Những đặc điểm của chủ thuyết nhân bản Kitô giáo

Những đặc điểm của chủ thuyết nhân bản Kitô giáo

Những đặc điểm của chủ thuyết nhân bản Kitô giáo

WHĐ (17/02/2025) – Đây là bài diễn văn của Đức giáo hoàng Phanxicô tại Đại hội Công giáo toàn quốc Italia, diễn ra tại Florence, vào ngày 10 tháng 11 năm 2015. Bài viết được trích từ Bản tin Hiệp Thông của Hội đồng Giám mục Việt Nam số 93 (tháng 3 & 4 năm 2016).

CHUYẾN THĂM MỤC VỤ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ ĐẾN PRATO VÀ FLORENCE

(10 THÁNG 11 NĂM 2015)

GẶP GỠ NHỮNG THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI CÔNG GIÁO TOÀN QUỐC ITALIA LẦN THỨ V

DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA

Nhà thờ Santa Maria del Fiore, Florence

Thứ ba, 10/11/2015

[Đa phương tiện]

Anh chị em thân mến,

Mái vòm của ngôi nhà thờ chính tòa rất đẹp này được trang trí bằng bức họa Cuộc phán xét chung. Trong đó, Chúa Giêsu, ánh sáng của chúng ta, được đặt ở trung tâm của bức họa. Người ta có thể đọc được câu chữ khắc ở chóp đỉnh của bức bích họa này: “Ecce Homo” (Này là Người). Nhìn lên mái vòm này, chúng ta bị cuốn hút vào chóp đỉnh, nơi đây, chúng ta hãy chiêm ngắm sự biến đổi hình dạng từ một Đức Kitô bị Philatô xét xử trở thành Đức Kitô ngự trên tòa thẩm phán. Một thiên sứ mang cho Đức Giêsu thanh gươm, nhưng Ngài không nắm lấy biểu tượng của việc xét xử này, thay vào đó, Ngài giơ tay phải lên để cho thấy những dấu chỉ của cuộc Vượt Qua, bởi vì Ngài “đã tự hiến làm giá cứu chuộc mọi người” (1 Tm 2, 6). “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 17).

Trong ánh sáng của vị Thẩm phán nhân lành này, chúng ta hãy quỳ gối thờ lạy, và chúng ta được giải thoát. Chúng ta chỉ có thể nói về một chủ thuyết nhân bản từ trọng tâm là Đức Giêsu, khám phá từ nơi Ngài những điểm đặc trưng của một dung mạo con người đích thực. Đây chính là việc chiêm ngắm dung mạo Đức Giêsu chịu chết và phục sinh để khôi phục nhân tính của chúng ta, nhân tính ấy vốn đã bị đổ vỡ do tội lỗi và lao nhọc của cuộc sống. Chúng ta không thể nào hiểu hết sức mạnh của dung mạo Đức Kitô. Dung mạo ấy chính là hình ảnh về sự siêu việt của Ngài. Đó là dung nhan của lòng thương xót (misericordiae vultus). Chúng ta hãy để cho Ngài ngắm nhìn mình. Đức Giêsu chính là học thuyết nhân bản của chúng ta. Hãy luôn luôn tra vấn chính mình bởi câu hỏi của Đức Giêsu: “Phần anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 15).

Nhìn vào khuôn mặt của Ngài, chúng ta thấy điều gì? Trước hết, chúng ta nhận thấy diện mạo của một vị Thiên Chúa “đã hóa ra trống rỗng”, một vị Thiên Chúa đã chấp nhận địa vị tôi tớ, hạ mình và vâng phục đến nỗi bằng lòng chịu chết (cf. Pl 2, 7). Diện mạo của Đức Giêsu cũng tương tự với diện mạo của nhiều anh chị em đang sống trong cảnh tủi nhục, những người nô lệ, những người nghèo túng. Thiên Chúa đã mặc lấy khuôn mặt của họ. Và khuôn mặt ấy nhìn vào chúng ta. Thiên Chúa – Đấng là “Hữu Thể mà không ai có thể nghĩ ra một hữu thể nào cao cả hơn” (the Being of whom one cannot think a greater) như thánh Anselmô nói, hoặc nói như thánh Inhaxiô Loyola Thiên Chúa luôn luôn cao cả hơn (the always greater God) – đã trở nên vĩ đại hơn chính Ngài khi hạ thấp chính mình. Nếu chúng ta không hạ mình xuống, chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhìn thấy dung nhan Ngài. Chúng ta sẽ không nhìn thấy sự sung mãn của Ngài nếu chúng ta không chấp nhận rằng Thiên Chúa đã tự làm cho chính mình hóa ra trống rỗng. Và như vậy, chúng ta sẽ không hiểu chút gì về chủ thuyết nhân bản Kitô giáo, và cho dù lời lẽ của chúng ta sẽ đẹp đẽ, văn hoa, chắt lọc, nhưng chúng không phải là tiếng nói của đức tin. Chúng chỉ là những ngôn từ sáo rỗng.

