Những thông tin lạc quan trong lĩnh vực tôn giáo của năm 2016

Những thông tin lạc quan trong lĩnh vực tôn giáo của năm 2016

WHĐ (02.01.2017) – Năm 2016 đã khép lại, bên cạnh những thông tin bi quan về những khủng hoảng và xung đột, vẫn có những thông tin đem lại niềm lạc quan, đặc biệt trong lĩnh vực tôn giáo; có thể kể ra các sự kiện:

1. Đức giáo hoàng tiếp tục đối thoại với Hồi giáo

Ngày thứ Hai 23 tháng Năm 2016 tại Vatican, Đức giáo hoàng Phanxicô đã tiếp kiến Sheik Ahmed Muhammad Al-Tayyib, Imam của Thánh đường Hồi giáo Al-Azhar. Đức giáo hoàng và vị Imam đã đề cao “ý nghĩa to lớn của cuộc gặp gỡ này trong khuôn khổ cuộc đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và Hồi giáo”. Hai vị cũng nói đến “sự dấn thân chung của các vị lãnh đạo và các tín đồ của các tôn giáo lớn cho nền hoà bình thế giới, từ bỏ bạo lực và khủng bố, tình hình của các Kitô hữu trong bối cảnh xung đột và căng thẳng ở Trung Đông và việc bảo vệ họ”.

2. Đức giáo hoàng tham dự lễ kỷ niệm 500 năm Cuộc Cải Cách Tin Lành

Sự kiện chính trong lễ kỷ niệm 500 năm Cuộc Cải Cách tại Lund (Thụy Điển) là Tuyên bố chung được ký ngày 31-10-2016 giữa Đức giáo hoàng Phanxicô và Giám mục Mounib Younan, Chủ tịch Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới.

Trong Tuyên bố chung được ký ở Nhà thờ chính toà Luther sau buổi Cầu nguyện đại kết, hai vị lãnh đạo Giáo hội nhận định rằng 50 năm đối thoại kiên trì và hiệu quả giữa người Công giáo và người Tin Lành Luther đã giúp hai bên vượt qua nhiều khác biệt, củng cố sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau và đã xích lại gần nhau qua việc cùng phục vụ những người đang chịu đau khổ và bị bách hại. Hai bên khẳng định rằng “những gì liên kết chúng tôi thì lớn hơn những điều gây chia rẽ”.

Nhìn nhận đã làm tổn thương sự hiệp nhất hữu hình của Giáo hội, hai bên cùng nhau cam kết dứt khoát loại bỏ mọi hận thù và bạo lực, trong quá khứ cũng như hiện tại, đặc biệt là khi nó mang danh nghĩa tôn giáo.

Cuối cùng, hai nhà lãnh đạo kêu gọi người Công giáo và người Tin Lành Luther trên toàn thế giới tiếp tục dấn thân hợp tác và củng cố tình đoàn kết, cầu nguyện với nhau, lắng nghe nhau bằng cách sống tình yêu của Chúa Kitô trong các mối tương quan, để trở nên những sứ giả trung thành của tình yêu vô biên của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại.

3. Công đồng Toàn Chính Thống

Đại Công đồng thánh Toàn Chính Thống đã diễn ra ở Kriti (Hy Lạp) từ ngày 19 đến 26 tháng Sáu 2016; đây là Công đồng đầu tiên của Chính Thống giáo kể từ cuộc đại ly khai vào năm 1054. Kết thúc Công đồng, 200 nhà lãnh đạo và giám mục của 10 (trong 14) Giáo hội tự trị đã gửi cho thế giới một sứ điệp mang tính “ngôn sứ” với một ngôn ngữ “rõ ràng và đơn giản”.

