Phẩm giá con người trong mầu nhiệm Nhập Thể

Phẩm giá con người trong mầu nhiệm Nhập Thể

Giáo Hội đã trải qua một lịch sử lâu dài để hiểu những điều mạc khải về phẩm giá con người. Con người, ngay từ cuộc tạo dựng, đã được Thiên Chúa ban cho một địa vị trổi vượt trên các thụ tạo. Con người đã được Thiên Chúa thông ban cho địa vị cao trọng khi được quyền cai quản vạn vật. Thế nhưng, cái phẩm giá cao trọng đó nhiều lúc lại không được con người tôn trọng đúng mức; điều này chúng ta sẽ thấy rõ khi đọc lại lịch sử Giáo Hội và lịch sử thế giới. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu các khía cạnh trong đề tài “Phẩm giá con người trong mầu nhiệm Nhập Thể”.

1. Những yếu tố làm nên phẩm giá con người

1.1. Hình ảnh của Thiên Chúa

Con người luôn cố gắng đi tìm câu định nghĩa về chính mình. Nhưng những câu định nghĩa đó thường trái ngược nhau: một bên đề cao con người đến mức tự tôn quá đáng; và bên kia là chê bai con người đến nỗi rơi vào tuyệt vọng. Nhờ mạc khải, chúng ta có được câu định nghĩa xác đáng về con người, biết được nguồn gốc của con người: Con người được Thiên Chúa dựng nên giống và theo hình ảnh của Thiên Chúa (xc. St 1,27), và vì thế con người “có khả năng nhận biết và yêu mến Thiên Chúa”[1]. Con người là “thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ”[2]. Con người được đặt làm trung tâm của công trình tạo dựng của Thiên Chúa[3]. Dưới ánh sáng của mạc khải, Giáo Hội được Thiên Chúa dạy dỗ để giúp con người biết về những giới hạn, những yếu đuối, phẩm giá và thiên chức đích thực của họ[4].

1.2. Lý trí

“Dự phần vào ánh sáng của trí tuệ Thiên Chúa, con người có lý để nhận định rằng nhờ trí tuệ họ vượt trên mọi tạo vật”[5]. Nhờ vào kinh nghiệm, lao động và sáng tạo, con người đã khám phá ra và phát minh ra những công trình khoa học kỹ thuật, nghệ thuật… con người không chỉ hiểu biết những hiện tượng vật chất mà còn có thể nhận biết những thực tại siêu hình mặc dù lý trí đó đã bị tội lỗi làm suy nhược[6]. Sự hiểu biết sẽ thôi thúc con người không ngừng tìm kiếm và yêu mến những gì là chân, thiện và mỹ[7]. Nhờ suy tư hiểu biết, nhân vị con người được kiện toàn. Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, con người có thể tiến tới “sự chiêm ngưỡng và nếm hưởng mầu nhiệm thánh ý Thiên Chúa”[8]. Nhờ vào ánh sáng của lý trí tự nhiên, con người có thể nhận biết các bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa, và những bằng chứng này “có thể giúp con người dễ đón nhận đức tin và cho thấy đức tin không nghịch với lý trí”[9]; tuy nhiên lý trí con người cũng có giới hạn, vì thế con người cần đến mạc khải của Thiên Chúa để hiểu biết về Người một cách không thể sai lầm[10].

1.3. Lương tâm

“Con người khám phá ra tự đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn {…} Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ. Lương tâm làm cho con người nhận biết một cách tuyệt vời luật mến Chúa, yêu người” (GS 16).

Con người cần đào luyện lương tâm để cho nó phù hợp với những điều luật luân lý khách quan, hầu mong tránh những sai lầm. Sống theo tiếng nói lương tâm, lương tâm không sai lầm và lương tâm khách quan, sẽ làm cho phẩm giá con người có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Vì chính Thiên Chúa đã khắc ghi vào lương tâm con người quy luật luân lý vĩnh cửu, luật đưa đến chân lý và sự sống đời đời.

1.4. Ý chí tự do

Cái nét nổi bật nơi con người và cũng là cái làm nên sự phong phú nơi con người là ý chí tự do. Cái tự do mà chúng ta muốn nói ở đây là tự do hào hùng của con cái Chúa, chứ không phải là thứ tự do nô lệ (xc. Gl 5,1-25). Con người “được gọi để thừa hưởng tự do”. Nhưng trong thực tế, con người lại “lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt” (Gl 5,13). Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, người ta đề cao tự do, một thứ tự do muốn làm gì thì làm bất chấp luật luân lý. Con người đã vô tình biến cái tự do thành một thứ nô lệ của những ước muốn theo tính xác thịt: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5,19-21).

Cái tự do thực sự của con người chỉ bắt nguồn từ Thiên Chúa. Khi con người muốn đi ra khỏi tầm ảnh hưởng của Người thì chính lúc đó con người sẽ đánh mất tự do. Cái tự do là cái quý giá nhất của con người, nhưng trong thực tế, con người đã lạm dụng tự do để đi ngược lại, hay nói một cách khác muốn gạt Chúa ra ngoài cuộc đời mình, biến mình thành cùng đích đời mình. Thực tế, khi con người tách ra khỏi Thiên Chúa, con người có thực sự tự do nữa không? Không, con người hoàn toàn trở nên nô lệ cho chính mình. Khi làm như thế, con người giam hãm đời mình, và chính lúc đó con người đánh mất tự do. Con người đã trở nên nô lệ cho tội lỗi. Thiên Chúa vốn là Đấng yêu thương, nên đã ban Đấng Cứu Thế để giải thoát con người khỏi ách nô lệ, tìm kiếm những thứ con người đã đánh mất.

“Tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu, hầu con người tự mình đi tìm Đấng Tạo Dựng và nhờ kết hợp với Ngài con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc. Vậy phẩm giá của con người đòi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức tự do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay cưỡng chế hoàn toàn bên ngoài. Con người sẽ đạt tới phẩm giá ấy một khi nhờ tự giải thoát khỏi mọi kiềm tỏa của đam mê, con người theo đuổi cùng đích của mình trong sự tự do chọn lấy điều thiện và khôn khéo thực sự tạo cho mình những phương tiện thích ứng. Tự do của con người vì bị tội lỗi làm tổn thương nên chỉ nhờ ơn Chúa trợ lực mới có thể thực hiện việc hướng về Thiên Chúa cách hoàn toàn sống động”[11].

2. Tội lỗi – nguyên nhân làm giảm nhân phẩm

Từ buổi đầu, con người được dựng nên trong tình trạng công chính nguyên thủy. Con người đã không vâng theo lời Thiên Chúa dạy bảo nhưng đã nghe lời xúi giục của Thần Dữ để chống lại Thiên Chúa và muốn tìm được cùng đích đời mình ngoài Thiên Chúa. Mặc dù nhờ ánh sáng của lý trí tự nhiên, con người có thể nhận biết mà yêu mến phụng sự Chúa, họ đã không làm như vậy, nhưng đi phụng sự các loài khác cũng là thụ tạo như mình (xc. Rm 1,21-25). “Điều Thiên Chúa mạc khải cho ta biết cũng phù hợp với kinh nghiệm của ta. Bởi vì nếu nhìn sâu tận đáy lòng mình, con người cũng khám phá ra rằng mình đã hướng về sự dữ và đã ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Đấng Tạo Hóa tốt lành của mình. Nhiều khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên ủy của mình, con người cũng đã phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình và đồng thời cũng phá vỡ mọi hòa hợp nơi bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thụ tạo” (GS 13,1).

Từ khi tội lỗi xâm nhập vào thế gian, hình ảnh con người bị hoen mờ, phẩm giá con người bị hạ thấp và làm ngăn cản con người đạt đến sự viên mãn của đời mình là được kết hợp với Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu (xc. GS 13,2).

3. Cùng đích của phẩm giá con người

Phẩm giá con người bắt nguồn từ đâu và đâu là cùng đích của phẩm giá con người? Phẩm giá con người bắt nguồn từ Thiên Chúa và cùng đích của phẩm giá của con người là được kết hợp với Ngài: “Tận đáy lòng, con người khao khát Thiên Chúa vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với mình, và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm gặp chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm” (SGL 27).

“Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tới kết hiệp với Thiên Chúa. Ngay từ lúc sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa: thực thế, sở dĩ con người hiện hữu là do Thiên Chúa đã vì yêu thương mà tạo dựng con người, và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người; và con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác đời mình cho Đấng tạo dựng mình” (GS 19,1).

4. Phẩm giá con người trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể

Hình ảnh con người đã bị tội lỗi làm hoen ố, hay nói cách khác là phẩm giá con người đã mất hết phẩm vị cao trọng khi Tổ Tông con người phạm tội. Ngôi Lời Thiên Chúa đã đến trong thế gian để làm cho hình ảnh con người nên tinh tuyền trở lại (xc. GS 22,2). Phẩm giá con người hay mầu nhiệm về con người “chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể” (GS 22,1). Con người chỉ có thể hoàn thành vận mệnh đời mình và đạt đến cùng đích viên mãn nơi Đức Kitô: “Chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người {…} giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (GS 22,2).

Nhờ tác động của ơn Chúa Thánh Thần, con người được đổi mới để được “dự phần vào mầu nhiệm phục sinh, được đồng hóa với cái chết của Chúa Kitô, được mạnh mẽ nhờ đức cậy, họ tiến lên đón nhận ngày sống lại” (GS 22,4.) để trở nên người đồng thừa tự Nước Trời với Đức Kitô. Những điều này là “tính chất và sự cao cả của mầu nhiệm con người, mầu nhiệm được Mạc Khải Kitô giáo soi sáng cho các tín hữu. Vậy nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, bí ẩn đó đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm. Chúa Kitô đã sống lại nhờ sự chết của mình. Người đã hủy diệt sự chết và Người đã ban cho ta dồi dào sự sống để là con cái trong Chúa Con chúng ta kêu lên trong Thánh Thần: Abba, lạy Cha!” (GS 22,6).

Kết luận

Với những suy tư về phẩm giá con người dựa trên giáo lý của Giáo Hội, chúng ta có một cái nhìn tổng hợp về phẩm giá con người. Con người có phẩm giá cao trọng vì con người được Thiên Chúa dựng nên theo và giống hình ảnh Thiên Chúa. Thế nhưng, cái hình ảnh đó đã bị tội lỗi làm cho hoen ố. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã ban Con Một là Ngôi Lời nhập thể làm người để trả lại cho con người cái phẩm vị siêu việt của hình ảnh theo và giống Thiên Chúa.

 

Những chữ viết tắt

SGL : Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

GS : Hiến chế Gaudium et Spes

------------

Tài liệu tham khảo

1. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, Bản dịch của Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X, Đà Lạt, 1972.

2. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Giáo lý Tổng Giáo phận TP.HCM, Nxb. TP.HCM,1997.

(TSTH số 4.2009)


[1] xc. SGL 356; xct. GS 12,3.

[2] GS 24,3; SGL 356.

[3] xc. GS 12,1.

[4] xc. GS 12,2.

[5] GS 15,1.

[6] xc. GS 15,1.

[7] xc. GS 15,2.

[8] GS 15,4.

[9] GLHTCG 35.

[10] xc. SGL 50.

[11] GS 17.

Top