Ở đây, tôi không muốn phác họa một cách trừu tượng ra đây một chủ thuyết nhân bản, một quan niệm mới mẻ nào đó về con người, nhưng tôi chỉ muốn trình bày một cách đơn giản một vài đặc điểm của chủ thuyết nhân bản Kitô giáo, đó là những “tâm tình của Đức Kitô” (Pl 2, 5). Chúng không phải là những cảm tính hời hợt của tinh thần, mang tính trừu tượng, nhưng chúng cho thấy sức mạnh nội tâm ấm áp làm cho chúng ta có thể sống và đưa ra những quyết định. Những tâm tình đó là gì? Hôm nay, tôi muốn trình bày ít nhất là ba điểm sau đây.

Tâm tình đầu tiên là khiêm nhường. Thánh Phaolô nói với các tín hữu ở Philipphê rằng: “Hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2, 3). Hơn nữa, Thánh Tông Đồ còn nói lên một thực tế là Đức Giêsu không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa (cf. Pl 2, 6). Đây là một thông điệp đặc biệt. Mối bận tâm lo lắng gìn giữ vinh quang của mình, phẩm giá của mình hoặc tầm ảnh hưởng của mình lên người khác không thuộc vào số những tâm tình mà chúng ta đang nói tới. Chúng ta cần phải làm tất cả vì vinh quang Thiên Chúa, và điều này đòi hỏi chúng ta phải quên đi vinh quang của bản thân mình. Vinh quang Thiên Chúa được bừng sáng trong sự khiêm nhường của hang Bêlem và sự nhục nhã của thập giá Đức Kitô, điều này luôn làm chúng ta kinh ngạc.

Một tâm tình khác của Đức Kitô góp phần định hình chủ thuyết nhân bản Kitô giáo là lòng quảng đại. Một lần nữa, chúng ta nghe lại lời Thánh Phaolô nói với các tín hữu ở Philipphê: “Mỗi người đừng tìm tư lợi cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2, 4). Như vậy, với lòng quảng đại, chúng ta cần phải mưu cầu hạnh phúc cho những người đang ở bên cạnh chúng ta. Chủ thuyết nhân bản Kitô giáo luôn luôn hướng đến người khác. Đó không phải là một thứ ái kỉ, tự quy hướng về mình. Khi tâm hồn chúng ta đầy ắp và tự thỏa mãn về chính mình, khi đó tâm hồn chúng ta không còn chỗ cho Thiên Chúa nữa. Do đó, chúng ta cần phải tránh “giam hãm chính mình trong những cấu trúc làm cho chúng ta có một cảm giác an toàn giả tạo, những qui tắc biến chúng ta thành những quan toà tàn nhẫn, với những thói quen làm chúng ta cảm thấy an thân” (Tông huấn Evangelii Gaudium49).

Nhiệm vụ của chúng ta là làm việc và đấu tranh để làm cho thế giới này trở nên một nơi ở tốt đẹp hơn. Đức tin của chúng ta là một sự canh tân triệt để nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta phải để cho sự thúc đẩy này biến đổi chính con người chúng ta, để trở nên con người theo giáo huấn của Tin Mừng Đức Giêsu. Phải làm sao để cuộc sống của chúng ta được quyết định bởi khả năng trao ban chính mình. Đó là sự thăng hóa chính mình để trở nên một đời sống hữu ích.

Một tâm tình khác nữa của Đức Giêsu Kitô đó chính là hạnh phúc thật (beatitude). Kitô hữu là người có phúc, nếu người đó có trong mình niềm vui của Tin Mừng. Chúa chỉ ra cho chúng ta con đường của các mối phúc. Bằng cách đi theo con đường đó, chúng ta, những con người, có thể đạt tới niềm hạnh phúc đích thực về mặt nhân bản lẫn thiêng liêng một cách sâu xa hơn. Chúa Giêsu nói rằng chúng ta chỉ cảm nghiệm được hạnh phúc khi chúng ta có tinh thần nghèo khó. Đối với các vị đại thánh, hạnh phúc phải luôn song hành với khiêm nhường và nghèo khó. Hạnh phúc hệ tại ở những điều tưởng chừng như đơn giản và thấp kém: đó là sự giàu có về tình liên đới, biết chia sẻ ngay cả những điều nhỏ bé, sự phong phú trong việc thánh hiến công việc hằng ngày, đôi khi nặng nhọc và bị đối xử tồi tệ, nhưng chứa đựng tình yêu đối với những người thân yêu, hay nói cách khác luôn chất chứa lòng thương xót. Chính thái độ sống trong niềm tín thác vào sự quan phòng và lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, nuôi dưỡng một sự vĩ đại của lòng khiêm nhường.

