Phụng vụ Lời Chúa: Mùng Ba Tết - Thánh hóa công ăn việc làm
(St 2,4b-9.15; Cv 20,32-35; Mt 25,14-30)
LÀM LỜI TÙY THEO KHẢ NĂNG CỦA MÌNH
“Ông chủ trao cho người này năm nén,
người kia hai nén, người khác nữa một nén”
(Mt 25,15)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Trong thánh lễ cầu cho việc “thánh hóa công ăn việc làm”, Giáo Hội mời gọi chúng ta đọc và suy gẫm những bài đọc Sách Thánh liên quan đến “của cải”, đến những gì Thiên Chúa thương ban cho con người, cả vật chất lẫn tinh thần. Chọn lựa và sử dụng thế nào là quyền tự do của con người.
1. Bài đọc 1
Đoạn sách Sáng Thế hôm nay thuộc trình thuật thứ hai về sáng tạo. Dù có những điểm khác biệt về chi tiết so với trình thuật thứ nhất, trình thuật này vẫn làm nổi bật vị thế và vai trò của con người trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa.
Trước hết, dù con người nằm trong số những loại thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên, nhưng lại là thụ tạo duy nhất được Thiên Chúa đích thân “nặn ra” và “thổi sinh khí vào lỗ mũi” (St 2,7). Như một thợ gốm lành nghề, Thiên Chúa “nặn ra” con người (x. Is 45,9) theo ý của Ngài và cũng chính vì thế mà con người hoàn toàn lệ thuộc vào thánh ý của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Hơn nữa, chính Thiên Chúa ban “sinh khí”, tức là “hơi thở sự sống” cho con người. Nhờ “sinh khí” như là nguyên lý của sự sống mà con người bắt đầu sống nhờ chính hơi thở của Thiên Chúa, nhờ sinh lực Thiên Chúa ban. Sự sống của con người phụ thuộc vào sinh khí của Thiên Chúa và chỉ Thiên Chúa mới có thẩm quyền cao nhất và cuối cùng trên sự sống của con người.
Thêm vào đó, con người còn được ủy thác cho nhiệm vụ cộng tác với Thiên Chúa, tiếp tục công trình tạo dựng của Ngài trong việc “cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Dù con người là trung tâm của tạo dựng, nhưng con người cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo toàn và phát triển những gì tốt đẹp mà Thiên Chúa đã dựng nên. Sự cộng tác của con người trong việc “cày cấy và canh giữ đất đai”, gìn giữ và vun trồng vườn cây Thiên Chúa tạo dựng, là bảo đảm cho sự bền vững tốt đẹp của những gì Thiên Chúa đã thiết lập. Vì thế, sự cộng tác tích cực của con người đóng vai trò rất quan trọng để công trình tạo dựng của Thiên Chúa đạt tới tầm mức viên mãn.
2. Bài đọc 2
Cv 20,32-35 là đoạn cuối trong diễn từ của thánh Phaolô từ biệt các kỳ mục tại Êphêxô trước khi ngài lên đường cho một sứ vụ mới.
Thánh nhân ý thức những khó khăn mà các Kitô hữu sẽ gặp phải sau khi ngài ra đi, đồng thời ngài cũng cho thấy đâu là chỗ dựa cho họ, nên ngài mới “phó thác anh em cho Thiên Chúa và lời ân sủng của Người” (Cv 20,32a). Thánh Phaolô cho thấy rằng sức mạnh của các Kitô hữu ở nơi Thiên Chúa. Phó thác cuộc đời trong tay Chúa và lời ân sủng của Người giúp các Kitô hữu vượt qua những sóng gió trong đời sống đức tin, vì chính lời Chúa là lời “có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến” (Cv 20,32b). Sự tin tưởng phó thác vào Chúa và sức mạnh của lời Người có thể không mang lại cho người tín hữu sự giàu có sung túc về vật chất, nhưng chắc chắn là bảo đảm cho phần gia tài vinh phúc cùng với các thánh.
Những lời tâm huyết của thánh Phaolô không là mớ lý thuyết suông, nhưng chính thánh nhân đã cảm nghiệm và chứng minh qua chính cuộc sống của mình. Quả vậy,thánh Phaolô đã nêu gương tự lập và không ham danh lợi; ngài đã tự lo cho mình về những nhu cầu vật chất, đồng thời khuyến khích các Kitô hữu hãy lao động để giúp đỡ những người đau yếu, vì theo thánh Phaolô, (có lẽ dựa vào truyền khẩu, vì các tác giả Tin Mừng không ghi lại) Chúa Giêsu đã từng dạy rằng “cho thì có phúc hơn là nhận”. Như thế, một đàng thánh Phaolô khuyên các Kitô hữu hãy biết cậy dựa vào Thiên Chúa và lời của Người chứ không phải là của cải vật chất; đàng khác ngài khuyến khích họ hãy chăm chỉ làm việc để có thể chia sẻ với những người thiếu thốn hơn mình.
3. Bài Phúc Âm
Bài Tin Mừng mời gọi chúng ta suy gẫm về những phúc lành mà Thiên Chúa trao cho con người. Sử dụng và làm triển nở các phúc lành đó là sự tự do chọn lựa của con người; một sự chọn lựa đi kèm với trách nhiệm về những hậu quả của nó.
