Nhậm chức, nhận chức?

Nhậm chức, nhận chức?

Tại Giáo phận Sài Gòn, năm nào có phong chức linh mục, thì khoảng giữa năm thường có đợt thuyên chuyển lớn, các cha phải rời nhiệm sở cũ, đến nhiệm sở mới. Một người đi tới nhiệm sở mới, nhận nhiệm vụ mới thì gọi là nhậm chức hay nhận chức?
 
1. Nghĩa của những chữ nhậm, nhận, chức.
 
1.1. Nhậm.
 
Có nhiều chữ Hán: 任, 妊, 恁, 衽 (袵). Ở đây là chữ任, chữ này có hai âm là nhậm hay nhiệm, nghĩa là: dt. (1) Công vụ, chức trách: phó nhậm (tới làm cái chức phận của mình); thượng nhậm (ra làm quan); ly nhậm (từ quan); nhậm nội (đương khi giữ chức); (2) Họ, tên người: Nhậm Diên, Ngô Thời Nhậm (Ngô Thời Nhiệm); đt. (3) Đặt vào công vụ: nhậm mệnh, nhậm nhân duy thân (đem bè cánh ra làm công vụ); (4) Gánh vác, tiếp nhận, chịu, đương: nhậm lao (gánh vác lấy sự khó nhọc); nhậm giáo đa niên (dạy học nhiều năm); nhậm oán (chịu lấy sự oán trách); chúng nộ nan nhậm (chúng giận khó đương); (5) Buông thả: nhậm kì tự lưu (để mặc thời thế); (6) Sử dụng, dùng: tri nhân thiện nhậm (biết người khéo dùng); (7) Tin cậy: tín nhậm (nhiệm); pht. (8) Mấy cụm từ: nhậm hà (bất luận); nhậm bằng (mặc kệ, mặc ý); nhậm tiện (tuỳ ý); nhậm tình (mặc sức); nhậm ý (mặc ý).
 
Nghĩa Nôm: Nhận từ người dưới: nhậm lễ, nhậm lời.
 
1.2. Nhận.
 
Có nhiều chữ Hán: 認 (认), 刃, 仞, 仭, 牣, 紉 (纫), 軔 (轫), 韌 (韧). Ở đây là chữ認, nghĩa là: đt. (1) Biết rõ, nhận biết: nhận minh (nhận rõ ràng); (2) Bằng lòng, chịu là đúng, ưng thuận, đành chịu: nhận cấu (đồng ý mua); thừa nhận (vâng cho là được), công nhận (mọi người đều cho là được); nhận tội; (3) Đón lấy, thâu lấy: nhận khuê tử (nuôi làm con); (4) (Con nít) sợ kẻ lạ: nhận sinh (sợ người lạ mặt).
 
Nghĩa Nôm: đt. (1) Đè xuống, dìm cho ngập nước: nhận bộ quần áo vào thùng giặt; (2) Nong vào khuôn, khảm vào: nhận khuôn, vàng nhận hột xoàn; (3) Chịu lấy, lãnh, thu về cái được gởi, được trao cho mình: nhận quà, nhận thư; (4) Đồng ý và hứa làm theo yêu cầu: nhận sẽ giúp đỡ.
 
1.3. Chức.
 
Có nhiều chữ Hán: 職 (职), 軄, 織 (织), 綕. Ở đây là chữ職 (职), nghĩa là: dt. (1) Việc quan, công vụ, bổn phận: xứng chức (xứng đáng với cái chức của mình); tử chức (chức phận làm con), phụ chức (chức phận làm vợ); (2) Nhiệm sở: tựu chức (đến sở làm, tới nhận nhiệm vụ); (3) Chư hầu vào chầu thiên tử, cấp dưới tự xưng đối với cấp trên: thuật chức (bày kể công việc của mình làm); chức đẳng bái tạ (chúng tôi cám ơn); (4) Thuế: phân chức (phân chia loại thuế); (5) Cống phẩm: tứ di nạp chức (rợ mọi bốn phương nộp cống phẩm); (6) Phân loại chức quan: văn chức (chức văn), vũ chức (chức võ); (7) Phạm vi quản lý: phân chức (chia phần quản lý); (8) Họ Chức; đt. (9) Quản lý; pht. (10) Bởi vì: chức thị chi cố (vì cớ này).
 
Nghĩa Nôm: dt. Quyền tước, danh phận: chức việc, lên chức.
 