Các mối phúc mà chúng ta đọc trong Tin Mừng bắt đầu bằng một lời chúc phúc và kết thúc với một lời lên án. Chúng dẫn chúng ta đi trên một con đường vĩ đại trước hết hệ tại ở tinh thần, và khi tinh thần đã sẵn sàng, tất cả những cái còn lại sẽ đến. Dĩ nhiên nếu chúng ta không mở lòng ra với Thánh Thần, thì dường như những mối phúc ấy là vô lý bởi vì nó không dẫn chúng ta tới “thành công”. “Được chúc phúc”, tận hưởng sự an ủi từ tình bằng hữu với Chúa Giêsu Kitô, nó cần phải có một tấm lòng cởi mở. Các mối phúc thật là một sự đánh đổi rất lớn, được làm nên từ những sự từ bỏ, sẵn sàng lắng nghe và học hỏi. Nhưng những hoa trái của chúng mà chúng ta thu lượm trong thời gian, đem lại cho chúng ta một sự bình an không có gì so sánh được: “Hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo dường bao” (TV 34, 9)!

Khiêm nhường, quảng đại, hạnh phúc: là ba đặc tính mà hôm nay tôi muốn trình bày để anh chị em suy niệm về chủ thuyết nhân bản Kitô giáo, xuất phát từ nhân tính của Con Thiên Chúa. Và những đặc tính này cũng nói điều gì đó với Giáo hội Ý đang tụ họp hôm nay, đang cùng đồng hành với nhau như là mẫu gương của sự liên đới, đoàn kết. Những đặc tính này nói với chúng ta rằng chúng ta không được chạy theo sức mạnh quyền lực, thậm chí khi đối diện với sức mạnh hữu hiệu và hữu ích nơi hình ảnh xã hội của Giáo hội. Nếu Giáo hội không đón nhận những tình cảm của Chúa Giêsu, Giáo hội bị lạc đường, đánh mất ý nghĩa. Thay vào đó, nếu Giáo hội đón nhận chúng, Giáo hội mới có thể sống đúng sứ mạng của mình. Tình cảm của Chúa Giêsu nói cho chúng ta rằng: nếu một Giáo hội chỉ biết nghĩ về chính mình và những mối quan tâm riêng thì sẽ rất đáng buồn. Cuối cùng, các mối phúc còn là tấm gương để chúng ta có thể nhìn thấy chính mình trong đó, điều này cho phép chúng ta biết chúng ta đi trên đường đúng hay không: tấm gương không nói dối.

Giáo hội có những đặc điểm ấy – khiêm nhường, quảng đại, hạnh phúc – là một Giáo hội giúp con người có thể nhận ra hành động của Chúa trong thế giới, trong nền văn hoá, trong cuộc sống hàng ngày của kiếp nhân sinh. Tôi đã nhiều lần nói về điều này và hôm nay tôi xin lặp lại một lần nữa: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục” (Tông huấn Evangelii Gaudium49). Tuy nhiên, tôi biết rằng vẫn có những cám dỗ; chúng ta phải đối diện với rất nhiều cám dỗ. Tôi sẽ trình bày ít nhất hai cám dỗ. Đừng sợ, đây không phải là danh sách các cám dỗ đâu, bởi vì tôi đã nói về 15 cám dỗ ấy với giáo triều rồi.

