Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ

 (2Sm 5,1-3; Cl 1,12-20; Lc 23,35-43)
ĐỨC GIÊSU KITÔ – VỊ VUA CHẾT CHO THẦN DÂN ĐƯỢC SỐNG
“Nếu ông là vua dân Do Thái thì hãy cứu lấy mình đi!”
(Lc 23,37)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (2Sm 5,1-3)

Các chi tộc Israel trải qua hàng thế kỷ vẫn chưa định hình cho mình một mô thức chính trị rõ ràng. Vì thế, một ngày nọ, họ xin cho họ có một vị vua. Bài đọc 1 của ngày lễ hôm nay trình bày cho chúng ta việc Đavít, vốn đã là vua tại Khépron, thì nay chấp nhận làm vua trên các chi tộc miền Bắc (Israel), và như thế, ông trở thành vua của mọi chi tộc cả ở Israel và Giuđa.

Nhưng chỉ không bao lâu sau đã xuất hiện những sự chống đối kịch liệt với nền quân chủ này trong Israel, nhất là từ phía các ngôn sứ, và như thế đã ứng nghiệm trước lời của Samuel, khi ông nhìn thấy qua việc dân chúng nài xin một vị vua sẽ có nguy cơ chối bỏ Giavê của họ (x. 1Sm 8,6-9). Cũng như các vị ngôn sứ sau này, Samuel đã mạnh mẽ xác quyết rằng dân Chúa không tôn thờ một vị thần minh của một quốc gia, như thần Baal của người Canaan hay thần Marduk của người Babylon, cũng không có chuyện các giai cấp xã hội giàu mạnh hơn bóc lột những người yếm thế. Việc chỉ trích chế độ quân chủ bắt nguồn từ việc xác tín rằng dân Chúa phải là một xã hội của những con người tự do và bình đẳng với nhau. Thế mà vua Đavít lại xây dựng cho mình một mô hình theo khuôn mẫu của một quốc gia trần thế, với binh lực hùng mạnh, áp đặt sưu cao thuế nặng và sự phân chia giai cấp giàu nghèo... Nhưng Kinh Thánh vẫn trung thành giữ vững lý tưởng về một cộng đoàn huynh đệ bình đẳng đúng theo bản chất là dân Thiên Chúa và chỉ nhìn nhận Giavê Thiên Chúa là Chúa của mình.

Ở đâu có con người trị vì, ở đó sẽ có võ lực và binh đao; ngược lại, nơi đâu có Thiên Chúa trị vì, trật tự xã hội và hòa bình sẽ trổ sinh và tiến triển khởi đi từ sâu thẳm trái tim con người.

2. Bài đọc II (Cl 1,12-20)

Đức Giêsu đã khai mở một triều đại mới và đã làm nổi bật giá trị một uy quyền mới. Thánh Phaolô gọi điều này là “vương quốc Thánh Tử chí ái”. Vương quốc của Đức Giêsu là vương quốc “giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm”, vì Người mang đến ánh sáng của chân lý Thiên Chúa. Uy quyền của Đức Giêsu không phải là một uy quyền đè bẹp hay giết chết kẻ thù, nhưng như là những hiệu quả của ơn cứu độ, Người đến mang lại ơn tha thứ tội lỗi, sự giao hòa với Thiên Chúa, và nhất là sự sống và phục sinh. Tất cả mọi uy quyền trần thế đều phải khuất phục dưới chân Người. Vì thế, với những ai tin vào Người, thì không thể không hiện hữu nơi Người, Đấng là đầu, là trưởng tử, là khởi nguyên của mọi sự.

Với thánh Phaolô, triều đại của Đức Giêsu là triều đại mà trong đó, mỗi người được mời gọi làm ‘vua’, nghĩa là đạt được một sự tự do trọn vẹn, và tự do này có được nhờ việc kết hợp với Đức Giêsu, Đấng toàn năng, uy quyền nhưng không tìm kiếm tư lợi cho mình. Người cai trị với phẩm tính duy nhất là nguồn mạch tận cùng của sự sống và mời gọi con người tháp nhập vào trong sự sống vĩnh cửu ấy.

3. Bài Tin Mừng (Lc 23,35-43)

Theo đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu bị đóng đinh và chịu sự nhục mạ phỉ báng với bảng hiệu “vua dân Do thái” được đính phía trên đầu Người. Làm sao có thể được xem là vua khi không thể tự cứu nổi bản thân mình? Đằng sau câu hỏi này giả định rằng một vị vua phải có khả năng tự bảo vệ và lo cho mình. Nhưng từ thập giá, chúng ta thấy rõ ràng là Chúa Giêsu không như các vị vua trần thế: Người không tự bảo vệ cho mình, cũng không có một đảng phái chính trị nào cứu Người. Chức vị vua của Đức Giêsu thể hiện duy nhất qua việc “hiến dâng mạng sống mình cho người khác” để họ được sống trong tự do và yêu thương.