2. Nhậm chức hay nhận chức?
 
2.1. Nhậm chức.
 
Từ này có hai nghĩa: theo nghĩa chữ Hán là làm việc, giữ chức, như nhậm chức ngân hàng (làm việc tại ngân hàng). Nhưng theo nghĩa Nôm hay chữ Hán đã được Việt hóa thì là gánh vác, đảm đương chức vụ.
 
Thường thì chức vụ là do cấp trên giao mà nhận lấy chức vụ đó. Cấp trên bổ nhiệm, cấp dưới nhậm chức (nhiệm và nhậm cũng một chữ 任), đúng là cùng một hệ thống chữ nghĩa, cho nên dùng thuật từ nhậm chức  là rất đúng.
 
2.2. Nhận chức.
 
Nhận, theo nghĩa Hán là nhìn biết, chịu, bằng lòng, theo nghĩa này, thuật từ nhận chức trở thành vô nghĩa (nên không có thuật từ này trong chữ Hán). Theo nghĩa Nôm là tiếp đón, chịu lấy, lãnh lấy. Nhận chức cũng hiểu được là lãnh lấy chức vụ, nhưng không diễn tả được trách nhiệm đối với chức vụ, nên tuy có người dùng thuật từ này nhưng trong các từ điển đều không có.
 
2.3. Nhận (Nôm) hay nhậm (Hán, Nôm) đều có nghĩa tiếp đón, chịu lấy, nhưng nếu dùng từ nhậm theo nghĩa Nôm thì có hàm ý tiếp đón, chịu lấy cái gì đó từ người bề dưới, như nhậm lễ, nhậm lời. Nhận được hiểu trong tương quan với trao (giao), traonhận có tính cách bình đẳng, "tôi trao anh nhận"; còn nhậm được hiểu trong tương quan với dâng, dângnhậm có tính cách phẩm trật, "con dâng Chúa nhậm" thích hợp dùng trong phụng vụ hơn. Nên khi chúng ta khấn xin Chúa đoái nhận lời cầu nguyện của mình thì nói "xin Chúa nhậm lời chúng con" sẽ thích hợp hơn nói "xin Chúa nhận lời chúng con".
 
3. Nhiều thuật từ Công Giáo vẫn còn gây tranh cãi, như nên nói Kinh Thánh hay Thánh Kinh. Người ta tranh cãi mà không có hồi kết, vì không tìm đến tận gốc của chữ nghĩa. Trường hợp nhậm chức, nhận chức cũng vậy, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của nó, nhất là nên tìm hiểu xem thuật từ đó theo nghĩa Hán hay là Nôm. Nhiều khi cùng là một chữ, nhưng dùng theo nghĩa Hán hay Nôm thì nghĩa của nó không giống nhau. Một khi phân định được một chữ phải giải thích theo nghĩa gì thì vấn đề có thể được giải quyết.
 
Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 30.05.09, trang 12, có đăng tin về hội thảo khoa học có tên “Nghiên cứu Hán Nôm và văn hóa Việt Nam” do bộ môn Hán Nôm - khoa văn học và ngôn ngữ của Trường đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP. HCM tổ chức sáng 29.05.2009, nhằm khẳng định sự quan trọng của việc học và nghiên cứu các di sản Hán Nôm trong văn hóa Việt Nam. Trong đó có tham luận của GS Nguyễn Đình Chú cho rằng “cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong các trường phổ thông Việt Nam”. Đề nghị này được nhiều người chia sẻ, nhưng để hình thành một nội dung mới có tính “thay đổi lớn” như thế đối với nền giáo dục nước nhà là điều không đơn giản.
 
Về phía Hội Thánh, trong cuộc gặp gỡ với các linh mục phụ trách những xứ đạo trong Giáo phận Roma vào đầu Mùa Chay vừa qua (2009), Đức Thánh cha Bênêđictô XVI đã khuyến khích các linh mục phải hiểu biết tường tận về văn hóa, duy trì đức tin làm điểm tham chiếu, hầu có thể giúp giáo dân tạo được cho mình những phẩm cách trưởng thành ở cả hai mặt: là con người và là tín hữu [1]. Vậy, nên chăng chủng viện của chúng ta có thêm môn Hán Nôm?
 
------------------------------
Ghi chú:
[1]http://www.vietcatholic.org/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=64826.
 

Top