Trước hết là thuyết Pelagiô.[1] Nó thúc đẩy Giáo hội không được khiêm nhường, ích kỉ và không hạnh phúc. Và nó cũng làm như vậy với một dáng vẻ tốt lành. Những người theo thuyết Pelagiô dẫn chúng ta tới một sự tin tưởng vào cấu trúc, tổ chức, trong những kế hoạch, chúng hoàn hảo bởi vì chúng trừu tượng. Thông thường nó cũng dẫn chúng ta đi tới chỗ thừa nhận một kiểu kiểm soát, cứng nhắc, của sự quy chuẩn. Quy phạm đem lại cho những người Pelagiô một sự an toàn của cảm giác bề trên, của việc có một định hướng chính xác rõ ràng. Người đó tìm sức mạnh của mình trong chính mình, chứ không phải trong sự soi sáng của hơi thở Thần Khí. Khi đối diện với những sự dữ hoặc các vấn đề của Giáo hội, thật là vô ích khi tìm kiếm các giải pháp trong chủ nghĩa bảo thủ và chủ thuyết giải thích Kinh Thánh theo nghĩa chữ (fundamentalism), hay trong việc phục hồi lại hạnh kiểm bị hư hỏng và những hình thức khắc phục không có ý nghĩa quan trọng nào về mặt văn hoá. Giáo thuyết Kitô giáo không phải là một hệ thống khép kín không có khả năng đặt ra vấn đề, nghi ngờ, nêu lên những câu hỏi, nhưng nó sống động, nó có thể gây băn khoăn, nó có thể khích lệ động viên. Nó không có một khuôn mặt khắt khe, nhưng nó có một thân thể linh động và phát triển; nó có một thân xác mềm mại: giáo thuyết Kitô giáo được gọi là Giêsu Kitô. Như vậy, việc cải cách của Giáo hội – một Giáo hội luôn luôn thay đổi – là điều xa lạ đối với những người Pelagiô. Nó không thể tìm thấy trong chính nó một kế hoạch chi tiết để thay đổi cấu trúc. Nhưng trong thực tế, mọi thứ đều có thể với sự bậc thiên tài và óc sáng tạo.

Giáo hội Ý phải để cho chính mình được hướng dẫn bởi hơi thở mạnh mẽ và như vậy đôi khi cũng là hơi thở đầy thao thức băn khoăn. Giáo hội phải luôn mặc lấy tinh thần của những vị khai phá vĩ đại của Giáo hội, những người đã say mê dong duổi trên những con tàu với những chuyến hải hành trên biển cả và không lo sợ trước những biên giới và những cơn bão tố. Giáo hội cần phải là một Giáo hội tự do, mở ra với những thách đố của hiện tại, không bao giờ khép kín vì nỗi sợ hãi mất mát điều gì đó. Và Giáo hội cần luôn khuyến khích con người mà Giáo hội tiếp xúc, để được như vậy, Giáo hội cần đón nhận sự quyết tâm của thánh Phaolô: “Tôi trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1Cr 9, 22).

Cám dỗ nổi bật thứ hai là Ngộ đạo thuyết.[2] Nó dẫn tới niềm xác tín vào lý trí hợp lý và rõ ràng, tuy nhiên, nó đánh mất sự mềm dẻo của thân xác bằng xương bằng thịt của con người. Sự yêu thích của ngộ đạo thuyết đó là “một đức tin thuần tuý chủ quan chỉ quan tâm duy nhất tới một kinh nghiệm nào đó hay một tập hợp các ý niệm và các thông tin có mục đích an ủi và soi sáng, nhưng rốt cuộc nó giam hãm một cá nhân trong các tư tưởng và tình cảm của mình” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 94). Ngộ đạo thuyết không thể trở nên tốt hơn. Sự khác biệt giữa sự siêu việt Kitô giáo và một hình thức nào đó của duy linh của Ngộ đạo nằm ở mầu nhiệm Nhập Thể. Không đưa vào thực hành, không dẫn Ngôi Lời vào thực tại, có nghĩa là xây nhà trên cát, vẫn duy trì trong một ý niệm thuần tuý và thoái hoá thành một cái gì đó riêng tư không sinh hoa trái, làm cho nó trở nên khô cằn.

Giáo hội Ý có những vị thánh vĩ đại làm mẫu gương giúp Giáo hội sống đức tin với lòng khiêm nhường, không ích kỉ, vui vẻ, ví dụ như thánh Phanxicô Assisi cho đến thánh Philiphê Nêri. Nhưng chúng ta cũng nghĩ về sự đơn sơ của những nhân vật tưởng tượng như là Don Camillo cùng với Peppone. Tôi ấn tượng bởi cách thức mà trong những câu chuyện của Guareschi, lời cầu nguyện của một cha xứ tốt lành nói lên được sự gần gũi với dân chúng. Don Camillo nói với chính mình: “Tôi là một linh mục miền quê nghèo. Tôi biết từng người giáo dân trong giáo xứ. Tôi yêu thương họ. Tôi biết những niềm vui nỗi buồn của họ. Tôi đau khổ và có thể vui cười với họ.” Gần gũi với dân chúng và cầu nguyện là chìa khoá cho việc sống một đời sống nhân bản Kitô giáo hạnh phúc, quảng đại, khiêm nhường, gần gũi với mọi người. Nếu chúng ta mất mối liên hệ với dân chúng trung thành với Thiên Chúa chúng ta đánh mất nhân tính và không thể đi đâu được.

