kitô hữu phải lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, thực hành các giới răn, như Đức Giêsu đã khẳng định: “Ai có các điều răn của Thầy và tuân giữ, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21). Thêm vào đó, khi làm dấu lạ hóa nước thành rượu vừa nhiều vừa ngon, Đức Giêsu đã cứu gia chủ thoát khỏi cảnh nhục nhã và làm vui lòng các thực khách. Như thế, phúc cho ai được Đức Giêsu đến hiện diện trong nhà mình vì Người sẽ ra tay đúng lúc và ban cho họ ân huệ dồi dào và tuyệt hảo. Niềm vui của cộng đoàn Kitô hữu không bao giờ bị vơi, ân sủng luôn dư tràn và chứa chan gấp bội nếu có sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô Phục sinh ở giữa họ.

Bài Tin Mừng cũng cho thấy rõ vai trò đặc biệt của Mẹ Maria trong công trình cứu độ của Thiên Chúa và trong đời sống của Kitô hữu. Mẹ Maria đã hiện diện từ lúc Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai (Ga 2,1) rồi trong giây phút hoàn thành sứ vụ này dưới chân thập giá (Ga 19,25-26). Trong những thời khắc đó, ngài hiện diện với vai trò của một người mẹ: làm trung gian chuyển cầu trước mặt Đức Giêsu cho chủ tiệc cưới là Hội Thánh và giúp mọi thực khách là các Kitô hữu thỏa lòng bằng rượu ngon (Ga 2,3). Đồng thời, ngài đóng vai trò làm người che chở Hội Thánh khi Đức Giêsu về cùng Chúa Cha (Ga 19,26). Trên tất cả, Mẹ Maria là một mẫu gương về niềm tín thác tuyệt đối và vô điều kiện vào Con Thiên Chúa. Đồng thời, Mẹ là vị Tôn sư dạy các Kitô hữu sống niềm tín thác đó (Ga 2,5) để nhờ tin mà được sự sống đời đời (x. Ga 20,30-31).

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. “Vì ngươi sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái”. Thiên Chúa yêu thương từng người chúng ta; Người đã lập giao ước yêu thương này ngay khi tôi bắt đầu xuất hiện trong cuộc đời và tìm mọi cách để duy trì mối tương quan đó cho dù tôi bất xứng hoặc bất thủy chung. Tôi có nhận ra điều này không? Mỗi ngày sống của tôi là một phản chiếu từng nhịp đập của quả tim yêu thương mà Thiên Chúa đang trao ban cho tôi và lòng thương xót mà Thiên Chúa đang chạm vào lòng tôi. Tôi sống và đáp trả tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa như thế nào? Tôi có trân trọng sự sống và quý trọng những gì Thiên Chúa ban cho tôi như các mối tương quan giao hảo, hay sức khỏe, tài năng, tiền bạc... và có biết chia sẻ những điều ấy với người khác? Tôi có biết “thương xót như Chúa Cha” đã thương xót tôi?

2. “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa” và “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung”. Thánh Phaolô cho thấy rằng nền tảng đời sống của Hội Thánh, của một giáo xứ hay cộng đoàn tu trì, là sự hiệp nhất: ai gây ra một sự chia rẽ giữa các thành viên trong cộng đoàn là làm tan rã thân thể Đức Kitô. Ngài cũng nhấn mạnh rằng sự khác biệt và đa dạng làm nên tính phong phú và bổ túc cho nhau, khi có được sự hài hòa trong hiệp nhất (1Cr 12,4-11). Tôi có ý thức rằng các đặc sủng không thể là nguyên nhân khiến các tín hữu chia rẽ, kết án nhau và làm xáo trộn đời sống giáo xứ hay cộng đoàn? Lối sống của tôi có là nguyên nhân gây ra sự bất hòa cho người khác? Có khi nào tôi chỉ lo tìm kiếm những vinh quang trần thế, danh lợi cá nhân khi dấn thân phục vụ?

3. “Đức Giêsu làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người”. Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên để bày tỏ vinh quang của Người như là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian. Các môn đệ đã chứng kiến dấu lạ này, rồi nhận ra vinh quang của Đức Giêsu và họ đã tin. Thiên Chúa đã thực hiện nhiều dấu lạ trong cuộc đời của tôi: sự sống, đức tin, công việc, gia đình, bạn bè... Vậy, tôi có nhận biết những dấu lạ này mà qua đó giúp tôi có niềm tin mạnh mẽ hơn vào Thiên Chúa hay không? Tôi có biết rằng để được Đức Giêsu “tỏ mình ra” và ban “ân sủng” tràn đầy thì cần phải lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, thực hành các giới răn? Tôi có mời Đức Giêsu đến hiện diện trong nhà mình để Người sẽ ra tay đúng lúc và ban cho ân huệ dồi dào và tuyệt hảo, vì biết rằng niềm vui sẽ không bao giờ vơi, ân sủng luôn đầy tràn chứa chan nếu có Đức Giêsu Kitô hiện diện với tôi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống và niềm vui đích thực cho con người. Chúng ta hãy cảm tạ tình thương và lòng nhân từ của Thiên Chúa, cùng tha thiết nài xin Người nâng đỡ đức tin của từng người và cộng đoàn chúng ta.

1. “Hãy kể cho muôn dân biết những kỳ công Chúa đã làm.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Dân Chúa luôn ý thức và tích cực dấn thân loan báo Tin mừng cứu độ cho con người thời đại, bằng chính chứng từ của bản thân và một đời sống gương mẫu.

2. Đức Giêsu thực hiện dấu lạ đầu tiên tại Cana để bày tỏ vinh quang của Người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết đón nhận các dấu chỉ thời đại như ơn Chúa soi sáng, để luôn hành động cách khôn ngoan vì một thế giới hòa bình và văn minh.

3. Chúa đã chúc lành cho gia đình mới tại Cana. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các bậc cha mẹ luôn ý thức trách nhiệm Chúa trao trong ơn gọi hôn nhân, biết chu toàn bổn phận vun đắp hạnh phúc gia đình và giáo dục con cái bằng tình yêu, lòng quảng đại và hy sinh.

4. “Người bảo gì, các anh hãy làm theo.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người đang hiện diện nơi đây biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, luôn yêu thương tha thứ và hết mình phục vụ, để trở nên dấu chỉ của lòng thương xót ở giữa mọi người.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng, phúc lành của Chúa luôn phong phú tràn trề cho con người. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn hết lòng tin tưởng vào tình thương của Chúa, và an vui thực thi ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top