Ngay từ các các đoạn đầu tiên của sứ điệp này, các Giáo hội Chính thống đã nhấn mạnh “tầm quan trọng đặc biệt” của cuộc đối thoại với các Kitô hữu khác. Tiếp theo là một lời mạnh mẽ gửi đến “những quyền lực mạnh mẽ trên trái đất”, kêu gọi hãy ngừng lại “việc bành trướng bạo lực quân sự”. Đặc biệt các Giáo hội Chính thống đòi hỏi phải bảo vệ các Kitô và các nhóm thiểu số bị đàn áp tại Trung Đông. Cuộc khủng hoảng người tị nạn vốn gây chia rẽ châu Âu và liên hệ đến nhiều quốc gia Chính thống giáo cũng là trung tâm của những mối quan tâm. Ngoài ra, sứ điệp còn đề cập đến một vấn đề lớn của Chính thống giáo ở đầu thế kỷ XXI này là tính độc lập của Giáo hội đối với chính quyền. Cuối cùng, một quan điểm toàn cầu của Giáo hội Chính thống lần đầu tiên được sứ điệp này nêu ra là về mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng sinh thái và khủng hoảng về mặt thiêng liêng, và cả những rủi ro mà một nền kinh tế “trở thành mục đích tự tại” đem đến cho con người, hay một nền khoa học thoát khỏi mọi đạo đức.

4. Người Hồi giáo ở Villeneuve-d’Ascq cầu nguyện cho cha Jacques Hamel

Thánh đường Hồi giáo Villeneuve-d’Ascq thuộc vùng Nord-Pas-de-Calais ở miền Bắc nước Pháp đã dành ngày thứ Sáu 29 tháng Bảy để cầu nguyện cho cha Jacques Hamel, người vừa bị sát hại 3 ngày trước tại nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray ở gần Rouen, khi ngài đang cử hành Thánh lễ.

Tại buổi cầu nguyện quy tụ gần 400 tín đồ Hồi giáo, những người tham dự đã nghe đọc một thông cáo của các thánh đường Hồi giáo phía Bắc và dành một phút im lặng. Ngoài ra họ cũng có một lời cầu nguyện đặc biệt cho các nạn nhân của các vụ tấn công ở Bataclan (Pháp) hồi tháng Năm 2015.

Mohammed El Mokhtari, tổng thư ký của Thánh đường Hồi giáo Villeneuve-d’Ascq Mokhtari nhấn mạnh: “Chúng tôi rất nhạy cảm với tất cả những bi kịch quốc gia”. Ông cũng ủng hộ đề nghị của Hội đồng phượng tự Hồi giáo nước Pháp (CFCM) mời người Hồi giáo tham dự một Thánh lễ vào Chúa nhật 31-07, để tỏ tình liên đới với các Kitô hữu: “Tại Villeneuve-d’Ascq, chúng tôi đang thực hiện sự liên đới này từ nhiều năm nay. Tôi hoan nghênh phát biều gần đây của Đức giáo hoàng, ngài nói rằng chúng ta đang sống trong chiến tranh nhưng không phải chiến tranh tôn giáo”.

5. Kết thúc tháng chay Ramadan của Hồi giáo trong tình huynh đệ liên tôn

Ngày 07 tháng Bảy 2016, tại Lahore (Pakistan) các linh mục, các học giả, trẻ em, sinh viên của các trường Hồi giáo, phụ nữ và người trẻ, người Hồi giáo, Kitô giáo, Ấn giáo và người Sikh, đã tham dự bữa ăn Iftar kết thúc tháng chay Ramadan của Hồi giáo do Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn tổ chức.

Cuộc gặp gỡ bắt đầu với việc công bố các đoạn Kinh Thánh và Kinh Coran, do các người Kitô hữu và người Hồi giáo đọc, sau đó mỗi người đọc các kinh nguyện theo tôn giáo của mình.

Mọi người tham dự đã đưa ra lời kêu gọi “toàn thể đất nước hãy sống trong hoà bình”. Họ cầu nguyện cho sự tiến bộ, thịnh vượng và hoà bình của đất nước cũng như cho các lực lượng vũ trang trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trước đó, ngày thứ Sáu 17 tháng Sáu, hưởng ứng lời mời gọi của Đức Tổng giám mục Louis Raphael I Sako, Thượng phụ Công giáo Babylon (nghi lễ Canđê), nhiều Kitô hữu Iraq cũng đã cùng ăn chay một ngày trong tháng Ramadan với những người Hồi giáo đồng hương. Hành động này nhằm thể hiện tình đoàn kết với tất cả những người Hồi giáo đang ăn chay và cầu nguyện để xin ơn hoà bình và ổn định cho Iraq và cho toàn vùng Trung Đông.

 

Minh Đức

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top