Nhưng khi đó, anh chị em có thể hỏi: chúng tôi phải làm gì, thưa Cha? Điều mà Giáo hoàng yêu cầu nơi chúng tôi là gì?

Nó tuỳ thuộc vào quyết định của anh chị em: dân chúng cùng với các mục tử. Hôm nay, tôi đơn giản mời gọi anh chị em để tâm suy nghĩ và chiêm nghiệm một lần nữa bức hoạ Ecce Homo đang ở trên đầu của anh chị em. Chúng ta hãy dừng lại để chiêm nghiệm cảnh này. Chúng ta hãy hướng về Đức Giêsu được trình bày ở đây như là Vị Thẩm Phán của Vũ Trụ. Những gì sẽ xảy ra “"Khi con Người đến trong vinh quang của Ngài, và cùng với Ngài, hết thảy các thiên thần, bấy giờ Ngài sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Ngài” (Mt 25, 31).

Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ là Ngài cũng có thể nói: “"Hỡi phường bị chúc dữ, hãy xéo đi xa Ta, mà vào lửa đời đời đã dọn sẵn cho ma quỉ cùng chư thần của nó. 42Vì xưa Ta đói mà các ngươi không cho Ta ăn, Ta khát mà các ngươi không cho Ta uống, 43 Ta là khách lạ mà các ngươi không tiếp rước, Ta mình trần mà các ngươi không cho mặc, Ta đau yếu và ở tù mà các ngươi đã không thăm viếng" (Mt 25, 41-43).

Những mối phúc và những lời mà chúng ta vừa đọc trong cuộc phán xét chung giúp chúng ta sống đời sống Kitô hữu ở mức độ thánh thiện. Chúng tuy ngắn ngủi, đơn giản nhưng là những lời thực tế. Có hai cột trụ: các mối phúc và những lời trong cuộc phán xét cuối cùng. Xin Chúa ban ân sủng cho chúng ta để chúng ta hiểu được thông điệp của Người. Và chúng ta hãy nhìn một lần nữa những điểm đặc biệt nơi gương mặt Đức Giêsu và nơi cử chỉ của Người. Chúng ta thấy Chúa Giêsu ăn uống với các tội nhân (Mc 2, 16 ; Mt 11, 19); chúng ta hãy chiêm nghiệm Đức Giêsu trong khi Người nói với người phụ nữ Samari (Ga 4, 7-26); chúng ta hãy nhìn Người khi Người gặp Nicôđêmô vào ban đêm (Ga 7, 33); chúng ta hãy thưởng thức với lòng yêu mến cảnh Người được một cô gái điếm xức dầu (Lc 7, 36-50); chúng ta hãy cảm nhận ơn cứu độ của Người trên đầu lưỡi của chúng ta, được Người tháo cởi (Mc 7, 33). Chúng ta hãy ngưỡng mộ sự hấp dẫn đối với mọi người “tụ tập quanh các Môn đệ, là chúng ta và chúng ta hãy cảm nghiệm lòng đơn sơ vui vẻ (Cv 2, 46).

Tôi xin các giám mục hãy là những Mục tử, và đừng là gì khác hơn là Mục tử. Đây là niềm vui của anh em: “Tôi là một Mục tử”. Phải làm sao để dân chúng, đoàn chiên của anh em đi theo anh em. Gần đây, tôi đọc về một giám mục ở Metro trong suốt giờ cao điểm và nơi đó có nhiều người qua lại đến nỗi ngài không còn biết để bàn tay vào đâu. Bị đẩy từ phải sang trái, ngài phải nương tựa vào những người xung quanh để khỏi bị ngã. Và ngài nhận thấy rằng, ngoài những lời cầu nguyện, những gì làm cho một giám mục đứng vững là đoàn chiên của mình.

Không có điều gì và cũng không ai có thể lấy mất niềm vui của anh em khi được đoàn chiên ủng hộ. Là những mục tử, anh em đừng làm những người rao giảng những học thuyết phức tạp cao xa, nhưng là sứ giả của Đức Kitô – Đấng đã chết và phục sinh cho chúng ta. Tập trung vào những gì chính yếu, lời rao giảng tiên khởi Kerygma. Không có gì chắc chắn, sâu sắc và bền vững hơn lời rao giảng này. Nhưng tôi hy vọng rằng tất cả Dân Thiên Chúa – mục tử cũng như đoàn chiên – cùng nhau rao giảng Tin Mừng. Tôi cũng đã trình bày những điều liên quan đến mục tử trong Tông Huấn Evangelii Gaudium (cf. nn. 111-134).