Vì thế, tin Chúa Giêsu là vua có nghĩa là từ bỏ việc tìm kiếm lợi danh hay quyền uy trần thế, cũng như những sự phụ thuộc vào nó; tin Chúa Giêsu là vua còn có nghĩa bước vào trong vương quốc tự do của Người và dấn thân phục vụ và hy sinh cho người khác.

Cùng chịu đóng đinh với hai tên gian phi, Chúa Giêsu bị xem là kẻ thù nguy hiểm của quyền lực nhân loại và họ muốn loại bỏ Người ra khỏi xã hội. Nhưng Người là Đấng vô tội, “không làm điều gì trái”, vì thế, Người đại diện cho những điều tốt đẹp bị khinh miệt và bị chối từ trong thế giới hôm nay.

Tuy nhiên, cũng có cách thức để nhận ra Đức Giêsu là vua, đó là qua anh trộm lành. Anh này không xin Chúa bảo vệ mình trước cáo buộc nhân loại, nhưng tín thác vào uy quyền tốt lành của Chúa Giêsu: “Khi nào về nước Ngài xin nhớ đến tôi”. Không ai biết tại sao anh trộm lành kết cục cuộc đời mình trên thanh gỗ giá gần Chúa Giêsu. Có lẽ anh ta cũng có một chút uy quyền nào đó để làm hại người khác và rồi anh ta đã đụng phải một uy quyền mạnh hơn có khả năng kết án chết với anh. Giờ đây, anh hiểu rằng chỉ có uy quyền của Đức Giêsu mới không bóp nghẹt, kết án hay dẫn vào lối chết, nhưng uy quyền này mới là uy quyền dẫn vào đường sống.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. “Xin cho chúng tôi một vị vua”. Đó là lời kêu xin của dân Do Thái khi họ muốn tìm kiếm một vương quyền trần thế để rồi vương quyền đó chỉ mang lại cho họ những chia rẽ, bất công, bạo tàn và chết chóc. Cuộc đời tôi có bao giờ giống như những người Do Thái năm xưa, khi cũng muốn kiếm tìm những sức mạnh trần gian với những giá trị hão huyền của nó và cuối cùng bị rơi vào tâm thế lệ thuộc?

2. “Vương quốc Thánh Tử chí ái”. Thánh Phaolô hôm nay đã khai mở chúng ta về hình ảnh một vương quốc của Chúa Giêsu. Ngài không quảng diễn nó như là một thế giới xa lạ, thế giới bên kia, nhưng là một thực tại hiện hữu, trong đó, chúng ta được biến đổi và vì thế mà chúng ta cần phải cảm tạ Thiên Chúa. Là một thần dân trong vương quốc này, tôi được mời gọi điều gì để cho nước ấy “trị đến”?

3. “Vua dân Giuđa”. Với con mắt người đời, Đức Giêsu bị nhạo báng là một vị vua. Còn đối với tôi, Đức Giêsu là ai, Người có thật sự là vị vua? Và theo ý nghĩa nào? Là một môn đệ của Đức Giêsu, liệu tôi có can đảm trở thành ‘vua’ như Giêsu cho những anh chị em tôi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa đã đến trần gian để thiết lập Nước Thiên Chúa. Qua cuộc tử nạn và phục sinh, Người đã hoàn tất ý định nhiệm mầu của Chúa Cha và được trao vương quyền trên muôn loài muôn vật. Chúng ta cùng cảm tạ chúc tụng Chúa và tin tưởng cầu xin.

1. Thiên Chúa đã muốn quy tụ muôn loài trong Đức Giêsu Kitô. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn cùng mọi thành phần Dân Chúa luôn cộng tác chặt chẽ với nhau, và có những sáng kiến phù hợp cho công cuộc loan báo Tin Mừng giữa thế giới hôm nay.

2. Trong xã hội hiện đại, nhiều người chọn tôn thờ tiền bạc của cải hơn là Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang mải mê chạy theo vật chất được ơn nhận biết chỉ có Vua Kitô mới đem lại hạnh phúc đích thực và vững bền cho con người.

3. Một tên trộm thưa với Chúa Giêsu: “Khi vào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các tội nhân, cách riêng những Kitô hữu khô khan nguội lạnh, biết ý thức tình trạng lầm lạc của họ, thật lòng ăn năn thống hối và sớm trở về cùng tình yêu Chúa.

4. “Ngay hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết hết lòng phụng sự Thiên Chúa và tận tâm phục vụ mọi người, để ngày sau xứng đáng chung hưởng phần thưởng Nước Trời mà Chúa hứa ban.

Chủ tế: Lạy Chúa Kitô là vua vũ trụ và là vua từng người chúng con. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần, giúp chúng con luôn can đảm làm chứng cho Chúa bằng một đời sống thấm nhuần công bình bác ái, hầu làm cho nhiều người nhận biết và quy phục vương quyền Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Top