Trước hết, ông chủ trong dụ ngôn không trao cho các đầy tớ những yến bạc cách ngẫu nhiên, tùy hứng, cẩu thả, nhưng trao cho họ số yến bạc tùy theo khả năng riêng mỗi người (Mt 25,15). Chắc hẳn ông chủ đã tính toán cẩn thận, quan tâm đến từng đầy tớ, để ý đến khả năng của mỗi người, để rồi cân đo đong đếm số yến bạc mà ông sẽ trao cho họ sao cho phù hợp nhất. Về điểm này, khó có thể trách ông chủ vì đã không đối xử công bằng. Ngoài ra, ông chủ không hề căn dặn gì thêm. Chính vì thế mà các đầy tớ có hoàn toàn quyền quyết định nên làm gì với số yến bạc được trao và quả thật đã có những cách làm khác nhau đối với số yến bạc của ông chủ.
Hơn nữa, thánh Mátthêu cho biết rằng ông chủ trở về sau thời gian dài và tính sổ với các đầy tớ. Chi tiết này cho thấy ông chủ không phải là người nông cạn, nhất thời, bốc đồng, tùy hứng nhưng là người đã lên kế hoạch tỉ mỉ và cẩn thận. Ông chủ là người tin tưởng hoàn toàn vào các đầy tớ nên đã trao cho họ một kế hoạch dài hơi để họ có đủ thời giờ để sắp xếp, tính toán và làm lợi số yến bạc được giao. Về điểm này, không thể trách ông chủ là người hà khắc, keo kiệt. Ông không hề đưa ra tỷ lệ hoa lợi, mà cũng chẳng hạn chế thời gian. Sự thành bại không phụ thuộc ông chủ mà phụ thuộc vào thái độ thiện chí và cách hành xử khôn ngoan của các đầy tớ khi đứng trước những yến bạc ông chủ trao cho.
Sau cùng, ông chủ không đề cao sự mưu mẹo, khôn khéo hay khen các đầy tớ vì đã làm lợi được nhiều hay ít; tiêu chuẩn đánh giá của ông chủ lại là sự trung thành của đầy tớ (Mt 25,21.23): trung thành ngay cả trong những việc nhỏ, trung thành làm tất cả những gì trong khả năng của mình để làm lợi cho chủ. Một khi đã giao phó các yến bạc cho cho đầy tớ, ông chủ hẳn đã trao gởi nơi họ sự tín nhiệm cao nhất và sự tín nhiệm đó chỉ có thể được đền đáp trọn vẹn bằng sự trung thành. Và cũng chỉ có những đầy tớ trung thành như thế xứng đáng hưởng niềm vui của chủ (Mt 25,21.23).
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1/ Mỗi người chúng ta được tạo dựng cách đặc biệt và được đón nhận sự sống từ chính Thiên Chúa. Tôi đã đón nhận hồng ân cao cả này ra sao? Tôi đã quản lý sự sống Chúa ban thế nào? Tôi có đang làm những điều chống lại sự sống của chính tôi, của người khác và của các sinh vật quanh tôi?
2/ Đâu là mối bận tâm lớn nhất của tôi trong cuộc đời này? Kiếm được nhiều của cải vật chất? Tìm cách tích lũy của cải tinh thần? Kiếm tìm Chúa và sống trong ân nghĩa với Ngài?
3/ Tôi đang sử dụng các phúc lành Chúa ban, cả vật chất lẫn tinh thần, như thế nào? Những gì tôi đang có sẽ dẫn tôi đi về đâu? Tôi có đang trung thành với Thiên Chúa, Đấng là nguồn của mọi phúc lành tôi đang có? Tôi có tìm kiếm niềm vui nơi Thiên Chúa là Chủ của cuộc đời tôi?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự tốt lành, Ngài luôn quan phòng và sẵn lòng tuôn đổ muôn phúc lành cho con người. Trong dịp đầu năm hôm nay, chúng ta cùng hiệp dâng và cầu xin Chúa chúc lành thánh hoá công ăn việc làm của chúng ta trong Năm Mới.
1. Con người được mời gọi làm triển nở các phúc lành của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết sử dụng cách hiệu quả mọi tài năng Chúa ban để loan báo Tin Mừng và góp phần xây dựng Nước Trời nơi trần thế.
2. Chúa đã trao cho con người làm chủ vũ trụ và thiên nhiên. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết quan tâm tạo công ăn việc làm, mưu cầu hạnh phúc cho người dân; đồng thời, có những chính sách ưu tiên cho việc bảo vệ môi sinh, môi trường.
3. Lao động là cộng tác vào công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu luôn ra sức làm việc nhằm tạo ra của cải và góp phần xây dựng xã hội, nhưng cũng biết chú tâm tìm kiếm Chúa và sống trong ân nghĩa với Người.
4. Người Kitô hữu được mời gọi thực thi ý Chúa: “cho thì có phúc hơn là nhận.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn trung thành sống giới răn mến Chúa yêu người, biết sẵn lòng chia cơm sẻ áo cho những người túng thiếu bất hạnh.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và thánh hóa mọi công việc làm ăn của chúng con, giúp chúng con đạt được thành quả tốt đẹp ở đời này, và đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Các Thánh tử đạo Việt Nam
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời -
Phụng vụ Lời Chúa ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Chúa nhật Truyền giáo -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 29 Thường niên năm B - Ngày Cầu nguyện xin Ơn chữa lành Thời đại dịch -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 27 Thường niên năm B - Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 32 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 28 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A