Tôi xin đề nghị với toàn thể Giáo hội Ý những gì tôi đã nói tới trong Tông Huấn: cần phải hướng sự quan tâm của xã hội đến những người nghèo, những người có một vị trí đặc biệt trong Dân Thiên Chúa, và cần phải có khả năng gặp gỡ và đối thoại để theo đuổi tình thân hữu xã hội trong quốc gia của bạn, tìm kiếm công ích.

Việc lựa chọn người nghèo là “một hình thức ưu tiên đặc biệt trong việc thực hành đức ái Kitô giáo, được chứng thực bởi toàn bộ Truyền thống của Giáo hội” (Gioan Phaolô II, Encyclical Sollicitudo Rei Socialis, 42). Lựa chọn này “ẩn tàng trong đức tin Kitô giáo rằng Thiên Chúa đã làm cho mình trở nên nghèo vì chúng ta, để chúng ta được giàu có trong sự nghèo khó của Ngài” (Benedict XVI, Diễn văn khai mạc Hội nghị các Giám mục Châu Mỹ Latin lần thứ V). Người nghèo biết rõ tâm tình của Đức Giêsu Kitô bởi vì họ biết Đức Kitô đau khổ bởi chính kinh nghiệm của họ. “Chúng ta được kêu gọi tìm thấy Đức Kitô nơi họ, lên tiếng bênh vực mục đích của họ, nhưng đồng thời cũng là bạn của họ, nghe họ, nói với họ và ôm ấp sự khôn ngoan mầu nhiệm mà Thiên Chúa muốn chia sẻ với chúng ta thông qua họ” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 198).

Nguyện xin Thiên Chúa bảo vệ Giáo hội Ý tránh làm những vị đại diện, những hình ảnh của quyền lực, của tiền bạc. Sự nghèo khó của Phúc âm là khả năng sáng tạo, biết đón nhận, hỗ trợ và nó chất chứa nhiều hy vọng. Chúng ta ở đây, Florence, thành phố xinh đẹp. Thật đẹp biết bao khi thành phố này được dùng để phục vụ công việc bác ái. Tôi đang nghĩ về Hospital of the Innocents, như là một ví dụ. Là một trong những kiến trúc thời phục hưng, nó được xây dựng để phục vụ những trẻ em bị bỏ rơi và những người mẹ tuyệt vọng. Thông thường những người mẹ bị bỏ rơi, cùng với trẻ sơ sinh, giữ những huân chương được cắt một nửa với niềm hy vọng rằng họ có thể nhận ra con của họ vào một thời điểm tốt hơn, với nửa tấm huân chương ấy. Chúng ta hãy tưởng tượng ra sự nghèo khó của chúng ta cũng có một tấm huy chương bị cắt. Chúng ta phải tìm ra một nửa kia. Bởi vì Mẹ Giáo hội có ở Ý một nửa tấm huy chương để nhận ra tất cả những đứa con bị bỏ rơi, bị áp bức bóc lột, nghèo khổ. Và đây luôn luôn là một trong các nhân đức của anh chị em, bởi vì anh chị em biết rõ rằng Chúa đã đổ máu ra không phải chỉ cho một số người, hay một ít người, nhưng là cho tất cả mọi người.

Một cách đặc biệt, tôi cũng nhắc nhở anh chị em về khả năng đối thoại và gặp gỡ. Đối thoại không phải là thương lượng. Thương lượng là cố gắng để có được một mẩu bánh từ ổ bánh chung. Đây không phải là những gì tôi muốn nói tới, nhưng đối thoại là tìm kiếm thiện ích chung cho tất cả mọi người. Thảo luận với nhau, và thậm chí tôi dám nói là nổi giận với nhau, nhưng cùng suy nghĩ để tìm ra giải pháp cho tất cả mọi người. Nhiều lần, một cuộc gặp gỡ bao gồm cuộc xung đột. Có sự xung đột trong đối thoại: đó là điều hợp lý và có thể tiên đoán trước. Và chúng ta không được sợ hãi hay làm ngơ, nhưng phải chấp nhận sự xung đột. Chúng ta phải “sẵn sàng trực diện với xung đột, giải quyết nó và làm nó trở thành mắt xích trong sợi dây của một qui trình mới. “Phúc cho những ai xây dựng hoà bình!” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 227).

