Phật tử và Kitô hữu: Cùng nhau chống lại nạn nô lệ hiện đại

Phật tử và Kitô hữu: Cùng nhau chống lại nạn nô lệ hiện đại

WHĐ (25.04.2015) – Cũng như mọi năm, vào dịp đại lễ Vesak của Phật giáo, Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn đều gửi một Sứ điệp chúc mừng đến các tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới. Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn cho ngày lễ Vesak năm nay (nhằm ngày 01 tháng Sáu 2015 - Phật lịch 2559) có chủ đề “Phật tử và Kitô hữu: Cùng nhau chống lại nạn nô lệ hiện đại”.
 
Sau đây là toàn văn Sứ điệp:
 
Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn
 
Sứ điệp nhân ngày lễ Vesak / Hanamatsuri 2015 của Phật giáo
 
Phật tử và Kitô hữu: Cùng nhau chống lại nạn nô lệ hiện đại
 
Các bạn Phật tử thân mến,
 
1. Một lần nữa Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn lại hân hạnh gửi đến tất cả các Bạn lời chúc tốt đẹp nhất của chúng tôi nhân dịp các Bạn mừng lễ Vesak. Việc hoan hỉ kỷ niệm ba sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca – đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn – cho chúng ta cơ hội suy nghĩ về những người bất hạnh và tất cả những ai đang đau khổ, đồng thời dấn thân mang lại cho họ niềm an ủi và hạnh phúc qua những hành động từ bi bác ái.
 
2. Sứ điệp chúng tôi viết cho các bạn trong năm nay lấy cảm hứng từ “Sứ điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2015” của Đức giáo hoàng Phanxicô, có chủ đề “Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em”. Đức giáo hoàng nhận định rằng, trong lịch sử, chế độ nô lệ đã từng được mọi người chấp nhận và dẫn đến việc “loại trừ người khác, ngược đãi họ, xúc phạm nhân phẩm và các quyền cơ bản, và tình trạng bất bình đẳng được thể chế hóa” (số 2). Theo đó, “người ta có thể mua bán, cho hoặc tìm kiếm một nô lệ, như thể người nô lệ ấy là một món hàng” (số 3). Đức giáo hoàng còn nói thêm, mặc dù chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ chính thức trên toàn thế giới, nhưng ngày nay vẫn còn có “hàng triệu người – trẻ em, người lớn, nam và nữ, thuộc mọi lứa tuổi – đang bị tước đoạt tự do và buộc phải sống trong những điều kiện giống như nô lệ” (số 3).
 
3. Đức giáo hoàng Phanxicô đưa ra những ví dụ của nạn nô lệ thời nay: các lao động nam, nữ và trẻ em; người di dân bị lạm dụng thân xác, tình cảm và tình dục trong khi làm việc trong những điều kiện lao động đáng xấu hổ; những người bị buộc phải mại dâm, nhiều người trong số đó là trẻ vị thành niên, cũng như những nô lệ tình dục nam và nữ; những người bị những kẻ khủng bố bắt cóc và buộc phải tham chiến, và những người bị tra tấn, bị cắt xén thân thể hoặc bị giết chết. Tâm hồn con người bị méo mó bởi tham nhũng và, theo Đức Thánh Cha, sự thiếu hiểu biết là nguyên nhân gây ra những sự ác khủng khiếp chống nhân loại ấy. Khi tâm hồn bị băng hoại, con người không còn nhìn người khác như “những con người có cùng phẩm giá, như anh chị em cùng chia sẻ một cộng đồng nhân loại, mà là những đồ vật” (số 4).
 
4. Các bạn thân mến, chúng tôi chia sẻ xác tín rằng chế độ nô lệ hiện đại và nạn buôn người là những tội ác nghiêm trọng, là những vết thương chưa lành trên cơ thể của xã hội hiện nay. Trong một chương của “Bát Chánh Đạo” – cụ thể là “Chánh Mạng” – Đức Phật nói rằng mua bán con người, gồm cả nô lệ và người mại dâm, là một trong năm nghề không được làm (Kinh Tăng Chi Bộ 5.177). Ngài dạy rằng của cải phải được đắc thủ một cách an hoà, lương thiện và bằng các phương tiện hợp pháp, chứ không ép buộc, dùng bạo lực hoặc lừa gạt, và bằng các phương tiện không gây ra tổn hại hoặc đau khổ (x. Kinh Tăng Chi Bộ 4.47; 5.41; 8.54). Như thế, Phật giáo khuyến khích tôn trọng sự sống và tự do của mỗi người.
 
5. Là những Phật tử và Kitô hữu tha thiết tôn trọng sự sống con người, chúng ta phải hợp tác với nhau để chấm dứt dịch bệnh xã hội này. Đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta vượt thắng thói vô cảm và thiếu hiểu biết, bảo đảm “trợ giúp cho các nạn nhân trong việc phục hồi chức năng tâm lý và giáo dục, và tái hội nhập họ vào xã hội nơi họ sinh sống hoặc nơi họ rời bỏ” (số 5).
 
6. Chúng tôi cầu xin cho việc cử hành đại lễ Vesak của các Bạn, với những nỗ lực đặc biệt nhằm mang lại hạnh phúc cho những người kém may mắn ở giữa chúng ta, sẽ là thời gian suy nghĩ sâu xa về các phương cách khác nhau mà chúng ta có thể cộng tác với nhau để Không Còn Người Nô Lệ nữa, nhưng là Anh Chị Em sống trong tình huynh đệ, sự thiện hảo và lòng từ bi đối với hết mọi người.
 
Một lần nữa xin thân ái chào các Bạn và chúc tất cả các Bạn một lễ Vesakh hạnh phúc.
 
Hồng y Jean-Louis Tauran
 
Chủ tịch
 
Lm. Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ
 

       Thư ký

(Nguồn: WHĐ)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top