Tuy nhiên, chúng ta phải luôn nhớ rằng không có một chủ nghĩa nhân bản đích thực nào mà không nhận thấy tình yêu như là sự nối kết giữa con người với nhau, với bản chất liên vị, sâu sắc, xã hội, chính trị hay lý trí. Nền tảng này là yếu tố cần thiết cho đối thoại và gặp gỡ để xây dựng xã hội dân sự cùng với người khác. Chúng ta biết rằng câu trả lời tốt nhất cho bản chất xung đột của con người, theo cách nói nổi tiếng của Thomas Hobbes, “con người là con sói” (homo homini lupus), đó chính là “Ecce Homo” của Chúa Giêsu người đã không kháng cáo, nhưng đón nhận và trả giá bằng chính mạng sống mình, để cứu độ.

Xã hội Ý được xây dựng khi sự phong phú đa dạng về mặt văn hoá của nó có thể đối thoại mang tính cách xây dựng: công chúng, học thuật, người trẻ, nghệ thuật, kĩ thuật, kinh tế, chính trị, truyền thông... Hy vọng Giáo hội được dậy men đối thoại, gặp gỡ và hiệp nhất. Hơn nữa, những công thức đức tin của chúng ta cũng chính là hoa trái của việc đối thoại và gặp gỡ giữa các nền văn hoá, các cộng đoàn và các thực thể khác nhau. Chúng ta không được sợ đối thoại: trong thực tế, đó chính là sự đối đầu và phê bình giúp chúng ta giữ vững nền tảng thần học khỏi bị biến thành một ý thức hệ.

Thêm vào đó, cần nhớ rằng cách tốt nhất để đối thoại không phải là nói và tranh luận, nhưng là làm việc gì đó chung với nhau, xây dựng với nhau và lập những kế hoạch, không phải của riêng chúng ta, giữa những người Công giáo, nhưng là cùng với những người có thiện chí – và không sợ những cuộc xuất hành cần thiết để đi đến một cuộc đối thoại đích thực. Nếu không thì không thể hiểu những lý do của người khác, hay để hiểu sâu sắc hơn về người anh em của chúng ta, về những quan tâm của họ hơn là những quan điểm mà chúng ta xét thấy là rất khác biệt với chúng ta, mặc dù những khác biệt là điều chắc chắn. Chúng ta phải nhận ra, đó là người anh chị em của chúng ta.

Nhưng Giáo hội cũng phải có khả năng đưa ra câu trả lời rõ ràng khi đối diện với những đe doạ phát sinh từ những cuộc tranh luận công khai: đây là một trong những cách đóng góp đặc biệt của các tín hữu trong việc xây dựng xã hội chung. Các tín hữu là nhưng công dân. Và tôi nói ở đây, ở Florence, nơi mà nghệ thuật, đức tin và trách nhiệm công dân luôn ở trong tình trạng quân bình nhưng năng động giữa việc tố cáo và đưa ra những kiến nghị. Quốc gia không phải là một bảo tàng viện, nhưng là một công việc tập hợp trong một cấu trúc bền vững, trong đó mọi thứ khác biệt nhau, bao gồm các thành viên mang những tư tưởng chính trị và tôn giáo khác nhau, nhưng biết cùng nhau xây dựng.

Tôi xin kêu gọi tất cả mọi người bằng những lời của thánh Gioan Tông đồ: “Tôi viết cho anh em, hỡi các bạn trẻ, anh em là những người mạnh mẽ” (1Ga 2, 14). Những người trẻ cần phải vượt qua sự thờ ơ lãnh đạm. Hy vọng là không ai coi thường anh em vì sự non trẻ, nhưng là gương mẫu về lời ăn tiếng nói và cách cư xử (cf. 1Tm 4, 12). Tôi xin anh em hãy trở nên những người xây dựng nước Ý, cùng nhau là việc cho một nước Ý tốt đẹp hơn. Xin hãy làm ơn, đừng nhìn cuộc đời từ ban công, nhưng hãy dấn thân chính mình, đi vào xã hội rộng lớn và đối thoại chính trị. Hãy để đôi tay đức tin anh em hướng lên Thiên Đàng, nhưng chúng được giơ lên khi đang xây dựng một thành phố được kết cấu bằng những mối quan hệ trong đó tình yêu của Thiên Chúa là nền tảng. Và do đó, anh em sẽ được tự do chấp nhận những thách đố hiện nay, sống những thách đố và thay đổi đó.

Có thể nói rằng ngày nay chúng ta không sống trong một thời đại thay đổi nhưng trong một sự thay đổi thời đại. Do đó, những hoàn cảnh mà chúng ta đang sống hôm nay đặt ra những thách đố mới, mà nhiều lúc đối với chúng ta, thật không dễ dàng thấu hiểu. Thời đại của chúng ta đòi hỏi chúng ta sống những vấn đề như là những thách đố chứ không phải rào cản: Chúa hoạt động trong các công việc trên thế giới. Do đó, anh chị em phải lên đường và đi tới các ngã đường: kêu gọi tất cả những ai chúng ta gặp, không loại trừ một ai (cf. Mt 22, 9). Trên hết, cùng với người đang đứng bên kia đường “người què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc” (Mt 15, 30). Cho dù anh em ở đâu, anh em đừng bao giờ xây tường thành hay ranh giới, nhưng hãy xây quảng trường và những bệnh viện.

* * *

Tôi rất hài lòng với Giáo hội Ý, một Giáo hội không ngưng nghỉ nhưng luôn luôn đi đến gần hơn với những người bị bỏ rơi, bị quên lãng, những người tội lỗi. Tôi ao ước một Giáo hội hạnh phúc với gương mặt của một người mẹ, thấu hiểu, cảm thông và luôn ân cần chăm sóc. Anh chị em cũng hãy mơ về Giáo hội này, tin vào Giáo hội; canh tân với sự tự do. Với chủ thuyết nhân bản Kitô giáo, anh chị em được kêu gọi để sống xác tín một cách sâu sắc về nhân phẩm của mỗi người như là Con Thiên Chúa; nó thiết lập giữa những con người với nhau một tình anh em căn bản, nó dạy chúng ta hiểu rõ về công việc, sống với công trình tạo dựng như là ngôi nhà chung, nó nuôi dưỡng lý trí, niềm vui và hài hước ở giữa cuộc đời, vốn dĩ là điều khó khăn.

Mặc dù tôi không có ý nói làm sao thực hiện giấc mơ này ngay ngày hôm nay, nhưng xin cho phép tôi đưa ra một định hướng trong năm sắp tới: trong mỗi cộng đoàn, mỗi giáo xứ, mỗi dòng tu, mỗi giáo phận và mỗi khu vực, trong mỗi vùng hãy tìm cách tổ chức theo cách thức của một hội nghị (synod), để suy tư một cách sâu sắc hơn về Tông huấn Evangvelii Gaudium, để rút ra những tiêu chí thực hành và hành động dựa trên những hướng đi của nó, đặc biệt là ba hoặc bốn điểm ưu tiên mà anh chị em đưa ra qua hội nghị này. Tôi chắc chắn rằng, khả năng của anh chị em sẽ tiến hành một cách sáng tạo phong trào này để đưa ra những hành động cụ thể. Tôi chắc chắn về điều này bởi vì anh chị em là một Giáo hội trưởng thành, cổ kính trong đức tin, có nền tảng vững chắc và sinh sản rất nhiều hoa trái. Do đó, sáng tạo trong việc diễn tả qua những bậc nhân tài, những vĩ nhân của anh chị em, từ Dante cho đến Michelganelo, được thể hiện trong một cách thức có một không ai. Tin tưởng vào khả năng xuất chúng của các Kitô hữu Ý, không mang tính gia trưởng cũng không cá nhân hay quý tộc, nhưng là của cộng đồng, của những con người của một quốc gia xuất sắc.

Tôi xin trao phó anh chị em cho Đức Maria, Đấng mà ở Florence này được tôn kính như là “Most Holy Annuziata.” Trong bức hoạ trên tượng được thấy ở Basilica với cùng một tên gọi ấy – nơi mà tôi sẽ tới đó một lát – Thiên Thần im lặng và Đức Maria nói: “Ecce ancilla Domini.” Tất cả chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của những lời nói này. Tôi cũng ước mong sao toàn thể Giáo hội cùng nói những lời ấy với Mẹ Maria. Xin cám ơn!

Cecile Liễu – Joseph Tuấn

Dịch từ: vatican.va

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 93 (Tháng 3 & 4 năm 2016)

_____

[1] Lạc thuyết này do Pelagiô (360-418) chủ trương, với quan niệm cho rằng do tự sức cố gắng của mình, con người có thể đạt được ơn cứu độ, chứ không nhất thiết cần có ân sủng của Thiên Chúa (ND).

[2] Ngộ đạo thuyết (Gnosticism) chủ trương về một tri thức hoàn hảo, được mạc khải, được chiếm hữu và truyền đạt bởi những người được khai tâm, với tham vọng đưa ra một giải thích toàn triệt về thế giới, về huyền nhiệm của hiện hữu, dựa trên cơ sở nhị nguyện (đối lập giữa thế giới sự thiện và thế giới sự dữ), và qua đó mở ra con đường cứu độ cho tinh thần.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top